Đứa trẻ có mối quan hệ không tốt với cha, tương lai sẽ có 4 khiếm khuyết lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa thường ví tình cha cao như núi, tình thương của cha dành cho con rất sâu nặng và thiêng liêng. Tuy nhiên, người cha ít khi bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài, dù họ yêu thương con đến mấy cũng ít khi nói ra, do vậy sự giao tiếp giữa con cái với cha thường ít hơn so với mẹ.

Ngày nay, nhiều người vẫn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi tư tưởng 'phụ quyền', dưới ảnh hưởng của tư tưởng đó, vai trò của người cha trong việc giáo dục con luôn bị thiếu vắng. Họ thường cho rằng, việc giáo dục và chăm sóc con cái là bổn phận riêng của người mẹ, người mẹ cần phải một mình gánh vác trách nhiệm đó.

Kỳ thực, vai trò của người cha rất quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ. Adler, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ cho rằng: “Người cha đóng một vai trò đặc thù trong quá trình trưởng thành của con cái, sự tồn tại của người cha đối với người con mang lại sức mạnh đặc biệt”.

Adler cũng cho rằng, thời gian để người cha thiết lập mối quan hệ với con cái muộn hơn so với người mẹ, điều này chủ yếu được quyết định bởi cấu tạo sinh lý của giới tính và vai trò khác nhau của cha và mẹ trong cuộc sống của con cái.

Người xưa có câu: "Cha nào con nấy", và những đứa trẻ có mối quan hệ không tốt với cha sẽ phải chịu 4 thiệt thòi dưới đây khi chúng lớn lên:

1. Mặc cảm, tự ti

Nhiều người cho rằng, ảnh hưởng của người cha đối với con trai nhiều hơn so với con gái. Kỳ thực, cách nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Ảnh hưởng của người cha đối với con gái cũng không kém gì con trai, dù là con trai hay con gái thì vai trò của người cha đều vô cùng quan trọng.

Người cha thường không thích thể hiện cảm xúc của bản thân, có những ông bố thường xuyên thiếu vắng trong quá trình giáo dục con, hình ảnh của người cha cũng trở nên mờ nhạt trong mắt con trẻ. Trái ngược với người cha, người mẹ thường thể hiện tình cảm và sự quan tâm đến con cái.

Những đứa trẻ từ bé không có được sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của người cha, khi lớn lên chúng sẽ dễ trở nên tự ti, mặc cảm.

Nhà tâm lý học cho rằng, phương thức biểu đạt của các ông bố đối với con thường có điều kiện kèm theo, khi bày tỏ tình cảm với con cái, họ sẽ luôn nói: “Bố yêu con, nhưng con phải đạt được một mục tiêu nào đó thì con mới có thể khiến bố tôn trọng con”.

Cách biểu đạt này dường như mang lại cho con trẻ một suy nghĩ rằng: "Nếu con không đủ xuất sắc, con sẽ không đáng được yêu thương".

Do vậy, dưới ảnh hưởng lâu dài của cách suy nghĩ đó, đứa trẻ dễ trở nên mặc cảm, tự ti.

Đối với con trai mà nói, chúng có thể cảm thấy xa cách cha mình, hoặc chúng thường gây thêm áp lực cho bản thân với hy vọng có thể đạt được sự công nhận của cha.

Đối với con gái mà nói, người cha là người khác giới đầu tiên chúng tiếp xúc trong đời. Khi con gái không cảm nhận đầy đủ tình thương yêu của cha, sau này chúng sẽ tự đặt bản thân vào thế bất lợi khi tìm bạn đời, thường cảm thấy bản thân không xứng với đối phương.

2. Cảm xúc không ổn định

Nếu mối quan hệ giữa cha và con giống như kẻ địch, thì con trẻ sau này dễ sản sinh ra tâm lý bất ổn định, không kiểm soát được hành vi của bản thân.

Trên thực tế, phương thức tư duy của đứa trẻ dưới 12 tuổi khá là đơn thuần, không sâu sắc. Cách nghĩ của chúng khác với người lớn, người lớn thường cho rằng ‘thương cho roi cho vọt’, nhưng chúng sẽ thường cho rằng, hành vi cha mẹ đánh mắng mình là cha mẹ không thích mình hoặc cha mẹ thấy mình không vừa mắt. Trong những tình huống như vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ dần trở nên căng thẳng hơn.

Mối quan hệ căng thẳng giữa cha và con sẽ mang đến những hậu quả không thể lường trước được.

Theo phân tích của chuyên gia dinh dưỡng, cha của những đứa trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống thường thiếu quan tâm đến con cái, mối quan hệ giữa họ cũng rất căng thẳng.

3. Thường do dự, không quyết đoán

Ngoài những ông bố thường xuyên thờ ơ trong việc dạy con, hay đánh mắng con thì cũng có những ông bố luôn đối xử nghiêm khắc với con.

Họ thường rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, họ yêu cầu mọi hành động, cử chỉ của con cần phải nằm trong tầm kiểm soát của mình. Trong tâm lý học, kiểu người cha này được gọi là những "người cha độc tài".

Những đứa trẻ có người cha độc tài thường sẽ có tâm lý ỷ lại mạnh mẽ vào người khác, sau khi trưởng thành, bất kể làm việc gì chúng cũng do dự, không quyết đoán. Bởi vì chúng đã quen với việc bị kiểm soát bởi người cha, làm việc gì cũng cần thông qua tiếng nói quyết định cuối cùng của cha.

Chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, cha mẹ luôn muốn quyết định thay con mọi điều cũng giống như đang hại con. Những người cha độc tài kiểu này thường không coi con cái như một cá thể độc lập, họ chỉ coi con cái như phần phụ của mình.

cha mẹ luôn muốn quyết định thay con mọi điều cũng giống như đang hại con. (Pexels)

4. Dễ hối hận và tự trách mình

Hiện nay, có nhiều ông bố thuộc kiểu 'ông bố đả kích', bất kể con trẻ đang tiến bộ hay thụt lùi, họ vẫn sẽ đánh mắng, không bao giờ chủ động khen ngợi, động viên con.

Kiểu quan hệ này giữa cha con sẽ dẫn đến việc sau này khi đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ dễ hối hận và tự trách bản thân mình. Cho dù chuyện gì xảy ra, chúng đều cảm thấy có lỗi, thấy bản thân vô dụng và tâm trí nặng nề, điều này sẽ ngăn trở nghiêm trọng đến sự phát triển của con trẻ.

Có thể nói rằng, sự quan tâm và giáo dục của người cha là điều không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ, nó ảnh hưởng đến tính cách, cách đối nhân xử thế và thậm chí là cuộc đời của đứa trẻ. Những đứa trẻ nhận được giáo dục tốt từ cha mẹ sẽ có nhân cách tốt và tương lai tươi sáng hơn. Ngược lại, những đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc, quan tâm của cha mẹ sẽ có nhiều mặt thiệt thòi.

Làm cha mẹ, nếu muốn con cái phát triển toàn diện thì hãy để trẻ lớn lên khỏe mạnh trong một gia đình có đầy đủ tình thương, sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ.

Theo Vương Hòa - Aboluowang

Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đứa trẻ có mối quan hệ không tốt với cha, tương lai sẽ có 4 khiếm khuyết lớn