Nhân chứng sống cuối cùng khi Đức Quốc xã đầu hàng: Cụ ông 100 tuổi chia sẻ hồi ức về Thế chiến thứ hai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào 80 năm trước, một người thợ làm tóc trẻ tuổi đã cất lược và kéo đi, thay vào đó là nhặt một khẩu súng trường lên… 

Không lâu trước sinh nhật thứ 20 của mình, vào tháng 1 năm 1943, Luciano “Louis” Charles Graziano nhận được một lá thư chính thức qua đường bưu điện từ chính phủ Hoa Kỳ. Và chàng thanh niên ấy đã nhập ngũ Quân đội Hoa Kỳ.

Ông là con út trong gia đình Sicilia ở New York - một gia đình gồm có các nhà tạo mẫu tóc và làm đẹp. Sau khi phải bỏ học từ năm lớp 8 để phụ giúp gia đình 7 người, ông Graziano cuối cùng cũng theo nghề của gia đình. Nhưng giờ đây, người thợ làm tóc sẽ phải cất lược và kéo đi, thay vào đó là nhặt một khẩu súng trường lên.

Ông ấy trải qua nhiều tháng huấn luyện ở nhiều doanh trại, bắt đầu từ Fort Hood ở Texas, sau đó quay lại New York tại Camp Shanks, và cuối cùng là Fort Dix ở New Jersey. Ông Graziano cùng hàng nghìn binh sĩ lên Tàu Queen Mary vượt Đại Tây Dương để đến Anh. Nhưng con tàu gần như không đến nơi vì hai lý do.

Tới nước Anh

Con tàu suýt lật úp sau khi bị cơn bão làm nó chòng chành lắc lư qua lại. Cùng với việc thoát khỏi cơn bão, Tàu Queen Mary cũng may mắn thoát khỏi những chiếc tàu ngầm U-boat của Đức đang tràn vào vùng biển gần bờ của Quần đảo Anh. Con tàu thực sự đã không đến địa điểm đã định, mà lại đến ngoài khơi bờ biển Scotland. Từ Scotland, quân đội được vận chuyển bằng tàu hỏa đến Trại Weston ở Anh.

Ông Graziano không hề biết rằng mình sẽ tham gia vào cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự. Nhưng trước đó, ông phải sống tồn ở London, nơi liên tục bị Không quân Đức ném bom.

Ông Graziano nói một cách thực tế: “Nếu tôi đang đi bộ trên phố và có vụ đánh bom, tôi chỉ cần nằm xuống vỉa hè và (chờ) quả bom phát nổ. Chúng đến đây mỗi ngày khi tôi ở đó. Sự việc kéo dài khoảng 15 đến 20 phút rồi tiếp tục bay đi.”

Epoch Times Photo
Ông Louis Graziano (phải) cùng đồng đội. (Ảnh: Louis Graziano)
Epoch Times Photo
Ông Louis Graziano cắt tóc. (Ảnh: Louis Graziano)

Ông Graziano sớm thu hút được sự chú ý của các sĩ quan chỉ huy, họ đã nhận ra khả năng lãnh đạo của ông. Ở Anh, lúc đó ông Graziano là hạ sĩ, đã được thăng cấp trung sĩ trong bộ phận tiện ích. Ông phụ trách 35 người lính xử lý hệ thống ống nước, công trình điện, công trình xây dựng, làm đường và các dự án xây dựng khác. Khả năng lãnh đạo và tìm ra cách hoàn thành các dự án của ông ấy, ngay cả khi ông ấy không có kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó (phần lớn trong số đó), đã đưa ông ấy vào hàng ngũ cao nhất của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng trước tiên, ông ấy phải sống sót sau Ngày đổ bộ!

Ngày đổ bộ lịch sử: Ngày 6 tháng 6 năm 1944

Sau 24 giờ chờ đợi thời tiết khắc nghiệt qua đi, quân Đồng minh di chuyển qua eo biển Anh về phía bãi biển Normandy. Người Canada sẽ đổ bộ lên Bãi biển Juno, người Anh sẽ đổ bộ lên bãi biển Sword and Gold, còn người Mỹ sẽ đổ bộ lên Utah và Omaha. Ông Graziano nằm trong làn sóng thứ 3 tấn công bãi biển Omaha tử thần.

Vào trong Hàm tử thần: Trung đoàn bộ binh 16, Sư đoàn bộ binh số 1 Hoa Kỳ lội lên bờ biển Omaha vào sáng ngày 6/6/1944. (Ảnh: wikipedia)

Ông Graziano lái xe chở xăng. Ông ấy lái nó lên một trong những tàu đổ bộ xe tăng. Ông cho biết phải mất khoảng 3 ngày để tất cả các con tàu được chất đầy hàng. Tổng cộng có gần 7.000 tàu hải quân chở hơn 130.000 binh sĩ và nhân viên.

Khi đợt thứ ba của ông Graziano đến bãi biển Omaha, ông đã cố gắng điều động tốt nhất có thể để tránh mìn và tiếng súng. Ông lái xe đến gần nơi mà ông tin là an toàn nhất, đặc biệt là đối với một chiếc xe tải chở đầy xăng.

Ông nói: “Tôi đã vào bên dưới vách đá”, đó là vách đá Mũi Hoc cao khoảng 30 mét.

Ông ấy dẫn 35 người của mình về phía vách đá. Hai người đã thiệt mạng trong quá trình này. Ông ấy nhận thấy một khẩu súng máy phía trên họ và nhắm đến việc vô hiệu hóa nó. Ông ấy và một người lính khác chộp lấy súng phun lửa và phóng một ngọn lửa lớn lên trời, đốt cháy tổ súng máy và bụi cây xung quanh.

Ông nhớ lại: “Còn một khẩu súng nữa vẫn ở đó nên tôi bắn pháo sáng lên trời. Tôi biết Hải quân sẽ biết tôi muốn gì. Rồi họ bắn từ tàu và lấy được khẩu súng đó.”

Tiếp cận Reims, Pháp

Ngày hôm sau phải leo lên những vách đá cao khoảng 30 mét. Ông ấy đã chuẩn bị người của mình tốt nhất có thể.

Ông nhớ lại: “Khi xuống nước, họ phải bỏ súng xuống nếu không sẽ chết đuối vì mang theo quá nhiều thiết bị. Tôi nói: ‘Hãy lấy cho mình một khẩu súng từ một trong những người lính đã chết và đi theo tôi lên vách đá’”. “Và đó là những gì họ đã làm.”

Trong ngày thứ 2 và thứ 3, Lực lượng Biệt động đã vào cuộc để tiêu diệt súng máy của Đức ở Mũi Hoc. Ông Graziano và người của ông đã leo lên thang dây cao 30 mét để hỗ trợ. Ngọn lửa dày đặc tiếp tục diễn ra khi Lực lượng Biệt động tiến về phía trước.

“Thật là một điều khủng khiếp khi chứng kiến, nhưng họ vẫn tiếp tục tiến lên và chiến đấu để đến đích. Chúng tôi leo lên vách đá và chiến đấu đến tận Saint-Lô.”

Từ Saint-Lô, họ đến Reims, Pháp, nơi ông Graziano được giao phụ trách các tiện ích của thành phố, cùng với việc quản lý ‘Ngôi trường nhỏ màu đỏ’, nơi trở thành Tổng hành dinh tối cao của Lực lượng viễn chinh Đồng minh và ngôi nhà tạm thời của Tướng Dwight D. Eisenhower. Đây cũng là nơi quân Đức ký điều khoản đầu hàng, khoảnh khắc mà ông Graziano là nhân chứng cuối cùng còn sống sót.

Tướng Dwight D. Eisenhower - Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ - nói chuyện với các binh sĩ Trung đoàn Bộ binh Nhảy dù số 502 thuộc Sư đoàn Không vận 101 vào chiều ngày 5/6/1944. (Ảnh: wikipedia)

Xây dựng ở Reims, Pháp

Ông nói: “Tôi được giao phụ trách thành phố Reims và tất cả quân đội ở đó. Tôi phải đưa tất cả họ đi làm ở những nơi khác nhau trong thành phố.”

Giống như những gì đã làm ở Anh, ông quản lý cấp dưới của mình làm việc, xây dựng doanh trại, tòa nhà và thậm chí cả một nhà hát vòng tròn với 2.000 chỗ ngồi. Nhà hát sẽ là nơi giải trí cho quân đội. Thời đó, nữ ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng người Mỹ - bà Jane Froman, biểu diễn cho quân đội tại nhà hát.

Thực tế là ông Graziano không biết cách xây dựng một tòa nhà, chứ đừng nói đến một nhà hát vòng tròn. Nhưng, nơi những người khác thất bại, ông ấy đã thành công. Để xây dựng doanh trại và nhà ăn ở Reims, ông Graziano đã nỗ lực đến độ bắt các tù nhân người Đức đi lính và sử dụng lính canh có thể nói tiếng Đức và tiếng Anh để giao tiếp với họ.

Ông ấy nói: “Tôi chỉ tiếp tục làm những việc tôi phải làm. Tôi không có kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ ra điều đó và biết mình phải làm gì.”

Ông Graziano nói ông biết cách quản lý con người và cách dẫn dắt họ vào công việc. Ông cũng biết cách đáp ứng yêu cầu của các sĩ quan chỉ huy của mình, chẳng hạn như Tướng Charles Thrasher và Trung tá W.H. Boshoff.

Người sau đánh giá cao đạo đức làm việc xuất sắc của ông Graziano đến mức đã đề nghị thăng chức cho ông, viết vào tháng 10/1944: “Thời gian cống hiến của bạn đã lâu, với sự giúp đỡ của bạn, tuy vật chất khan hiếm và khó khăn thì nhiều, nhưng bạn đã làm được rất tốt. Tôi coi bạn như một tấm gương cho những hạ sĩ quan còn lại. Tôi nhận thấy bạn là một người nói ít nhưng làm nhiều.”

Quả thực, ông Graziano là người ít nói. Lời giải thích của ông về những ký ức chiến tranh, ngay cả những ký ức có ý nghĩa lịch sử, chẳng hạn như chứng kiến ​​​​sự đầu hàng của Đức, đều rất ngắn gọn.

Tuy nhiên, có một khoảnh khắc khiến ông Graziano bật cười và kể thêm một chút chi tiết. Nó diễn ra trong khi xây dựng nhà hát vòng tròn.

Ông nhớ lại: “Người của tôi tìm thấy một bức tường khi đang xây dựng nhà hát. Tôi bảo họ đào một cái lỗ và nhìn xem bên trong có gì. Họ đã làm. Và đó là một hầm rượu. Tôi nói, ‘Chà, hãy đào một cái lỗ lớn hơn. Và lấy một ít sâm panh đó. Lấy chai có nhiều bụi nhất, đó sẽ là chai ngon nhất.”

Ông nói rằng người dân địa phương đã báo cáo điều đó với chỉ huy của ông. Ông và người của mình được vị tướng thông báo rằng họ sẽ bị trừ lương để trả tiền rượu và sâm panh.

Ông ấy cười nói rằng: “Chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi đã có khoảng thời gian vui vẻ.”

Tình yêu thời chiến

Epoch Times Photo
Ông Louis Graziano đã gặp bà Eula Estelle Shaneyfelt khi ở Reims, Pháp. Họ đã kết hôn được 62 năm. (Ảnh: Louis Graziano)

Ông Graziano luôn tìm việc cho người của mình làm nhưng ông cũng rất công bằng với họ. Ông cung cấp thẻ thông hành hàng đêm cho binh lính vào thành phố, miễn là họ quay trở lại kịp lúc tiếng kèn ‘thức dậy’ vào buổi sáng. Tuy nhiên, ông Graziano nhớ đến một người lính đã lạm dụng đặc quyền và tiếp tục đến muộn. Ông ấy nói với người lính rằng anh ta sẽ bị thu hồi thẻ. Và người lính quyết định đấu một trận với ông Graziano vì chuyện đó.

Ông Graziano nói: “Anh ta nói: ‘Cởi chiếc áo đó ra.’ Bởi họ sẽ không đánh bạn với chiếc áo thể hiện cấp bậc của bạn.”

“Rất nhiều chàng trai biết tôi là thợ làm tóc và nghĩ rằng tôi sẽ không đến đó. Tôi nói, ‘Được rồi, tôi sẽ đến ngay.’ Tôi cởi áo, đi ra ngoài và đánh anh ta một trận.”

Điều mà những người lính không biết là ông Graziano sống cạnh một phòng tập đấm bốc và có nhiều kinh nghiệm thi đấu quyền anh. Vậy là vấn đề về ‘thu hồi thẻ’ đã được giải quyết.

Chiến tranh thế giới thứ 2 đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều người theo nhiều cách, nhưng không phải lúc nào cũng là do các trận chiến. Ông Graziano tìm thấy tình yêu trong thời chiến ở Reims, Pháp.

Ông ấy đã gặp Eula Estelle Shaneyfelt. Bà ấy thích được gọi là “Bobbie” thay vì tên thật của mình. Hai người hẹn hò trong suốt quãng thời gian còn lại của cuộc chiến và sau khi Đức đầu hàng. Một chiếc nhẫn đính hôn đã được gửi từ Hoa Kỳ đến cho ông Graziano, và trong một buổi khiêu vũ tại câu lạc bộ sĩ quan vào tháng 6/1945, ông đã cầu hôn. Hai người kết hôn vào tháng 10 và tổ chức lễ cưới chính thức theo Công giáo khi họ trở về nước. Họ đã kết hôn được 62 năm.

Cách đây vài năm, ông Graziano đã viết hồi ký của mình có tựa đề ‘Hồi ký của một người yêu nước trong Thế chiến thứ hai: Qua đôi mắt, trái tim và tâm hồn tôi’ (Tiêu đề gốc: A Patriot’s Memoirs of World War II: Through My Eyes, Heart, and Soul). Ông tròn 100 tuổi vào ngày 6 tháng 2.

Epoch Times Photo
‘Hồi ký của một người yêu nước trong Thế chiến thứ hai: Qua đôi mắt, trái tim và tâm hồn tôi’ của Luciano “Louis” Charles Graziano.
Epoch Times Photo
Ông Louis Graziano với bà Mary Jean Eisenhower, cháu gái của Tổng thống Dwight Eisenhower - Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ. (Ảnh: Louis Graziano)

Theo Dustin Bass - The Epoch Times

Cao Nguyên biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Nhân chứng sống cuối cùng khi Đức Quốc xã đầu hàng: Cụ ông 100 tuổi chia sẻ hồi ức về Thế chiến thứ hai