Nền giáo dục đáng sợ nhất: Cha mẹ hại con mà không biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ chối liên lạc với gia đình, hay thậm chí là nhìn vào gia đình mình, ai cũng có thể tưởng tượng được những đứa trẻ này đã phải đau đớn như thế nào.

Những bậc cha mẹ lẽ ra phải là người thân yêu nhất của con lại làm tổn thương con mình nhiều nhất bằng cách đối xử bất công với con cái.

Thiên vị thực sự là một điều khủng khiếp. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự thiên vị của cha mẹ có thể có tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Dù là đứa con được sủng ái hay đứa con bị bỏ rơi, chỉ cần nó nhận thấy sự thiên vị của cha mẹ, nó sẽ bị tổn thương.

Loại tổn thương này sẽ để lại vết đen trong quá trình trưởng thành của các em, thậm chí sẽ kéo dài đến tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời, ít nhất thì các em bị khiếm khuyết về nhân cách, nặng nhất là các em tự tử vì trầm cảm.

Sự thiên vị tước đi tình yêu của trẻ, là một hình thức ngược đãi tinh thần

Trong một gia đình đông con, đứa trẻ nào cũng bị tổn thương bởi sự thiên vị của cha mẹ, cảm thấy lạc lõng như bèo trôi, thậm chí có em cả đời không thể thoát ra khỏi bóng tối.

Tiểu Vân, bạn cùng lớp của tôi, đã phải chịu đựng sự thiên vị của cha mẹ từ khi còn nhỏ, cô ấy nói rằng cô ấy không có tuổi thơ.

Từ nhỏ cô đã lo hết việc nhà, không tiền tiêu vặt, không đồ chơi, không phòng riêng, nhưng anh cô có tất cả.

Khi anh trai cô bắt nạt cô, cha mẹ cô đổ lỗi cho cô; khi cha mẹ cô cãi nhau, cô là người chịu đòn.

Khi cô lớn lên và trọ ở trường, cô hầu như không bao giờ về nhà, bởi vì về nhà là một cực hình, nhìn thấy mẹ cô cười với anh trai và thờ ơ với cô, Tiểu Vân cảm thấy vô cùng đau lòng.

Khi mẹ cô ốm nằm viện, cô phải chăm sóc mẹ một mình, cả ngày lẫn đêm, trong khi anh trai cô chẳng thèm ngó ngàng hay giúp đỡ.

Sau đó, khi mẹ cô qua đời, Tiểu Vân không rơi một giọt nước mắt nào trong đám tang, cô nói rằng những giọt nước mắt đã rơi từ lâu và rằng mẹ cho cô sinh mạng nhưng chưa bao giờ thực sự yêu thương cô.

Bây giờ Tiểu Vân không tin vào tình yêu trên thế giới, chỉ tin vào chính mình và chỉ muốn ở một mình mãi mãi. Cô nói: "Nếu có kiếp sau, tôi sẽ không bao giờ là con của họ".

Nếu bạn không được chú ý, bạn không được yêu thương, bạn mất đi sự kỳ vọng của những người thân yêu, bạn không thể học cách yêu bản thân mình, bạn không thể học cách tin tưởng người khác và thậm chí bạn không thể cảm nhận được sự hài lòng và giá trị tồn tại của chính bạn.

Sự thiên vị tước đi tình yêu thương của trẻ, là một kiểu ngược đãi tinh thần, trái tim của trẻ rất mong manh, không cảm nhận được sự tồn tại của tình yêu, cảm giác thực sự là bị ngược đãi, bị tổn thương.

Những người quan trọng nhất trong cuộc sống của trẻ lại làm tổn thương trẻ nhiều nhất. Tổn thương do sự thiên vị của cha mẹ gây ra sẽ kéo dài suốt đời và trở thành nỗi đau không thể nhắc đến.

Cha mẹ thiên vị là phá hoại hạnh phúc gia đình

Cha mẹ thiên vị đã có từ xa xưa. Câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử "Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yên" (Vua Trịnh đánh bại Đoạn ở đất Yên) là một bi kịch do sự thiên vị của người mẹ gây ra.

Vợ của Trịnh Võ Công, Võ Khương, sinh được hai người con trai là Trịnh Trang Công và Cộng Thúc Đoạn.

Mẫu thân không thích con trưởng mà sủng ái con thứ, đồng thời khuyến khích chồng tước quyền thừa kế của con trưởng và để con thứ kế thừa ngai vàng.

Sau khi bị từ chối, bà đã cho phép đứa con thứ của mình là Cộng Thúc Đoạn mở rộng địa bàn và cấu kết với các quốc gia khác để nổi loạn, và bà cũng hưởng ứng đứa con trai thứ để chống lại đứa con trai cả.

Cuối cùng, vào thời khắc mấu chốt, người con trai út vì phẫn nộ và bất bình mà bị người ta đánh, bại trận chạy trốn, chết nơi đất khách quê người.

Trịnh Trang Công cũng rất oán giận mẹ mình, và thề: "Không đến hoàng tuyền, không hề gặp mặt!".

Sự thiên vị của người mẹ đã hại hai người con trai, không chỉ gây ra bi kịch cho gia đình mà còn mang đến tai họa nghiêm trọng cho cả nước Trịnh.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng có những câu chuyện như vậy. Năm 2020, Bai, một thanh niên sinh năm 1995 ở Hà Bắc, Trung Quốc đã ghen tị vì bố mẹ chiều chuộng em trai mình hơn.

Một gia đình đã tan nát dưới sự ghen tị của Bai. Trong lúc thú tội, Bai đã hét lên: “Cha mẹ tôi thiên vị, và tôi ghét cha mẹ mình”.

Một số chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng khi cha mẹ không cân bằng được mối quan hệ giữa con cái, những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm thúc đẩy các hành vi chống đối xã hội và bạo lực hoặc ảnh hưởng đến các chức năng nhận thức.

Những đứa trẻ bị bị cha mẹ bỏ rơi lâu ngày, sống trong môi trường trầm cảm, lạc lõng, không chỉ chịu tổn thương về thể xác, tinh thần mà còn nảy sinh mặc cảm, tự ti nặng nề, mất tự tin trong cuộc sống bản thân.

Đứa trẻ được sủng ái có thể độc đoán, kiêu căng, ngạo mạn, không những phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập, thậm chí sau này bước ra ngoài xã hội còn không chịu được sóng gió do quen được bảo bọc nuông chiều.

Và những bậc cha mẹ thiên vị cũng có thể có một tương lai đáng lo ngại. Con cái được sủng ái thì ích kỷ bạc ơn, con cái bị bỏ rơi thì nhụt chí không phụng dưỡng người già.

Cha mẹ ưu ái người này tất yếu sẽ bỏ bê người kia, mối quan hệ gia đình vốn dĩ gắn bó máu mủ nay lại bị chia cắt thành những người xa lạ.

Làm sao để mỗi đứa trẻ đều có được tình yêu thương cân bằng?

Trong quá trình trưởng thành của con cái, cha mẹ là bên chủ đạo trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, làm thế nào để mối quan hệ này hài hòa và mỗi đứa trẻ đều có được tình yêu thương cân bằng là điều mà cha mẹ nào cũng cần suy ngẫm.

Ít nhất những điểm này phải được chú ý đến:

1. Đừng so sánh hai đứa trẻ

Trong một gia đình đông con, cha mẹ luôn so sánh: “Coi anh/chị con thông minh thế này mà sao con ngu thế?” “Coi anh/chị con ngoan ngoãn thế này mà sao con nghịch thế?”.

Đừng bao giờ nói những lời như thế này. Không so sánh thì chẳng hại gì, trong khi sự so sánh của cha mẹ có nghĩa là “ta không yêu con” đối với con cái.

Việc bị so sánh, coi thường trong thời gian dài không chỉ làm gia tăng thái độ thù địch của trẻ với trẻ khác mà còn khiến trẻ cảm thấy thua kém, thậm chí tự ti.

2. Dành thời gian riêng với con cái

Tạo cơ hội ở một mình với con, lúc này con không cần phải tranh giành sự chú ý mà được cảm nhận tình yêu duy nhất mà cha mẹ dành cho mình.

Trong "Mẹ là siêu nhân", Giả Tịnh Văn thường tạo cơ hội để ở riêng với con gái Bubu khi con gái Poyo đang ngủ hoặc đang tập trung nghịch đồ chơi.

Cô cùng Bubu làm đồ thủ công, kể chuyện, trò chuyện cùng bé khiến Bubu cảm thấy dù có em gái nhưng mẹ vẫn rất yêu thương bé.

Chỉ khi mỗi đứa trẻ tin rằng mình được yêu thương và có đủ tình yêu thương thì mới có thể để tình yêu thương tuôn chảy và yêu thương người khác, anh chị em mới tôn trọng nhau và gia đình mới hòa thuận.

3. Giao tiếp với con nhiều hơn, tìm ra vấn đề và sửa chữa kịp thời

Trong phim “Lời hồi đáp 1988”, khi cha của Duk-sun phát hiện tâm trạng của con gái không tốt, những lời ông nói rất cảm động: "Cha cũng là lần đầu tiên làm cha, cha cũng muốn học cách làm cha..."

Cha mẹ thường cần giao tiếp với con cái nhiều hơn, để hiểu tâm tư thực sự của con cái, hoặc sau khi giải quyết một việc gì đó, hãy hỏi con cái xem chúng có hài lòng không, cha mẹ đã làm sai điều gì.

Có như vậy, chúng ta mới có thể phát hiện ra vấn đề và sửa chữa kịp thời, đồng thời học được cách làm người cha, người mẹ tốt trong mối quan hệ và giao tiếp hàng ngày với con cái, tránh ngày càng đi xa hơn vào con đường thiên vị.

Theo Vương Hòa - Aboluowang - Nguồn: Sina.com

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nền giáo dục đáng sợ nhất: Cha mẹ hại con mà không biết