Dù bạn làm gì, ở đâu, cùng ai, làm được 4 điều này thì sẽ có cuộc sống hạnh phúc viên mãn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống, tu dưỡng được 4 điều này, chúng ta sẽ có cuộc sống viên mãn.

Một thanh niên đến thăm một nhà thông thái lớn tuổi và hỏi nhà thông thái:

“Làm sao mới có thể trở thành một người mang lại hạnh phúc cho chính mình và có thể mang lại hạnh phúc cho người khác?”

Nhà thông thái mỉm cười đáp: “Vô ngã, từ bi, trí tuệ, tự tại”.

"Vô ngã" là gì? Vô ngã chính là coi mình như một người khác.

“Từ bi” là gì? Từ bi có nghĩa đối xử với người khác như chính mình.

"Trí tuệ" là gì? Trí tuệ là đối xử với người khác như những người khác.

"Tự tại" là gì? Tự tại có nghĩa là mình được là chính mình.

1. Coi mình như một người khác

Có một câu chuyện về sợi mì nát, từng đăng trên mạng xã hội.

Một cặp vợ chồng già đã dành phần lớn cuộc đời của họ bên nhau. Ông lão chỉ có một điều không hài lòng với bà cụ, đó là món mì bà nấu quá tệ.

Trong nhiều năm qua, ông đã nhiều lần đưa ra lời khuyên tương tự: “Đừng nấu mì quá tệ, chỉ cần nấu trong 5 phút thôi”. Nhưng khi đến bàn ăn, thứ ông nhìn thấy luôn là một tô mì chín nhừ.

Một ngày nọ, cuối cùng ông lão không thể chịu nổi nữa và quyết định tự mình làm, ông chỉ nấu mì trong 5 phút, mì vừa chín tới.

Ông vội gọi bà cụ vẫn đang ở trong phòng ngủ: “Mau dậy đi! Hôm nay, tôi nhất định phải cho bà xem, nấu mì sợi thế nào mới không nát!”

Bà cụ nằm trên giường nói: "Không phải vậy! Hôm nay, tôi phải cho ông thấy bát mì nấu ngon đã trở thành bị nát như thế nào!"

Tô mì. (Pixabay)

Hóa ra không phải bà lão không biết nấu mì, mà là ông lão ngày ngày ngủ nướng trên giường làm hỏng bát mì ngon.

Trong cuộc sống, nhiều người làm rối tung mọi chuyện, mối quan hệ rạn nứt, thích trốn tránh trách nhiệm, luôn cho rằng đó là lỗi của người khác, nhưng lại không biết rằng vấn đề nằm ở chính mình.

"Khi không thể làm được việc gì, hãy nhìn lại chính mình". Khi gặp vấn đề, thay vì đổ lỗi cho người khác và mù quáng đổ lỗi cho người khác, tốt hơn hết bạn nên nhìn lại bản thân và tìm ra nguyên nhân từ chính mình.

Nhà thơ Đức Heine từng nói: "Xét lại bản thân là một tấm gương có thể chỉ ra rõ ràng những sai lầm của chúng ta, cho chúng ta cơ hội sửa chữa".

Đối xử với bản thân như một người khác chính là nói về sự xem xét nội tâm.

Chỉ khi chủ động nhìn vào “tấm gương” những khuyết điểm của mình, bình tĩnh đối mặt với lỗi lầm, khiêm tốn nhìn lại bản thân thì bạn mới có thể đứng cao hơn, trở nên tốt hơn và tiến xa hơn.

Người xưa có câu: “Đừng nói nhỏ về lỗi lầm của người khác, hãy ngồi im và nghĩ về lỗi lầm của chính mình”.

Khi một người thật sự biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, mới bỏ được tính khí oán trách, làm dịu đi những nóng nảy của cuộc sống, từ đó có cái tâm rộng lượng, cao thượng mà chọn điều thiện.

2. Đối xử với người khác như chính mình

Trong cuộc sống mỗi người đều có vị trí, hoàn cảnh riêng, mọi thứ họ nhìn nhận sẽ khác nhau, dễ dẫn đến những hiểu lầm, mâu thuẫn.

Đối xử với người khác như chính mình, chủ động suy nghĩ từ quan điểm của người khác, đó là một sự giáo dưỡng bắt nguồn từ nội tâm, là lòng thiện lương nghĩ cho người khác.

Chỉ có trái tim cảm thông đồng cảm thì mới đắc nhân tâm.

Có một câu chuyện như thế này:

Một con lợn, một con cừu và một con bò được người chăn cừu nhốt trong cùng một chuồng.

Một ngày nọ, người chăn nuôi bắt những con lợn ra khỏi chuồng, chỉ nghe tiếng kêu lớn của chúng và sự phản kháng dữ dội.

Cừu và bò ghét tiếng kêu thét của lợn và phàn nàn: "Chúng ta thường xuyên bị người chăn cừu bắt đi, không có ai la hét lên như ngươi”.

Con cừu. (Pixabay)

Con lợn nghe vậy liền trả lời: “Bắt các anh và bắt tôi hoàn toàn là hai việc khác nhau, người bắt các anh đi, họ chỉ là lấy lông và sữa, còn bắt tôi đi tức là lấy mạng của tôi”.

Có một câu nói rất hay: "Bạn chưa từng trải qua, tự nhiên sẽ không cảm nhận được thống khổ, nhưng bạn không thể coi nỗi đau của người khác như một trò đùa".

Là con người, không phải ai cũng có điều kiện sống nhẹ nhàng.

Nếu bạn không thể đồng cảm với ai đó thì đừng nói những điều không hay với họ, xin hãy bảo trì chút thiện lương. Bởi vì thấu hiểu nên chúng ta từ bi.

Hãy coi người khác như chính mình, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có thể hiểu được những khó khăn của người ta, và bao dung hơn.

Bước đi trên đời, ai cũng có thể là ánh sáng, mong bạn ấm áp nhân hậu, thương người, ân cần, soi sáng màn đêm lạnh lẽo.

3. Đối xử với người khác như những người khác

Có người hỏi trên một mạng xã hội rằng: Lúc nào bạn nghĩ bạn bè của mình sẽ không bao giờ là bạn nữa?

Một người đã chia sẻ câu chuyện của mình:

Khi thuê căn hộ, cô ở chung căn hộ với một cô gái trẻ quen từ lâu, ban đầu mọi chuyện vẫn bình thường và hai người rất hợp nhau.

Cho đến một lần, cô phát hiện ra rằng trên bàn trang điểm của mình đã thiếu một thỏi son môi lâu ngày không sử dụng.

Mặc dù sống chung dưới một mái nhà với cô bé, nhưng cô cũng không nghĩ nhiều đến việc đó, cho rằng mình chỉ tùy tiện đặt nó ở đâu đó.

Không ngờ mấy ngày sau, cô bé khua thỏi son trước mặt và nói: “Chị ơi, chị biết không, màu son của chị rất đẹp, rất hợp với em, em rất thích”.

Cô sửng sốt một lúc không nói gì, cô bé cũng nói thêm, em thấy thỏi son nằm lung tung này của chị không có tác dụng gì, lãng phí nên em mới dùng.

Đó là lúc cô quyết định không tiếp tục làm bạn với cô bé nữa.

Thỏi son. (Pixabay)

Nhiều khi, một mối quan hệ bị hủy hoại vì không có ranh giới.

Hai người lúc mới quen thì lịch sự, tôn trọng nhưng sau khi quen thì mất đi lễ phép, một số điều mà họ tự cho là “không câu nệ tiểu tiết” dần trở thành cái gai trong lòng người khác. Cuối cùng, trở nên xa cách nhau.

Tình bạn nhiều năm bị hủy hoại chỉ trong một ngày.

Có người nói: "Bằng hữu thân thiết hơn nữa, sự đúng mực không thể thiếu, tự cho là quen, kết quả chia ly”.

Quan hệ tốt nhất, không phải không phân biệt bạn và tôi, mà là dù quen thuộc đều không vượt qua khuôn phép.

Trên thực tế, mối quan hệ càng tốt đẹp và càng thân thiết thì việc chú ý đến sự đúng mực và tôn trọng ranh giới cá nhân của người khác càng quan trọng hơn.

“Đối xử với người khác như người khác” không có nghĩa là xa cách, mà có nghĩa là tạo ra một không gian vừa phải cho mối quan hệ, để mối quan hệ có thể phát triển và bền lâu.

4. Hãy là chính mình

Bạn đã bao giờ trải qua tình huống này chưa:

Dù công việc trước mắt vẫn chưa xong nhưng vẫn nhận lời mời đi hát karaoke của đồng nghiệp.

Rõ ràng muốn một mình yên tĩnh đọc sách một lúc, lại không lỡ cự tuyệt lời mời tiệc của bạn bè.

Rõ ràng đã lên kế hoạch thực hành một sở thích vào cuối tuần, nhưng vẫn bị kéo đi đánh bài một ngày.

Vì không phụ kỳ vọng của người khác, vì thế lựa chọn hy sinh ý nguyện và thời gian của mình, lựa chọn phụ chính mình.

Sống là chính mình là niềm hạnh phúc. (Pexels)

Có một câu danh ngôn: “Chúng ta dành cả cuộc đời để loại bỏ những kỳ vọng của người khác và tìm ra con người thật của mình. Hy vọng mỗi chúng ta có thể sống theo cách mình muốn".

Con đường nhân sinh dài đằng đẵng, vốn là một cuộc phiêu lưu cô đơn, đáng tiếc không ít người, trên đường đời lại đi ngược lại chính mình và lạc lối.

"Hãy coi mình là chính mình", câu này có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là sống đúng với trái tim mình và sống là chính mình.

Có một bài thơ: "Tôi muốn bầu trời sáng lên vì tôi, trái đất trải rộng ra cho tôi. Điều tôi muốn là trở thành một người mà các bạn không thể trở thành được, đó là chính mình”.

Một người trưởng thành, sẽ không lựa chọn sống trong mắt người khác, mà kiên định nội tâm trên con đường nhân sinh, sống là chính mình, yêu những gì mình yêu.

Không sợ những người nhàn rỗi bàn tán, không nhìn xung quanh, không lo lắng về được mất, hãy sống độc lập và tự tại, sống minh bạch và dũng cảm hơn.

Đối xử với bản thân như một người khác, mới có thể đạt được "Vô ngã".

Đối xử với người khác như chính mình thì mới đạt được "Từ bi".

Đối xử với người khác như những người khác, mới có thể có được “Trí tuệ”.

Đối xử với bản thân như chính mình thì bạn mới có thể “Tự tại”.

Những người hài lòng, thoải mái trong các mối quan hệ của mình và sống cuộc sống minh bạch, hạnh phúc phần lớn là do họ đã làm tốt bốn điều này.

Theo Vương Hoà - Aboluowang - Nguồn: Tuyển tập sách cổ
Tố Như biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dù bạn làm gì, ở đâu, cùng ai, làm được 4 điều này thì sẽ có cuộc sống hạnh phúc viên mãn