Lầu Năm Góc xác nhận quân đội Mỹ ở Trung Đông hứng chịu thêm 4 cuộc tấn công mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở Iraq và Syria đã phải hứng chịu thêm bốn đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) mới từ các nhóm khủng bố nghi là được Iran hậu thuẫn trong ngày qua, bất chấp cuộc không kích của Mỹ nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm (9/11), Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác nhận quân đội Mỹ ở Trung Đông đã bị tấn công 46 lần bằng tên lửa và máy bay không người lái một chiều kể từ ngày 17/10, bao gồm 24 vụ tấn công ở Iraq và 22 vụ ở Syria. Bà cho biết ít nhất 56 quân nhân Mỹ đã bị thương trong các cuộc tấn công này.

Hoa Kỳ quy kết những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái gần đây là do các nhóm được Lực lượng Quds, một đơn vị của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tại Iran, hậu thuẫn.

Kể từ ngày 17/10, quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện ít nhất hai cuộc tấn công vào các mục tiêu được cho là của IRGC, một cuộc tấn công ở Syria vào ngày 27/10 và một cuộc tấn công khác vào ngày 8/11. Trong cuộc tấn công gần đây nhất, hai máy bay chiến đấu F-15 Eagle của Không quân Mỹ đã nhắm mục tiêu vào một cơ sở vũ khí nghi là của IRGC.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố rằng các cuộc tấn công của Hoa Kỳ được thực hiện vì mục đích tự vệ và là phản ứng trực tiếp trước hàng chục cuộc tấn công chống lại lực lượng Hoa Kỳ trong ba tuần trước đó.

“Bằng cách nhắm mục tiêu cụ thể vào các căn cứ liên quan này, chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp rõ ràng tới Iran: rằng chúng tôi buộc họ phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và chúng tôi hy vọng Iran sẽ thực hiện các biện pháp để chỉ thị cho các lực lượng ủy nhiệm của họ dừng tay. Các hoạt động quân sự của chúng tôi không báo hiệu một sự thay đổi trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với cuộc xung đột Israel - Hamas, và chúng tôi cũng không có ý định leo thang cuộc xung đột này trong khu vực”, bà Singh nhấn mạnh hôm 9/11.

Tuy nhiên, bất chấp mục tiêu đã nêulà ngăn chặn Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ trong khu vực dường như vẫn tiếp tục diễn ra trong vài giờ sau cuộc tấn công tự vệ hôm 9/11.

Đài CNN tối ngày 9/11 đưa tin, cùng ngày, những kẻ tấn công đã phóng loạt tên lửa vào quân đội Mỹ và liên quân tại Mỏ dầu Omar gần Khu hỗ trợ sứ mệnh Green Village ở Syria hai lần.

Cuộc tấn công thứ ba xảy ra khi một máy bay không người lái mang đầy chất nổ được điều khiển tới Khu hỗ trợ sứ mệnh Euphrates ở Syria vào tối thứ Tư và cuộc tấn công thứ tư diễn ra vào sáng ngày 9/11 khi một máy bay không người lái mang chất nổ nhắm vào lực lượng đóng quân tại Căn cứ Không quân Al-Asad ở Iraq.

Bà Singh tuyên bố hôm 9/11: “Tôi có thể xác nhận rằng đã có thêm bốn cuộc tấn công kể từ khi quân đội Hoa Kỳ thực hiện cuộc tấn công tự vệ vào đêm qua. Điều đó là sự thật. Một cuộc tấn công ở Iraq và ba cuộc tấn công ở Syria”.

Bà Singh nêu rõ nếu Lầu Năm Góc thấy cần thiết, Mỹ có thể ra lệnh tiến hành thêm các cuộc không kích.

Bà nói: “Nếu những cuộc tấn công này tiếp tục nhằm vào nhân viên của chúng tôi, chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp cần thiết hơn nữa để bảo vệ người dân của mình và thực hiện việc đó vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn”.

Máy bay không người lái Reaper bị bắn hạ gần Yemen

Ngoài các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq và Syria, hôm 9/11, một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đã bị bắn hạ trên không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển Yemen.

Phong trào nổi dậy Houthi ở Yemen ban đầu nhận trách nhiệm bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ. Trong một thông cáo báo chí được chia sẻ với đài NTD News, một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận máy bay không người lái đã bị phá hủy và người Houthi phải chịu trách nhiệm.

Lực lượng Houthi, còn được gọi là Ansrallah, là một nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite, thuộc nhánh thiểu số Zaydi. Lực lượng này đã xung đột với chính phủ Yemen (được quốc tế công nhận) kể từ năm 2004.

Houthi cáo buộc Tổng thống Yemen Ahmad al-Ghashmi đã tham nhũng và cho rằng ông thân với Ả Rập Xê Út và Mỹ. Ông Ahmad al-Ghashmi đã điều hành đất nước từ năm 1990 cho đến khi ông từ chức vào năm 2012.

Cuộc khủng hoảng leo thang sau khi lực lượng Houthi nắm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen vào tháng 9/2014, gây ra một cuộc nội chiến trong đó Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh khác đã can thiệp để hỗ trợ chính phủ Yemen.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Iran đang tích cực gửi vũ khí hiện đại cho phía Houthi.

Trong những ngày cuối cùng tại nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chỉ định Houthi là một tổ chức khủng bố nước ngoài, nhưng Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược chỉ định đó vào tháng 2/2021.

Ngoài việc bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hôm thứ Tư, lực lượng Houthi gần đây còn tham gia vào cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra. Họ tuyên bố đã phóng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái một chiều vào Israel.

Theo NTD News

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc xác nhận quân đội Mỹ ở Trung Đông hứng chịu thêm 4 cuộc tấn công mới