Mỹ trừng phạt Triều Tiên và Nga sau các vụ thử tên lửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 6 vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ tháng 9, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên 7 cá nhân Triều Tiên và Nga, cùng 1 công ty Nga có tham gia vào các hoạt động ‘góp phần phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay phổ biến các phương thức phân phối của những vũ khí này’.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sáu người Bắc Triều Tiên, một người Nga, và một công ty Nga mà quốc gia này cho là chịu trách nhiệm mua sắm hàng hóa từ Nga và Trung Quốc cho các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Đây là động thái của Mỹ sau một loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, bao gồm 2 vụ phóng kể từ tuần trước.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các bước này nhằm ngăn chặn việc các chương trình vũ khí của Triều Tiên tiếp tục leo thang, và cản trở nỗ lực tăng trưởng công nghệ vũ khí của nước này.

Các biện pháp này là các trừng phạt đầu tiên nhắm mục tiêu cụ thể vào các chương trình vũ khí của Triều Tiên do chính quyền Biden áp đặt. Trước đó, chính quyền Biden đã không thành công trong việc lôi kéo Bình Nhưỡng vào một cuộc đối thoại nhằm thuyết phục nước này từ bỏ chương trình bom hạt nhân và tên lửa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington vẫn cam kết theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên.

“Những gì chúng tôi chứng kiến trong những ngày gần đây… chỉ nhấn mạnh thêm niềm tin của chúng tôi rằng, nếu chúng tôi muốn có được tiến triển, chúng tôi sẽ cần phải tham gia vào cuộc đối thoại đó”, ông Price phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Bộ Tài chính cho biết các lệnh trừng phạt theo sau 6 vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, mỗi vụ đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo Thứ trưởng Tài chính phụ trách về Khủng bố và Tình báo Tài chính Brian Nelson, các động thái này nhằm vào việc Triều Tiên “tiếp tục sử dụng các đại diện ở nước ngoài để mua sắm trái phép hàng hóa làm vũ khí”.

Các vụ phóng mới nhất của Triều Tiên là “bằng chứng nữa cho thấy nước này tiếp tục thúc đẩy các chương trình bị cấm, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về ngoại giao và phi hạt nhân hóa”, ông Nelson cho biết trong một thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ.

Thông cáo báo chí nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định công dân Bắc Triều Tiên đang sống tại Nga là Choe Myong Hyon, công dân Nga là Roman Anatolyevich Alara, và công ty Parsek LLC của Nga có tham gia vào “các hoạt động hoặc giao dịch đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay phổ biến các phương thức phân phối của những vũ khí này”.

Thông cáo báo chí này cũng cho biết, Choe Myong Hyon, một đại diện của Học viện Khoa học Tự nhiên Thứ hai của Bắc Triều Tiên (SANS) tại Vladivostok, đã tiến hành mua các thiết bị liên quan đến viễn thông từ Nga.

Bốn đại diện của các tổ chức đặt tại Trung Quốc trực thuộc SANS — Sim Kwang Sok, Kim Song Hun, Kang Chol Hak, và Pyon Kwang Chol — và một người Triều Tiên khác, O Yong Ho, cũng bị lệnh trừng phạt nhằm vào.

Sim Kwang Sok — sinh sống tại Đại Liên, Trung Quốc — đã tiến hành mua hợp kim thép, còn Kim Song Hun — sinh sống tại Thẩm Dương — thì mua phần mềm và hóa chất, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Phái bộ Liên Hợp Quốc của Triều Tiên, Đại sứ quán Nga và Trung Quốc ở Washington, cùng công ty của Nga bị áp đặt trừng phạt đã không trả lời đề nghị bình luận.

Truyền thông Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã quan sát vụ thử tên lửa siêu thanh vào 11/01. Đó là vụ thử thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần sau khi ông này tuyên bố trong bài phát biểu năm mới rằng, sẽ hỗ trợ quân đội bằng công nghệ tiên tiến.

Cuộc thử nghiệm hôm 11/01 diễn ra chỉ vài giờ sau khi Phái bộ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cùng với Albania, Pháp, Ireland, Nhật Bản, và Vương quốc Anh, lên án vụ phóng tên lửa vào tuần trước, và kêu gọi các quốc gia Liên Hợp Quốc thực hiện các nghĩa vụ trừng phạt.

Có rất nhiều nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, và cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này.

Anthony Ruggiero, một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt trong chính quyền Trump trước đây, gọi các biện pháp trừng phạt mới này là “một khởi đầu tốt”.

Tuy nhiên, ông cho biết, chính quyền Biden đã đảo ngược áp lực trừng phạt [mà chính quyền Trump đặt lên Triều Tiên], và thêm rằng: “Biden cần tiếp tục các chỉ định trừng phạt để gia tăng áp lực đối với chế độ của Kim”.

Khi được hỏi tại sao không có cá nhân hay đối tượng nào của Trung Quốc bị áp lệnh trừng phạt, hay cụ thể là khi được hỏi liệu Trung Quốc và Nga có gây ra đủ chuyện để Mỹ thực thi trừng phạt hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã không trả lời. Nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia Liên Hợp Quốc cần làm thế, đồng thời thêm rằng: “Rõ ràng là chúng ta chưa thấy hết được [những gì họ gây ra]”.

Các lệnh trừng phạt đã đóng băng mọi tài sản liên quan đến Mỹ của những người bị nhằm vào, và cấm mọi giao dịch với những người này.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ trừng phạt Triều Tiên và Nga sau các vụ thử tên lửa