Những chiếc cối xay gió cổ đại này được xây dựng hơn 1.000 năm trước từ bùn, đất sét, rơm - và vẫn hoạt động cho đến ngày nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nghĩ đến năng lượng gió như một nguồn năng lượng, chúng ta có thể nghĩ đến những tua-bin khổng lồ, xấu xí đang tàn phá cảnh quan. Nhưng một ngôi làng ở Iran tiết lộ cách tổ tiên chúng ta chế tạo tua-bin bằng gỗ và đất sét chứ không phải thép và bê tông; với sự thông minh như vậy, chúng vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay - vài nghìn năm sau.

Tên của thị trấn nhỏ ở phía đông bắc đất nước Iran là Nashtifan, có nghĩa là "cơn bão dữ dội", do sự hung dữ của những cơn gió thổi từ phía bắc quanh năm. Nằm trên một đồng bằng lộng gió cách biên giới Afghanistan khoảng 40 km, Nashtifan nổi tiếng với những chiếc cối xay gió cổ xưa, lâu đời nhất trên thế giới.

Hòa mình vào khung cảnh bán sa mạc, được xây dựng trên một ngọn đồi cao, một đội quân gồm 40 cối xay gió cao khoảng 20 mét phục vụ hai mục đích: hoạt động như một vùng đệm, bảo vệ ngôi làng khỏi các luồng không khí dữ dội và nghiền ngũ cốc thành bột. Người dân địa phương gọi kỹ thuật sử dụng gió để cung cấp năng lượng cho máy xay xát là “asbad”. Bằng một nét vẽ thiên tài, các kiến ​​trúc sư người Iran đã định vị và thiết kế các cối xay gió sao cho “hứng” không khí vào các lỗ hở, khiến các cánh quạt quay, từ đó cung cấp năng lượng cho một trục thẳng đứng làm quay cối xay, nghiền nát hạt.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Những chiếc cối xay gió 1.000 năm tuổi ở Nashtifan của Iran, gần biên giới với Afghanistan. (V4ID Afsahi/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Những đám mây đen lờ mờ trên những chiếc cối xay gió ở Nashtifan, Iran. ( Hadidehghanpour /CC BY-SA 4.0)

Hàng năm từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9, những cơn gió giật cực mạnh thậm chí còn tăng nhiều hơn. Theo UNESCO, nó được gọi là “gió 120 ngày hay gió đen”, và tốc độ đôi khi đạt tới 60 dặm (100 km) một giờ. Những điều kiện dai dẳng như vậy, kết hợp với tình trạng thiếu nước trong khu vực, đã khiến các kỹ sư thời đó nảy ra ý tưởng tối ưu hóa sức mạnh của nó. Tất cả mọi thứ được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên. Ngoài gỗ, đất sét và rơm, họ còn sử dụng lá cọ trồng tại địa phương để làm các cánh quạt, chúng được đan chặt vào nhau và gắn vào trục trung tâm.

Một người đàn ông đã dành cả cuộc đời của mình để chăm sóc các cấu trúc độc đáo này. Người giám sát Ali Mohammad Etebari đã dành nhiều năm để kiểm tra và bảo trì hàng ngày. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Văn hóa Gỗ Quốc tế vào năm 2017, Etebari cho biết: “Chúng tôi đặt lúa mì vào cối xay, chúng tôi lấy bột… chúng tôi làm bánh mì nan, chúng tôi ăn và thưởng thức nó".

“Tôi là một tài xế và tôi cũng đã chăm sóc nó trong 28 năm qua”.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cối xay gió ở Nashtifan vẫn hoạt động sau khoảng 1.000 năm. (V4ID Afsahi/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cối xay gió ở Nashtifan cung cấp năng lượng để nghiền ngũ cốc thành bột. (V4ID Afsahi/Shutterstock)

Người đàn ông lớn tuổi giải thích rằng, trong lịch sử, một số thành viên trong cùng một gia đình sẽ trông coi một xưởng duy nhất; nhưng bây giờ, chỉ có một mình ông, đóng vai trò là người chăm sóc cho tất cả các cối xay. Việc bảo tồn gần như hoàn hảo các cối xay gió là do khí hậu khô cằn của địa phương.

Ông nói: “Ở đây, không có độ ẩm. Nó rất khô, vì vậy chúng tồn tại rất lâu”.

Etebari cho biết lúa mì được sản xuất theo quy trình thủ công thực sự này “rất khác biệt”. “Nó rất ngon, rất tốt cho sức khỏe và tốt cho dạ dày. Lúa mì này rất hoàn hảo; lúa mì bạn nhận được ở bên ngoài, nó không được như vậy”.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Bên cạnh việc cung cấp năng lượng gió cho người dân địa phương để xay ngũ cốc thành bột, các cối xay gió còn giúp giảm bớt những cơn gió mạnh ở vùng đông bắc Iran. (V4ID Afsahi/Shutterstock)

Etebari tiếp tục giải thích về sự khéo léo của những chiếc cối xay gió.

“Chúng đang làm việc mà không có điện, không có dầu diesel, benzin [nhiên liệu] hay bất kỳ thứ gì khác. Chỉ nhờ gió - và đối với gió, chúng tôi không phải trả bất cứ thứ gì”.

Theo sự khôn ngoan của ông, điều quan trọng là thân cây dùng làm trục đứng và các bộ phận khác phải còn nguyên vỏ, nếu không gỗ sẽ bị nứt.

Etebari nói với chút tự hào: “Tôi là người chăm sóc cho chúng. Nếu tôi không trông coi, lũ trẻ sẽ đến phá phách, đập phá. Bọn trẻ đến phá rối, ném đá”.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Các loại ngũ cốc được nghiền thành bột trong cối xay gió ở Nashtifan, Iran. (V4ID Afsahi/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Tua-bin bằng gỗ khai thác sức mạnh của gió đồng thời giúp chắn những cơn gió mạnh cho cư dân ở Nashtifan, Iran. (V4ID Afsahi/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cối xay gió Nashtifan ở Iran (Hamed Yeganeh/Shutterstock)

Những lời cuối cùng của ông Etabari nghe có chút buồn. “Tôi là người duy nhất trông nom việc này”, vừa nói, ông vừa leo lên để kiểm tra chiếc cối xay gió gần nhất, trong tư thế khom người.

Khi biết cách người đàn ông lớn tuổi đặt trái tim và tâm hồn của mình vào việc duy trì một trong những nguồn thực phẩm quan trọng của Nashtifan, và bản chất đáng kinh ngạc của kỹ thuật cổ xưa này, một số người có thể cảm thấy phấn khởi khi biết một số cơ quan chính thức, bao gồm cả Tổ chức Di sản Iran, đã tiến hành các nỗ lực phục hồi tại khu vực. Được coi là một trong những ví dụ đầu tiên về công nghệ năng lượng gió trên hành tinh, cối xay gió Nashtifan cũng đang được xem xét đề cử là Di sản Thế giới của UNESCO.

Trong lịch sử được gọi là Ba Tư, việc sử dụng cối xay gió của Iran được cho là đã có từ khoảng 5.000 năm trước, thiết kế của nó sau đó đã lan rộng ra khắp thế giới.

Theo Anna Mason - The Epoch Times

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những chiếc cối xay gió cổ đại này được xây dựng hơn 1.000 năm trước từ bùn, đất sét, rơm - và vẫn hoạt động cho đến ngày nay