Những chuyện kỳ lạ trên thế gian phá tan sương mù - Lời cảnh tỉnh thế nhân (kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi sinh ra vào đêm trước “Cách mạng Văn hóa” khi vạn yêu xuất thế, quỷ ma điên cuồng nhảy múa làm loạn cả nhân gian, khiến nền văn hóa Thần truyền 5000 năm bị phá hoại đến mức gần như chẳng còn gì.

Chỉ cần hồi tưởng lại tôi đã thấy trước mắt là những lá cờ nhuộm máu của ĐCSTQ, các áp phích và biểu ngữ dán khắp tường, các hội đấu tố đầy mùi máu tanh, những đoàn diễu hành rầm rộ trên đường phố và các con ngõ hẻm. Thậm chí giữa đêm hôm khuya khoắt, hễ Mao Trạch Đông đưa ra bất cứ chỉ thị tối cao nào thì mọi người đều phải bật ngay dậy, khua chiêng gõ trống ầm ĩ, đổ xô ra đường lớn diễu hành. Ai không tham dự sẽ trở thành mục tiêu của bạo lực cách mạng. Tôi thấy đôi tai mình dường như cũng lùng bùng tiếng tù và chói tai của những bài nhạc đỏ và tiếng huyên náo của các cuộc đấu tố cuồng loạn.

Đến tuổi đi học, trang đầu tiên của cuốn sách giáo khoa mà tôi học là những lời như: “Mao Trạch Đông vạn tuế!”, “Đảng Cộng sản vạn tuế!”. Những người sinh ra trong thời đại ấy cũng giống như bảy em bé trong bộ phim “Bảy anh em hồ lô”, phải chật vật lớn lên trong nọc độc của ma quỷ.

Chính trị Cộng sản đang mang lại thảm họa cho Trung Quốc và Tập Cận Bình
Cách mạng Văn hóa là khoảng thời gian mà “Mặt trời đỏ nhất” trong khi “thế giới đen tối nhất”. Mọi người đều phải nghiên cứu các tác phẩm của Mao. (Hình ảnh: IvanWalsh.com qua flickr / CC BY 2.0)

May mắn là tôi sống ở vùng quê, nền văn hóa Thần truyền với những lý niệm Nho, Phật, Đạo đã bén rễ sâu trong tâm trí các vị bô lão của hương thôn. Những gì tôi được tai nghe mắt thấy trong cuộc sống đóng vai trò rất lớn giúp tôi lựa chọn con đường nhân sinh sau này.

Cuộc sống thôn quê

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi vì sức khỏe kém, lại thêm công việc bận rộn nên đã gửi tôi tại nhà dì ở quê.

Dì là chị gái duy nhất của mẹ. Ông bà ngoại mất sớm, chỉ còn lại hai chị em yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Dì là chị cả nhưng săn sóc mẹ như là con gái của dì vậy. Đến nay, dì lại chăm lo cho tôi từng li từng tí. Dì chỉ có một cậu con trai lớn hơn tôi 8 tuổi. Anh vô cùng vui sướng khi tôi đến và coi tôi như đứa em ruột thịt. Dì cũng coi tôi như viên minh châu trong tay. Cả dì và dượng đều là những nông dân thuần phác thiện lương, chân thành tín Phật, tín Thần. Tuy họ một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng khắc ghi trong xương cốt họ vẫn là huyết mạch của văn hóa truyền thống.

Lúc ấy tầng lớp nông dân bị ĐCSTQ bóc lột vô cùng nặng nề, họ phải canh tác khổ cực năm này qua năm khác mà vẫn không đủ ăn. Mặc dù đồng bằng Hoa Bắc phì nhiêu màu mỡ, năm nào cũng mùa màng bội thu, nhưng thu hoạch của cả một năm gian khổ đều bị ĐCSTQ cướp trắng trợn dưới danh nghĩa thuế nông nghiệp. Do đó đời sống nông dân vô cùng khốn khó bần cùng.

Ban ngày dì và dượng làm việc trong đội sản xuất, còn tôi ở nhà chơi cùng với anh họ. Tối đến dưới ánh đèn leo lét, dì ngồi khoanh chân trên chiếc giường đất, khi thì quay sợi bông, khi thì khâu đế giày, lúc lại may vá thêu thùa. Tôi và anh họ nằm trong chăn nghe dượng kể chuyện. Những câu chuyện ấy khiến chúng tôi bật cười giòn giã, dì không nhịn được thỉnh thoảng cũng xen vào một câu.

Dượng có giọng nói rất hay, từng được coi là “Thanh Y” trong đoàn kịch của thôn. Nhưng sau Cách mạng Văn hóa, kịch nghệ truyền thống bị phê phán là “phong, tư, tu” (chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa xét lại) nên đoàn kịch buộc phải giải tán. Dượng không biểu diễn nữa nhưng vẫn nhớ như in các hí khúc kinh điển, như: “Ngưu Lang chức nữ”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”, “Thất Tiên nữ hạ phàm”, v.v. Những giá trị văn hóa truyền thống, như trung hiếu tiết nghĩa và thế giới Thần Tiên trong cổ tích ấy giống như làn gió mát thổi vào tâm hồn tôi, như cơn mưa nhỏ lặng lẽ thấm nhuần vào tim tôi.

Ngưu Lang và Chức Nữ đã được đích thân Tây Vương Mẫu chỉ định là "ngày 7 tháng 7"
Ngưu Lang và hai con xót xa khi Chức Nữ về trời (Ảnh miền công cộng)

Đương nhiên, câu chuyện mà dượng kể có những tình tiết khác với hí khúc ngày nay. Ví dụ như trong “Lương Chúc”, các vị Thần Tiên trên Thượng giới vì lo sợ hai người bên nhau lâu ngày sẽ nảy sinh tình cảm, dễ làm ra những việc trái với luân thường đạo lý, nên đã phái một vị Thần âm thầm lấy ra ba phần hồn phách của Lương Sơn Bá, khiến anh không còn sáng suốt như trước nữa, do đó không thể phát hiện ra Chúc Anh Đài là nữ nhi. Nhờ đó, cả hai luôn giữ được sự thuần chính, trong sáng. Còn trong “Ngưu Lang Chức Nữ”, Chức Nữ hoàn toàn không ái mộ Ngưu Lang, cũng không vì quyến luyến nhân gian mà tình nguyện ở lại, mà là Chức Nữ bị Ngưu Lang lấy trộm thiên y nên không cách nào trở về trời, buộc phải lưu lại ở phàm gian. Sau này khi lấy lại được thiên y, nàng vẫn kiên quyết trở lại Thiên đình.

Khách vô hình qua sông

Nhà dì ở ven sông Hô Đà, hồi ấy trên thượng du chưa xây hồ chứa như ngày nay, suốt mười dặm đường sông nước biếc lăn tăn gợn sóng, tàu cá tự do phiêu bạt trên sông. Nơi ấy ngũ cốc dậy mùi hương, là vùng đất trù phú đầy cá tôm và thóc gạo. Dân cư sinh sống thành làng ấp hai bên bờ sông, gần như thôn làng nào cũng xây dựng chùa chiền, bên trong thờ tượng Phật để trấn ngự Hà Bá, không để nó dậy sóng dậy gió làm hại bách tính xung quanh.

Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, toàn quốc dậy lên làn sóng đập phá chùa miếu, hủy hoại tượng Phật, phỉ báng Thần, phỉ báng Pháp, phá hoại văn hóa Thần truyền, ngay cả những thôn quê xa xôi cũng không tránh khỏi.

Lúc ấy, phái tạo phản là một nhóm kẻ lưu manh trong thôn, còn hồng vệ binh là những thanh thiếu niên và học sinh không am hiểu thế sự. Họ hùng hùng hổ hổ đi lục soát từng nhà, ra sức thiêu hủy cổ tịch, đập chùa phá tượng, tháo dỡ nhà thờ tổ và miếu Thành Hoàng. Đêm ấy, các thuyền phu trên sông nghe thấy có tiếng gọi: “Nhà thuyền, đưa chúng tôi qua sông với”. Thuyền phu chèo thuyền vào bờ sông, nhưng không thấy người mà chỉ nghe tiếng nước ục ục và tiếng có ai đó lên thuyền.

Thuyền phu vốn là người từng trải, hiểu nhiều biết rộng, ông đoán chắc rằng khách đi thuyền không phải là người, bèn hỏi: “Quý khách muốn đến đâu?”. Có tiếng đáp lại: “Ở đây chẳng còn nơi nào trụ được nữa, hãy đưa chúng tôi đến núi Liên Hoa”.

Bờ bên kia sông là huyện Hoạch Lộc (nay là thành phố Lộc Tuyền), nơi ấy có trại Bão Độc, trong trại có núi Liên Hoa. Phải chăng những vị khách này đã lựa chọn nơi ấy làm chốn an thân? Con thuyền từ từ sang sông, mặc dù nhìn trong khoang thấy trống rỗng không một bóng người, nhưng thuyền phu lại cảm thấy thuyền nặng trĩu như đang chở đầy hàng hóa vậy.

Tuy rằng tất cả đền chùa trong thôn đã bị hủy hoại, nhưng đại đội vẫn ngày ngày phát thanh những bài hát đỏ như: “Trước giờ không có Cứu Thế Chủ, cũng không có Thần Tiên Hoàng Đế, sáng tạo hạnh phúc hoàn toàn dựa vào bản thân chúng ta”, “Mao Trạch Đông là đại cứu tinh của mọi người”, v.v. Trong sách giáo khoa toàn là những lời hoang ngôn ca ngợi công đức của Mao và ĐCSTQ, phê phán truyền thống, nhục mạ Thánh hiền. Thuyết vô Thần và thuyết tiến hóa quán xuyến mọi mặt của đời sống, liên tục rót vào tai người ta, tẩy não người ta, nhưng rất nhiều hiện tượng linh dị kỳ quái xảy ra trong cuộc sống lại phơi bày những lời bịa đặt tà ác này.

Ma trắng báo thù

Sau khi hủy hoại tượng Phật và phá dỡ chùa chiền, các phái tạo phản vẫn chưa hài lòng, họ còn lên kế hoạch san phẳng phần mộ, đào mồ tổ tiên. Lúc ấy ở phía tây của thôn là một cánh đồng nghĩa địa rất lớn, trong đó trồng chi chít rất nhiều cây bách. Cây bách rất cao và lớn, cành lá sum suê tươi tốt, có cây là đại cổ thụ đã mấy trăm năm. Ai bước vào đây đều có cảm giác rờn rợn ám khí, âm u lạnh lẽo, ngay cả tụi con trai tinh nghịch nhất cũng không dám bén mảng vào trong đó. Những cụ già cao tuổi trong làng đều nói rằng, trên cây bách cổ có con ma trắng, nếu làm kinh động đến chúng thì sẽ rước lấy tai họa. Nhưng vào thời đại quỷ đỏ hoành hành, quái yêu ngông cuồng làm loạn, người ta đã khiếp sợ trước sự tàn bạo của tà ác, không một ai dám phản đối trước kế hoạch bới mộ đào mồ này.

Hồng vệ binh cuồng vọng đấu trời đấu đất, không tin Thần, không tin Phật, đương nhiên lại càng không tin vào ma quỷ. Họ thẳng tay đào mộ tổ tông, ngay cả các cây bách cổ cũng bị đốn hạ bằng sạch, còn hài cốt của những người đã khuất thì bị chất đống, dầm mưa dãi nắng trên ruộng đồng.

Tượng Phật bị đốt phá trong thời Đại Cách Mạng Văn Hóa. (Epoch Times)
Tượng Phật bị đốt phá trong thời Đại Cách Mạng Văn Hóa. (Epoch Times)

Đêm ấy vào lúc nửa đêm khuya khoắt, cây đại thụ trong thôn gầm lên tiếng rít kinh hoàng và thê lương. Lúc sau, lại nghe thấy có tiếng chạy đi chạy lại trên đường lớn. Mọi người đều sợ hãi đến mức trùm chăn trốn trên giường, không dám xuất đầu lộ diện. Nhưng cũng có kẻ to gan lớn mật lén leo lên tường hoặc nhìn qua khe cửa ra ngoài, chỉ thấy một thứ trắng dã chạy đi chạy lại trên đường, lại có thứ đen sì sì đang bay qua bay lại trên không trung, đồng thời phát ra tiếng lạ lùng: “Chạy thôi, chạy thôi, chạy thôi!”. Liên tiếp bốn, năm đêm đều như vậy.

Ngay sau đó, trong thôn bắt đầu có người chết, ngày nào cũng có người đột tử. Họ đều rất trẻ tuổi, và đều là những người từng tham dự vào việc phá chùa, đập tượng, chặt bách, đào mộ. Các cụ già đều nói rằng, vì họ cả gan đốn hạ cây bách cổ nên con ma trắng và lũ tà vật không còn chỗ trú thân, vậy nên mới điên cuồng báo thù như thế.

Báo ứng ngay trong đời khiến người ta sợ hãi, đặc biệt là những kẻ đập phá chùa chiền, hủy hoại tượng Phật, chặt bách đào mộ. Chớ thấy họ đã từng gan to lớn mật đến mức trời không sợ, đất cũng không sợ, nhưng khi báo ứng đến trước mặt thì lại hèn nhát hơn thỏ dế. Kẻ nào cũng tâm kinh đảm khiếp, cả ngày hoảng loạn, không biết liệu mình có phải kẻ tiếp theo bị Hắc Bạch Vô Thường móc hồn về âm phủ hay không.

Chạy trời sao khỏi nắng, cuối cùng ách vận cũng không buông tha cho họ. Phàm đã cả gan làm việc ấy thì một người cũng không tránh khỏi Hoàng tuyền, không ai có thể thoát khỏi kiếp nạn này.

Sau đó, những người sống sót sau Cách mạng Văn hóa bắt đầu tin vào “mê tín”, tin rằng thiện ác đều có báo. Đặc biệt là những người đập chùa, phá tượng, chặt bách, đào mộ từng phải chịu báo ứng, đại đa số đều không dám làm bừa nữa.

Chị Ngốc

Thôn bên có một phụ nữ trung niên khoảng 50, 60 tuổi, mọi người gọi bà là “Chị Ngốc”. Tuy bà thất học, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng lại có khả năng tâm linh nổi danh khắp xa gần. Nhà bà thường có người lui tới, thậm chí các vị đại quan trong thành phố cũng lái xe đến tìm bà để chữa bệnh, bốc quẻ xem bói.

Khi chưa có ĐCSTQ, trong thôn có rất nhiều người tu hành, các loại pháp môn cũng nhiều không đếm xuể. Có thể nói là ngư long hỗn tạp, chính tà bất phân, nhưng đa số đều là tiểu đạo thế gian. Lúc ấy người ta không gọi đó là “tu luyện”, mà gọi là “nhập Đạo”, mỗi pháp môn đều gọi là “Đạo môn”. Sau này trong cuộc vận động Tam phản và Ngũ phản của ĐCSTQ, những Đạo môn này đều bị thanh trừ, bị đóng cửa, bị trấn áp, nhưng vẫn không thể xóa được văn hóa tu luyện trong tâm trí người dân.

Mặc dù Cách mạng Văn hóa được tiến hành rầm rầm rộ rộ, oanh oanh liệt liệt, nhưng ở các thôn quê những hoạt động như Vu bà, Thần hán, toán quái, xem hương hỏa, xem phong thủy… vẫn bí mật lưu truyền. Những bệnh nhân nan y bị bệnh viện trả về đều đến tìm họ để chữa trị, và rất nhiều căn bệnh đã được giải quyết theo cách này. Hơn nữa, ai cũng không dám chắc chắn rằng cả đời không mắc bệnh, khó đảm bảo rằng sẽ không phải đi cầu cứu người ta, vậy nên ai ai cũng không dám chặn đứng con đường sống của mình. Vì thế những đảng viên và cán bộ trong thôn cũng giả câm giả điếc, khi vận động đến thì hô hào khẩu hiệu, làm ra vẻ cho có, nhưng sau lưng vẫn ngầm cho phép họ tiếp tục hành nghề.

Chị Ngốc vốn là người phụ nữ lương thiện và chất phác, cuộc sống vẫn bình thường cho đến một ngày bà vô cớ phát điên, thần trí không thanh tỉnh, ngây ngây dại dại, liên tục nói những lời ngớ nga ngớ ngẩn. Bà không làm hại ai nhưng lại làm tổn thương chính mình, mùa hè không biết nóng, mùa đông không biết lạnh, quanh năm đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, dáng vẻ nhếch nha nhếch nhác. Thường ngày bà chỉ mặc một cái áo bẩn thỉu, hai chân trần chạy nhong nhong khắp nơi, có lúc ngủ trong đống củi hoặc đống cỏ, có lúc lại ngủ trong tuyết, ngẫu nhiên vớ được gì thì ăn nấy. Đám trẻ trông thấy bà đều vây quanh gọi là Chị Ngốc, những đứa nghịch ngợm còn ném đá lên người bà. Bà không biết tránh, chỉ đứng đó cười hề hề. Nhà bà rất nghèo, gia đình không có tiền chữa trị cũng không trông nom được bà, vậy nên cứ mặc cho bà điên khùng chạy ra ngoài, kệ cho điên điên dại dại, tự sinh tự diệt.

Chị Ngốc điên dại mấy năm rồi đột nhiên khỏi hẳn, sau khi trở lại bình thường lại có chút công năng, có thể xem bệnh cho người khác. Rất nhiều căn bệnh mà bệnh viện bó tay đều được bà trị khỏi. Càng thần kỳ hơn nữa là khi có người đến tìm bà chữa trị, bà sẽ nói ra nguyên nhân gốc rễ bệnh của người này: Bạn đã từng làm việc thất đức gì đó vào lúc ấy lúc ấy. Người kia nghe xong há hốc mồm kinh ngạc, trong tâm bội phục, bởi vì điều bà nói hoàn toàn chính xác. Bà cũng khuyên người ta hãy thành tâm thay đổi, không nên tái phạm nữa. Điều đặc biệt là, bà chỉ xem bệnh giúp đời, một xu cũng không lấy.

Bà bảo với mọi người rằng, bà vốn là Thần Tiên trên Thượng giới, vì phạm luật trời mà bị giáng hạ xuống phàm gian, đợi hoàn trả xong tội nghiệp mới có thể trở về Thiên đình.

Cũng có lúc bà tự nhiên ngất xỉu, không biết gì nữa, giống như người chết vậy. Nhưng thân thể vẫn mềm, qua một đoạn thời gian bà lại sống lại. Sau khi tỉnh dậy bà kể rằng bà vừa mới lên địa phương nào đó ở trên trời và làm điều gì đó.

Có lần, dưới nách bà mọc một cái mụn to bằng quả đào. Bà kể rằng, bà vừa tham dự hội Bàn Đào của Vương Mẫu Nương Nương, vì đào rất quý rất ngon nên bà liền lén lấy một quả giấu ở dưới nách, định bụng mang về cho người nhà ăn, kết quả liền trở thành bộ dạng như thế này. Bạn có cho đó là hoang đường không? Nhưng đại đa số dân làng lại hoàn toàn tin tưởng những lời bà nói.

Mấy năm sau Chị Ngốc qua đời, ai cũng tin rằng bà đã trả xong nghiệp và quay về trời…

(Còn tiếp)

Theo Thính Tuyền - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những chuyện kỳ lạ trên thế gian phá tan sương mù - Lời cảnh tỉnh thế nhân (kỳ 2)