Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 30/03, Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với nhiều đối tượng mà quốc gia này cho là có liên quan đến các nỗ lực thu mua nguyên liệu cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết các lệnh trừng phạt nhắm vào một nhà thu mua tại Iran, ông Mohammad Ali Hosseini và mạng lưới các công ty của ông ta gồm Jestar Sanat Delijan có trụ sở tại Iran, Sina Composite Delijan Co., Sayehban Sepehr Delijan, và P.B. Sadr Co.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 30/03: Ông Hosseini và các công ty của ông ta đã tham gia vào “nỗ lực mua sắm thiết bị được sử dụng để sản xuất chất nổ đẩy tên lửa đạn đạo và các nguyên liệu liên quan để hỗ trợ chương trình tên lửa của Iran".

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết nguyên liệu này được mua cho một đơn vị Vệ binh Cách mạng Hồi giáo chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo, cũng như cho Parchin Chemical Industries (PCI), một bộ phận của Tổ chức Công nghiệp Quốc phòng Iran và đang chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Ông Blinken nói: “Các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo của Iran tiếp tục gây bất ổn cho khu vực Trung Đông, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tùy ý sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn các hoạt động này".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken xuất hiện trong cuộc họp báo ở Geneva vào ngày 21/1/2022. (Ảnh Getty Images)

“Hoa Kỳ sẽ không đứng nhìn trong khi các mạng lưới của Iran hỗ trợ các đối tượng đã được Liên Hiệp Quốc chỉ định, ví như PCI".

Ông Hosseini và mạng lưới các công ty của ông ta đang bị trừng phạt theo Sắc lệnh số 13382, vốn “nhắm mục tiêu vào các đối tượng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện giao nhận của họ vì sự dính líu của họ vào các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo của Iran".

Các lệnh trừng phạt này cho phép việc đóng băng bất kỳ tài sản nào tại Hoa Kỳ thuộc về những đối tượng được chỉ định đó, trong đó có các công ty hoặc tổ chức mà những đối tượng này sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên. Nói chung là các lệnh trừng phạt này cấm người Mỹ giao dịch với họ.

Những người tham gia vào các giao dịch nhất định với các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt có thể sẽ là đối tượng của các biện pháp trừng phạt hoặc hành động thực thi pháp luật.

Bộ Ngân khố cho biết các lệnh trừng phạt này là nhằm đáp trả cuộc tấn công tên lửa gần đây của Iran nhắm vào Erbil, Iraq, cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa của các lực lượng ủy nhiệm Iran nhắm vào Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Hôm 13/03, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Erbil, thủ phủ của vùng Kurdistan thuộc Iraq, nhằm vào một khu dân cư “mà không có bất kỳ lời biện minh nào".

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan phát biểu trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, vào ngày 11/2/2022. (Ảnh Getty Images)

Không có báo cáo thương vong nào từ cuộc tấn công này.

Ông Brian E. Nelson, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phụ trách về Khủng bố và Tình báo Tài chính cho biết: “Hành động này tăng cường cam kết của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn sự phát triển và sử dụng các tên lửa đạn đạo tiên tiến của nhà nước Iran".

“Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục tìm cách khiến Iran tái tuân thủ Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), chúng tôi sẽ không ngần ngại nhắm vào những cá nhân ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đối tác khác trong khu vực để buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình, bao gồm cả việc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước láng giềng".

Các lệnh trừng phạt mới nhất được đưa ra khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 vốn khó có cơ hội thành công, ​​dường như bị đình trệ. Thỏa thuận này còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).

Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran.

Phản ứng lại các lệnh trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn hôm 31/03, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói rằng họ “đang chứng minh dã tâm của chính phủ Hoa Kỳ” đối với người dân Iran.

Ông Saeed Khatibzadeh cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục “vi phạm thỏa thuận này và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc” mặc dù tuyên bố nước này đã chuẩn bị và sẵn lòng quay trở lại thỏa thuận này.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran