'Giàu sang tránh xa 3 nơi, nghèo khó chớ gần 2 người' đó là 3 nơi nào và 2 người nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Giàu sang tránh xa 3 nơi, nghèo khó chớ gần 2 người", lời dạy của cổ nhân, nhất định là có nguyên nhân. Dù ở tầng lớp, địa vị xã hội nào cũng đều có những điều cấm kỵ cần tuân theo để không đi sai đường, sa ngã, giữ được cuộc sống viên mãn.

"Giàu sang tránh 3 nơi"

Tiền có thể khiến ta giàu sang phú quý, hưởng thụ cuộc sống đủ đầy và tiền cũng có thể khiến ta sa ngã, gặp phải nhiều phiền toái, tai ương. Khi nhiều tiền tuyệt đối không nên lui tới 3 nơi này.

1. Sòng bạc

Nguyên nhân dẫn tới cảnh tán gia bại sản có rất nhiều, tuy nhiên đánh bạc được người xưa xếp ở vị trí đầu tiên. Thường khi người ta có tiền sẽ nghĩ đến hưởng thụ, ăn chơi. Thế nên người giàu thường lui tới sòng bạc. Cờ bạc là thú chơi, trò chơi kiếm tiền có thể "gây nghiện", một khi đã bước chân vào sòng bạc, muốn rút ra là vô cùng khó khăn, bởi ma lực của đồng tiền cùng với lòng tham không đáy của người chơi. Tham lợi trước mắt, thắng ham ăn, thua ham gỡ, cuối cùng đắm chìm mãi trong đó.

Sòng bạc là nơi ngốn tiền, người dẫu có nhiều tiền đến đâu, vẫn có thể trắng tay vì bài bạc chỉ trong một đêm. Người ta gọi đó là "Kiếp đỏ đen" và từ xưa tới nay, những gia đình đổ vỡ, vợ con ly tán, đang nhà cao của rộng bỗng trở thành không nhà, không người thân vì bài bạc là nhiều vô kể.

Cho nên lời khuyên đầu tiên cho những người giàu có là không lui tới sòng bạc. Nếu không muốn con đường công danh, sự nghiệp đang có tàn lụi nhanh chóng thì không thử, không lui tới sòng bạc, chơi cờ bạc, dù chỉ một lần. Cờ bạc là tệ nạn của xã hội, không có một chút lợi ích nào.

2. Chốn ăn chơi trụy lạc

Giàu sang phú quý là điều mà ai cũng mong mỏi, truy cầu. Ai cũng cố gắng, chăm chỉ để làm ra nhiều tiền. Sau thời gian cần mẫn, tích lũy được nhiều tiền chúng ta thường có tâm lý muốn hưởng thụ, ăn chơi để bù cho những ngày tháng vất vả.

Lúc này, nếu như hưởng thụ, giải trí một cách lành mạnh thì cuộc sống càng thăng hoa, nhưng dại dột sa chân vào chốn ăn chơi trụy lạc, sẽ phải trả giá rất đắt, vì bước vào những nơi đó thì dễ, thoát ra rất khó. Những nơi ăn chơi trác táng, chạy theo dục vọng bản thân là nơi khiến con người ta dễ dàng đánh mất lý trí, đánh mất bản thân mình nhất.

Một khi đắm chìm trong hưởng lạc sẽ khó "rút chân ra", sinh ra tâm không muốn làm chỉ muốn hưởng, cuối cùng dẫn đến cảnh tán gia bại sản, vợ con ly tán, gia đình tan vỡ. Từ cổ chí kim, chuyện này cũng không hiếm gặp. Vậy nên, nơi này cũng nhất định nên tránh xa để một đời được vinh hiển.

3. Quê hương

Từ xưa tới nay, đi làm xa xứ, đi học xa nhà ai cũng mong "áo gấm về làng", "vinh quy bái tổ" để mở mày mở mặt với bà con lối xóm. Vậy sao khi trở nên giàu có thì tránh về quê hương? Ở đây xin bàn đến khía cạnh tâm thái khi trở về, chứ không phải ý rằng không được trở về cố hương. Khi đã công thành danh toại trở về nên mang tâm thái khiêm nhường, không nên khoa trương, thể hiện bản thân thái quá.

Ai cũng biết rằng một người đi làm ăn xa, lập nghiệp bên ngoài có thành tựu, khi trở về sẽ có tiền của, địa vị. Nếu người đó quá khoa trương, thích thể hiện sẽ bị người đời chê cười, bàn ra nói vào sẽ không tốt. Thêm vào đó, kích động đến tâm tật đố của một số người, dễ chiêu mời những chuyện không hay.

Ví như người ta đến mượn tiền. Lúc đó lại rơi vào tình trạng khó xử, nếu cho mượn có thể sẽ nuôi dưỡng thói quen xấu không muốn làm, ỷ lại vào người khác của họ. Nếu không cho mượn sẽ đắc tội với người đi vay, sẽ trở thành bạc tình, bạc nghĩa trong mắt mọi người. Tất nhiên tùy vào hoàn cảnh cụ thể, mỗi người sẽ có cách hành xử khác nhau, nhưng để tránh rắc rối vẫn nên nghe lời khuyên của cổ nhân, âm thầm lặng lẽ vẫn hơn.

Khi đã công thành danh toại trở về nên mang tâm thái khiêm nhường. (Minh họa: Pexels)

"Nghèo khó chớ gần 2 người"

Trong cuộc sống, thường khi giàu sang, phú quý sẽ có nhiều người bên cạnh, tìm cách tiếp cận, nhờ cậy. Khi hết tiền, sa cơ lỡ vận thì những người trước đây cạnh bên sớm tối tìm cách lánh mặt, rời xa còn lại một mình tự gặm nhấm nỗi thống khổ, mất mát.

Có tiền, người ta đợi bạn nói, cung phụng bạn không tiền thì lời nói không có trọng lượng, nói không ai nghe....Có tiền, việc gì bạn làm đều có lý, không tiền việc gì bạn làm cũng thành thất bại, vô ích.

Sống trên đời, bất luận là giàu có hay không, đều cần phải giữ được lương tâm, đạo đức và học cách nhìn người, kết giao bạn bè cũng cần chọn lọc. Là điều không ai mong muốn nhưng chỉ khi lâm vào cảnh nghèo khó, túng quẫn, chúng ta mới có thể nhìn rõ bộ mặt thật của những người xung quanh mình.

Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó hãy nhớ tránh xa 2 kiểu người dưới đây.

1. Người giậu đổ bìm leo, thừa cơ nước đục thả câu

Những người thuộc hạng này thường vui trên sự bất hạnh, nỗi đau của người khác. Bề mặt vui vẻ nói cười, tỏ ra quan tâm lo lắng cho người gặp khó khăn nhưng trong tâm lại ngấm ngầm nghĩ cách để đạt lợi ích của bản thân, đây chính là những người "Miệng nam mô bụng bồ dao găm" mà ta thường nghe nói, nhắc đến trong cuộc sống.

Khi bạn giàu có, họ sẽ vây quanh nịnh hót, coi trọng, tâng bốc bạn lên tận mây xanh. Đến khi bạn sa cơ lỡ vận, họ không những không giúp đỡ mà còn xa lánh, khinh thường, thậm chí vu oan giá họa cho bạn.

Vậy nên, khi bạn nghèo khó đã nhìn thấu bộ mặt thật của hạng người này, thì đến lúc bạn đổi đời đổi vận, càng phải tránh xa. Bởi lẽ bản thân những người này đã là một tai họa.

2. Người đạo đức giả

Người đạo đức giả luôn luôn tìm cách giành giật những thứ mà họ có thể. Nơi công sở, với cấp trên, họ nịnh nọt, cười nói ngọt ngào, tuy nhiên với người địa vị thấp kém họ lại coi thường, khinh bỉ.

Họ chỉ nghĩ đến bản thân, đặt lợi ích bản thân trước khi nghĩ cho người khác. Nếu họ nhận thấy rằng mình có thể kiếm lời hay được lợi từ một việc gì đó, họ sẽ thực hiện nó một cách nhanh chóng. Còn nếu việc đó chẳng có lợi lộc gì, họ sẽ tìm cách né tránh.

Khi sa cơ lỡ vận mới biết ai là bạn ai là bè, đa phần những người lúc bình thường gần gũi, bên cạnh bạn bỗng chẳng thấy bóng dáng, tăm hơi người đó đâu khi bạn cần sự giúp đỡ, xa lánh bạn như thể không quen biết, tránh bạn như tránh một căn bệnh truyền nhiễm, họ không muốn bản thân bị tổn thất, vì bạn mà rước họa vào thân.

Bởi vậy, trong cuộc sống, nếu gặp phải những người như vậy thì tốt nhất hãy tránh xa và không nên kết giao, thân thiết để rồi một ngày bạn nhận ra con người thật của họ, bạn sẽ bị sốc, tuyệt vọng.

"Giàu sang tránh xa 3 nơi, nghèo khó chớ gần 2 người" là lời răn chân thành được đúc kết từ những kinh nghiệm sống mà người xưa để lại, giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, an yên.

Trong cuộc sống cũng khó tránh khỏi lúc thế này, lúc thế kia và lòng người là khó đo khó dò nhất. Vì vậy, chỉ cần chúng ta luôn giữ vững được bản thân, giữ vững sự thiện lương, biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, chân thành đối đãi với từng người mà mình gặp trong đời, thì nhất định sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng.

Ngọc Liên

(Tham khảo Dân Trí)



BÀI CHỌN LỌC

'Giàu sang tránh xa 3 nơi, nghèo khó chớ gần 2 người' đó là 3 nơi nào và 2 người nào?