Hành vi mất kiểm soát chỉ là triệu chứng, dũng cảm đối diện tìm lại chính mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bản thân hành vi mất kiểm soát không phải là vấn đề mà chỉ là vấn đề phương thức thể hiện.

Khi nước nóng trên bếp ga sôi lên và phát ra âm thanh thì mọi người sẽ biết tắt bếp và tiếng kêu sẽ ngừng. Tuy nhiên, khi liên quan đến vấn đề cảm xúc, hành vi thì người ta thường chọn cách tháo còi báo động.

Chúng ta muốn ngăn chặn sự xuất hiện của cảm xúc, ngăn chặn những hành vi hoặc suy nghĩ nhất định, và khiển trách bản thân một cách nghiêm khắc khi có những phản ứng này. Nhưng trên thực tế, những cảm xúc, hành vi và suy nghĩ này bản thân nó không phải là vấn đề, mà vấn đề là triệu chứng phát tác ra chúng. Nếu chúng ta có thể hiểu được nguyên nhân gốc rễ thì bệnh sẽ từ từ tiêu tan.

Khi còn học đại học, tôi và bạn cùng phòng có mối quan hệ rất tốt, ba cô gái chúng tôi cùng xem phim, chia sẻ cuộc sống cùng nhau, mặc dù tôi mơ hồ cảm thấy mối quan hệ giữa hai người bạn cùng phòng còn lại có vẻ tốt hơn. Việc này được chứng minh qua một số chuyện, nhưng tôi không dám đối mặt với ý nghĩ này, sợ nó sẽ phá hỏng mối quan hệ đẹp đẽ như vậy.

Phải đến một bữa tiệc tối nào đó giữa ba người chúng tôi diễn ra, chủ yếu là cuộc trò chuyện giữa hai người bạn cùng phòng còn lại, lúc này cảm giác bất an mới bùng nổ trong tôi. Tôi mất bình tĩnh và tức giận với họ, tôi đùng đùng một mình quay trở về ký túc xá. Tôi cảm thấy sợ và lo lắng không biết họ sẽ phản ứng thế nào trước sự mất kiểm soát của tôi, không ngờ họ lại nhẹ nhàng tiếp nhận tôi.

Đêm đó khi trở về ký túc xá, họ không dùng những lời lẽ mỉa mai hay bạo lực lạnh lùng, cũng không giả vờ rằng tôi không tồn tại hay sự việc đó không hề xảy ra, mà thay vào đó họ nhẹ nhàng bày tỏ rằng tôi cần sự giúp đỡ của chuyên gia. Tôi cảm nhận được rằng đó không phải là xuất phát từ sự công kích mà là họ thực sự quan tâm tới tôi.

Sau đó, tôi đến Trung tâm Tư vấn Sinh viên và bắt đầu buổi tư vấn đầu tiên trong đời. Tôi kể về rất nhiều nỗi đau, bối rối trong cuộc sống của mình lúc đó, hầu hết các tư vấn viên đều im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi vài câu. Buổi tư vấn thường kết thúc với bao suy tư rối bời hơn nữa bên trong tôi.

Khi tôi trở về ký túc xá, hai người bạn cùng phòng ngồi bên cạnh tôi, chăm chú lắng nghe những gì tôi nói ngày hôm đó và đưa ra ý kiến ​​của họ. Sự việc này diễn ra hàng tuần trong suốt học kỳ cho đến khi buổi tư vấn kết thúc.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có được những người bạn thân thiết như vậy. Tôi đặt nỗi đau vào mối quan hệ, còn bạn bè không phán xét phản ứng của tôi mà thay vào đó họ đặt bản thân vào hoàn cảnh, cảm xúc của tôi và nói cho tôi biết họ nghĩ gì. Tôi không nhớ chính xác lúc đó chúng tôi đã nói chuyện gì, chỉ nhớ sau mỗi lần tôi tới gặp tư vấn, hai bạn cùng phòng lại ấm áp trò chuyện với tôi đến nửa đêm và khóc cùng tôi.

Nhiều năm sau, có dịp tôi nhắc lại về tình bạn thời ấy, một người lớn tuổi hỏi tôi: “Vậy bây giờ em nghĩ sao về việc ‘hai người họ có mối quan hệ với nhau tốt hơn’?”. Lúc đó, tôi đã giải quyết được những tổn thương từ thời trung học và trong quá trình trưởng thành bản thân, đã tìm lại được khả năng nhận biết cảm xúc, cũng hiểu được niềm tin cốt yếu của mình. Tôi đã nhìn ra nhiều phương thức hành vi của bản thân. Sau khi cân nhắc, tôi trả lời: “Đó là tôi không để họ tiến gần tới mình”.

Trước đó, tôi từng có nỗi đau chia tay với một người bạn cùng lớp cấp 3. Từ nỗi đau đó, tôi học được cách không nói về những điều khiến mình vui, vì người khác có thể cho rằng đó là khoe khoang. Tôi cũng không nên nói về nỗi buồn, bởi vì điều đó sẽ phá hỏng bầu không khí. Tôi cũng càng không nên bày tỏ về yêu cầu của mình với người khác, vì nó sẽ gây áp lực cho người khác. Vì vậy, tôi đã ẩn mình ra ngoài mối quan hệ.

Tôi chỉ nói những lời an toàn, chẳng hạn như những tin đồn tôi nghe được hoặc điều gì đó đáng xấu hổ đã xảy ra với tôi, tôi liền giấu kín mọi cảm xúc và nhu cầu thực sự của mình. Trong những ngày chán nản đó, tôi thậm chí còn khóc thầm trên xe buýt, không biết phải đi đâu để giải tỏa những cảm xúc bị đè nén trong lòng.

Trong những ngày chán nản đó, tôi thậm chí còn khóc thầm trên xe buýt, không biết phải đi đâu để giải tỏa những cảm xúc bị đè nén trong lòng (Ảnh: pexels)
Trong những ngày chán nản đó, tôi thậm chí còn khóc thầm trên xe buýt, không biết phải đi đâu để giải tỏa những cảm xúc bị đè nén trong lòng (Ảnh: pexels)

Tôi nghĩ họ khá tốt, nhưng tôi đã không cho họ cơ hội để biết về con người thật của tôi. Họ không trải qua nỗi đau như tôi nên họ có thể thoải mái bày tỏ ý kiến về những điều họ thích và không thích, muốn làm hay không muốn làm, nhưng những điều đó đều nguy hiểm với tôi. Tôi chỉ có thể đợi người khác hỏi ý kiến mình ​​và chủ động tiếp cận mình, như vậy tôi thường hay cảm thấy người khác không quan tâm đến mình, nhưng lý do đằng sau đó thực ra là do tôi đã khép kín bản thân trước.

Có thể họ đã cố gắng đến gần tôi nhưng không thể vào được, nhưng hai người bạn cùng phòng của tôi lại thiết lập mối quan hệ với nhau tương đối dễ dàng. Tôi cho là “họ là những người bạn thân hơn”, và cách giải thích này thể hiện niềm tin cốt lõi của tôi trong quá trình trưởng thành rằng, mình không được coi trọng hay quan tâm. Tôi luôn tin rằng họ thân với nhau hơn tôi. Nhưng khi sẵn sàng thổ lộ nỗi lòng mình với những người bạn cùng phòng, tôi mới biết rằng thực ra họ rất sẵn lòng nỗ lực cùng tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất này.

Chúng ta thường phàn nàn về người khác và hoàn cảnh, nhưng lại quên rằng chính bản thân mình cũng là một phần trong mối quan hệ, và mối quan hệ lại là kết quả của sự tương tác lẫn nhau.

Tôi không vui khi những người bạn cùng phòng của tôi có mối quan hệ thân thiết với nhau hơn, nhưng một phần kết quả của sự tương tác này xuất phát từ sự tự cô lập, khép kín của tôi. Điều này xuất phát từ những tổn thương trong quá khứ của tôi, và đằng sau những điều này là kỳ vọng vào những mối quan hệ. Nó xuất phát từ những mong muốn tình cảm vốn thiếu thốn trong gia đình.

Tâm con người vừa phức tạp, lại vừa đơn giản, nếu phân loại những thứ muôn hình vạn trạng này thì mới hiểu được căn nguyên là ra sao. Nếu cho rằng “hai người thân nhau hơn” là nguyên nhân của mọi vấn đề, thì sẽ khó nhận ra nó lại thực sự là kết quả.

Tôi thật may mắn là nhiều năm sau đã khám phá ra các hình thức tương tác của bản thân và liên tục nỗ lực điều chỉnh chúng. Tôi hiểu rằng các mối quan hệ của tôi đều ngắn ngủi không phải vì tôi bị một lời nguyền nào đó, mà vì tôi không biết cách giao tiếp và bày tỏ cảm xúc của mình. Tôi hiểu rằng sự trống trải và cô đơn mà tôi thường cảm thấy trong các mối quan hệ không hoàn toàn do phía đối phương, mà vì tôi sợ tin tưởng, dựa vào người khác; hiểu rằng nỗi sợ hãi với người khác xuất phát từ tổn thương mà người khác có thể mang tới cho mình.

Đổ lỗi cho hoàn cảnh và phàn nàn về người khác là việc khá dễ dàng, nhưng để tìm ra nguyên nhân gốc rễ lại rất khó, vì chúng ta cần nhìn lại chính mình.

Sau khi học cách nhìn lại bản thân, tôi đã kết nối những thứ dường như không liên quan này lại với nhau. Những điều xảy ra trong các đời của sinh mệnh đã hình thành nên niềm tin như thế nào, rồi niềm tin đã trở thành khuôn mẫu ra sao, và những khuôn mẫu đó ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ giữa các cá nhân và cảm xúc sau này
.

Vì vậy, tôi nhận ra rằng mình cũng đang luôn phải vật lộn với những vấn đề tương tự trong cuộc sống. Tôi không thể chỉ mong chờ một mối quan hệ đẹp đẽ mà tách biệt bản thân khỏi việc chuẩn bị cho nó. Khi tôi bắt đầu đối mặt và nhìn nhận bản thân một cách nghiêm túc, cảm xúc lại xuất hiện.

Nhiều người khi độc thân thì thường sống đơn giản cho qua ngày, chờ đợi một người tốt mang đến mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng tôi cảm thấy sự chuẩn bị cho bản thân chính là món quà tuyệt vời nhất mà tôi từng tặng cho mình, và chúng sẽ thực sự giúp ích cho cảm xúc của mình trong tương lai.

Theo Ba Tiểu Ba - Epoch Times

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hành vi mất kiểm soát chỉ là triệu chứng, dũng cảm đối diện tìm lại chính mình