Ngọn núi lửa phun ra 80g vàng thật mỗi ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu nói "tiền không tự dưng sinh ra" dường như không áp dụng tại một khu vực hẻo lánh ở Nam Cực, nơi vàng "rơi từ trên trời xuống". Nghe có vẻ khó tin nhưng điều này hoàn toàn có thật.

Nam Cực có nhiều ngọn núi lửa, trong đó một ngọn núi lửa đang hoạt động phun trào bụi vàng. Ước tính rằng ngọn núi lửa này phun trào khoảng 80 gram vàng mỗi ngày, tương đương giá trị 6.000 USD.

Theo IFL Science, ngọn núi lửa phun trào vàng này chính là "Núi Erebus" ở Nam Cực.

Bên dưới lớp băng giá và cái lạnh khắc nghiệt của Nam Cực, ẩn chứa hoạt động núi lửa sôi sục. Núi Erebus là một trong những ngọn núi lửa hung dữ nhất Nam Cực, đồng thời là ngọn núi lửa hoạt động cao nhất ở đây với độ cao 3.794 m (12.448 feet).

Bức ảnh chụp “Núi Erebus” chụp năm 1972. (Wikipedia)

Núi Erebus không chỉ phun trào luồng khí và hơi nước mà còn cả những "bom núi lửa" - những tảng đá nóng chảy bán rắn được bắn ra từ miệng núi lửa trong quá trình phun trào.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng khí phun ra từ núi lửa này chứa những tinh thể vàng kim loại nhỏ li ti. Ước tính rằng mỗi ngày, núi lửa phun trào khoảng 80 gam vàng, tương đương giá trị 6.000 USD.

Bụi vàng từ núi Erebus không chỉ rơi xuống khu vực xung quanh mà còn có thể bay xa đến 1.000 km (621 dặm).

Mặc dù hiện tại chưa ai có thể kiếm được tiền từ bụi vàng mà Núi Erebus phun trào, nhưng đã có nhiều mỏ vàng có nguồn gốc từ đá núi lửa. Do đó, việc nghiên cứu cách thức núi lửa cô đặc kim loại này có thể giúp các nhà địa chất tìm kiếm mỏ vàng hiệu quả hơn.

Núi Erebus được đặt tên theo vị thần bóng tối trong thần thoại Hy Lạp. Người ta cho rằng nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1841 bởi Thuyền trưởng James Clark Ross khi nó đang phun trào.

Quan sát kỹ hình ảnh vệ tinh của ngọn núi khổng lồ này, bạn sẽ thấy miệng núi lửa trên đỉnh có màu hơi đỏ. Đây là dấu hiệu của một hồ dung nham nóng chảy, hoạt động liên tục từ năm 1972.

Vào ngày 11 tháng 11 năm 2016, khung cảnh Nam Cực với Núi Erebus ở phía sau. (MARK RALSTON / AFP POOL / AFP)

Theo tạp chí khoa học New Scientist, dung nham từ núi Erebus phun ra khí nóng mang theo vàng và các chất khác có thể bốc hơi ở 1000°C. Khi tiếp xúc với không khí, khí lạnh xuống dưới 100°C và lắng đọng nhiều vật liệu, bao gồm cả kim loại như kẽm và đồng. Quá trình này xảy ra trong phạm vi một hoặc hai mét xung quanh dòng dung nham nóng chảy.

Tiến sĩ Philip Kyle thuộc Viện Khai thác và Công nghệ New Mexico cho rằng vàng phun ra từ núi lửa có thể kết tinh trên bề mặt vỏ cứng của dung nham.

Ngoài việc phun trào bụi vàng kỳ lạ, núi Erebus cũng từng gây chú ý vào năm 1979 khi liên quan đến một thảm kịch hàng không chấn động New Zealand hay còn gọi là thảm họa núi Erebus.

Vào ngày 28 tháng 11 năm 1979, Chuyến bay 901 của Air New Zealand đã đâm vào núi lửa này, khiến 257 người trên khoang máy bay thiệt mạng, trở thành thảm kịch hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử New Zealand. Bi kịch của chuyến bay mang số hiệu TE901 là một cú sốc đối với New Zealand và cho đến tận ngày nay, sự việc kinh hoàng năm đó vẫn là nỗi ám ảnh với người dân đất nước này.

Theo Trương Đình- Epoch Times tiếng Trung
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngọn núi lửa phun ra 80g vàng thật mỗi ngày