Huyện lệnh tuổi trẻ tài cao, được ca ngợi xử án như Thần, tại sao lại bị Hoàng đế xử tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Huyện lệnh là người trẻ tuổi xuất thân khoa giáp, vốn luôn tự cho rằng mình thông minh, sáng suốt, tài năng. Sau khi kiểm tra khám nghiệm tử thi, Huyện lệnh cho bắt Uyển Cô và Hiếu liêm đến nha môn.

Giúp bạn hộ tống em gái về quê

Những năm Gia Tĩnh triều Minh (1507-1567), có một thanh niên tên Giáp sống ở Thiệu Hưng Chiết Giang, thuở nhỏ đến kinh thành học nghề thợ bạc. Do thông minh và khéo tay hơn người, sau khi học thành tài, những đồ bạc do anh chế tác có kiểu dáng mới lạ, ý tưởng kỳ diệu, nên anh đã trở thành thợ bạc số 1 kinh thành. Các vương hầu quyền quý cho đến các gia đình giàu có, và đồ trang sức của các tiểu thư trong kinh thành, nếu không phải là do anh chế tác thì không được coi là quý giá. Vì thế anh thường ra vào các gia đình quyền quý, và đã tích lũy được tài sản hàng vạn lạng bạc.

Anh có một em gái tên là Uyển Cô, anh rất thương yêu em. Năm đó Uyển Cô đã 15 tuổi, xinh đẹp vô ngần. Khi còn nhỏ, Uyển Cô được hứa gả cho anh Ất đồng hương, nhưng do nhà Ất nghèo, không có tiền để đến kinh thành đón dâu được. Còn anh thợ bạc Giáp thì công việc bận rộn, cũng không thể nào đích thân đưa em gái về quê thành thân được. Do đó Giáp thường lo nghĩ về việc này.

Giáp có một em họ là Hiếu liêm (tức cử nhân), đến kinh thành dự thi, trú ở nhà Giáp, nhưng kết quả thi trượt. Khi Ất chuẩn bị về quê, Giáp mở tiệc tiễn biệt. Sau khi uống vài chén rượu, Giáp đem 500 lạng bạc bày lên chiếc mâm đỏ rồi đặt lên bàn trà, sau đó bái Hiếu liêm 2 bái và trịnh trọng nói: “Huynh có một việc suy nghĩ nhiều năm, vẫn chưa tìm được người thích hợp giúp huynh hoàn thành. Hôm nay, rất may được gặp đệ, tâm nguyện của huynh đã có thể được thực hiện rồi. Hiền đệ tuổi trẻ tài cao, hơn nữa là là người quân tử chân thành, nếu nguyện ý nhận lời, thì huynh mới dám phó thác việc này cho đệ”.

Hiếu liêm thấy Giáp tình cảm chân thành thì trả lời rằng: “Đệ và huynh là người cùng dòng tộc, chỉ cần đệ đủ sức làm được thì đệ ắt sẽ tuân mệnh, đâu dám chối từ”.

Thế là Giáp giao Uyển Cô cho Hiếu liêm và nói: “Huynh không thể nào đích thân đưa tiểu muội về quê được, giờ đây đệ về phương nam, nhân tiện xin hãy hộ tống Uyển Cô về quê để tiểu muộn thực hiện hôn ước. Sự việc bấy lâu cánh cánh trong lòng huynh, nay đã được giải quyết mỹ mãn rồi. Huynh giao 500 lạng bạc để làm lộ phí, hy vọng đệ không trách cứ vì quá ít”.

Hiếu liêm cảm nhận tình cảm chân thành của Giáp nên đã khẳng khái nhận lời.

Biến cố kinh hoàng - vụ án chấn động

Hiếu liêm đưa Uyển Cô về đến Chiết Giang, trú ở nhà anh ta vài ngày, rồi chọn ngày tốt lành đưa cô đến nhà Ất. Nhà Ất chỉ có mẹ già. Sau khi Uyển Cô được gả cho nhà Ất, ngày hôm sau khi trời vừa mới hửng sáng, cô dâu mới xuống bếp thì trông thấy chồng và mẹ chồng bị sát hại, cả hai thi thể nằm dưới nền bếp, sợ quá cô thét lớn. Hàng xóm nghe thấy tiếng kêu thét đều chạy đến. Trông thấy thi thể, họ vô cùng kinh ngạc, dấy lên nghi ngờ. Vì vậy họ cùng đi báo quan.

Huyện lệnh là người trẻ tuổi xuất thân khoa giáp, vốn luôn tự cho rằng mình thông minh, sáng suốt, tài năng. Sau khi kiểm tra khám nghiệm tử thi, Huyện lệnh cho bắt Uyển Cô và Hiếu liêm đến nha môn. Sau khi được biết cả hai người cùng nhau trên đường về quê, Huyện lệnh bèn đập bàn nghiêm giọng nói: “Vụ án này không cần thẩm tra nữa, ta đã rõ như lòng bàn tay rồi. Đôi nam nữ này đồng hành mấy ngàn dặm, lửa gần rơm, hơn nữa cả hai đều tuổi trẻ xinh đẹp, lại không có người cùng đi. Nếu nói trên đường đi cả hai có thể phòng ngừa lẫn nhau, sau khi ở cùng mấy tháng mà vẫn giữ được thân trong sạch thì ta không tin!”.

Huyện lệnh ra lệnh cho Tú bà kiểm tra Uyển Cô, quả nhiên không phải là trinh nữ. Huyện lệnh càng cho rằng mình liệu sự như Thần, vô cùng đắc ý nói: “Thế nào, ta nói không sai chứ”.

Thế là Huyện lệnh hạ lệnh đem hai người ra dùng hình, đánh đập khiến cả hai tơi tả thảm hại. Cuối cùng, vì hai người không chịu được tra tấn tàn khốc, dù vô tội cũng đành nhận tội. Hai người bị phán xử tử hình.

Khi đó, mọi người đều đồng thanh ca ngợi Huyện lệnh phá án như Thần, đồng thời mắng chửi Uyển Cô không giữ trinh tiết, mắng chửi Hiếu liêm mặt người dạ thú, đã phụ sự phó thác của Giáp, chết cũng không oan.

Mọi người đều đồng thanh ca ngợi Huyện lệnh phá án như Thần. (Chụp video)

Ở kinh thành nghe được sự kiện này, ban đầu Giáp kinh hoàng vô cùng, đau buồn lắm, và cũng cho rằng hai người đã trái nghịch lễ nghĩa luân thường, có tội thì phải chịu tội. Nhưng nghĩ đến việc Uyển Cô từ nhỏ theo anh đã hơn chục năm, xưa nay là người giữ gìn lễ nghĩa, nói năng cử chỉ chưa bao giờ tùy tiện. Còn Hiếu liêm cũng là người nổi tiếng thuần chính cẩn thận từ khi còn tuổi thiếu niên, dung mạo cử chỉ đoan trang, sao có thể làm ra cái việc phạm pháp bất nghĩa vô lễ như thế này? Thế là Giáp do dự suy nghĩ, trong lòng có chút không tin.

Giáp - người xa quê nhà đã nhiều năm, tạm thời giao việc cửa hàng cho người khác quản lý, và chuẩn bị về quê tảo mộ, cũng nhân tiện điều tra chân tướng sự việc này. Ở kinh thành, Giáp là người thợ bạc khéo tay nổi tiếng, các thương gia miền Bắc đa phần đều có mối quan hệ qua lại với anh. Một ngày nọ, anh đến một cửa hàng cầm đồ, khi đang nói chuyện với chủ tiệm thì đột nhiên trông thấy một nhân viên tay cầm một cặp vòng tay vàng chìa ra cho chủ tiệm xem và nói: “Đôi vòng tay vàng này chế tác rất tinh xảo, vì người cầm đồ đòi giá cao quá, tôi không dám quyết định nên đến xin chủ nhân quyết định”.

Đứng bên, Giáp nhìn thấy vòng tay vàng thì giật mình sửng sốt, bật khóc và nói với chủ tiệm rằng: “Đây chính là lễ vật xuất giá tôi đã tặng cho tiểu muội khi tiểu muội trở về quê, may mắn hôm nay trông thấy nó ở đây, thế thì nỗi oan của người chết có thể được rửa sạch rồi”.

Thế là anh đem đầu đuôi câu chuyện kể lại cho chủ tiệm và nhờ ông dùng kế giữ chân người cầm đồ lại.

Giáp vội vàng chạy đến nha môn đánh trống tố cáo. Quan lại địa phương bắt người cầm đồ đôi vòng tay vàng về quy án, và khi thẩm vấn hắn đã nhận tội.

Thì ra, bởi nhà Ất nghèo, sợ em gái sau khi xuất gia sẽ khó sinh sống, nên Giáp đã chế tác mấy chiếc vòng tay vàng, đều là giá trị ngàn vàng, làm của hồi môn cho tiểu muội. Nào ngờ việc này bị một kẻ trộm ở kinh thành biết được, hắn đã theo đuôi Uyển Cô và Hiếu liêm suốt dọc đường cho đến tận Chiết Giang.

Ngày Uyển Cô xuất giá, do nhà Ất nghèo, sau hôn lễ, họ hàng cáo biệt ra về. Kẻ trộm nhân lúc người hỗn loạn đã lẻn vào ẩn nấp trong bếp. Khi mẫu thân của Ất vào bếp rửa bát đĩa, hắn từ trong bóng tối xông ra, vung dao sát hại bà. Ất nghe thấy trong bếp có tiếng động, bèn cầm đuốc vào soi xem, kẻ trộm lại vung dao sát hại Ất. Sau đó, kẻ trộm mặc y phục và giày của Ất, cầm đuốc rồi bước vào phòng cưới.

Uyển Cô mới đến nhà Ất, lại vào đêm tối, cô không phân biệt được người này là Ất thật hay Ất giả. Sau khi lên giường đi ngủ, tên trộm nhẹ nhàng nói với Uyển Cô rằng: “Nghe nói anh trai nàng tặng của hồi môn, trong đó có mấy chiếc vòng tay vàng được chế tác rất tinh xảo tuyệt mỹ, sao nàng không đem ra coi xem?”

Uyển Cô cho rằng hắn chính là chồng mình, bèn lấy tất cả nữ trang ra đưa cho tên trộm xem. Tên trộm mừng lắm, giả vờ khen ngợi không ngớt, sau đó ngủ cùng nàng.

Trời còn chưa sáng, nhân lúc Uyển Cô còn ngủ say, tên trộm lấy tất cả đồ trang sức đi. Cho đến hôm nay, hắn đem cầm đồ thì bị nhận ra. Lời khai của tên trộm là như vậy.

Huyện lệnh báo cáo vụ án cho Tuần phủ, và làm công văn đến Chiết Giang, đồng thời dân tấu cho Hoàng đế.

Hoàng đế Gia Tĩnh sau khi biết chuyện thì nổi giận, lệnh cho phân thây kẻ trộm, sau đó xử tử viên Huyện lệnh trẻ tuổi, người xuất thân khoa cử, người vẫn tự cho mình là thông minh sáng suốt tài cao. Các quan lại các cấp liên quan đến việc xét xử vụ án này, từ Đốc phủ trở xuống, đều bị trừng trị nghiêm khắc. Ngoài ra, Hoàng đế còn ban biển treo và xây cổng làng để biểu dương Uyển Cô. Con trai của Hiếu liêm được kế thừa, được ban học vị của cha, và được vào Quốc tử giám học tập.

Ân tình và pháp luật được Hoàng đế thi hành song song, khiến người sống, kẻ chết đều có thể mỉm cười. Vì vậy, những người có quyền hành phán xử các vụ án, nhất định không được tự cho mình là thông minh sáng suốt tài giỏi, cần khiêm tốn và thận trọng trong việc thẩm án.

(Theo sách “Lý thừa” của Hứa Phụng Ân, triều Thanh)

Thái Nguyên - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Huyện lệnh tuổi trẻ tài cao, được ca ngợi xử án như Thần, tại sao lại bị Hoàng đế xử tử