Khi giáo dục một đứa trẻ, hãy cho trẻ ăn đường trước, rồi đến muối, cuối cùng là canxi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong giáo dục gia đình, bố mẹ phải biết cho đường, muối, canxi một cách hợp lý, để “món súp” đủ dinh dưỡng và giúp con trở thành người ấm áp, yêu thương, trách nhiệm, dũng cảm và mạnh mẽ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học trực thuộc một trường đại học danh tiếng đã đưa ra câu hỏi “Loại gia đình nào có thể mang lại sự giáo dục tốt nhất cho con cái?”, và câu trả lời độc đáo của ông: "Một đứa trẻ cần đường, canxi và muối để lớn lên."

Đường là săn sóc khích lệ; canxi là tự lực; muối là những khó khăn, gian khổ. Ba điều này không thể thiếu trong giáo dục một đứa trẻ.

Đặt "đường" lên hàng đầu, thuận theo đặc tính tiên thiên của trẻ

Các chuyên gia chỉ ra rằng đồ ăn ngọt có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của não và khiến con người cảm thấy vui vẻ.

Đứa trẻ nào sinh ra cũng thích “đường”, khi đầu lưỡi bé nhỏ chạm vào vị ngọt ấy, chúng có thể luôn nhảy nhót vui sướng.

“Đường” trong giáo dục gia đình chính là sự quan tâm, động viên của cha mẹ, giống như thanh sô cô la đầy ngọt ngào và ấm áp, để con cái được thư giãn và tìm về bản chất của chính mình.

Có một câu chuyện khiến vô số người cảm động: Người mẹ lần đầu tiên tham dự cuộc họp phụ huynh và giáo viên mẫu giáo nói: "Con trai cô mắc chứng tăng động, giảm chú ý, thậm chí không thể ngồi trên ghế trong ba phút. Cô nên đưa cháu đến bệnh viện kiểm tra."

Người mẹ rất bực bội, nhưng bà về nhà và nói với con trai mình: "Cô giáo khen con và nói rằng nhiều bạn không thể ngồi trên ghế trong một phút, nhưng con lại có thể ngồi được yên trong ba phút. Các bà mẹ khác rất ghen tị với mẹ của con, bởi vì cả lớp chỉ có con là đứa trẻ tiến bộ mà thôi.”

Tối đó, lần đầu tiên đứa con trai nhỏ ăn hai bát cơm mà trước đây không thể.

Khi đứa bé học cấp 1 và cấp 2. Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo đánh giá con không tránh khỏi những lời lẽ tiêu cực, khi về nhà mẹ sẽ nói với con: “Cô giáo hoàn toàn tin tưởng con, miễn là con tiếp tục chăm chỉ, con sẽ thành công.”

Sau khi nghe những lời của người mẹ, đôi mắt u ám của con trai đột nhiên tràn ngập ánh sáng, và khuôn mặt thất vọng của cậu bé lập tức giãn ra.

Trong hơn mười năm, người mẹ đã dùng “đường” yêu thương và sự khích lệ để nuôi dưỡng trái tim của con và tiếp thêm sức mạnh cho con tiến về phía trước.

Mãi cho đến khi con trai cô tốt nghiệp trung học và được nhận vào đại học danh tiếng thì bí mật của tất cả những điều này mới được tiết lộ. Cậu con trai vừa khóc vừa nói: “Mẹ biết con không phải là một đứa trẻ thông minh, nhưng trên đời này chỉ có mẹ là trân trọng con…”.

Emerson đã nói: “Tự tin là bí quyết thành công đầu tiên”. Trên thực tế, không khó để khiến trẻ tự tin.

Chỉ cần cha mẹ sẵn sàng dệt nên tình yêu ngọt ngào bằng những lời khen ngợi và động viên, chỉ cần cha mẹ sẵn sàng cùng con trải qua quãng thời gian dài thơ ấu, tuổi thiếu niên và cả tuổi thanh xuân với tình cảm ấm áp và bao dung, con cái sẽ tự nhiên tràn đầy tự tin và tiến về phía trước trên con đường gặp gỡ ‘phiên bản’ tốt nhất của nó.

Thêm “muối” dạy con đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống

Một nhà triết học đã từng nói: "Khổ, chịu đựng đau khổ, vượt qua đau khổ, đây là quá trình trưởng thành."

Cuộc sống luôn có nhiều hương vị, có vị ngọt sẽ có vị đắng. Trong giáo dục, muốn trẻ phát triển phong phú, đa dạng thì gia vị “muối” đương nhiên không thể thiếu.

Thêm chút “muối” vào việc giáo dục con cái là để chúng hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, vấp ngã… muôn hình vạn trạng.

Trên mạng xã hội truyền hình ảnh cậu bé ngồi làm bài tập bên thùng rác khiến vô số phụ huynh xót xa.

Vào một đêm đông giá lạnh và ảm đạm, mọi người đang tận hưởng thời gian nhàn hạ trong những ngôi nhà ấm áp, thì quầy khoai lang nướng của mẹ bắt đầu vào thời điểm bận rộn nhất trong ngày.

Trong khi mẹ tất bật nướng khoai lang, cậu bé ngồi bên thùng rác và nghiêm túc làm bài tập về nhà.

Dù điều kiện kinh tế gia đình ở mức trung bình nhưng cậu bé chăm học và rất hiểu chuyện, thường giúp mẹ đóng hàng, trông quầy hàng.

Người mẹ này tuy học vấn không cao nhưng lại có hành vi đun một bát canh "muối" đặc quánh cho con mình.

Những vị mặn đó hòa cùng vị đắng của cuộc đời để con biết cách trở lên mạnh mẽ.

Vì vậy, ngay cả khi hoàn cảnh khắc nghiệt, gió lạnh, và cậu bé vẫn ngồi cạnh thùng rác vẫn nghiêm túc làm bài tập, để chiến đấu với số phận của mình, tôi tin rằng cậu bé sẽ có thể viết nên quỹ đạo cuộc đời của chính mình trong tương lai.

Rand Newman, chuyên gia sức khỏe tâm thần người Mỹ đã chỉ ra: Những người có tuổi thơ rất “hạnh phúc” thường có quãng đời trưởng thành không may mắn.

Nói cách khác, những đứa trẻ hiếm khi chịu thất bại, khi lớn lên sẽ cảm thấy đau đớn sâu sắc vì không thể thích nghi với sự cạnh tranh khốc liệt, phức tạp và hay thay đổi của xã hội khi chúng lớn lên.

Theo một số liệu điều tra ở Trung Quốc, 30 triệu thanh thiếu niên đang trong tình trạng suy nhược thần kinh, hàng năm có 250.000 người từ bỏ sinh mệnh của bản thân vì không vượt qua được nỗi đau tâm lý.

Quá trình trưởng thành là quá trình vấp ngã và đứng dậy nhiều lần. Mọi người đều có thể học được một lượng kiến ​​thức, kinh nghiệm và lòng dũng cảm nhất định từ những thất bại, đồng thời thu được những bài học quý giá từ những thất bại đó.

Vì vậy, dù thương con đến mấy, chúng ta cũng phải rắc một nắm “muối” trên con đường trưởng thành của chúng, chứ đừng cố tình trốn tránh những “khó khăn” của cuộc đời, để con nếm trước nỗi đau, để con sẽ không bị tàn phá khi gặp phải thất bại.

Chỉ bằng cách làm cho trẻ dũng cảm hơn và học cách đối mặt với khó khăn, chúng mới có thể vượt qua đầm lầy của cuộc đời và đến được bến bờ trưởng thành bên kia.

Bổ sung “canxi” để trẻ tự lập

Có một câu nói rất hay: "Tình yêu thành công thực sự của cha mẹ là để đứa trẻ tách khỏi cuộc sống của bạn với tư cách là một cá thể độc lập càng sớm càng tốt. Sự tách biệt này càng sớm, bạn càng thành công."

Để trẻ trở thành một cá thể độc lập đối mặt với cuộc sống, bổ sung “canxi” là điều cần thiết trong giáo dục gia đình.

Nhờ bổ sung “canxi”, trẻ sẽ có sức sống dẻo dai và khả năng thích ứng ngoan cường để chống chọi với những thăng trầm của cuộc sống.

Trong "Luật của những con cáo", những con cáo trưởng thành không thể sống cùng bố mẹ, chúng phải tự nuôi sống bản thân và dựa vào chính mình trong mọi việc.

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không hiểu sự thật này. Họ đã quên bổ sung "canxi" cho đứa trẻ trong quá trình lớn lên, và mãi đến khi đứa trẻ trở thành người lớn, mới chợt phát hiện ra rằng đứa trẻ vẫn còn là một đứa trẻ khổng lồ.

Cách đây không lâu, có một cậu thanh niên họ Từ, 29 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, vẫn nhàn rỗi ở nhà đợi đồ ăn thức uống từ bố mẹ già, thậm chí còn đưa một bạn gái quen trên mạng về nhà. Trước sự không hài lòng của bố mẹ, anh ta nói rằng bố mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh ta.

Trong cơn tuyệt vọng, vợ chồng ông bà Từ đã kiện con trai ra Tòa án, đồng thời nộp đơn yêu cầu cưỡng chế đuổi đứa con duy nhất ra khỏi nhà.

Nhìn lại quá trình giáo dục gia đình của ông bà Từ, có lẽ chúng ta có thể tìm thấy một số manh mối:

Khi học tiểu học, đứa trẻ không muốn làm cán bộ lớp, vì vậy cha mẹ cậu ta đã đứng ra tìm giáo viên để nói chuyện, khi nó không muốn sống ở trường đại học, cha mẹ cậu liền đưa về nhà, cha mẹ cậu bé làm tất cả những gì để làm hài lòng con.

Cậu thanh niên đó lớn lên đã không có khả năng tự lập, bị phụ thuộc vào sự chăm sóc quá mức của cha mẹ. Một đứa trẻ không có xương chắc khỏe, không thể tự bước đi trên đôi chân của mình, mà chỉ có thể trở thành một đứa trẻ khổng lồ và luôn phụ thuộc vào cha mẹ.

Nhà giáo dục nổi tiếng Carl Witt đã nói: “Coi trọng việc nuôi dưỡng khả năng tự lập chính là tình yêu đích thực dành cho trẻ; cưng chiều quá mức là trở ngại lớn nhất đối với việc hình thành nhân cách độc lập, điều này chỉ khiến trẻ khổ sở trong cuộc sống sau này”.

Chúng ta luôn muốn là ngọn đèn soi đường, chỉ lối cho con cái, để chúng đi trên con đường đời đúng đắn một cách an toàn và không phải lo lắng.

So với chàng thanh niên họ Từ 29 tuổi, Yên Trương Nhã, một cô bé 10 tuổi đến từ Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, trưởng thành sớm dưới sự dẫn dắt của cha mẹ.

Cha mẹ của Yên Trương Nhã đều là bác sĩ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Ninh, cô là con một trong gia đình nhưng cô chưa bao giờ tỏ ra cáu kỉnh.

Hàng ngày sau giờ học, cô một mình về nhà, một mình đi chợ mua rau về nấu để bố mẹ tan sở sẽ có những bữa cơm còn nghi ngút khói.

Dù chỉ cao 1,24m nhưng cô nàng lại rất thành thạo các thao tác đi chợ, nấu nướng và cũng có một chút kinh nghiệm cho riêng mình:

"Đang nấu ăn, cháu bị dầu bắn vào người. Sau đó, cháu mới biết phải lắng nghe tiếng kêu của mỡ. Nếu mỡ bên trong kêu tanh tách nhiều, cháu sẽ không vội lấy ra. Khi tiếng kêu nhỏ lại, cháu mới mở vung và lấy những miếng đã chín trước, nếu không dầu nó bắn tung tóe."

Cô bé thường nói: "Hãy để con thử, con sẽ làm được."

Tính độc lập, tự chủ của trẻ không thể tách rời công lao nuôi dưỡng của cha mẹ. Giống như mẹ của Trương Nhã đã nói: "Nếu con muốn lớn lên, con cần phải tự lập. Quá trình này luôn ở trong tầm mắt của chúng tôi."

Cha mẹ hãy học cách buông bỏ một cách hợp lý, để con “tự thân vận động”, đây chính là cách “bổ sung canxi” tốt nhất cho con, để con hình thành nhân cách độc lập và tự hoàn thiện.

Khi những đứa trẻ hiểu được giá trị của cuộc sống, chúng có thể chạy dưới mưa mà không cần ô, và liều lĩnh theo đuổi "phiên bản tốt nhất của mình".

Quay trở lại câu hỏi lúc đầu, kiểu gia đình nào có thể mang đến cho con cái sự giáo dục tốt nhất?

Hóa ra giáo dục gia đình tốt nhất nên là nấu một nồi súp đặc với "đường, muối và canxi".

Hãy để trẻ có một nền tảng hạnh phúc và nuôi dưỡng một nhân cách lành mạnh, để chúng có thể bắt đầu một hành trình đấu tranh rực rỡ trong những thăng trầm của cuộc đời.

Tống Vân - Aboluowang
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khi giáo dục một đứa trẻ, hãy cho trẻ ăn đường trước, rồi đến muối, cuối cùng là canxi