Nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc trốn thoát thành công một cách thần kỳ theo "sự chỉ dẫn của Chúa"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đổng La Bân cựu nhân viên hậu cần của Lãnh sự quán Trung Quốc của ĐCSTQ Aukland, New Zealand, đã trốn thoát một cách thần kỳ hai tháng sau khi đến Auckland. Làm thế nào mà anh có thể làm được điều đó dưới sự theo dõi giám sát nghiêm ngặt của Lãnh sự quán Trung Quốc?

Vào tháng 5 năm 2018, ngay sau khi anh bỏ trốn, Đổng La Bân, lúc đó 34 tuổi, đã đồng ý một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times. Tuy nhiên, vì lý do an toàn, trải nghiệm ly kỳ, quanh co và ít được biết đến này đã không được công khai cho đến gần đây. Sau bài viết của Epoch Times vào ngày 17 tháng 3, "Hành trình tinh thần của nhân viên trốn thoát khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc ở New Zealand, Đổng La Bân đã tiết lộ thêm chi tiết về cuộc trốn thoát của anh ta với phóng viên Epoch Times .

Khi Đổng La Bân ở Trung Quốc, anh đã bị đàn áp trong một thời gian dài vì anh tin vào Công giáo, anh cũng bất mãn với ĐCSTQ, vì vậy anh đã muốn xuất ngoại từ lâu. Sau khi được cử đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, môi trường ngột ngạt càng khiến ý tưởng bỏ trốn của anh trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc bị theo dõi mọi hướng

Lãnh sự quán Trung Quốc có quyền kiểm soát toàn diện đối với nhân viên của mình ở mọi cấp độ, từ vật chất đến tinh thần.

Không có tiền

Đổng La Bân nói rằng, tiền lương của họ được giữ trong tài khoản và không được trả cho chính họ, họ sẽ không được trả lương cho đến khi họ trở về Trung Quốc sau khi hết thời gian làm việc. Thời hạn làm việc của một nhiệm sở là hai năm, nhưng trên thực tế nhiều người phục vụ lâu là ba hoặc năm năm. Bạn làm việc càng lâu, thì bị ĐCSTQ giữ lại càng nhiều nhiều tiền.

Anh nói: "Có nhiều người trong Lãnh sự quán Trung Quốc chán ghét ĐCSTQ. Tại sao họ không chạy trốn? Đây là một lý do quan trọng."

Đổng La Bân cho biết, nhân viên của Lãnh sự quán Trung Quốc không cần phải trả tiền ăn, ở và đi lại ở nước ngoài, vì vậy không có nhiều cơ hội để tiêu tiền. Nếu bạn cần mua một số nhu yếu phẩm cá nhân hàng ngày, bạn có thể "vay tiền" từ Lãnh sự quán, và bạn có thể vay tối đa 600 đô la Mỹ một lần. Vì vậy, một khi nhân viên bỏ chạy, họ sẽ ngay lập tức phải đối mặt với vấn đề sinh tồn.

Đổng La Bân cho rằng, tiền không phải là điều quan trọng nhất, vấn đề là thiếu giấy tờ tùy thân. Hộ chiếu của anh đã bị tịch thu kể từ khi anh bước ra khỏi Sân bay Auckland. “Không có hộ chiếu thì không làm được gì”.

Theo những gì anh biết: "Có một căn phòng bí mật trên lầu trong Lãnh sự quán Trung Quốc, nơi cất giữ hộ chiếu của mọi người. Ngoài ra, trong đó còn có nhiều bí mật khác. Nó được bảo vệ 24/24 giờ và nhân viên bình thường không được ra vào”.

Không có tự do cá nhân

Cái gọi là "kỷ luật đối ngoại" của Lãnh sự quán Trung Quốc là: yêu cầu tất cả nhân viên không được phép đi ra ngoài một mình, ít nhất ba người trở lên có thể đi cùng nhau và họ phải giám sát lẫn nhau khi ra ngoài. Liên hệ với người ngoài cũng không được phép, những người vi phạm có thể bị trục xuất.

Không thể hiểu được thế giới bên ngoài

"Công việc và cuộc sống của nhân viên lãnh sự quán đều nằm bên trong hàng rào. Họ không được phép đọc báo địa phương cũng như xem các trang web địa phương. Thẻ điện thoại di động và thiết bị internet được sử dụng đều do Lãnh sự quán Trung Quốc cung cấp. Hứa Nhĩ Văn (Khi đó đang là Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland) đích thân nói với chúng tôi rằng, mọi hoạt động của chúng tôi ở đây đều minh bạch.

Muốn đi đến tự do, Đổng La Bân cho rằng, trở ngại lớn nhất chính là quyết tâm! Nhiều năm bị ĐCSTQ tẩy não và đe dọa tinh thần khiến anh cảm thấy rằng, chạy trốn là “đào tẩu chính trị”, nếu thất bại anh sẽ chết. Cho dù anh có chạy ra ngoài, đến một người cũng không biết, liệu ai có thể giúp anh? Tiếng Anh của anh lại không tốt, làm thế nào để đối mặt với xã hội xa lạ này? Làm thế nào để giải quyết vấn đề sinh tồn? Gia đình anh ở Trung Quốc sẽ phải đối mặt với điều gì...? Những trở ngại này đè lên anh như một ngọn núi.

Khát vọng tự do và hiện thực muôn vàn trắc trở khiến Đổng La Bin phải chịu nhiều mâu thuẫn. Anh nói: “Bạn biết rõ rằng nếu bạn rời khỏi cánh cửa này, bạn sẽ ở trong một thế giới tự do, nhưng bạn không thể ra khỏi đó”.

Luôn luôn có một lối thoát

Đổng La Bân đã lặng lẽ mua một thẻ điện thoại di động nội địa (thẻ SIM) thông qua một mối quan hệ không được tiết lộ, chiếc thẻ nhỏ hơn móng tay này lần đầu tiên mở ra cánh cửa đến ngôi nhà tinh thần của anh.

"Vào ban đêm, tôi sử dụng dữ liệu (Data) của thẻ điện thoại di động để xem các trang web và tin tức ở nước ngoài mà không cần sử dụng Wifi của họ (Lãnh sự quán Trung Quốc)."

“Voice of America, Voice of Asia, Deutsche Welle, The Epoch Times, BBC, Vatican Chinese Broadcasting… Tôi mới biết rằng có rất nhiều tiếng nói của công lý trên thế giới này, kêu gọi nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Đây là sự khích lệ lớn nhất mà tôi nhận được kể từ khi đến New Zealand!”

Đổng La Bân sau đó đã phát hiện ra một kẽ hở trong quản lý của Lãnh sự quán Trung Quốc. Địa chỉ của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Auckland là số 588 đường Đại Nam (588 Great South Road), lúc đó Lãnh sự quán Trung Quốc mới mua lại số 590 bên cạnh. Đổng La Bân nhận thấy rằng, khu nhà mới chưa có thời gian để cải tạo và không có cổng. Tòa nhà ký túc xá của anh nằm ở số 590. Nó được khóa từ bên ngoài bằng khóa xích, nếu đẩy mạnh, có thể tạo khe hở và có thể đưa tay ra để mở khóa.

Dựa vào đặc điểm công việc của mình, Đổng La Bân cũng biết được rằng camera quan sát của khu nhà mới chưa được kết nối với internet. Tình cờ hơn nữa, có một nhà thờ Công giáo bên kia đường không xa phía sau Lãnh sự quán Trung Quốc.

Đổng La Bân quyết định thử lẻn ra ngoài một mình: "Tôi lặng lẽ ra ngoài vào ban đêm và gõ cửa sổ của linh mục." Sau một lần thử nghiệm, anh đã thành công, sau đó anh quay trở lại và không ai phát hiện ra anh. Lợi dụng những kẽ hở quy định này, Đổng La Bân cũng được tự do trong một thời gian ngắn.

"Linh mục là người gốc Ấn Độ và chỉ có thể nói tiếng Anh. Tiếng Anh của tôi không tốt lắm, vì vậy tôi chỉ có thể sử dụng điện thoại di động của mình để phiên dịch. Thực tế, lúc đó chỉ có thể giao lưu tinh thần nhiều hơn."

Hết lần này đến lần khác, Đổng La Bân ngày càng can đảm hơn. Trong khi anh vẫn đang tận hưởng khoảng thời gian tự do ngắn ngủi này, một tai nạn đã xảy ra.

Bất hạnh và phước lành

Đổng La Bân cho biết hôm đó là Chủ nhật, ngày 6 tháng 5 năm 2018, anh lại bí mật đi nhà thờ. Vì là ngày nghỉ nên anh đi vào ban ngày. Vì anh đã tắt tiếng điện thoại di động nên quay lại thì thấy có bảy cuộc gọi nhỡ, người gọi là cấp trên trực tiếp của anh ấy - ông Hoàng. Đổng La Bân thầm nghĩ: Hỏng rồi!

Ông Hoàng biết rằng Đổng La Bân đã ra ngoài một mình, nhưng ông ta không biết rằng Đổng La Bân đã đến nhà thờ, và Đổng không thừa nhận điều đó. Mặc dù sắc mặt của cấp trên rất xấu nhưng ngày hôm đó ông ta đã không nói gì.

Sáng sớm hôm sau, một số người mới đến được yêu cầu đến Hiệp hội ô tô New Zealand để đổi bằng lái xe địa phương và hộ chiếu của họ tạm thời được trả lại. Sau khi trở về, ông Hoàng đã gọi thẳng Đổng La Bân đến văn phòng và đưa ra "thông báo vi phạm kỷ luật", Đổng La Bân đã ký mà không hề nhìn vào nó.

Ông Hoàng tức giận nói với anh: "Đây là vi phạm kỷ luật vừa phải, không phải vi phạm nghiêm trọng. Nếu vi phạm nghiêm trọng, anh không cần phải ký và lập tức quay trở lại Trung Quốc." Nói xong, ông ta lại chỉ trích Đổng La Bân.

Ông Hoàng đang chỉ trích thì bất ngờ có người bước vào và nói rằng, có một "đoàn khách cấp cao" đến, yêu cầu ông ta ra sân bay đón họ ngay lập tức. Các đoàn khách cấp cao thường là những đoàn quan trọng, ông Hoàng đứng dậy bỏ đi không nói lời nào, đồng thời quên lấy lại hộ chiếu của Đổng La Bân.

Đổng La Bân, lúc đó ngồi sững sờ, nhìn vào tấm hộ chiếu trên tay, và đột nhiên có một tia cảm hứng. "Hộ chiếu ở trong tay mình rồi, lúc đó tôi suy nghĩ, cơ hội này quá hiếm có! Không có hộ chiếu, cái gì cũng không làm được, tôi dứt khoát quyết định - Đi thôi!"

Lúc đó là ban ngày, là giữa trưa, tôi rất hồi hộp, đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn hơi hồi hộp. Tôi lập tức quay về thu dọn đồ đạc, quần áo vào túi, kéo khóa lại và quan sát".

"Bởi vì buổi trưa có một đồng nghiệp sẽ về nghỉ ngơi. Tôi dùng WeChat hỏi anh ấy đang ở đâu? Anh ấy nói đang trên đường đến sân bay, cả tầng không có ai, cũng không có người giám sát. Sau khi thu dọn đồ đạc xong xuôi, lúc đó là 12:30 trưa."

"Chúng tôi ăn trưa lúc 11:30, và Tổng lãnh sự Hứa Nhĩ Văn ăn lúc 12:00, và ông ấy chắc chắn đã ăn xong lúc 12:30. Những nhân viên khác nên nghỉ ngơi vào lúc này. Ở số 590 không có cổng, và băng qua đường có một nhà thờ. Tôi đã đi bộ trên khu vực này ít nhất không dưới mười lần."

"Từ trên lầu nhìn xuống, nếu đi bên phải thì người ta nhìn thấy, đi bên trái thì cứ đi dọc đường, người khác không nhìn thấy. Chính tôi cũng đã từng đi qua."

Khi Đổng La Bân chuẩn bị khởi hành, anh ấy đột nhiên do dự. "Ngay khi tôi đang do dự, tôi đột nhiên nghe thấy một giọng nói 'Đi đi, đi đi'. Tôi vô thức quay lại và không thấy ai cả. Tôi lập tức hiểu ra - đây chắc chắn là sự chỉ dẫn của Chúa! Vì vậy, tôi không còn do dự nữa."

Khi Đổng La Bân rời khỏi ký túc xá, anh đã hữu ý đặt một đôi giày bên ngoài cửa.

"Tôi đội mũ và cúi thấp người xuống. Tôi đang xách hành lý. Có hai chiếc vali, một lớn và một nhỏ, có tay kéo. Tôi kéo chúng và chạy thật nhanh qua đường. Tôi cầm chiếc lớn trong tay phải, còn chiếc nhỏ bên tay trái, nhiều đồ tôi không gói ghém, thậm chí quần áo bảo hộ lao động tôi còn vứt đi, cố gắng giảm trọng lượng hết mức có thể.”

"Đi bộ từ lãnh sự quán đến nhà thờ mất 3 phút. Thường buổi trưa, nhiều người xuống khu thương mại (tòa nhà văn phòng bên ngoài lãnh sự quán) hút thuốc và trò chuyện, nhưng trưa hôm đó chẳng có ai. Nó yên tĩnh đến mức tôi có thể nghe thấy nhịp tim của chính mình."

Một tai nạn khác

Đổng La Bân đi thẳng đến nhà thờ. Khi anh bước nhanh đến nhà thờ mà anh đã đến thăm nhiều lần trước đây, anh thấy rằng cửa đã bị khóa, và vị linh mục Ấn Độ không có ở đó. Anh đã chết lặng vào thời điểm đó - nó lại nằm ngoài kế hoạch! Vị linh mục Ấn Độ là người duy nhất anh biết bên ngoài lãnh sự quán.

Đổng La Bân đặt hành lý của mình trước cửa nhà thờ, nhìn xung quanh và thấy rằng, có một trường học của giáo hội bên cạnh nhà thờ, và một nữ giáo viên người nước ngoài đang dạy trẻ em. Anh chạy ngay đến và hỏi nữ giáo viên bằng tiếng Anh lõm bõm rằng, liệu anh có thể liên hệ với vị linh mục để được giúp đỡ không, vì anh cần giúp đỡ.

"Tôi như một con thiêu thân. Tôi giống như một mũi tên bắn ra, đã không có lối thoát."

Cuộc trao đổi ngắn với sự giúp đỡ của phần mềm dịch thuật, nữ giáo viên đã giúp tìm kiếm vị linh mục, nhưng cô ấy vẫn không thể tìm thấy vị linh mục ấy. Thấy Đổng La Bân trông rất lo lắng, nữ giáo viên đã bảo anh ngồi xuống văn phòng và nghỉ ngơi một lúc.

Điện thoại di động của Đổng La Bân không thể sử dụng được nữa do hết tiền. Không thể liên lạc được với vị linh mục nữa. Thời gian từng giây từng giây trôi qua, thời gian càng kéo dài, anh phải đối mặt với nguy hiểm càng lớn. Phải làm gì? ! Phải làm gì? !

Khoảng ba đến năm phút sau, Đổng La Bân nghe thấy tiếng còi hú của xe cảnh sát đang đến. Hóa ra, nữ giáo viên đã gọi cảnh sát mà anh không hề hay biết. Đổng La Bân nghĩ: Mọi chuyện đã kết thúc rồi, họ sẽ đưa anh quay lại!

Hai cảnh sát bước vào, tay phải cầm súng, hơi khom người và đầu gối, tay trái ra hiệu cho anh không được đứng dậy, đồng thời nói rất nhiều với Đổng La Bân bằng tiếng Anh mà anh không hiểu chút nào.

Đổng La Bân đột nhiên nghĩ đến sợi dây chuyền Thánh giá trên cổ mình, và ngay lập tức lấy nó ra cho họ xem. Nữ giáo viên dường như đột nhiên hiểu ra, lập tức tiến lên nói gì đó với viên cảnh sát, thái độ của viên cảnh sát lập tức trở nên ôn hòa hơn.

Đổng La Bân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận với cảnh sát: "Tôi đã trốn khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc. Nếu các anh gửi tôi trở lại Lãnh sự quán Trung Quốc, tôi chắc chắn sẽ chết. Các anh có thể đưa tôi đến bất cứ nơi nào các anh muốn. Chỉ cần đừng gửi tôi trở lại (đến Lãnh sự quán Trung Quốc).

Viên cảnh sát nói với anh: "Đừng lo lắng, chúng tôi ở đây để bảo vệ anh."

Cảm nhận điều kỳ diệu

Hai cảnh sát sau đó đã đưa Đổng La Bân trở lại đồn cảnh sát. Nhưng sau khi đến đồn cảnh sát, Đổng La Bân vẫn không biết phải làm gì, lúc này anh nghĩ đến một nhà hoạt động dân chủ người Úc mà anh đã liên hệ trên mạng nhưng chưa từng gặp mặt.

Đổng La Bân sau đó đã cố gắng liên lạc, nhưng không ngờ bên kia trả lời ngay lập tức, và giúp liên lạc với một người New Zealand mà anh ấy biết. Người New Zealand ngay lập tức liên lạc với người tiếp theo, và cứ tiếp tục, hết người này đến người khác.

Đổng La Bân sau đó biết được rằng, đến người thứ sáu là người cuối cùng đã đón anh từ đồn cảnh sát, và đưa anh đến công ty luật. Tại đây, Đổng La Bân không chỉ cảm nhận được sức mạnh của chính nghĩa, mà còn cảm nhận được điều kỳ diệu trong đó - một chuỗi mắt xích chặt chẽ như vậy, nếu một mắt xích bị đứt, anh không thể nào thoát ra một cách êm đẹp như vậy được.

Nhớ lại lần bỏ trốn đột ngột không có kế hoạch này, Đổng La Bân cho biết: "Việc đó rất vội vàng và quyết đoán, hoặc tùy tiện. Cân nhắc chính của tôi là cơ hội lấy được hộ chiếu quá hiếm. Nếu tôi không lấy được lần này, tôi sẽ mất rất nhiều thời gian, một hoặc hai năm nữa. Tôi e rằng tôi sẽ không thấy hộ chiếu của mình trong một năm nữa.

Anh nói: "Nếu có kế hoạch, nhất định phải chạy vào ban đêm, thậm chí có thể là nửa đêm. Lần này hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch, ngay cả tôi cũng không nghĩ ra. Cho nên tôi không nghĩ là mình có thể làm điều đó một mình. Trong cõi hư vô, có Chúa hướng dẫn tôi, cho tôi sức mạnh này".

Lời kết

6 tháng sau khi bỏ trốn, Đổng La Bân đã được chính phủ New Zealand cấp quy chế tị nạn chính trị.

Khi mới trốn thoát, anh chỉ có 600 đô la Mỹ "mượn" từ lãnh sự quán Trung Quốc. Tuy nhiên, anh đã giải quyết vấn đề sinh tồn bằng cách làm việc bán thời gian, vài năm sau đó, anh đã gửi lại "khoản nợ".

Các thành viên gia đình của Đổng La Bân ở Trung Quốc đã nhiều lần bị sách nhiễu bởi các cấp khác nhau của ĐCSTQ. Sau khi biết tin anh bỏ trốn, vợ anh vẫn kiên trì ở vậy nuôi con một mình. Sau nhiều năm khó khăn, gia đình cuối cùng đã được đoàn tụ.

Từ các đồng nghiệp cũ của anh tại Lãnh sự quán Trung Quốc, Đổng La Bân sau đó biết được rằng, đôi giày anh đặt ở cửa ký túc xá đã đem lại thời gian 24 giờ cho anh. Một đồng nghiệp cũ nói với anh rằng, mọi người đều nghĩ rằng anh đang hờn dỗi trong phòng sau khi bị phê bình, mãi đến trưa ngày hôm sau mới phát hiện anh mất tích.

Một đồng nghiệp cũ cũng nói với anh rằng, sau khi Lãnh sự quán Trung Quốc phát hiện anh bỏ trốn, cơ quan này đã đóng cửa cả tháng trời, ngoại trừ đầu bếp không ai được phép ra vào, bầu không khí vô cùng căng thẳng. Các lãnh đạo cấp cao luôn muốn biết, Đổng La Bân đã bỏ trốn trong cơn tức giận hay anh đã lên kế hoạch từ lâu?

Dịch Phàm Thái - Epochtimes
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc trốn thoát thành công một cách thần kỳ theo "sự chỉ dẫn của Chúa"