Kỳ quan cổ đại: Cung điện bí ẩn và sang trọng trên tảng đá khổng lồ ở Sri Lanka

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách Colombo, thủ đô của Sri Lanka khoảng 170 km về phía đông bắc, có Cung điện Sigiriya, còn được gọi là "Lion Rock" (Tảng đá sư tử), là di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Sri Lanka. Đây là quần thể công trình trên không kết hợp chức năng của cung điện và pháo đài quân sự, được xây dựng trên đỉnh một cột đá khổng lồ màu đỏ cam cao khoảng 200m.

Lion Rock được mệnh danh là "Kỳ quan thứ tám của thế giới" và được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới vào năm 1982. “Cung điện trên trời” này được xây dựng như thế nào luôn là chủ đề được các nhà khảo cổ và các nhà kiến ​​trúc sư quan tâm khám phá. Người ta vẫn chưa biết được bí ẩn về cách trèo lên bức tường đá dốc đứng này và cách vận chuyển nguyên vật liệu lên đó.

Lion Rock là quần thể công trình trên không kết hợp chức năng của cung điện và pháo đài quân sự, được xây dựng trên đỉnh một cột đá khổng lồ màu đỏ cam cao khoảng 200 mét. (Shutterstock)
Lion Rock là quần thể công trình trên cao kết hợp chức năng của cung điện và pháo đài quân sự, được xây dựng trên đỉnh một cột đá khổng lồ màu đỏ cam cao khoảng 200 mét. (Shutterstock)

Cuộc chính biến trong cung đình một ngàn năm trước

Di tích cung điện hoàng gia cổ xưa “báu vật quốc gia” ở Sri Lanka này không chỉ thể hiện trí tuệ của người Sri Lanka cổ đại mà còn hấp dẫn bởi câu chuyện về một cuộc chính biến trong cung đình. Theo ghi chép trong tài liệu lịch sử “Đại sử ký” của Sri Lanka, vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, Hoàng tử Kasyapa của triều đại Anuradhapura đã sát hại cha mình và chiếm đoạt ngai vàng, còn người anh cùng cha khác mẹ của ông là Mogalan thì chạy trốn sang Ấn Độ.

Nhìn từ trên không của Lion Rock. (Shutterstock)
Lion Rock nhìn từ trên cao. (Shutterstock)

Để ngăn chặn sự trả thù của Mogalan, sau khi lên ngôi, Kashyapa đã chuyển thủ đô đến thành phố cổ Sigiriya, và dành nhiều năm làm việc tâm huyết để xây dựng cung điện lộng lẫy giống như pháo đài này trên đỉnh một tảng đá khổng lồ. Vì lý do phòng thủ, cầu thang dẫn vào và ra khỏi cung điện được xây trên những vách đá xung quanh, hẹp và dốc, đồng thời, ông còn ra lệnh xây hào và tường thành dưới chân tảng đá.

Tuy nhiên, nhà vua chỉ hưởng thụ được 7 năm trong pháo đài trên không này, sau đó bị người anh trai truy lùng và giết chết. Mogalan đã giành lại được ngai vàng. Vị vua mới đã dời đô trở lại Anuradhapura, và “cung điện trên trời” này đã bị bỏ hoang kể từ đó. Mãi đến năm 1831, một thợ săn người Anh mới vô tình phát hiện ra tàn tích của cung điện đã bị ẩn giấu trong hơn một nghìn năm.

Một dự án khổng lồ vô cùng xa hoa

Lion Rock nằm trong vùng nội địa của một khu rừng đầm lầy rậm rạp, là tảng đá khổng lồ màu đỏ cam cao khoảng 200 mét, đỉnh bằng phẳng và vuông vức, diện tích gần hai hécta. Cung điện được xây dựng trên nền tảng đá rộng lớn này vô cùng sang trọng, cho đến ngày nay, nó dường như vẫn được coi là một công trình khổng lồ. Cung điện bao gồm ngai vàng bằng đá của nhà vua, bể chứa nước, hồ bơi, phòng tiệc, phòng hội họp và phòng ngủ của nhà vua.

Lion Rock là di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Sri Lanka. (Shutterstock)
Lion Rock là di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Sri Lanka. (Shutterstock)

Hồ chứa do con người tạo ra, nước dự trữ được lấy từ nước mưa, có thể cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng quanh năm trong cung điện. Khi mực nước trong hồ lên cao quá, nước tràn sẽ chảy từ đỉnh núi xuống khu vườn hình vuông được xây phía dưới tảng đá, đồng thời, các cửa xả nước có kích thước khác nhau được thiết kế để tạo thành một “đài phun nước” có độ cao khác nhau, thực sự rất đẹp.

Một trong những đặc điểm mang tính biểu tượng nhất của Lion Rock là bức tượng sư tử đá khổng lồ đứng ở lối vào cung điện, nguồn gốc của cái tên "Lion Rock". Tuy nhiên, sau hơn nghìn năm bị bào mòn và phong hóa, giờ đây con sư tử chỉ còn lại hai cái móng vuốt bằng đá khổng lồ đơn độc.

Bức tượng sư tử đá khổng lồ ở lối vào cung điện đã bị bào mòn và phong hóa hơn một nghìn năm, giờ chỉ còn lại hai móng vuốt sư tử đá khổng lồ lẻ loi. (Shutterstock)
Bức tượng sư tử đá khổng lồ ở lối vào cung điện đã bị bào mòn và phong hóa hơn một nghìn năm, giờ chỉ còn lại hai móng vuốt sư tử đá khổng lồ đơn độc. (Shutterstock)

Những bức tranh tường tinh xảo

Di tích nổi tiếng nhất của Lion Rock là những bức tranh tường tinh xảo, toàn bộ bức tường đá dường như là một thư viện tranh tường khổng lồ, khu vực hội họa từng bao phủ một khu vực dài 140 mét và cao 40 mét. Tất cả các bức bích họa đều mô tả các hình tượng phụ nữ và được cho là chân dung của vợ và thê thiếp của Kasyapa, hoặc các nữ tu sĩ đang thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Họ đội vương miện có tua rua, ở trên những đám mây mù sương, tạo dáng trong các tư thế khiêu vũ sống động như bay lượn, rải hoa… đầy màu sắc.

Bể chứa cung điện. (Shutterstock)
Bể chứa trong cung điện. (Shutterstock)

Người ta nói rằng lúc đầu có hơn 500 bức tranh màu trên các vách đá ở xung quanh Lion Rock, nhưng hiện tại chỉ còn lại 22 bức. Mặc dù hầu hết chúng đã bị phá hủy, con người ngày nay vẫn có thể trải nghiệm được khung cảnh tuyệt đẹp khi những bức tranh tường được vẽ lên dựa vào những bức tranh còn lại. Những bức tranh tường còn sót lại này là kho báu của nghệ thuật Sri Lanka cổ đại, đây cũng là một trong bốn địa điểm nghệ thuật Đông Nam Á cổ đại lớn nhất.

Lion Rock, sự kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo, đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch địa phương nổi tiếng. Cho đến ngày nay, kiến trúc tuyệt đẹp này vẫn còn là một bí ẩn.

Theo Trương Vũ Phi - The Epochtimes

Đức Nhã biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ quan cổ đại: Cung điện bí ẩn và sang trọng trên tảng đá khổng lồ ở Sri Lanka