'Hồn bay phách tán' có thật không? Một người thời nhà Thanh du ngoạn âm phủ kể lại trải nghiệm sau khi chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong rất nhiều trường hợp cận tử, người ta mô tả linh hồn xuất khỏi cơ thể nhẹ bồng bềnh, có thể tự do di chuyển mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Trong một số sách cổ ghi lại, linh hồn xuất khỏi cơ thể là một chuyện thống khổ, giống như một con rùa đang thoát xác, một con bò đang bị lột da, rất đau đớn. Một khi linh hồn ly thể, mọi thứ sẽ trở nên rất khác biệt. Câu chuyện về một người chết sống lại ở thời nhà Thanh đã đề cập đến một số chi tiết sau khi linh hồn rời khỏi cơ thể, chứng minh rằng thành ngữ tiếng Hán "hồn bay phách tán" không phải là tin đồn vô căn cứ.

Vào thời nhà Thanh, ở núi Tây Hồ Động Đình, tỉnh Giang Tô, có một gia đình họ Lục. Vợ của ông Lục là người trong thành phố Tô Châu. Một ngày nọ, ông Lục vào thành làm việc, thuận đường vấn an nhạc phụ nhạc mẫu, không may mắc bạo bệnh mà qua đời. Gia đình nhà vợ vội vàng đi thuyền đến núi Động Đình để đón con gái về thành lo tang lễ cho chồng. Tuy nhiên, trên đường về, trời nổi bão, sóng to gió lớn, thuyền khách không thể đi được, đành phải neo đậu vào bờ, đợi khi gió ngừng rồi mới đi tiếp.

Không ngờ, bão tố kéo dài khiến thuyền khách bị mắc kẹt suốt bảy ngày. Cơn bão dịu đi đôi chút, thuyền khách lại lên đường trở về Tô Châu. Thời tiết lúc này đang rất lạnh giá, thi thể của ông Lục để bảy ngày cũng không bị thối rữa. Tuy nhiên, ngay khi tiến hành khâm liệm, mọi người mở nắp quan tài, ông Lục đột nhiên tỉnh dậy. Sau bảy ngày chết đi sống lại, ông Lục sống thêm được hơn mười năm nữa thì qua đời.

Sau đó, mọi người tò mò hỏi ông Lục về chuyện gì đã xảy ra sau khi ông chết. Ông Lục kể lại trải nghiệm của mình: Khi sắp chết, linh hồn từ đỉnh đầu xuất ra, do quá gấp gáp lại càng không thể thoát khỏi thể xác, đành phải nỗ lực giãy giụa. Lúc này cảm giác rất đau đớn. Tuy nhiên, khi linh hồn thoát khỏi thể xác, đột nhiên cảm giác như được giải thoát, cảm thấy nhẹ bồng bềnh, lúc này linh hồn và thể xác đã phân tách thành hai, linh hồn rời bỏ thể xác bay đi rất xa.

Linh hồn đi vào cõi mịt mù, lúc này tựa hồ còn có chút ý thức, nhưng lại giống như không có ý thức, giống như lúc người ta ngủ say ý thức mơ hồ. Linh hồn trôi dạt theo gió, đến nhà ở trên núi Động Đình, lúc này mới nhận ra bản thân đã chết, mới đột nhiên nhớ cha mẹ, anh chị em, vợ mà đau buồn thê lương, bỗng nhiên cảm thấy hồn khí tụ lại một chỗ, như có thần khí; nhưng một lúc sau lại rơi vào trạng thái mơ màng.

Linh hồn lơ lửng bên ngoài, có lúc gặp gió lớn sẽ thổi tan hồn khí, hoặc nghe thấy tiếng nhạc cụ và đồ kim loại như trống, chiêng, đồng, sắt, hồn khí cũng sẽ kinh sợ tan tác. Lúc này linh hồn đang cố gắng thu mình lại, nhưng lại rất khó khăn.

Ông Lục nói, sau khi linh hồn rời khỏi thân thể, ông không nhìn thấy nhật nguyệt, cũng không biết có ngày đêm, cũng không thấy cõi âm phủ địa ngục và Diêm Vương mà người ta thường nói trên thế gian, cũng không thấy ma quỷ xuất hiện.

Sau đó, linh hồn theo gió trôi dạt đến một nơi khác, mơ hồ nghe thấy có hai người đang khóc bên cạnh xác chết, cảm thấy cái chết thật xấu xí và đáng sợ. Nhưng nhìn mãi, linh hồn không kìm được mà đột nhiên tiến lại gần, bỗng nhiên liền hòa lại thành một với xác chết, và thế là ông sống lại. Hai người đang đau buồn, khóc lóc là vợ và mẹ vợ của ông Lục.

Đối với việc ông Lục chết đi sống lại, quan lớn kiêm quan ngoại giao Tiết Phúc Thành (1838 - 1894) thời Vãn Thanh bình luận: "(Lục mỗ) chưa tới âm giới vì dương thọ chưa hết, nên không có quỷ sai dẫn dắt. Vì vậy mới có thể hồi sinh”. Ý đại khái là, Lục mỗ chưa tới âm tào địa phủ, bởi vì dương thọ chưa hết, nên không có quỷ sai đến bắt linh hồn và dẫn đường, chỉ là linh hồn ly thể. Mặc dù lang thang trong âm phủ, nhưng cũng không ai để ý đến ông ấy, vì vậy mới có cơ hội hồi sinh.

Ví dụ tương tự như ông Lục chết đi sống lại, được ghi chép khá nhiều trong các điển tích Trung Hoa. Những từ ngữ thường được sử dụng trong tiếng Hán như "linh hồn xuất khiếu, hồn phi phách tán, hồn bất phụ thể" v. v., không phải là tưởng tượng và khoa trương tùy tâm sở dục của người xưa. Phía sau những từ ngữ này là sự huyền diệu của sự tồn tại của linh hồn con người, và chúng đại diện cho nhận thức vượt trước khoa học thực nghiệm mà khoa học thực nghiệm khó có thể đạt được.

Theo Bạch Dịch - Sound Of Hope
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

'Hồn bay phách tán' có thật không? Một người thời nhà Thanh du ngoạn âm phủ kể lại trải nghiệm sau khi chết