Những chất dinh dưỡng bạn cần bổ sung để ngăn ngừa rụng tóc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rụng tóc là hiện tượng xảy ra phổ biến, có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, nếu tóc rụng nhiều hơn 100 sợi mỗi ngày thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý hoặc do bị thiếu hụt dưỡng chất khiến tóc trở nên yếu, khô xơ và dễ gãy rụng.

Rụng tóc sinh lý là hiện tượng diễn ra phổ biến, chủ yếu do rối loạn thần kinh nội tiết khiến tế bào mầm tóc bị suy yếu. Ngoài ra, rụng tóc cũng có thể do cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển của tóc. Trung bình mỗi ngày, chúng ta có thể rụng đi 50 - 100 sợi tóc và sau đó những sợi tóc mới sẽ mọc ra để bù đắp lại sự mất mát đó.

Nếu bạn thấy số tóc rụng nhiều hơn so với bình thường, mà không thấy tóc con mọc ra hoặc mọc ít hơn thì bạn nên xem lại chế độ ăn uống của mình. Có thể chế độ ăn uống của bạn đang không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết giúp tóc phát triển. Thiếu hụt vitamin, sắt và các khoáng chất là lý do khiến mái tóc của bạn không được dày và bóng khỏe như trước.

Các loại vitamin, dưỡng chất cần thiết cho tóc

  1. Sắt

Một nghiên cứu của Đại học Cairo đăng trên trang Prevention đã chỉ ra rằng, lượng sắt trong cơ thể thấp làm giảm sự sản sinh một loại enzyme hỗ trợ mọc tóc.

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh hồng cầu, giúp vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tóc. Do đó, khi cơ thể thiếu sắt, lượng máu lưu thông lên não cũng ít đi khiến tóc bị khô xơ và dễ gãy rụng. Có thể nói sắt là khoáng chất quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể, trong đó có chu trình phát triển của sợi tóc. Vì vậy bạn hãy tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình.

Các loại thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm: Nghêu, sò, hàu, trứng, thịt đỏ, rau bina, đậu lăng, bông cải xanh, socola đen, đậu phụ, gà tây, cá, nội tạng động vật,…

  1. Canxi

Không chỉ giúp chắc khỏe xương và răng, canxi còn giúp cơ thể điều tiết hormone androgen và biotin, tăng cường sự phát triển của các tế bào mầm tóc, giúp sợi tóc luôn chắc khỏe. Vì vậy khi cơ thể thiếu hụt canxi sẽ gây ra hiện tượng rụng tóc bất thường. Việc bổ sung thêm nguồn canxi dồi dào cho cơ thể sẽ giúp bạn giảm bớt tình trạng rụng tóc, từ đó mang đến cho bạn mái tóc dày và khỏe đẹp hơn.

  1. Kẽm

Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nang tóc, giúp củng cố nang tóc, phục hồi mái tóc bị hư tổn và ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả. Khi thiếu kẽm, cơ thể sẽ không thể tổng hợp đủ protein gây mất cân bằng nội tiết tố – nguyên nhân gây rụng tóc ở cả nam và nữ. Bên cạnh đó, kẽm còn là dưỡng chất giúp cho các tuyến dầu ở chân tóc hoạt động tốt hơn, từ đó hạn chế được tình trạng gàu và khô tóc. Vì vậy việc bổ sung kẽm vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày là điều vô cùng quan trọng.

  1. Sulfur

Sulfur là thành phần cấu tạo nên keratin có trong sợi tóc, thúc đẩy mái tóc mọc dài nhanh hơn. Nếu thiếu hụt khoáng chất này, tóc sẽ mỏng, yếu, dễ gãy rụng và đặc biệt rất lâu mọc dài. Hoạt chất sulfur được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, phải kể đến như: thịt gia súc, gia cầm, cá, hải sản, các loại đậu, các loại hạt, trứng, sữa, trái cây sấy khô, một số loại rau, đồ uống, gia vị….

  1. Omega 3

Rụng tóc có thể liên quan đến việc cơ thể bị thiếu hụt omega 3. Đây là một loại acid béo có nhiều công dụng tốt trong việc làm đẹp, giúp dưỡng ẩm và chống lão hóa hiệu quả. Khi cơ thể được cung cấp đủ omega 3 sẽ cải thiện được tình trạng tóc yếu, khô xơ, chẻ ngọn, dễ gãy rụng. Để giúp mái tóc của bạn thêm khỏe mạnh và bóng mượt, hãy tăng cường bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu omega 3 vào thực đơn dinh dưỡng của mình mỗi ngày.

Bạn nhất định không được bỏ qua một số loại thực phẩm giàu omega 3 như sau: cá trích, cá mòi, cá thu, cá hồi, cá cơm, dầu gan cá tuyết, trứng cá muối, hạt lanh, hạt chia, đậu nành, hàu, quả óc chó…

  1. Protein

Các protein hóa sừng hay còn gọi là keratin chính là thành phần cấu tạo nên sợi tóc. Vì vậy nếu bạn bị thiếu hụt protein sẽ có thể gặp phải các vấn đề lớn trong rối loạn chuyển hóa, khiến tóc và móng dễ gãy rụng. Ngoài ra, collagen trong cơ thể chính là chất xúc tác giúp gắn kết tế bào, giúp mái tóc chắc khỏe, cơ thể dẻo dai. Trong khi đó, protein lại là tiền chất sản sinh collagen. Thiếu hụt protein không chỉ khiến tóc rụng nhiều mà còn dễ bị xơ rối, khô cứng.

Một số món ăn chứa nhiều protein mà bạn nên sử dụng thường xuyên: ức gà, thịt vịt, thịt bò nạc, sữa và các chế phẩm từ sữa, hạnh nhân, trứng, bông cải xanh, chuối, đậu nành, măng khô, cá ngừ, đậu lăng, hạt bí ngô, tôm,…

  1. Silica

Bạn bị rụng tóc nhiều rất có thể là do cơ thể bị thiếu hụt silica. Hoạt chất này có tác dụng giúp tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, giúp duy trì mái tóc khỏe mạnh từ bên trong. Nếu bạn không cung cấp đủ silica sẽ khiến cơ thể giảm hấp thu khoáng chất và vitamin, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung và mái tóc nói riêng.

Hoạt chất silica có nhiều trong các loại thực phẩm như: dưa chuột, ớt xanh, ớt đỏ, táo, dâu, chuối, cam, củ cải, yến mạch, giá đỗ, khoai tây,…

  1. Selen

Selen là dưỡng chất quan trọng nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà cần bổ sung selen từ nguồn thực phẩm bên ngoài. Thiếu hụt selen sẽ khiến mái tóc của bạn bị hư tổn và dễ gãy rụng bởi khoáng chất này tham gia vào quá trình tăng trưởng của sợi tóc. Ngoài ra, selen còn được biết đến với công dụng giúp tiêu diệt nấm, loại bỏ gàu và hỗ trợ sự phát triển của tóc. Vì vậy để nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh chắc chắn bạn không được bỏ qua hoạt chất này.

Selen có nhiều trong các loại thực phẩm như: cá thu, cá ngừ, cá trích, cá chỉ vàng, cá hồi, cá mòi, sò điệp, tôm hùm, nấm, quả hạch, mầm lúa, lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt, nấm,…

  1. Các loại vitamin

Vitamin tham gia vào quá trình tổng hợp keratin – thành phần chính cấu tạo của các sợi tóc. Vì vậy nếu thiếu hụt vitamin sẽ khiến mái tóc của bạn dễ bị gãy rụng, khô xơ và thiếu sức sống. Các loại vitamin đóng vai trò quan trọng cho mái tóc mà bạn cần bổ sung ngay: vitamin A, B, C, D, E.

Do vậy, bạn cần đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin, sắt và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Khi cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng, mái tóc cũng chắc khoẻ hơn.

Những thói quen cần tránh

Ngoài việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong ngày, bạn cũng nên tránh ngay những thói quen gây rụng tóc phổ biến sau:

- Chải đầu khi tóc còn ướt: Mái tóc sau khi gội thường rất nhạy cảm và dễ bị rối, khó gỡ nên hành động chải tóc lúc này sẽ làm tóc dễ rụng hơn. Thêm nữa, chải đầu vào thời điểm này không chỉ làm tóc rụng mà còn khiến chân tóc yếu, vùng da đầu dễ bị tổn thương.

- Lạm dụng máy sấy tóc: Máy sấy tóc là một thiết bị giúp làm tóc khô nhanh. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá thường xuyên và luôn để ở nhiệt độ nóng thì sợi tóc, chân tóc lẫn da đầu đều bị tổn thương. Chính điều này sẽ gây ra tình trạng tóc rụng thường xuyên. Do đó, nếu không quá cần thiết thì bạn nên để tóc khô tự nhiên sau khi gội sẽ giúp mái tóc khỏe mạnh hơn.

- Sử dụng nhiều hóa chất lên tóc: Việc thay đổi kiểu tóc thường xuyên: uốn, nhuộm, tẩy... đều là những phương pháp làm tóc có sử dụng hóa chất. Do đó, bạn nên chú ý dưỡng tóc nhiều hơn để mái tóc phục hồi nhanh và khỏe mạnh.

- Không bảo vệ tóc trước khi ra đường: Một số người chỉ có thói quen chống nắng cho da mà quên mất là mái tóc cũng cần được bảo vệ. Khi ra đường bạn nên đội mũ hay sử dụng áo chống nắng trùm kín đầu để mái tóc không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tránh tóc bị hư tổn, đổi màu tóc…

-Gội đầu quá nhiều lần: Không gội đầu quá nhiều lần trong tuần, không gội đầu bằng nước nóng vì dễ làm tóc khô xơ, gãy rụng. Tốt nhất bạn nên gội đầu với tần suất từ 2 – 3 lần/tuần và chỉ nên dùng nước mát hoặc nước ấm để gội.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Những chất dinh dưỡng bạn cần bổ sung để ngăn ngừa rụng tóc