Israel: Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối cải cách tư pháp bước sang tuần thứ 10

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11/3, khoảng 100.000 người trên khắp đất nước Israel đã xuống đường biểu tình trong tuần thứ 10 liên tiếp nhằm phản đối các kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ. Giới phân tích coi các kế hoạch cải cách này là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Lo ngại nền dân chủ bị xói mòn

Làn sóng biểu tình nổ ra trong bối cảnh chính phủ theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chuẩn bị tiếp tục chương trình lập pháp trong tuần tới và “né tránh” những lời kêu gọi tạm dừng kế hoạch trên để mở đường cho đàm phán, theo tờ SCMP.

Những cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã vấp phải sự phản kháng lớn nhất từng xảy ra ở Israel kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 12/2022. Sự việc này đã trở thành chất xúc tác giúp đoàn kết nhiều nhân tố của một xã hội vốn bị phân cực. Các thành viên của cộng đồng Chính thống cực đoan, cựu quân nhân và giám đốc điều hành trong ngành công nghệ đã xuống đường biểu tình vì lo ngại các biện pháp đó sẽ khiến nền dân chủ bị xói mòn.

Theo ước tính của truyền thông Israel, cuộc biểu tình diễn ra tại thành phố ven biển Tel Aviv với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thu hút khoảng 100.000 người tham gia. Nhiều người trong số họ vẫy cờ Israel màu xanh và trắng.

Cũng theo truyền thông Israel, có khoảng 50.000 người đã xuống đường biểu tình ở thành phố Haifa phía Bắc Israel và 10.000 người ở Beersheba. Các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở nhiều thành phố và thị trấn khác ở đất nước với hơn 9 triệu dân này.

Người biểu tình tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi của chính phủ Israel ở Tel Aviv vào ngày 11/3/2023. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

Doanh nhân công nghệ Ran Shahor, một người biểu tình cho biết: “Tôi biểu tình vì các biện pháp mà chính phủ mới đề xuất đặt ra mối đe dọa thực sự và cấp bách đối với nền dân chủ Israel”.

Chính phủ mới của Israel đang thúc đẩy một kế hoạch nhằm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa 3 nhánh của chính phủ. Luật này trao cho Thủ tướng và chính phủ - thông qua cơ quan lập pháp mà họ kiểm soát - quyền bác bỏ các quyết định của Tòa án Tối cao. Luật này cũng hạn chế khả năng của tòa án trong việc bác bỏ các đạo luật vi phạm quyền con người và quyền công dân, đồng thời trao cho chính phủ toàn quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các vị trí trong ngành tư pháp.

Kế hoạch này đã vấp phải những lời chỉ trích của gần như toàn bộ cơ sở pháp lý, với các tổng chưởng lý, chánh án Tòa án Tối cao và hàng chục cựu thẩm phán gọi đó là mối đe dọa đối với nền dân chủ Israel.

Ông Netanyahu và các đồng minh của ông nói rằng các biện pháp này nhằm mục đích kiềm chế một tòa án đã vượt quá thẩm quyền của mình. Những người chỉ trích nói rằng cuộc đại tu sẽ làm đảo lộn hệ thống kiểm tra và cân bằng tinh tế của đất nước và đẩy Israel về phía chủ nghĩa độc đoán.

Các nhà phê bình cũng cho rằng trong lúc ông Netanyahu đang bị xét xử vì tội tham nhũng thì động thái này sẽ giúp ông tìm ra lối thoát khỏi các cáo buộc thông qua cuộc đại tu. Ông Netanyahu đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và nói rằng những thay đổi pháp lý không liên quan gì đến phiên tòa xét xử ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Repubblica của Ý, ông Netanyahu đã xem nhẹ các cuộc biểu tình và tuyên bố sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.

Ông nói: “Các cuộc biểu tình cho thấy nền dân chủ của chúng ta vững chắc như thế nào. Một cuộc cải cách là cần thiết. Tư pháp phải độc lập chứ không phải toàn năng”.

Trong khi đó, Tổng thống Israel Issac Herzog hôm thứ Năm (9/3) đã kêu gọi liên minh ngăn chặn đạo luật này, gọi nó là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin bắt tay sau khi đưa ra tuyên bố trước báo giới tại trụ sở của Công ty Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) gần sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel, hôm 9/3/2023. (Ảnh: Gil Cohen-Magen/AFP/Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Israel trong bối cảnh rối ren

Ngày 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Israel trong khuôn khổ chuyến công du một số nước Trung Đông, bắt đầu từ 5/3.

Hãng tin Reuters đưa tin, ông Lloyd Austin đã buộc phải hạ cánh xuống Sân bay Ben Gurion do làn sóng biểu tình trên đường phố Israel phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Austin ban đầu dự định đến Israel vào hôm 8/3 và ở lại qua đêm tại Tel Aviv, nơi đặt trụ sở của Bộ Quốc phòng Israel. Nhưng kế hoạch sau đó đã có thay đổi do lo ngại về tình trạng gián đoạn giao thông vì các cuộc biểu tình chống ông Netanyahu.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra đúng vào dịp bạo lực leo thang giữa người Israel và người Palestine khi các lực lượng an ninh của Nhà nước Do Thái tăng cường truy quét tại Bờ Tây.

“Bộ trưởng Austin kêu gọi ngừng các hành động đơn phương làm suy yếu mục tiêu lâu dài về hai quốc gia, với người Palestine và người Israel được hưởng các biện pháp bình đẳng về tự do, an ninh, cơ hội, công lý và nhân phẩm”, Lầu Năm Góc nói về cuộc gặp của ông Austin với ông Netanyahu.

Hoa Kỳ là đồng minh thân cận nhất của Israel và cả hai nước ngày càng lo ngại về các hoạt động quân sự của Iran trong khu vực và chương trình hạt nhân của nước này.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Israel: Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối cải cách tư pháp bước sang tuần thứ 10