Lá khoai lang màu này sẽ có khả năng chống oxy hóa mạnh, đây là cách ăn để có dinh dưỡng tốt nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lá khoai lang là lá của cây khoai lang, một loại cây thuộc họ Bìm bìm có tên khoa học Convolvulaceae, có thể ăn như rau. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như protein, caroten, axit folic, canxi, phốt pho, sắt, vitamin A và C trong lá khoai lang tím thuộc loại tốt nhất trong số các loại rau. Bởi vì nó giá thành rẻ, dễ trồng, giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, nên nó đã trở thành một loại rau tốt cho sức khỏe trong mắt nhiều người, và được gọi với cái tên là "vua của các loại rau trong dân gian".

Ăn lá khoai lang tím không chỉ có tác dụng tăng cường thị lực, nâng cao khả năng miễn dịch, hạ đường huyết, thúc đẩy tiêu hóa, giảm cholesterol mà còn có nghiên cứu cho thấy lá khoai lang tím có nhiều chất dinh dưỡng tốt và có tác dụng trong phòng chống các loại ung thư. Vậy chế biến món ăn như thế nào để giữ lại tối đa dinh dưỡng của lá khoai lang?

Lá khoai lang chứa chất chống oxy hóa mạnh và có ít nhất 5 tác dụng chính

  1. Bảo vệ mắt, tăng cường thị lực

Lá khoai lang rất giàu vitamin A, vitamin A và Retinol (là chất dẫn xuất vitamin A) chứa trong 100 gram lá khoai lang là 596, vậy mỗi ngày ăn 100gr rau khoai lang là cơ thể được cung cấp đủ vitamin A cần thiết trong ngày.

Vitamin A rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của con người, duy trì hệ thống miễn dịch và thị lực tốt nên còn được gọi là vitamin chống khô mắt. Lá khoai lang cũng chứa nhiều β-caroten, lutein, zeatin… Ăn lá khoai lang mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương do lão hóa ở mắt.

  1. Chống ung thư

Lá khoai lang được coi là một trong những thực phẩm cung cấp nguồn polyphenol (là chất chống oxy hóa) và anthocyanin dồi dào cho cơ thể, hàm lượng những chất này trong lá khoai lang tím cao gấp 2,5 lần so với rau bina. Trong số đó, hàm lượng anthocyanin (hợp chất hữu cơ tan trong nước có khả năng ngăn chặn các gốc tự do) trong lá khoai lang tím cao hơn nhiều so với lá khoai lang đỏ, vàng và xanh nên nó là một loại siêu thực phẩm chống oxy hóa. Vì lá khoai lang rất giàu anthocyanin và polyphenol nên chúng cũng là nguồn thực phẩm chống ung thư hiệu quả.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ lá khoai lang có thể giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư như ung thư ruột kết, ung thư vú, tuyến tiền liệt, đại trực tràng và phổi. Ví dụ, "peptide chống ung thư trong khoai lang" có tác dụng ức chế tế bào ung thư tuyến tụy.

Hàm lượng anthocyanin trong lá khoai lang tím cao hơn nhiều so với lá khoai lang đỏ, vàng và xanh nên nó là một loại rau siêu chống oxy hóa. (Pixabay)
  1. Hạ huyết áp, đường huyết

Khoáng chất kali chứa trong lá khoai lang giúp loại bỏ chứng phù thũng và hạ huyết áp, nó cũng giàu chất phytochemical, đặc biệt là myricetin, có tác dụng hạ đường huyết và kiểm soát bệnh tiểu đường.

  1. Thúc đẩy tiêu hóa và bảo vệ tim mạch

Ước tính trong 100 gram lá khoai lang có chứa 3,3 gram chất xơ. Lượng chất xơ có trong lá khoai lang có thể thúc đẩy tiêu hóa và giảm táo bón, đồng thời giúp loại bỏ cholesterol xấu và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

  1. Giải độc và bảo vệ gan

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hợp chất hữu cơ anthocyanin trong khoai lang tím có chức năng bảo vệ chống lại các bệnh gan cấp tính và mãn tính do hóa chất làm tổn thương gan. Vì vậy, ăn lá khoai lang điều độ cũng rất có lợi ích trong việc bảo vệ gan.

  1. Phòng chống loãng xương

Lá khoai lang rất giàu vitamin K, cứ 100 gram lá có thể đáp ứng nhu cầu vitamin K trong một ngày của 9 người trưởng thành. Vì vitamin K có thể thúc đẩy quá trình đông máu, nên ăn lá khoai lang cũng có thể ngăn ngừa và điều trị chứng loãng xương và mất xương do nội tiết tố steroid gây ra.

Lá khoai lang rất giàu vitamin K. (Shutterstock)

Hai cách chế biến món ăn từ lá khoai lang một cách dinh dưỡng

Cách chế biến lá khoai lang càng đơn giản càng tốt, có thể ăn nguội, xào, nấu súp, nấu cháo rau củ với hương vị tuyệt vời. Hai phương pháp ăn uống dinh dưỡng được khuyến nghị:

  1. Chần sơ lá khoai lang rồi trộn với dầu oliu

Cách thực hiện:

  • Cho lượng nước thích hợp vào nồi và đun sôi.
  • Luộc lá khoai lang, rắc chút muối, thêm chút dầu ăn.
  • Khi vừa tái thì nhanh chóng vớt ra và rửa sạch ngay với nước mát.
  • Bày ra đĩa, thêm chút dầu ô liu và nước tương, đảo đều và dùng ngay.

Lưu ý:

  • Vớt lá khoai lang sau khi nước đun sôi trong vòng một phút, có thể giữ được màu xanh của rau, không bị mềm nhũn, giúp ăn ngon miệng hơn.
  • Lá khoai lang có chứa kali, bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính không nên dùng nhiều, nên nấu theo cách này, có thể giúp loại bỏ một phần ion kali.
Chần lá khoai lang với dầu ô liu. (Shutterstock)
  1. Lá khoai lang hấp giữ được dinh dưỡng tốt nhất

Theo các thí nghiệm, trong số các phương pháp chế biến lá khoai lang, hấp là bổ dưỡng nhất và có thể giữ được nhiều polyphenol và các hoạt chất chống oxy hóa.

Cách thực hiện:

  • Lá khoai lang đã rửa sạch và chắt bớt nước.
  • Cho lượng nhỏ muối vào trộn đều.
  • Đun nước sôi trong nồi, cho lá khoai đã trộn vào hấp chín trong xửng.
  • Hấp trong 5 phút rồi để nguội.
  • Trộn một lượng dầu mè, nước ép tỏi, muối và xì dầu thích hợp, cho vào lá khoai lang và trộn đều.

Lưu ý: Khi nấu lá khoai lang, hãy cho thêm vài giọt dầu sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng trong rau được tốt hơn.

Lá khoai lang được hút chân không rồi đông lạnh giúp bảo quản tốt hơn

Lá khoai lang mua về ăn không hết chỉ bảo quản tươi trong ngăn mát tủ lạnh được 1 tuần. Bạn cũng có thể cho lá khoai lang chưa rửa vào túi giữ tươi, hút chân không rồi cho vào ngăn đông tủ lạnh.

Nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp đông lạnh chân không giúp lá khoai lang duy trì hàm lượng vitamin B1, B2, C và E tốt nhất, các khoáng chất kẽm, phốt pho và magiê, cũng như hàm lượng chất xơ và các hợp chất polyphenolic cũng giữ được tốt hơn.

4 điều cần chú ý khi ăn lá khoai lang

Cũng như các loại thực phẩm khác, bạn cần chú ý đến thành phần gây dị ứng và các vấn đề khác khi ăn lá khoai lang:

  • Oxalat (axit oxalic): Lá khoai lang chứa oxalate kết hợp với khoảng chất như canxi và sắt dễ tạo sỏi, sẽ không tốt đối với những bệnh nhân bị sỏi thận.
  • Thuốc trừ sâu: Ăn lá khoai lang hữu cơ càng nhiều càng tốt, nếu cây không trồng hữu cơ có thể chứa thuốc trừ sâu sẽ không tốt cho sức khỏe, vậy nên hãy rửa thật sạch trước khi ăn.
  • Dị ứng: Những người bị dị ứng với lá khoai lang có thể gặp các triệu chứng như phát ban và da nổi mẩn đỏ, vậy khi có những biểu hiện này chúng ta nên tránh ăn chúng.
  • Khó tiêu: Hàm lượng chất xơ trong lá khoai lang rất cao, ăn nhiều có thể gây đầy bụng hoặc tiêu chảy, vậy đối với người hay mắc các chứng khó tiêu cần cẩn thận khi dùng chúng. Ngoài ra, trong lá khoai lang còn chứa vitamin K. Người đang dùng thuốc chống đông máu cần chú ý lượng dùng để không ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.

Theo Tôn Thành - Epochtimes

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lá khoai lang màu này sẽ có khả năng chống oxy hóa mạnh, đây là cách ăn để có dinh dưỡng tốt nhất