Đứa trẻ ngốc nghếch lại được cao nhân truyền dị thuật châm cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một đứa trẻ trong con mắt của phụ thân là đứa ngốc nghếch vô dụng, nhưng lại trở thành nhất đại y sư, có thuật châm cứu nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Vậy cậu bé có tố chất đặc biệt gì, và có kỳ ngộ gì?

Hoàng Thạch Bình tên là Hoàng Xán (1850-1917), là thầy thuốc châm cứu nổi tiếng thời giữa và cuối triều Thanh. Ông quê ở thôn Trình Phường, làng Đại Kiều, Thanh Giang (thành phố Chương Thụ, tỉnh Giang Tây ngày nay). Ông đã lần lượt treo biển “Kim vàng Giang Nam Hoàng Thạch Bình” ở vùng Giang Tô, Thượng Hải, Dương Châu, Nam Thông. Ông không dùng thuốc, chỉ sử dụng kim châm cứu nội ngoại khoa. Những bệnh nan y, qua tay ông đều chữa khỏi một cách thần kỳ, quả là có một không hai trên đời.

Năm 1916, ông viết sách “Châm cứu thuyên thuật”. Trương Kiển (1853-1926), tự Quý Trực, hiệu Sắc Ông, làm chức Tu soạn ở Hàn lâm viện, viết lời tựa cho ông, viết rằng khi ông châm cứu “dốc sức ở ngón tay, sau đó chẩn bệnh tìm huyệt, kim vàng cứu độ”.

Cao nhân dị thuật chữa khỏi bệnh nan y

Phụ thân của Hoàng Thạch Bình là Hoàng Lương Khải, làm quan phủ huyện mấy nhiệm kỳ ở Sơn Đông, được người dân địa phương kính yêu. Phụ thân làm quan thanh liêm, trong nhà không có tích trữ. Thời cuối đời, ông làm việc ở Cục Lý kim ở Nghi Xương, nhưng chưa được bao lâu thì mắc bệnh, liệt nửa người, cả ngày nằm không cử động được, đã mời hết các danh y, uống đủ loại thuốc, cũng không khởi sắc, đành chờ đến hơi thở cuối cùng.

Một ngày nọ, bỗng nhiên người gác cổng vào báo rằng, có một lão hòa thượng vân du khoảng 7, 8 mươi tuổi, nói rằng muốn gặp Hoàng lão, ông đến để chữa bệnh cho Hoàng lão.

Hòa thượng tinh thần quắc thước, thân hình cao lớn, bước đi nhanh nhẹn, không có một chút dáng vẻ già nua nào, trừ râu tóc trắng như tuyết ra, thì tuyệt đối không thể nào nhìn ra tuổi tác của ông được. Hòa thượng bước vào phòng, lập tức chắp tay trước ngực, cười và nói với Hoàng lão rằng: “Thí chủ còn nhận ra lão tăng không?”

Hoàng lão nghe hòa thượng nói giọng Sơn Đông, nhưng vẫn không nhớ ra là đã từng gặp ở đâu.

Hòa thượng cười và nói: “Cũng không lạ rằng lão thí chủ không có ấn tượng, tục ngữ nói rất đúng, trăm hòa thượng nhận ra một thí chủ, một thí chủ không nhận ra trăm hòa thượng. Lão tăng chính là trụ trì Viên Giác ở chùa Bồng Lai Thiên Phật. Hơn 10 năm trước, vì có sự tranh chấp tài sản nhà chùa, lão tăng đã thọ đại ân của thí chủ, nên lúc nào cũng nghĩ đến báo đáp thí chủ. Sau đó thí chủ thăng chức đến nơi khác, thượng lộ bình an, không cần đến lão tăng này. Gần đây, mới nghe nói thí chủ ở Nghi Xương, mắc chứng bệnh liệt nửa người, đã chữa trị khắp nơi mà không khỏi. Lão tăng biết chút y thuật, vì vậy đã từ huyện Bồng Lai khởi hành đến đây, dốc hết tâm sức một phen”.

Hoàng lão nghe những lời này, mới nhớ lại khi còn làm tri huyện Bồng Lai, có mấy thân sĩ lưu manh, âm mưu chiếm đoạt tài sản của chùa Thiên Phật, hai bên kiện cáo ra huyện đường. Mấy vị quan huyện tiền nhiệm đều đã nhận hối lộ của những thân sĩ lưu manh này, nên không phán quyết công chính, cứ kéo dài cho đến khi ông nhậm chức, ông xử án này theo phép công, và lập bia đá ranh giới, vĩnh viễn không còn tranh chấp.

Lúc này, ông bất giác vui mừng, gật đầu và nói: “Hòa thượng Viên Giác nhắc đến việc này, khiến tôi nhớ ra rồi. Đó là việc tôi phải làm, không có gì. Xin hòa thượng chớ nói những lời thọ ân báo đáp nữa”.

Nói rồi, Hoàng lão mời hòa thượng Viên Giác ngồi xuống bên giường.

Viên Giác hỏi bệnh tình, xem xét một lúc lâu rồi nói: “Bệnh này của thí chủ, không dùng kim châm thì không thể khỏi, cho dùng dùng kim châm cũng không thể một, hai ngày là có thể thấy hiệu quả, đại thể nhiều thì nửa tháng, ít thì cũng 10 ngày, thì mới khôi phục được sức khỏe vốn có”.

Hoàng lão nghe thấy có thể khôi phục sức khỏe thì vui mừng cười và nói: “Đừng nói 10 ngày, cho dù nửa năm, một năm, chỉ cần có thể chữa khỏi là tôi đã vô cùng cảm kích rồi”.

Lúc này, Viên Giác lấy một chiếc bọc vải từ thắt lưng ra, mở ra, bên trong toàn là những cây kim vàng nhỏ, lớn nhỏ dài ngắn khác nhau. Hòa thượng dùng kim vàng đâm vào rất nhiều huyệt vị khắp thân thể Hoàng lão, để kim như thế chưa đến một khắc (15 phút), bệnh nhân liền cảm thấy toàn thân dễ chịu rất nhiều.


Kim châm cứu. (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Hôm sau, hòa thượng Viên Giác lại tiếp tục dùng thuật châm cứu cho Hoàng lão. Cứ như thế, mỗi ngày châm cứu 2, 3 lần, đến ngày thứ 5, bệnh nhân nằm liệt giường nửa năm đã có thể đi lại được rồi. Hoàng lão vô cùng cảm kích đối với hòa thượng Viên Giác. Những ngày này ở cùng nhau, ông mới biết hòa thượng Viên Giác không chỉ có y thuật cao mà còn là người văn võ song toàn. Họ trò chuyện rất tâm đầu ý hợp, hai người đã trở thành bạn tri kỷ.

Khắp nơi tìm kiếm, cơ duyên cuối đời tìm được đồ đệ truyền dị thuật

Một ngày nọ, Viên Giác cảm khái nói: “Trong những học vấn cả đời tôi, thì riêng khoa châm cứu là được một dị nhân truyền thụ riêng. Thế nhân ngày nay, dường như không có người bằng một phần của tôi. Nhiều năm nay, tôi muốn truyền thụ cho một đệ tử, kẻo sau khi tôi viên tịch bị thất truyền. Nhưng nhiều năm tìm kiếm, vẫn chưa từng gặp được một người nào có thể truyền. Loại học thuật này, nếu truyền không đúng người thì sẽ dẫn đến gây họa hại, không thể nào tưởng tượng được. Vì vậy, thà để thất truyền chứ không dám truyền bừa bãi”.

Hoàng lão hỏi: “Cần người như thế nào thì mới truyền được?”

Viên Giác nói: “Điều này rất khó nói, người có thể được truyền đạo này, phải để tôi gặp mặt, thì nhìn một cái là thấy rõ ngay”.

Hoàng lão có 4 người con trai, từ người con cả đến người con thứ 3, ai nấy đều khôn ngoan, khỏe mạnh, có tài. Chỉ có người con thứ tư là Hoàng Thạch Bình là thân thể gầy yếu, thường thích ở một mình. Bắt đầu từ khi 3, 4 tuổi, cậu đã không thích cười nói, càng lớn lên thì càng giống như một người ngốc. Bị bạn bè ức hiếp, trêu chọc, cậu không những không phản kháng, mà còn như không có chuyện gì xảy ra. Vì vậy bà con xóm láng, họ hàng thân thích, người quen biết, đều cho rằng Hoàng Thạch Bình là một người ngốc nghếch.

Hoàng lão cũng chẳng nhớ đến cậu, chỉ chăm lo bồi dưỡng 3 người con trai khôn ngoan tài năng kia. Lúc này nghe thấy những lời của Viên Giác, bèn nói: “Không biết trong 3 đứa nhỏ nhà tôi có đứa nào có thể truyền được không?”

Viên Giác ngạc nhiên nói: “Từ lâu đã nghe nói, thí chủ có 4 công tử, sao lại nói là 3?”

Hoàng lão ngượng ngùng nói: “Nói ra thật xấu hổ, hàn môn vô đức, đứa con thứ tư quả thật không thể làm được điều gì. 3 đứa đầu tuy cũng không thành tài, nhưng học điều gì thì còn biết dụng tâm, do đó tôi chỉ có thể kỳ vọng vào 3 đứa này thôi”.

Viên Giác gật đầu nói: “3 công tử tôi đều đã gặp rồi, chỉ có công tử thứ 4 là chưa từng gặp, phải chăng là không ở đây?”

Hoàng lão than rằng: “Tôi không cho phép nó ra gặp khách, chứ không phải không ở đây”.

Viên Giác cười và nói: “Đừng ngại, có thể mời công tử ra tôi xem xem. Thế gian có nhiều người ngốc việc con người, nhưng lại không ngốc việc học thuật”.

Hoàng lão nghe rồi thấy rất không yên tâm, cứ nhắm mắt lắc đầu. Viên Giác không từ bỏ, liên tiếp thúc giục mấy lần. Hoàng lão không biết làm thế nào, đành phải gọi gia nhân dẫn Hoàng Thạch Bình đến.

Lúc này, Hoàng Thạch Bình mới 14 tuổi, đầu óc ngây ngô, đến trước mặt Viên Giác, bị người tháp tùng ở phía sau đẩy lên trước thỉnh an.

Viên Giác vội vàng kéo cậu đứng dậy, nhìn khắp toàn thân cậu từ trên xuống dưới vài lần. Sau đó tươi cười nói với Hoàng lão rằng: “Tôi nói thế gian có nhiều người ngốc việc con người, nhưng lại không ngốc việc học thuật. Câu nói này quả nhiên ứng nghiệm với công tử thứ tư. Đồ đệ mà tôi muốn truyền, chính là loại người như công tử thứ tư này”.

Hoàng lão thấy Viên Giác không phải nói đùa, thì mới kinh ngạc hỏi: “Lời này là thế nào, lẽ nào đứa ngốc này có thể truyền thụ được sao?”

Viên Giác kéo Hoàng Thạch Bình lại gần và nói: “Thật không ngờ ở nơi này, vô ý lại có được người thế này để truyền lại học thuật của tôi. Đây cũng là đạo này không đến nỗi bị thất truyền, thì mới có việc trùng hợp như thế này. Quả đúng như người ta nói: đi rách giày sắt không tìm thấy, có được hoàn toàn chẳng tốn công”.

Nói rồi, Viên Giác ngửa mặt cười lớn mãi.

Hoàng lão tuy không hiểu đầu đuôi gì, chỉ thấy Viên Giác vui mừng như thế này, thì bản thân cũng bất giác rất vui mừng, ngay ngày hôm đó làm lễ cho Hoàng Thạch Bình bái Viên Giác làm thầy.

Từ đó, Viên Giác ở nhà họ Hoàng, nhưng ban đầu không thấy ông dạy thuật châm cứu, lý y học cho Hoàng Thạch Bình. Chỉ sáng tối dạy Hoàng Thạch Bình luyện quyền tập võ, giữa ngày thì dạy đọc sách, viết chữ. Hoàng Thạch Bình chuyên tâm học tập tu luyện, nhà họ Hoàng lúc đó mới biết Hoàng Thạch Bình hoàn toàn không ngu ngốc.

Sau khi nhiệm kỳ của Hoàng lão hết, ông bàn giao công việc rồi trở về quê hương. Viên Giác cũng theo nhà họ Hoàng về Giang Tây. Sau khi Hoàng Thạch Bình đọc sách luyện võ với Viên Giác được 3 năm, Viên Giác mới mới dùng bút đỏ vẽ lên bức tường trắng rất nhiều vòng tròn đỏ, thành hình mạch lạc, rồi dạy Hoàng Thạch Bình dùng thẻ tre cắm vào tâm mỗi vòng tròn. Mỗi ngày cắm mấy lần. Sau khi luyện cắm đến khi mỗi lần cắm đều trúng tâm, thì dần dần vẽ các vòng tròn nhỏ lại, rồi lại luyện như trước. Cuối cùng, các vòng tròn cải thành các điểm nhỏ như hạt vừng, và đổi thẻ tre thành kim thép, vẫn yêu cầu mỗi lần cắm ắt phải cắm trúng.


Các huyệt vị. (Phạm vi công cộng)

Cuối cùng, ông mới lấy ra bức tranh người bằng đồng, trên mỗi huyệt đạo đều có một điểm đỏ bằng nhỏ lỗ kim, Hoàng Thạch Bình cũng có thể dùng kim thép tùy ý cắm, muốn cắm huyệt nào liền cắm trúng huyệt đó. Sau dùng kim vàng cực mềm cũng có thể cắm sâu hơn 1 thốn vào bức tường, mà kim vàng không bị cong không bị gãy, lúc đó Viên Giác mới bắt đầu vui mừng nói: “Công phu của con đã được 9 phần rồi”.

Từ đó, hòa thượng Viên Giác đem kinh mạch huyệt đạo và các phương pháp châm cứu đối ứng với các loại chứng bệnh truyền thụ cho Hoàng Thạch Bình. Hoàng Thạch Bình lĩnh ngộ được rất nhanh. Đợi đến khi cậu học thành tài, Viên Giác mới cáo từ và trở về chùa Bồng Lai, Sơn Đông. Và lại hơn 10 năm qua đi, Viên Giác mới tọa hóa về Tây Thiên.

Sau khi phụ thân Hoàng Thạch Bình từ Nghi Sơn trở về quê, nhiều năm sau mới qua đời.

Chữa bệnh cứu người, không màng tiền bạc và danh vọng

Hoàng Thạch Bình tính tình vô cùng thanh tĩnh, không chỉ không muốn vào chốn quan trường, cũng không muốn kinh doanh gia nghiệp. Do đó khi anh em chia gia sản, cậu được rất ít. Sau mấy năm, để duy trì sinh kế, cậu đến Thượng Hải treo biển trị bệnh, được ít tiền sống qua ngày. Bất kể là ai, tiền chữa bệnh đều là 2 đồng 2 hào, mỗi ngày ít cũng có 20, 30 người bệnh.

Khi đó, Trương Sắc Ông (Trương Kiển) ở Nam Thông, ngày đêm ưu sầu vì không có con trai. Hoàng Thạch Bình và ông có mối quan hệ hai bên ngưỡng mộ lẫn nhau, kết giao cũng tâm đầu ý hợp. Trương Sắc Ông đem nỗi khổ tâm khó nói cùng người này ra thổ lộ với bạn. Hoàng Thạch Bình nói: “Bệnh này dễ thôi, tôi đảm bảo ông sẽ có con trai”.

Sau này, Hoàng Thạch Bình dùng thuật châm cứu giúp bạn giải quyết vấn đề, Trương Sắc Ông quả thật có con trai (người con trai này sau được bổ nhiệm làm Công sứ Chile). Hoàng Sắc Ông cực kỳ vui mừng, lại rất cảm kích, lại vừa khâm phục, muốn hậu tạ Hoàng Thạch Bình.

Hoàng Thạch Bình lại hoàn toàn chẳng để ý đến, không có chút tâm mượn việc này để dựa vào Trương Sắc Ông, vẫn tiếp tục hành nghề y ở Thượng Hải. Sau này, ngay cả người nước ngoài cũng đều tấm tắc khen ngợi y thuật kỳ diệu của ông.

Một phụ nữ người Đức, trên lưng mọc cái tật lớn bằng miệng bát, đến bệnh viện của Đức chữa, bác sĩ nói nhất định phải phẫu thuật. Người phụ nữ này sợ đau, không dám phẫu thuật. Có người giới thiệu cô thầy thuốc Hoàng Thạch Bình chuyên dùng châm cứu chữa bệnh. Người phụ nữ đó cùng với người giới thiệu đến chỗ Hoàng Thạch Bình chữa bệnh, chỉ đi 3 lần, tổng cộng hết 6 đồng 6 hào, là cái tật đó đã hoàn toàn biến mất.

Người phụ nữ Đức cực kỳ cảm phục, hễ gặp người Đức, cô lại tuyên truyền cho Hoàng Thạch Bình, và lấy trường hợp của mình làm minh chứng. Sau này, trong số bạn bè của cô cũng có một phụ nữ có bệnh giống y như cô, và cũng được chữa khỏi y như thế.

Người chồng của người phụ nữ thứ 2 này, cùng với Viện trưởng Bệnh viện Đức, cùng với cô đi chữa bệnh, tận mắt chứng kiến quá trình Hoàng Thạch Bình châm cứu chữa tật. Vị bác sĩ người Đức này cảm thấy thật không thể nào tin nổi, đã dùng tiếng Trung để thỉnh giáo Hoàng Thạch Bình. Bác sĩ người Đức hỏi đến việc “điểm huyệt” có phải là thực sự có việc đó không, còn cầu xin Hoàng Thạch Bình hãy làm thí nghiệm trên thân thể mình. Hoàng Thạch Bình điểm huyệt trên thân bác sĩ Đức mà không ai biết, khiến vị bác sĩ sau khi về nơi cư trú thì toàn thân lúc thì lạnh lúc thì nóng, ống thuốc cũng không có hiệu quả. Sau đó Hoàng Thạch Bình lại giúp ông ấy điểm huyệt, thì chứng bệnh liền được giải trừ.

Vị bác sĩ người Đức này muốn học y thuật của Hoàng Thạch Bình. Ông nói với bác sĩ rằng học vấn kinh mạch, y lý của Hoàng Đế Nội Kinh, và những thứ khác nữa, thì người nước ngoài không học được, hơn nữa đã quá 20 tuổi thì lại càng khó học thành tài. Bác sĩ người Đức nói: “Tôi có thể đánh điện về Đức, để Đại học Y tuyển chọn 20 học sinh trẻ nhất đến học có được không?”

Hoàng Thạch Bình không muốn dạy, vị bác sĩ đó đành phải thôi. Ông tặng Hoàng Thạnh Bình các vật quý, Hoàng đều không nhận. Sau này, vị bác sĩ đó và Hoàng Thạch Bình có mối quan hệ qua lại với nhau 7, 8 năm, nhưng trước sau vẫn không nhìn ra một chút bí quyết gì của Hoàng Thạch Bình. Những năm cuối đời, Hoàng Thạch Bình cũng truyền cho 2 đồ đệ, để tuyệt học mà sư phụ truyền cho ông không bị thất truyền.

Trung Hòa
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Đứa trẻ ngốc nghếch lại được cao nhân truyền dị thuật châm cứu