Ngoại trưởng Mỹ bác thông tin về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ hiện không thảo luận về các vấn đề hạt nhân với Iran.

Iran từ lâu luôn được coi là mối nguy hiểm lớn đối với việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và là đối thủ địa chính trị thứ ba của Hoa Kỳ, chỉ sau Nga và Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận với Iran được gọi là “Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA)”, một thỏa thuận mà ông Obama và những người ủng hộ khác cho rằng sẽ hạn chế phần lớn chương trình hạt nhân của Iran. Mục đích của JCPOA là ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách giữ cho mức độ làm giàu uranium cao của Iran ngoài tầm tay của chế độ cách mạng Hồi giáo.

Tuy nhiên, những người phản đối lập luận rằng kế hoạch này là chưa đủ để giảm thiểu rủi ro đó.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 vào năm 2018, với lý do Đảng Cộng hòa phản đối thỏa thuận này. Khi đó, ông Trump gọi đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng thực hiện". Ông Trump cho rằng Iran đã vi phạm thỏa thuận "về tinh thần" khi phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, điều đó chứng tỏ Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 12 tháng; ngoài ra còn các hành vi khác của Iran mà ông cho là vi phạm thỏa thuận.

Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng đưa Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận Iran, nhưng cho đến nay nỗ lực này vẫn thất bại do vấp phải sự phản đối của các đối thủ.

Trong lần xuất hiện hôm 23/7 trên chương trình “Fareed Zakaria GPS” của đài CNN, ông Blinken thừa nhận rằng, bất chấp hy vọng của ông Biden về việc tái gia nhập thỏa thuận, Mỹ hiện không theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Ông Blinken cũng đổ lỗi cho sự cố chấp của Iran và việc ông Trump rút khỏi hiệp ước là do thiếu thảo luận về vấn đề này.

"Tôi muốn hỏi ông về Iran", người dẫn chương trình đài CNN Fareed Zakaria cho biết trong cuộc phỏng vấn với ông Blinken hôm 23/7.

"Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden nói rằng hãy quay lại thỏa thuận với Iran. Ông đã không làm vậy. Ông đã cố gắng đạt được một thỏa thuận tốt hơn, nhưng nỗ lực này không hiệu quả. Tại điểm này, theo một số ước tính, Iran còn cách khả năng làm giàu không xa, điều này đặt nước này vào con đường dẫn đến… khả năng vũ khí hóa. Ông đã từng đổ lỗi cho ông Donald Trump vì đã để Iran đến quá gần [khả năng này]. Đó chẳng phải là một lời chỉ trích công bằng đối với ông và chính quyền của ông sao, vì ông đã không thể làm bất cứ điều gì để rút ngắn điều đó?".

Ông Blinken đáp lại bằng cách chỉ trích ông Trump rằng: "Đầu tiên, việc rút khỏi thỏa thuận này là một sai lầm khủng khiếp bởi vì chúng tôi đặt chương trình hạt nhân của Iran vào trong một chiếc hộp. Ông hoàn toàn đúng, nó hiện đã được lấy ra khỏi chiếc hộp đó”.

Ông Zakaria cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ có quay trở lại thỏa thuận năm 2015 hay không.

“Đó chính xác là những gì chúng tôi muốn làm. Chúng tôi đã làm việc và tham gia tích cực", ông Blinken trả lời, trích dẫn các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga "để xem liệu Mỹ có thể đạt được thỏa thuận và quay trở lại thỏa thuận JCPOA hay không".

“Nhưng công bằng mà nói, ông đã yêu cầu những điều khoản mới”, ông Zakaria nói.

“Thực ra, về cơ bản thì không. Những gì chúng tôi cố gắng làm là quay trở lại thỏa thuận hiện có với một số sửa đổi nho nhỏ. Chúng tôi đang thảo luận về một thỏa thuận. Tuy nhiên Iran không thể hoặc sẽ không đồng ý [với thỏa thuận này]".

Bên cạnh đó, ông Blinken cũng nhấn mạnh về việc Mỹ phô trương sức mạnh trong suốt quá trình đàm phán. Ông nói rằng Washington sẽ "không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào" nếu nó không "đáp ứng các mục tiêu an ninh [và] lợi ích của Mỹ". Tuy nhiên, ông cho biết Iran đã từ chối quay trở lại thỏa thuận.

"Kết quả là, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để quay trở lại tuân thủ các thỏa thuận này. Còn họ [Iran] có thể có hoặc không". Ông Blinken giải thích: "Chúng tôi không còn đề cập đến một thỏa thuận hạt nhân nữa".

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi một chiến lược rộng lớn hơn nhằm xoa dịu mối quan hệ Mỹ - Iran thông qua ngoại giao và giảm leo thang.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi đang nói rất rõ ràng với họ [Iran] rằng họ cần có những hành động để giảm bớt căng thẳng, những căng thẳng tồn tại trong mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, chứ không phải leo thang. Chúng tôi sẽ theo dõi họ để xem liệu họ có làm như vậy không. Có lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về chương trình hạt nhân của họ, nhưng không phải vào thời điểm này”.

Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức quốc phòng khác đang tiếp tục làm việc "để tìm ra phương án khả thi nhằm giải quyết vấn đề”.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran đã làm dấy lên sự phẫn nộ giữa các bên ký kết khác khi phát triển công nghệ máy ly tâm cho phép làm giàu uranium-235.

Uranium được làm giàu thấp (LEU) có ít hơn 20% hàm lượng uranium-235, gây ra mối đe dọa tối thiểu đối với vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, uranium với mức độ làm giàu cao hơn có thể tạo ra phản ứng phân hạch mạnh mẽ hơn nhiều.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế năm 2020, Iran nắm giữ lượng uranium làm giàu cao gấp 12 lần so với lượng cho phép theo JCPOA. Ngoài ra, báo cáo cho thấy Iran đang xây cơ sở hạt nhân dưới lòng đất gần tổ hợp Natanz thuộc tỉnh Isfahan, nơi đặt cơ sở làm giàu hạt nhân chính của nước này.

Iran cũng cho biết họ có ý định phát triển thêm các lò phản ứng hạt nhân công suất trung bình và mở rộng khai thác uranium trong tương lai.

Tuy nhiên ông Blinken đã hạ thấp những lo ngại này, lập luận rằng Hoa Kỳ và các đồng minh tin tưởng rằng, mặc dù tiềm năng làm giàu uranium của Iran ngày càng tăng, nhưng quốc gia này không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

“Tất nhiên, hãy nhớ rằng vật liệu phân hạch - vốn là trọng tâm của thỏa thuận - là một yếu tố quan trọng”, ông Blinken nói, đề cập đến vật liệu ở mức độ làm giàu đủ cao để trải qua phản ứng phân hạch hạt nhân, một quá trình được sử dụng trong sản xuất vũ khí hạt nhân.

"Vũ khí hóa, sở hữu thiết bị nổ, thì lại là một câu chuyện khác", ông nói.

"Theo quan điểm của chúng tôi và của nhiều người khác, họ [Iran] đã không theo đuổi nỗ lực này trong nhiều năm”.

“Nếu họ [Iran] bắt đầu lại phần đó của chương trình và hai điều này kết hợp với nhau, thì nó sẽ trở thành một vấn đề cấp bách hơn nữa. Nhưng chúng tôi đang nỗ lực trên nhiều phương diện để cố gắng đẩy lùi họ nhằm đảm bảo rằng chúng tôi có khả năng răn đe mạnh mẽ, gây áp lực phù hợp và sau đó để xem liệu chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân hay không".

Iran luôn khẳng định rằng tham vọng hạt nhân của họ là hoàn toàn vì mục đích hòa bình, thậm chí nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei còn tuyên bố việc phát triển vũ khí hạt nhân là vi phạm luật Hồi giáo. Mặc dù vậy, những tin đồn và lo ngại về nguyện vọng hạt nhân của đất nước này vẫn hiện hữu. Đây cũng là điều mà các đồng minh của Mỹ cho rằng có thể gây bất ổn hơn nữa trong khu vực nếu tham vọng này trở thành hiện thực.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ bác thông tin về thỏa thuận hạt nhân với Iran