Dưới thời Tập Cận Bình, hơn 1000 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đã tiếp diễn suốt 24 năm, và 11 năm kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa dừng lại.

Theo thông tin Minh Huệ, từ ngày 14 tháng 3 năm 2013 đến tháng 10 năm 2023, ít nhất hơn 1000 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết. Trong ba năm qua, số học viên Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại đến chết đã tăng lên so với những năm trước.

Trong 11 năm, hơn 1000 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết

The Epoch Times, dựa trên các báo cáo của Minghui.org, tính toán rằng:

  • Từ ngày 14 tháng 3 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013: ít nhất 52 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2014: 91 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2015: 61 học viên Pháp Luân Công mới được xác nhận là đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2016: 64 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2017: 40 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2018: 68 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2019: 96 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2020: 84 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2021: 131 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
  • Năm 2022: 172 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết.
  • Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023: 174 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.

Tóm lại, trong 11 năm qua, có thêm ít nhất 1.070 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.

Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh tiêu diệt Pháp Luân Công vì lo ngại số lượng học viên Pháp Luân Công đông hơn số đảng viên của ĐCSTQ, đồng thời thực hiện chính sách đàn áp “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”; “đánh chết tính là tự sát”; “không xét thân thế, trực tiếp hỏa thiêu".

Cuộc đàn áp diệt chủng hàng loạt này đã kéo dài 24 năm, sau đây là phần nổi của tảng băng về các trường hợp tử vong do bị bức hại trong 11 năm qua:

Đặng Hoài Dĩnh, thạc sĩ tài chính của Đại học Điện lực Bắc Kinh, bị tra tấn đến chết trong trại tạm giam

Đặng Hoài Dĩnh (Minghui.org)

Đặng Hoài Dĩnh, nam, sinh năm 1970, có bằng thạc sĩ tài chính tại Đại học Điện lực Bắc Kinh năm 1997. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1995.

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2013, Đặng Hoài Dĩnh bị cảnh sát bắt cóc khi đang phân phát tài liệu giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, và bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại giam Hải Điến. Vào ngày 15 tháng 5, ông bị tra tấn đến chết tại Trại giam Hải Điến.

Vào ngày 28 tháng 5, Trại giam Hải Điến đã bí mật hỏa táng thi thể của Đặng Hoài Dĩnh.

Lạc Giang Bình người Tứ Xuyên bị tra tấn đến chết bằng tiêm chất độc

Lạc Giang Bình và vợ, con gái. (Minh Huệ)
Hình ảnh Lạc Gianh Bình tại nhà trước khi qua đời. (Minh Huệ)

Lạc Gianh Bình, nam, 51 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở huyện Mễ Dịch, thành phố Phan Chi Hoa, Tứ Xuyên.

Vào tháng 1 năm 2012, Lạc Gianh Bình bị bắt cóc tại huyện Nam Hoa, châu Sở Hùng, tỉnh Vân Nam, và bị kết án trái pháp luật, bị cùm, còng tay, bị lao động cưỡng bức cường độ cao, bị biệt giam, và bị tiêm thuốc độc ở Nhà tù số 1, tỉnh Vân Nam.

Khi tính mạng đang bị đe dọa, Lạc Gianh Bình được “tạm tha để chữa bệnh” vào ngày 23 tháng 12 năm 2013. Ông qua đời năm ngày sau đó vào ngày 28 tháng 12. Trước khi chết, Lạc Gianh Bình luôn kể rằng mình đã bị tiêm nhiều mũi thuốc độc.

Sau khi Lạc Giang Bình trở về nhà, ông kể với tất cả những người thân đến thăm mình rằng ông đã bị tiêm thuốc độc. Ông nhấc tay lên cho họ xem. Ngoài ra còn có những vết sưng cứng màu đen to bằng đầu ngón tay trên bàn tay. Răng và chân răng đều đen, trên răng có cục máu đông, bên trong miệng đã thối rữa.

Một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết, tàn tật, hoặc phát điên bởi các loại thuốc không rõ nguồn gốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý.

Trương Thục Hiền người Cát Lâm bị bắt cóc và tra tấn đến chết trong vòng một ngày

Trương Thục Hiền. (Minh Huệ)

Trương Thục Hiền, nữ, 53 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở làng Khúc Thủy, thành phố Đồ Môn, tỉnh Cát Lâm.

Vào ngày 7 tháng 8 năm 2014, Trương Thục Hiền bị cảnh sát thuộc Đội An ninh Quốc gia Thành phố Đồ Môn bắt cóc và tra tấn đến chết trong vòng 24 giờ.

Để làm cho các học viên Pháp Luân Công tu luyện “Chân, Thiện, Nhẫn” từ bỏ niềm tin của mình, ĐCSTQ đã sử dụng hàng trăm phương thức tra tấn như: ghế cọp, ghế sắt, giường chết, đốt, điện giật, treo cổ, đánh đập, kim đâm, treo còng, không cho ngủ, phơi nắng, để rét cóng, xâm hại tình dục...

Người nhà nhìn thấy thi thể Trương Thục Hiền đầy những vết thương tím đen từ ngực xuống đùi: thịt đùi bị rách, xung quanh âm đạo có vết bỏng do dùi cui điện, và sau lưng có vết máu do đá bằng giày. ... Bác sĩ pháp y của công tố viên cấp cao lúc đó nói rằng đó là bị tra tấn đến chết.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2017. Quyền Ngoại trưởng John Sullivan đã nêu tên ĐCSTQ vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nó đề cập rằng các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ tra tấn một cách có hệ thống, nghiêm trọng hơn các nhóm khác.

Vương Hữu Giang, một thiếu tá quân đội ở Lan Châu, Cam Túc, bị tra tấn đến chết

Hình ảnh Thiếu tá Vương Hữu Giang ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc khi còn sống. (Minh Huệ)

Vương Hữu Giang, nam, là thiếu tá trong Lực lượng Thông tin Quân khu Lan Châu, tỉnh Cam Túc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998.

Để nói lời công bằng: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, Vương Hữu Giang đã đến Bắc Kinh nhiều lần và bị giam giữ bất hợp pháp nhiều lần. Vào tháng 7 năm 2001, Vương Hữu Giang bị kết án bất hợp pháp 10 năm tù.

Vào tháng 6 năm 2012, Vương Hữu Giang, người được ra tù sau khi thụ án, bất ngờ bị bắt cóc khi đang đi thăm một học viên Pháp Luân Công.

Vào ngày 24 tháng 9 năm 2013, Vương Hữu Giang bị kết án bất hợp pháp thêm sáu năm tù. Vào ngày 17 tháng 3 năm 2014, anh bị giam tại Nhà tù Lan Châu.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2017, Vương Hữu Giang bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Lan Châu.

Hà Lập Phương người Sơn Đông bị nghi mổ lấy nội tạng khi còn sống

Vào tháng 7 năm 2019, Hà Lập Phương, một học viên Pháp Luân Công ở quận Tức Mặc, thành phố Thanh Đảo, đã bị tra tấn đến chết tại Trại giam Phổ Đông ở Thanh Đảo. (Minh Huệ)

Hà Lập Phương, nam, là một học viên Pháp Luân Công ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.

Hà Lập Phương bị bắt vào tháng 5 năm 2019, và chết khi bị giam giữ vào ngày 2 tháng 7.

Gia đình Hà Lập Phương tìm thấy một đường khâu trên ngực và một vết cắt trên lưng. Cảnh sát ban đầu cho biết vết mổ là do khám nghiệm tử thi, nhưng các thành viên trong gia đình nghi ngờ nội tạng của anh đã bị lấy đi khi anh vẫn còn sống, hoặc ngay sau khi anh qua đời.

Câu chuyện mờ ám của ĐCSTQ về việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống lần đầu tiên bị vạch trần vào năm 2006. Trong thập kỷ qua, nó đã được xác nhận bởi nhiều báo cáo điều tra từ cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 3 năm 2020, Tòa án Nhân dân Độc lập ở London, Anh đã đưa ra phán quyết cuối cùng bằng văn bản và đưa ra kết luận sau:

“Nạn thu hoạch nội tạng người đã diễn ra trên quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm, và các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn cung cấp nội tạng người chính.”

Tòa án do Ngài Geoffrey Nice QC chủ trì, ông chính là người đứng đầu Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic.

Vụ án mổ lấy nội tạng của Hà Lập Phương đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2019”.

Người dẫn chương trình Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên bị đánh chết

Bên trái là ảnh Bàng Huân bị tra tấn đến chết, bên phải là ảnh Bàng Huân trước khi chết. (Minh Huệ)

Vào ngày 2 tháng 12 năm 2022, Bàng Huân, người dẫn chương trình của Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên, bị tra tấn đến chết trong Nhà tù Lạc Sơn Gia Châu vì nói sự thật về Pháp Luân Công, khi đó anh mới 30 tuổi. Cơ thể đầy vết sẹo.

Người trong cuộc cho biết Bàng Huân đã bị đánh chết.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, cuộc đàn áp Pháp Luân Công ngày càng gia tăng

Trong những năm gần đây, số học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết, bị kết án, bắt cóc và sách nhiễu ngày càng gia tăng.

Thống kê của Minh Huệ cho thấy năm 2020, 84 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết; năm 2021, con số này là 131; năm 2022 là 172; từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023 là 174.

Đồng thời, năm 2020 có 615 học viên Pháp Luân Công bị kết án trái pháp luật; năm 2021 con số này là 1.184; năm 2022 là 633; ​​​​từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023 là 1.008.

Trong số đó, chỉ tính riêng tháng 9 năm 2023, 35 học viên Pháp Luân Công cao tuổi trên 60 tuổi đã bị ĐCSTQ kết án bất hợp pháp, trong đó người lớn tuổi nhất là 87 tuổi. Trong số 35 người, có 4 người từ 80 đến 90 tuổi; 14 người từ 70 đến 80 tuổi.

Nhà bình luận Lý Chính Khoan của Epoch Times đã đăng một bài bình luận “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ kéo dài 24 năm, người cầm quyền không thể thoát khỏi tội lỗi”. Bài báo tuyên bố rằng không ai có ý thức về công lý sẽ ngồi nhìn, bỏ qua cuộc đàn áp tàn bạo này, hoặc thờ ơ với thảm họa quốc gia này. Người cầm quyền hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nắm quyền trong nhiều năm, nhưng cuộc đàn áp vẫn không hề giảm, tội lỗi của họ không thể trốn tránh.

Trương Dịch - Epoch Times
Thanh Hà biên dịch (có lược bớt)



BÀI CHỌN LỌC

Dưới thời Tập Cận Bình, hơn 1000 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết