Những phát hiện kỳ lạ ở di tích Tam Tinh đôi: Càng khai quật càng kỳ lạ khó hiểu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tam tinh đôi là một khu di tích rất thần bí. Việc khai quật khu di tích này đã được tiến hành hơn vài thập kỷ, nhưng càng khai quật thì những văn vật thu được lại càng kỳ lạ, càng khai quật thì các nhà khoa học lại càng không thể hiểu được.

Hố hiến tế số 1 và số 2 bắt đầu khai quật từ năm 1986. Chúng ta đã quen với những văn vật như Cây Thần Phù Tang bằng đồng thanh, bức tượng người đứng bằng đồng thanh, bánh xe mặt trời bằng đồng thanh, mặt nạ đồng thanh mắt lớn hay vương trượng bằng vàng. Đây là những văn vật nổi tiếng được khai quật từ hai hố hiến tế này. Các hố hiến tế từ số 3 đến số 8 chỉ mới bắt đầu được khai quật một cách hệ thống từ năm 2021.

Cây Thần bằng đồng số 1 được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: Public Domain)
Cây Thần bằng đồng số 1 được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: Public Domain)

Đến cuối năm 2022, công tác khai quật 6 hố hiến tế này về cơ bản đã hoàn thành, thu được hơn 15000 bảo vật. Thế nhưng càng về sau những văn vật thu được lại càng kỳ lạ hơn. Chúng ta có thể thấy rằng “kỳ lạ” là tính chất chung của số cổ vật này.

Đây là một trong những ví dụ điển hình. Các bạn thử nghĩ xem bức tượng thần thú bằng đồng thanh này giống con vật gì? Một vài người cho rằng thần thú này có vẻ ngoài giống với heo Peppa. Thần thú này có một chiếc miệng tròn giống như một chiếc máy sấy tóc. Phần eo thon và chân ngắn lại giống như một chú chó cưng, còn phần đuôi lại giống đuôi ngựa. Trên mũi có một chiếc sừng, giống như một con kỳ lân trong chuyện cổ tích châu Âu. Hình dạng của thần thú này trông rất kì lạ, không giống với bất kỳ con vật nào mà chúng ta từng biết.

Hình dạng của thần thú này trông rất kì lạ. (Chụp video)

Tiếp theo là một cổ vật được cư dân mạng gọi là “Chiếc hộp ánh trăng” bằng đồng thanh. Đây là một chiếc hộp đồng dài khoảng 40 đến 50 cm với lưới đồng hình mai rùa bao quanh một ngọc khí hình trứng. Trên ngọc khí này còn có những hình khắc lờ mờ. Lưới đồng được thiết kế thành dạng hộp, hai lớp lưới đồng trên và dưới ghép với nhau tạo thành bộ phận chính của hộp. Ở một bên hộp có bộ phận có dạng giống như bản lề với thiết kế then cài. Ở phía còn lại có hai dây đồng dùng để buộc lại hai lớp lưới đồng nhưng hơi lệch. Nếu chúng ta dùng trí tưởng tượng, “chiếc hộp ánh trăng” này có thể biến thành một chiếc giá để nướng thịt.

Rất nhiều người muốn biết ngọc khí bên trong “chiếc hộp ánh trăng” được khắc những ký hiệu gì. Đó có phải là chữ viết hay không. Thế nhưng đáng tiếc chính là ở khu khảo cổ Tam Tinh đôi, ngoại trừ việc phát hiện được một số ký hiệu trên đồ gốm, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể tìm được những ký hiệu chữ viết đầy đủ. Vì vậy, chúng ta chưa thể biết được những hình khắc liệu có phải là chữ viết hay không. Đối với vấn đề nền văn minh Tam Tinh đôi có chữ viết hay không, chúng ta vẫn cần rất nhiều thời gian để tiếp tục nghiên cứu.

Cho đến hiện tại, dưới đây là một trong những văn vật có thiết kế kỳ lạ nhất từng được khai quật ở Tam Tinh đôi. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, trong hố hiện tế số 2, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một tượng đồng không hoàn chỉnh. Đó là bức tượng đồng có hai chiếc chân đang đạp lên một con chim, nhưng bức tượng này mới chỉ có một nửa. Phần ở trên chiếc chân này không rõ là gì. Bởi vì không tìm được phần trên, nên bức tượng không hoàn chỉnh này đã nằm yên khoảng vài chục năm tiếp theo

Ba mươi năm sau, trong hố hiến tế số 8, các nhà khảo cổ học lại tìm thấy một tượng người. Bức tượng người ở trên đầu đội một bình rượu bằng đồng, thân thể lại uốn cong như rắn, cong về phía sau và lên trên, hai bên có móng vuốt chim mạnh mẽ, giống với hai hai tay. Tạo hình kỳ lạ như thế này cũng khiến các nhà khảo cổ học càng thêm đau đầu. Thiết kế này rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Đột nhiên có người nhớ lại chẳng phải 30 năm trước, các nhà khảo cổ cũng từng tìm được một bức tượng nửa người. Thế rồi họ mang hai bức tượng ghép lại với nhau. Điều may mắn chính là hai bức tượng trên hoàn toàn trùng khớp. Do vậy, món cổ vật này là tạo hình của một diễn viên nhào lộn vô cùng uyển chuyển, trên đầu đội một chiếc bình bằng đồng, hai tay chống đất, cơ thể uốn cong về phía sau và lên trên. Trên chân của diễn viên nhào lộn này có một con chim đồng. Ý tưởng thiết kế này quả thật rất tài tình. Nhưng tại sao hai phần trên dưới của bức tượng lại được đặt ở hai nơi khác nhau. Một phần ở hố hiến tế số 2 và một phần ở hố hiến tế số 8. Điều này đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Sự phân tách này phải chăng có một ý nghĩa hay một một nghi thức nào đó. Có lẽ chúng ta phải tiếp tục chờ thêm những phát hiện mới để có thể giải thích được bí ẩn này.

Bức tượng người ở trên đầu đội một bình rượu bằng đồng, thân thể lại uốn cong như rắn. (Chụp video)

Hơn 15.000 báu vật tìm được trong lần khai quật này đã mở ra cho chúng ta cánh cửa đến với một mê cung thời cổ đại. Những văn vật với rất nhiều kiểu thiết kế và hình dạng kỳ lạ. Chúng ta khó có thể đoán được đồ vật được tìm thấy tiếp theo là gì.

Một vấn đề khác làm các nhà khảo cổ đau đầu, chính là trong thành phần hợp kim của hơn 500 mẫu vật đồng thanh tìm thấy Tam Tinh đôi có chứa một loại “chì có tính phóng xạ cao”. Đây là một loại chì bất thường, không có trong các mỏ đồng của nước Thục cổ. Trong các văn vật bằng đồng thanh ở di tích Kim Sa ở gần đó cũng không có thành phần này. Nhưng ở cách đó hơn 1500km, những đồ đồng được khai quật ở thị trấn Ngô Thành, tỉnh Giang Tây lại có thành phần chì này. Như vậy tại sao người Tam Tinh đôi không hoàn toàn dùng quặng đồng ở địa phương này mà lại dùng các mỏ đồng ở Giang Tây cách đó hàng ngàn dặm. Điều này không phải sẽ tốn rất nhiều công sức hay sao? Hơn nữa, những đồ đồng tìm thấy ở Tam Tinh đôi có kỹ thuật lắp ráp rất đặc biệt. Các chuyên gia đã nảy ra một ý tưởng rất táo bạo về vấn đề này.

Tam Tinh đôi - công xưởng của thế giới

Các chuyên gia đã đặt ra giải thuyết rằng sự xuất hiện các văn vật bằng đồng thanh ở Tam Tinh đôi có thể tương tự với mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay. Ví dụ trong ngành công nghiệp ô tô hiện nay, xe Ford được sản xuất ở Mỹ nhưng linh kiện của xe lại được sản xuất ở các nước châu Á, sau đó được vận chuyển đến Bắc Mỹ để lắp ráp và tiêu thụ. Tương tự như vậy, có thể sau khi người Tam Tinh đôi thiết kế ra sản phẩm hoàn chỉnh, sẽ mang bản vẽ đến các công xưởng ở những nơi khác của Ân Thương để gia công. Sau đó linh kiện được vận chuyển trở lại Tam Tinh đôi và lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Giả thuyết này cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ. Ngoài những bằng chứng về nguyên vật liệu, các chuyên gia cũng tìm thấy bằng chứng trong công nghệ đúc đồng. Thông thường trong mỗi khu vực đúc đồng, sẽ có một số kỹ thuật nhất định. Mỗi khu vực có thường dùng một kỹ thuật. Thực tế cho thấy những văn vật ở Tam Tinh đôi thiết kế rất giống nhau nhưng lại được sử dụng những kỹ thuật đúc đồng khác nhau. Ví dụ như mặt nạ đồng thanh, một biểu tượng của Tam Tinh đôi, tuy rằng kiểu dáng giống nhau nhưng với những chiếc mặt nạ có kích thước lớn nhỏ khác nhau thì sự gắn kết giữa tai và mặt lại có ít nhất hai loại kỹ thuật đúc đồng khác nhau. Trong một số mặt nạ, phần tai và mặt được sản xuất riêng từng phần, sau đó gắn lại với nhau. Còn một loại mặt nạ đồng khác lại được chế tạo hoàn chỉnh ngay từ đầu. Điều này chứng minh rằng những chiếc mặt nạ này được sản xuất theo từng lô khác nhau và có khả năng là từ những xưởng chế tạo khác nhau

Vào ngày 15/6/2005, một chiếc mặt nạ mắt lồi bằng đồng được trưng bày tại Bảo tàng Sanxingdui ở Quảng Sơn, Tứ Xuyên. Đây được biết đến là Thần thú Chúc Long trong ‘Sơn Hải Kinh.’ (Ảnh: Wikipedia)
Vào ngày 15/6/2005, một chiếc mặt nạ mắt lồi bằng đồng được trưng bày tại Bảo tàng Sanxingdui ở Quảng Sơn, Tứ Xuyên. Đây được biết đến là Thần thú Chúc Long trong ‘Sơn Hải Kinh.’ (Ảnh: Wikipedia)

Khi xem xét mối quan hệ giữa người Tam Tinh đôi và người Trung Nguyên cũng như những nhóm người ở khu vực phía nam, chúng ta sẽ thấy rằng mối liên hệ giữa những nền văn minh này không phải đơn lẻ và ngẫu nhiên. Mối quan hệ của họ này phải khăng khít ở một mức độ nào đó. Đương nhiên không thể đạt đến mức độ toàn cầu hóa ngày nay, nhưng mối liên hệ trong ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa và đồ dùng phải rất chặt chẽ, có thể sẽ rất khác với những điều được mô tả trong bài thơ “Thục đạo nan” của đại thi hào Lý Bạch: “Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh”.

Mối quan hệ giữa những nền văn minh này phải chặt chẽ hơn nhiều. Những văn vật mới được khai quật ở Tam Tinh đôi vào năm 2022, ngoài đặc điểm kỳ lạ, còn có một đặc điểm khác chính là số lượng đồ ngọc chiếm một tỷ lệ lớn. Nhóm khảo cổ ước tính, điều này cho thấy thời gian tồn tại của nền văn minh Tam Tinh đôi có thể sẽ dài hơn so với thời gian được ước tính trước đây. Bởi vì những văn vật này giống với các văn vật của nền văn minh Kim Sa thời đại đồ đồng. Có khả năng là khi nền văn minh Kim Sa ở gần thành phố Thành Đô đang phát triển thì sức sống của Tam Tinh đôi vẫn còn rất tràn trề. Trước đây người ta cho rằng khi nền văn minh Kim Sa phát triển, thì Tam Tinh đôi đã suy bại và hoang tàn. Thế nhưng cụ thể trung tâm của nền văn minh Tam Tinh đôi ở Quảng Hán đã tồn tại bao lâu thì đến hiện tại các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra kết luận.

Sau thời gian hơn 02 năm khai quật, trong sáu hố hiến tế từ số 3 đến số 8, các nhà khảo cổ đã tìm được những chiếc mặt nạ bằng đồng thanh lớn, mặt nạ bằng vàng lớn, thần thú bằng đồng thanh, còn nhiều văn vật mang đầy tính tưởng tượng khác. Khi xác định niên đại bằng đồng vị cacbon 14, các chuyên gia đã bước đầu xác định được niên đại của những văn vật này cách đây khoảng 3200 năm, vào cuối thời nhà Thương. Thế nhưng manh mối rõ ràng cho thấy mối liên hệ giữa nền văn minh Tam Tinh đôi và nền văn minh ở lưu vực sông Hoàng Hà trong cùng thời đại hoặc những nền văn minh khác vẫn chưa được tìm thấy.

Ở phần đáy của hố hiến tế số 2 ở Tam tinh đôi, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số lượng lớn vỏ sò. Có hơn 4600 vỏ sò có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương. Điều này nói lên rằng người Tam Tinh đôi và người dân ở vùng ven biển Ấn Độ Dương đã có giao thương buôn bán. Việc những chiếc vỏ sò này có được dùng làm tiền tệ hay không hiện tại vẫn chưa rõ. Thực tế khi phát hiện càng nhiều ngôi mộ, chúng ta sẽ thấy rằng phần lớn những ngôi mộ này đều dùng vỏ sò để làm đồ tùy táng, cho thấy người thời đó thường xem vỏ sò là tài sản để mang theo. Như vậy vỏ sò sẽ có tính chất giống như tiền tệ. Những năm gần đây, điều này đã được chứng minh trong các ngôi mộ cổ thời Ân Thương. Nhưng ở Tam Tinh đôi thì vẫn chưa thể kết luận được.

Nếu ở những di tích khảo cổ khác, càng khai quật sẽ càng rõ ràng thì ở Tam Tinh đôi càng khai quật các nhà khoa học càng đau đầu. Những văn vật ở đây đặt ra rất nhiều vấn đề cần chuyên gia giải đáp. Ví dụ như bức tượng hình người có móng vuốt chim và đầu đội bình rượu này, vì sao lại có tạo hình như thế. Tạo hình này trong các văn vật ở Tam tinh đôi cũng không phải hiếm gặp. Thế là các chuyên gia khảo cổ lại bắt đầu đặt ra một giả thuyết khác. Họ cho rằng điều này có lẽ liên quan đến nguồn gốc của nước Thục cổ.

Trong “Sử ký – Ngũ đế bản ký”, Tư Mã Thiên có nói đến quan hệ giữa Hoàng Đế và Thục Đế. “Hoàng Đế bản kỷ” viết rằng: “Vợ của Hoàng Đế là Luy Tổ sinh ra hai người con trai, một người tên là Huyền Hiêu, một người tên là Xương Ý. Huyền Hiêu sống ở Giang thủy. Xương Ý sống ở Nhược thủy”.

Giang thủy và Nhược thủy hiện đã được xác định là nằm ở đất Thục. Đó là vùng bồ địa Tứ Xuyên ngày nay. Xương Ý lấy con gái của Thục Sơn thị làm vợ, sinh được một người con trai tên là Cao Dương. Cao Dương sau này chính là Chuyên Húc Đế.

“Sơn Hải Kinh - Đại hoang Đông kinh” viết tiếp rằng: Lúc Chuyên Húc Đế còn nhỏ, lớn lên ở một hẻm núi lớn ở ngoài Đông Hải. Đây là quốc gia mà Thiếu Hạo (Huyền Hiêu) từng trị vì. Để rèn luyện tâm tính cho tiểu Chuyên Húc, người chú Thiếu Hạo thường dạy cho Chuyên Húc đánh đàn, gõ trống.

Vậy đất nước của Thiếu Hạo cụ thể như thế nào? Trong Sơn Hải Kinh cũng không mô tả chi tiết.

Ảnh trái: Thần Câu Mang, thân chim mặt người, cưỡi trên hai con rồng trong Sơn Hải Kinh. Ảnh phải: Tượng đồng được tìm thấy ở Tam Tinh Đôi. (Ảnh chụp từ video Epoch Times)
Ảnh trái: Thần Câu Mang, thân chim mặt người, cưỡi trên hai con rồng trong Sơn Hải Kinh. Ảnh phải: Tượng đồng được tìm thấy ở Tam Tinh Đôi. (Ảnh chụp từ video Epoch Times)

Nhưng trong một cuốn sách khác là “Tả truyện – Chiêu Công thập thất niên”, có nói rằng: đời sau của Thiếu Hạo đến đời Xuân Thu vẫn còn tồn tại, có một người có học thức cao tên là Đàm Tử. Lỗ Chiêu Công từng trò chuyện với Đàm Tử. Đàm Tử nói rằng tổ tiên Thiếu Hạo của ông khi mới lên ngôi Vương đã gặp được Phượng Hoàng giáng thế. Đây là một chuyện vô cùng vinh diệu. Bởi vì Phượng Hoàng là chim Thần. Phượng là chim đực, Hoàng là chim cái. Chỉ có bậc quân chủ thánh minh mới có thế khiến Phượng Hoàng đến. Lúc đó Thiếu Hạo nhìn thấy cả hai chim Phượng và Hoàng đều đến nên vô cùng vui mừng. Đó là sự khẳng định của Trời cao dành cho ông. Thế nên Thiếu Hạo đã quyết định dùng tên chim để ghi chép lại sự việc, tên của các trưởng quan trong triều đều đổi thành tên chim. Ví dụ như Phượng Điểu thị là vị quan quản lý việc thiên văn và lịch pháp. Huyền Điểu thị là vị quan quản lý xuân phân và thu phân. Bác Triệu thị là vị quan quản lý đông chí và hạ chí. Thanh Điểu thị là vị quan quản lý lập xuân và lập hạ. Đan Điểu thị là vị quan quản lý lập thu và lập đông. Tên của vị quan này chính là đặt theo tên của các loài chim.

Các chuyên gia cho rằng hoa văn trên một miếng đồng thanh hình thân người được khai quật ở Tam Tinh đôi rất có thể là các vị quan được đặt theo tên chim trong truyền thuyết. Ở giữa là chim Phượng, chính là “Phượng điểu lập chính” chuyên phụ trách việc thiên văn. Còn 4 hình vẽ còn lại có biểu tượng mặt trời ở trên đầu, đại diện cho những loại chim mà Đàm Tử đã nhắc đến, chính là Huyền Điểu thị, Bác Triệu thị, Thanh Điểu thị và Đan Điểu thị.

Như vậy vẫn còn một vấn đề khác, Sơn Hải Kinh viết rằng nước của Thiếu Hạo ở ngoài Đông Hải, có người sẽ nghĩ đến Nhật Bản hay một hòn đảo nào đó ở Thái Bình Dương. Vậy làm sao hình tượng của những vị quan đặt theo tên chim của Thiếu Hạo lại xuất hiện ở Tam Tinh đôi ở vùng Tứ Xuyên được?

Một truyền thuyết ly kỳ

Trong “Sơn Hải Kinh - Đại hoang tây kinh” có kể lại một câu chuyện ly kỳ như sau:

Phong từ bắc tới, trời giáng đại hồng thủy, rắn hóa thành cá, Chuyên Húc chết đi sống lại.

Đại ý chính là: Gió lớn thổi đến từ phương Bắc, trời có mưa lớn, những cơn mưa nặng hạt giống như một dòng thác. Trong mưa lớn, rắn hóa thân thành cá gọi là Ngư Phụ. Chuyên Húc sau khi hợp thể với Ngư Phụ ở trong nước đã được sống lại.

undefined
Chuyên Húc. (Miền công cộng)

Ngư Phụ đồng âm với Ngư Phù – tên của quốc vương nước Thục cổ. Đây rất có khả năng là chỉ cùng một người. Chữ Phụ ở đây là chữ phụ trong từ phụ nữ. Điều này cho thấy Ngư Phù – người khai sáng ra nền văn minh Thục cổ, rất có thể là một người nữ, chính là một vị nữ vương. Hiện tại những người nghiên cứu “Sơn Hải Kinh” cho rằng, câu chuyện Chuyên Húc mượn cơ thể của Ngư Phụ, sống lại ở trong nước, thực ra là chính là một câu chuyện về hiện tượng luân hồi chuyển sinh. Rất có thể Ngư Phù vương là do Chuyên Húc Đế chuyển sinh, từ đó ông mang theo những ký ức tiền kiếp về những vị quan đặt theo tên chim và sau đó dùng chế độ này để quản lý nước Thục cổ.

Nếu đúng là như vậy, thì Chuyên Húc Đế cũng thật vất vả. Đời trước ông đã sáng tạo ra văn hóa Trung Nguyên, đời sau còn phải tiếp tục xây dựng nền văn minh Thục cổ, hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy rằng câu chuyện này nghe có vẻ hoang đường, nhưng trong “Lã thị xuân thu” và “Sử ký” đều có chép lại chuyện này, rất có thể đây là câu chuyện về luân hồi chuyển sinh sớm nhất của Trung Quốc.

Câu chuyện luân hồi này không chỉ có tính huyền bí rất cao, mà sự thay đổi về không gian cũng rất lớn. Lúc này ở Tứ Xuyên, lúc khác là ở Đông Hải, khiến chúng ta khó có thể theo kịp. Kỳ thực câu chuyện này đưa ra một manh mối vô cùng quan trọng. Đó chính là có khả năng trong quá trình phát triển của nền văn minh Tam Tinh đôi, Thục cổ, từ bồ địa Tứ Xuyên cho đến khu vực Trung Nguyên, hoặc đến những nơi xa xôi như Đông Hải, đều đã có giao thông qua lại. Những nền văn minh này đã có sự học hỏi về văn hóa. Ví dụ như trong câu chuyện này, tiểu Chuyên Húc sinh ra ở Tứ Xuyên, có thể đi xa đến đất nước của Thiếu Hạo ở Đông Hải, học tập dưới sự hướng dẫn của người chú Thiếu Hạo. Sau khi chết, Chuyên Húc lại chuyển sinh về Tứ Xuyên, chính là nói rằng dù là Đông Hải hay là Thục cổ, đều ở trong cùng một thời đại.

Như vậy, thông qua suy luận logic, câu đố về bản đồng về những vị quan đặt theo tên chim đã được giải đáp. Lúc này, lại có một vấn đề khác xuất hiện. Một văn vật thần kỳ khác đã được tìm thấy ở Tam Tinh đôi, đó chính là Ngọc Biên Chương có khắc “Tế Sơn Đồ”. Đây là văn vật vô cùng quan trọng, đã bị cấm mang ra khỏi Trung Quốc. Những hình vẽ thần bí được khắc trên Ngọc Biên Chương đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Ngọc Chương là một trong những đồ tế lễ quan trọng nhất ở thời cổ đại. Khi bái tế trời đất và bốn phương, Chương là vật dùng để bái phương Nam, thường dùng để tế bái sông núi. Ngọc Biên Chương xuất hiện ở Tam tinh đôi, trên đó vẽ về chủ đề bái tế sông núi, có chiều dài 54,2 cm và chiều rộng 8,8 cm.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những hình vẽ trên Ngọc Biên Chương. Hình vẽ của Ngọc Chương được chia làm hai phần. Từ dưới lên trên, chia làm 5 hình. Hình vẽ ở dưới cùng là hai ngọn núi, giữa hai ngọn núi có một vật thể hình móc câu, hai bên mỗi ngọn núi có một Nha Chương. Hình vẽ ngay phía trên có ba người đội chiếc mũ hình có hình ngọn núi, trên chiếc mũ có rất nhiều điểm chấm. Tai của họ đeo khuyên tai có hai vòng, mặc áo cộc tay, quần ngắn, hai tay đặt trước bụng, kết thủ ấn và quỳ trên mặt đất. Hình vẽ thứ ba là những hoa văn ngay ngắn. Hình vẽ phía trên lại là hai ngọn núi, có một bàn tay to lớn đang nắm tay, đồng thời dùng ngón cái ấn vào sườn núi, giữa hai ngọn núi có một vật hình chiếc thuyền, đang bay giữa không trung. Bức hình cao nhất, là hình thứ năm kể từ dưới đếm lên, là ba người nhỏ, đầu đội mũ đỉnh bằng, trên tai đeo khuyên có hình lục lạc, mặc áo cộc tay quần ngắn, hai tay kết ấn đặt trước bụng, đang ở tư thế đứng. Họ đứng hai chân hình chữ bát, mũi chân ngược nhau.

Hình vẽ trên Ngọc Biên Chương. (Chụp video)

Các hình vẽ trên Ngọc Chương có kết cấu cơ bản giống nhau. Điểm khác nhau có thể là tầng trên cùng chỉ có hai người, giữa hai người có một vòng tròn; hoặc là là hai ngọn núi, mỗi ngọn núi có một bàn tay lớn đang nắm, dùng ngón cái ấn vào sườn núi.

Hiện tại lời giải thích mà các chuyên gia khảo cổ học đưa ra chính là: chắc chắn rằng những hình vẽ này đang thể hiện một buổi lễ tế núi long trọng của người dân Tam tinh đôi. Nhưng ý nghĩa cụ thể của những những hình vẽ trong đó thể hiện điều gì thì hiện tại vẫn chưa có lời giải.

Tuy rằng chuyên gia chưa thể giải đáp, nhưng nhiều cư dân mạng đã bắt đầu liên tưởng. Họ suy nghĩ tại sao có hai nhóm người ở trên và dưới, nhóm ở dưới đang quỳ, còn nhóm ở trên đứng chân hình chữ bát, còn kết thủ ấn giống như tư thế của những người đang trầm tư hoặc kết nối với Thần linh. Lẽ nào đây là hình vẽ về những pháp sư có thể kết nối với Thần linh của người Tam Tinh đôi?

Nếu đúng như vậy thì dường những cánh cửa lớn sẽ được mở ra với vô số ý tưởng kỳ diệu. Một số người đoán rằng ở đây có liên quan đến người ngoài hành tinh. Vật có hình thuyền trôi nổi giữa hai ngọn núi, không phải rất giống với UFO sao? Trên mũ của nhóm người ở tầng trên cùng có rất nhiều dấu chấm, có lẽ đó chính là thiết bị truyền điện tử.

Nhưng có một số người lại suy đoán theo hướng tâm linh. Hình vẽ có hai bàn tay lớn, dùng ngón cái ấn vào sườn núi, chính là Thần núi đang dùng sức mạnh của mình để giữ ổn định những ngọn núi muốn bay lên. Lễ tế rầm rộ này cho thấy điều gì? Vị Thần được người Tam Tinh đôi sùng bái và cầu khấn là ai? Những người đam mê người ngoài hành tinh và những người đam mê các điều kỳ bí này, mỗi nhóm giải thích một kiểu, không ai nhường ai, thế nhưng ai cũng không có chứng cứ xác thực. Cuối cùng có người đề ra một phương án thỏa hiệp, chính là thời đại Tam Tinh đôi chính là thời kỳ mà con người, người ngoài hành tinh, pháp sư và Thần linh cùng tồn tại.

Từ năm 2021 đến năm 2022, các chuyên gia đã tìm được hơn 15000 văn vật mới. Thế nhưng hưng những nghi vấn về Tam tinh đôi cùng với sự xuất hiện của những văn vật này, không những không ít đi mà ngày càng có nhiều hơn. Rất nhiều cư dân mạng, thậm chí cả những nhân viên khảo cổ, đều cảm thấy rằng khu di tích khảo cổ Tam Tinh đôi đúng là càng khai quật càng kỳ lạ.

Theo Wenzhao
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những phát hiện kỳ lạ ở di tích Tam Tinh đôi: Càng khai quật càng kỳ lạ khó hiểu