Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-3): Người cuối cùng được hóa độ là người đầu độc giết Ngài

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Dưới sự an bài của thượng sư, Tôn giả Mật Lặc Nhật Ba trải qua trùng trùng ma nạn, cuối cùng tiêu đi tội nghiệp, đắc được đại Pháp thành Phật ngay trong đời, mở ra con đường khổ tu tinh tấn của mình. Cuối cùng đã tu xuất ra ngàn vạn biến hóa và thần thông như bay trên không… và bắt đầu độ nhân.

Xem lại:
Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-2): Trên trời có một người đang bay

Dựa theo truyện ký do Tôn giả Mật Lặc Nhật Ba đích thân thuật lại và các đệ tử ghi chép chỉnh lý lại, khi Ngài sắp nhập Niết bàn vào năm 84 tuổi, người cuối cùng Ngài độ là một vị học giả. Vị học giả này tuy đọc hết kinh điển luận thuật, nhưng lại đầy lòng đố kỵ thù hận với Tôn giả. Trước một người như thế này, Tôn giả có độ hóa được không?

Sự đố kỵ và thù hận của Tiến sĩ Tháo Phổ

Tôn giả Mật Lặc Nhật Ba đã độ hóa rất nhiều chúng sinh hữu duyên, khiến chúng sinh tấp nập bước lên con đường tu Phật. Cuối cùng ở một nơi là Đình Nhật, Tôn giả gặp một vị học giả là Tiến sĩ Tháo Phổ. Người này tham lam tiền tài, nhưng ông ta là một vị học giả, nên người dân rất cung kính đối với ông, mỗi lần có yến tiệc, đều để ông ngồi vị trí thứ nhất.

Tiến sĩ Tháo Phổ gặp Tôn giả, bề ngoài ông ta cung kính tín ngưỡng, thực tế trong tâm thì ghen ghét đố kỵ. Rất nhiều lần khi mọi người tụ tập, ông ta đã cố ý đưa ra những câu hỏi nhằm bắt bí Tôn giả, muốn để Tôn giả bẽ mặt trước đám đông. Thế nhưng không lần nào đạt được kết quả như ông ta mong đợi.

Vào ngày đầu tiên mùa Thu năm Mộc Hổ, dân làng Đình Nhật mở một lễ hội lớn. Người dân mời Tôn giả ngồi vị trí thứ nhất, Tiến sĩ Tháo Phổ ngồi vị trí thứ 2. Trước mặt mọi người, Tiến sĩ Tháo Phổ đảnh lễ với Tôn giả, trong tâm ông ta nghĩ: “Mình đảnh lễ xong thì Tôn giả cũng sẽ hoàn lễ với mình”.

Nhưng ngoài thượng sư ra thì Tôn giả xưa nay không đảnh lễ với bất kỳ người nào. Không được hoàn lễ, Tiến sĩ Tháo Phổ trong lòng hậm hực bất bình, trong lòng thầm nghĩ: “Ta là học giả, tiến sĩ đa tài thế này, đảnh lễ ông ta, một người không có tí học vấn nào thế này, ông ta đã không hoàn lễ, còn ngồi trên cao ngang nhiên bất động, làm gì có cái lý đó, nhất định phải báo thù mới được”.

Thế là Tháo Phổ cầm cuốn Luận điển đặt trước mặt Tôn giả và nói: “Xin mời Tôn giả giải nghĩa từng chữ trong quyển sách này, giải đáp những nghi vấn, đồng thời phát huy sở kiến và cho thêm bình luận”.

Tôn giả nói: “Hàm nghĩa câu chữ bề mặt trong Luận điển, có lẽ ông cũng có thể giảng giải được, nhưng ý nghĩa chân chính của nó thì cần phải khắc phục dục vọng của Bát pháp thế gian, và hàng phục ngã chấp thì mới có thể thấy được. Ngoài cái đó ra, những cái dạy người như học vấn biện luận hỏi đáp thế nào, thì hoàn toàn vô dụng. Thế nên, ta cũng không học và càng không hiểu. Cứ cho là đã từng học qua thì cũng đã sớm quên từ lâu rồi”.

Tháo Phổ nghe vậy bèn nói: “Những người chuyên tu như các ngài thế này, đương nhiên chỉ biết dùng những lời sáo ngữ để trả lời, chúng tôi là nói về cái lý học thuật, dựa vào logic để suy nghĩ biện luận. Những lời ngài nói hoàn toàn không phù hợp với nghĩa lớn của Phật Pháp. Tôi vì thấy ông là người tốt mới đảnh lễ với ông”.

Tháo Phổ còn nói một thôi một hồi, mọi người nghe thấy thế thì rất không hài lòng, cùng nhau nói: “Tiến sĩ à, bất kể ông biết được bao nhiêu giáo lý Phật Pháp, thì những người như ông có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. Nhưng cả thế giới này cũng không chứa nổi một cái lông của Tôn giả. Ông đừng nói gì nữa, hãy an phận ngồi ghế trên của chúng tôi, và nghĩ cách tăng thêm tài sản của ông là được rồi. Đừng làm trò hề ở Pháp hội”.

Tháo Phổ nghe xong thì trong lòng bừng bừng nổi giận, nhưng sợ mọi người giận dữ nên đành nuốt cục khí tức giận xuống, miệng không nói gì nữa, nhưng trong lòng rất căm hận. Ông ta ngầm tính toán: “Hừm, tên Mật Lặc Nhật Ba không có tri thức này, hành vi điên cuồng, nói những lời si mê, dùng những lời vọng ngôn trống rỗng để lừa mọi người, để được họ cúng dường, thật là nỗi sỉ nhục cho Phật Pháp. Như ta, một tiến sĩ có học vấn, có danh tiếng, có tài sản, về phương diện Pháp mà nói, mọi người lại coi ta không bằng con chó. Làm gì có cái lý ấy. Nhất định phải nghĩ cách mới được”.

Mưu kế của Tháo Phổ

Vị tiến sĩ Tháo Phổ này có một người tình ở làng Bố Lâm. Hôm đó, ông ta bảo người phụ nữ đó bỏ thuốc độc vào nồi bơ sữa, dự định sẽ cúng dường Tôn giả, chuẩn bị đầu độc giết chết Tôn giả. Ông ta giao hẹn, xong việc sẽ tặng cho cô ta một viên ngọc bích lớn để báo đáp.

Người phụ nữ đáng thương này tin là thật, bèn cho thuốc độc vào trong bơ sữa, rồi đem đến Nhai Thành cúng dường Tôn giả.

Phật Mật Lặc Nhật Ba đã biết rõ tất cả từ trước, Ngài quan sát nhân duyên, thấy những chúng sinh hữu duyên đều đã hóa độ hết rồi
Phật Mật Lặc Nhật Ba đã biết rõ tất cả từ trước, Ngài quan sát nhân duyên, thấy những chúng sinh hữu duyên đều đã hóa độ hết rồi. (Phạm vi công cộng)

Lúc này, Phật Mật Lặc Nhật Ba đã biết rõ tất cả từ trước, Ngài quan sát nhân duyên, thấy những chúng sinh hữu duyên đều đã hóa độ hết rồi. Thuốc độc này tuy không thể nào làm hại được Ngài, nhưng ngày Ngài nhập Niết bàn cũng sắp đến rồi. Thế là Ngài chuẩn bị tiếp nhận cúng dường thuốc độc này.

Nhưng Tôn giả biết rằng, Tiến sĩ Tháo Phổ không phải là người thủ tín giữ lời hứa. Nếu trước khi người phụ nữ này có được viên ngọc, mà Ngài uống bơ sữa độc do cô cúng dường, thì sau đó cô hoàn toàn không thể nào có được viên ngọc đó. Thế là Ngài nói với người phụ nữ rằng: “Bây giờ ta không muốn uống, đợi cô sau này lại đem đến, có lẽ lúc đó ta sẽ muốn uống”.

Người phụ nữ nghe Tôn giả nói vậy thì trong lòng đầy nghi ngại và sợ hãi, đoán chừng Tôn giả đã biết rằng bơ sữa mà mình cúng dường có độc. Thế là cô ta thấp thỏm không yên trở về. Gặp Tiến sĩ Tháo Phổ, cô bèn kể lại đâu đuôi câu chuyện hai năm rõ mười cho ông ta nghe, và nói: “Tôn giả nhất định có thần thông, do đó không chịu uống”.

“Hừm, nếu ông ta có thần thông thì đã không bảo cô sau này đem đến cho ông ta, mà sẽ bắt cô phải uống chỗ bơ sữa này rồi. Ông ta đã bảo cô sau này đem đến, xem ra ông ta hoàn toàn không có thần thông. Cô hãy cầm trước viên ngọc này đi, rồi lại đem bơ sữa đi cho ông ta. Lần này đi, nhất định phải để ông ta uống hết”.

Thế là Tháo Phổ đưa viên ngọc cho người phụ nữ đó. Người phụ nữ nghe xong vội vàng thoái thác nói: “Mọi người đều tin rằng, ông ấy nhất định có thần thông. Bởi vì có thần thông nên hôm qua ông ấy mới không uống bơ sữa này. Hôm nay tôi lại đem đi thì ông ấy nhất định sẽ không uống. Tôi sợ lắm, không dám đi đâu. Tôi không cần viên ngọc nữa, ông hãy tha thứ cho tôi. Việc này tôi thấy tôi không thể nào làm giúp ông được”.

Tháo Phổ thấy người phụ nữ này đánh bài lùi thì sốt ruột, vội vàng nói: “Trên đời này chỉ có kẻ phàm phu ngu muội mới tin ông ta có thần thông, bởi vì họ không xem kinh sách, không hiểu đạo lý, do đó mới bị những lời cuồng vọng của ông ta lừa bịp. Trong những kinh sách mà tôi đã xem, người có thần thông không có dáng vẻ như ông ta thế này. Tôi bảo đảm rằng ông ta nhất định không có thần thông. Cô lại đem bơ sữa đi cho ông ta uống. Nếu việc này làm thành công, tôi nhất định sẽ không phụ cô. Chúng ta yêu thương nhau đã lâu thế này rồi, làm xong việc này, tôi sẽ cưới cô. Khi đó, không chỉ viên ngọc này là của cô, mà tài sản bên ngoài, tài sản trong nhà của tôi, cũng sẽ giao hết cho cô cai quản. Hai chúng ta họa phúc có nhau, bạch đầu giai lão. Cô xem có tốt không”.

Người ta nói, miệng lưỡi đàn ông là quỷ lừa người. Người phụ nữ đáng thương này cho rằng, những lời mà người đàn ông trước mặt mình nói này, câu nào cũng là chân tình thành ý. Thế là cô lại bỏ thuốc độc vào bơ sữa rồi đến Nguyện Lạc Cát Tường Pha để cúng dường cho Tôn giả.

Viên ngọc đã ở trong tay cô chưa?

Lần này, thấy người phụ nữ đó lại đến tặng bơ sữa, Tôn giả mỉm cười tiếp nhận. Người phụ nữ thầm nghĩ, xem ra những lời của Tiến sĩ là đúng, Tôn giả quả nhiên không có thần thông gì. Không ngờ Tôn giả mỉm cười nói với cô rằng: “Cái giá mà cô làm việc này, viên ngọc đó đã cầm trong tay chưa?”

Ôi, lời này vừa nói ra, người phụ nữ sợ hãi thất sắc, miệng há hốc, kinh hoàng không nói ra lời, toàn thân run lẩy bẩy, vừa xấu hổ lại vừa sợ hãi. Cô vừa quỳ lạy vừa khóc và nói: “Thưa Tôn giả, viên ngọc ở trong tay con rồi ạ, nhưng xin Ngài chớ uống bơ sữa này, đưa lại cho con đi”.

Tôn giả hỏi: “Cô muốn nó để làm gì?”

Người phụ nữ đau khổ khóc và nói: “Hãy để cho con, người có tội này uống đi cho rồi”.

Tôn giả nói: “Một là, ta thấy con quả thực đáng thương quá, không nhẫn tâm để con uống. Hai là, nếu ta không tiếp nhận đồ cúng dường của con, thì trái với Bồ Tát học xứ, phạm đọa căn bản, đặc biệt là ta đời này, sự nghiệp hóa độ chúng sinh cũng đã viên mãn rồi, đã đến lúc đến thế giới khác rồi. Thực ra, đồ cúng của con không thể làm hại ta được, uống hay không uống cũng không sao cả. Nếu lúc đó ta uống bơ sữa mà con đem tặng lần trước, e rằng sau đó con sẽ không có được viên ngọc đó, nên ta mới không uống. Bây giờ viên ngọc của con đã ở trong tay con rồi, ta có thể yên tâm uống rồi, và cũng thỏa mãn nguyện vọng của ông ta. Hơn nữa, dù ông ta đã hứa hẹn với con, sau khi sự việc thành công sẽ cho con cái này cái kia, thì những lời đó cũng không đáng tin. Những lời ông ta nói về ta cũng không có câu nào là sự thực cả.

Hai người các con thường vứt bỏ hạnh phúc vui vẻ mà tự tìm thống khổ. Lần này, tội nghiệp do các con tạo ra, ta đã phát nguyện thay các con sám hối thanh tịnh và tiêu trừ. Vì sự an toàn của các con, những việc các con làm lần này, tuy sớm muộn thì mọi người cũng sẽ biết, nhưng trước khi ta chết, hãy ghi nhớ, không được nói với bất kỳ người nào. Ta, ông lão này, những lời ta nói xưa nay rốt cuộc là thật hay là giả, các con chưa tận mắt trông thấy thì cũng không tin. Nhưng lần này con đã tận mắt thấy rồi, tin lời ta nói không phải là giả rồi chứ”.

Nói xong, Tôn giả uống hết chỗ bơ sữa độc.

Tôn giả sắp nhập Niết bàn rồi sao?

Người phụ nữ lau nước mắt, cáo biệt Tôn giả, rồi trở về nói với Tiến sĩ Tháo Phổ đầu đuôi sự tình. Tháo Phổ nói: “Thức ăn trong nồi chưa chắc đều ngon, lời nói người ta chưa chắc đều là thật. Chỉ cần ông ấy uống sữa độc thì mục đích của ta cũng đã đạt được rồi. Cô hãy giữ miệng, cứ lặng lẽ là được rồi”.

Tôn giả chuyển lời cho các tín chúng thí chủ ở các nơi Đình Nhật, Áp Long, và những người ở những nơi khác chưa từng gặp Ngài hãy đến, Ngài sẽ giảng Pháp cho mọi người. Sau khi giảng Pháp xong, Tôn giả nói: “Ta, ông lão này đã rất suy yếu rồi. Đời này chúng ta còn gặp lại hay không thì quả thực rất khó nói. Nhưng Pháp mà ta giảng cho các vị đều là chân thực, hy vọng các vị tu trì theo Pháp, trong Phật quốc của ta, khi ta hiện thân thành Phật, các vị đều sẽ là đệ tử nghe Pháp ở hội thứ nhất mà ta thuyết Pháp. Do đó, các vị nên hoan hỉ”.

Các đệ tử hỏi Tôn giả, dụng ý của những lời căn dặn của Tôn giả là hóa độ chúng sinh đã xong, sắp nhập Niết bàn có phải không? Mọi người đều tới tấp thỉnh cầu Tôn giả là nếu thực sự sắp nhập Niết bàn, thì bất kể thế nào hãy về quê hương mình để nhập Niết bàn.

Mọi người đều tới tấp thỉnh cầu Tôn giả là nếu thực sự sắp nhập Niết bàn rồi, thì bất kể thế nào hãy về quê hương mình để nhập Niết bàn. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tháo Phổ thăm bệnh

Không lâu sau, Tôn giả biểu hiện ra bệnh tật trầm trọng. Tiến sĩ Tháo Phổ nghe thấy liền đem theo rượu thịt ngon, giả vờ đến cúng dường Tôn giả. Đến trước mặt Tôn giả, Tháo Phổ cười và nói: “Chà, người đại thành tựu như Tôn giả thế này, theo lý mà nói thì sẽ không có bệnh nặng như thế này. Nếu bệnh có thể phân chia cho người khác, chi bằng hãy phân chia cho các đại đệ tử của ngài một ít. Nếu bệnh có thể chuyển cho người khác, xin Tôn giả hãy chuyển cho tôi đi. Tôi thấy Ngài giờ đây chẳng làm nổi cái gì nữa, làm thế nào bây giờ?”

Tôn giả mỉm cười hòa ái và nói: “Ta vốn không cần phải chịu căn bệnh này. Nguyên nhân không thể không chịu bệnh, ông phải biết rõ rồi chứ. Thông thường phàm phu bị bệnh và hành giả yoga bị bệnh là tính chất khác nhau, duyên khởi cũng khác nhau. Bệnh của ta hiện nay chính là biểu hiện của Phật Pháp trang nghiêm”.

Tháo Phổ trong lòng thầm nghĩ: “Tôn giả dường như đang nghi ngờ mình, nhưng cũng không dám chắc”.

Tuy Tôn giả nói bệnh có thể chuyển dời, nhưng trong tâm Tháo Phổ nhận định rằng, điểm này tuyệt đối không thể. Trong thiên hạ, làm gì có ai có thể chuyển dời bệnh cho người khác. Thế là Tháo Phổ mở miệng nói: “Nguyên nhân căn bệnh của Tôn giả, tôi không rõ lắm. Nếu bệnh do ma quỷ bám thân mà sinh ra, thế thì hãy tu phép đuổi ma. Nếu là do tứ đại không điều hòa gây ra, thì nên điều dưỡng thân thể, uống thuốc. Nếu bệnh thực sự có thể chuyển dời sang thân người khác được, thì xin Tôn giả hãy chuyển bệnh sang thân tôi là được rồi”.

Tôn giả nói: “Có một người đại tội, ma quỷ trong tâm người đó chạy ra làm tổn hại ta, khiến ta tứ đại không điều hòa mà sinh bệnh. Căn bệnh này, ông không có năng lực đó để tiêu trừ. Tuy rằng có thể chuyển nó cho ông, chỉ e một khắc ông cũng không chịu nổi, nên chớ nghĩ như thế nữa”.

Hừm, Tháo Phổ trong lòng nghĩ: “Lão già này hoàn toàn không thể chuyển bệnh cho người khác được, lúc này vẫn còn cứng giọng, cố ý nói mấy lời ra vẻ ta đây. Mình nhất định phải khiến ông ta mất mặt mới được”.

Thế là Tháo Phổ khăng khăng kiên trì muốn Tôn giả nhất định phải chuyển bệnh lên thân mình.

“Được rồi, ông đã kiên quyết thỉnh cầu, trước tiên ta sẽ chuyển căn bệnh này cho cánh cửa đối diện kia. Nếu chuyển cho ông, thì ông sẽ không chịu nổi đâu”.

Nói rồi, Tôn giả dùng thần lực chuyển thống khổ đến cánh cửa đối diện. Cánh cửa lập tức phát ra những tiếng tách tách, dường như là sắp nứt vỡ. Chỉ trong chốc lát, quả nhiên cánh cửa đột nhiên vỡ toang, vỡ thành vô số mảnh nhỏ.

Lúc này nhìn Tôn giả hiện ra dáng vẻ mạnh khỏe vô bệnh. Nhìn thấy những gì xảy ra trước mắt, không ngờ trong lòng Tiến sĩ Tháo Phổ lại nghĩ: “Đó chẳng qua là ma thuật, là phép che mắt mà thôi, không lừa ta được".

Thế là Tháo Phổ liền nói: “Ái chà, quả là hiếm thấy, nhưng vẫn xin Tôn giả chuyển bệnh cho tôi”.

Tôn giả gật gật đầu: “Được, ông đã khổ công yêu cầu như thế này, ta sẽ chuyển một nửa căn bệnh cho ông là được rồi”.

Nói rồi, Tôn giả chuyển thống khổ sang cho Tháo Phổ, trong chớp mắt, Tháo Phổ dường như suýt ngất đi, thân thể không động đậy nổi, cũng không thể nào thở nổi, cảm thấy mình sắp đứt hơi rồi. Tôn giả vội vàng thu đại bộ phận bệnh lại và hỏi: “Thế nào, ta mới chuyển cho ông một phần nhỏ, chịu được không”.

Đích thân trải qua cơn đau đớn kịch liệt này, trong tâm Tháo Phổ sinh ra lòng sám hối cực lớn đối với những gì mình đã làm từ trước đến nay, phủ phục xuống đảnh lễ Tôn giả, mặt đầy nước mắt khóc rằng: “Tôn giả hỡi Tôn giả, Thánh nhân hỡi Thánh nhân, con thành tâm sám hối, cầu xin Ngài tha thứ cho con. Con nguyện đem tất cả tài sản cúng dường cho Ngài. Xin Tôn giả hãy nghĩ cách tiêu trừ quả báo tội nghiệp cho con đi”.

Tháo Phổ khóc rất thương tâm. Tôn giả thấy lúc này Tháo Phổ thực tâm sám hối, thì vô cùng vui mừng, bèn thu hồi nốt chỗ bệnh còn lại trên thân Tháo Phổ, và nói: “Ta đời này chưa từng cần nhà cửa ruộng vườn tài sản gì, giờ đấy sắp chết rồi, càng không cần chúng. Ông hãy giữ lấy là được rồi. Sau này dẫu có mất mạng cũng chớ làm những việc ác nữa. Quả báo tội nghiệp mà ông làm lần này, ta nhận lời tiêu trừ thay cho ông là được rồi”.

Từ đó trở đi, Tiến sĩ Tháo Phổ đã vứt bỏ được lòng tham, và trở thành một người tu hành.

Tôn giả đùa

Tôn giả nói với các đệ tử rằng: “Sở dĩ ta cư trú ở đây là muốn để người đại tội thực tâm sám hối, được giải thoát từ trong tội khổ. Giờ đây, việc này đã hoàn tất, ta cần phải ra đi rồi. Những người đại tu hành viên tịch tại thôn làng, giống như hoàng để chết trong nhà dân thường, do đó ta phải đến Khúc Ba tìm nơi ta chết”.

Đệ tử Sắc Vấn Nhạ Ba hỏi: “Thưa Thượng sư, Thầy bệnh nặng thế này, nếu đi bộ thì quá vất vả. Để chúng con làm chiếc kiệu khiêng Thầy đi”.

Tôn giả bèn nói: “Ta không nhất định thực sự bị bệnh. Ta chết cũng không phải thực sự chết, chỉ là hiện bệnh tướng, tử tướng mà thôi, không cần đến kiệu gì cả. Các đệ tử trẻ tuổi, các con hãy đi Khúc Ba trước đi”.

Nhưng khi các đệ tử trẻ tuổi đến Khúc Ba thì phát hiện ra Tôn giả đã ở đó từ lâu rồi, và đang đợi họ. Rất nhiều đệ tử có tuổi nói: “Chúng tôi tùy tòng Tôn giả cùng đến”.

Người khác nói: “Tôn giả bị bệnh nghỉ ngơi ở hang Độc Long Đỉnh”.

Còn có rất nhiều người nói: “Chúng tôi ai nấy ở trong nhà mình, đều thấy Tôn giả đến nhận cúng dường”.

Lúc này, mọi người ai nấy khăng khăng ý mình và tranh luận với nhau. Tôn giả cười và nói: “Các con nói đều đúng cả. Sở dĩ ta làm như thế, chẳng qua là đùa vui với các con mà thôi”.

Phật Mật Lặc Nhật Ba hưởng thọ 84 tuổi. Vào sáng sớm ngày 14 tháng cuối mùa đông năm Mộc Thử (1135), khi ánh sáng các vì sao sắp tắt, ánh triều dương rạng chiếu, Ngài thị hiện viên tịch. Lúc này, một chiếc cầu vồng cực lớn sáng rõ khác thường xuất hiện trên bầu trời, dường như giơ tay ra là có thế chạm được. Mây màu cuốn quanh, mưa hoa bay phất phới, mùi thơm lại tràn ngập mặt đất. Những người thế tục thế gian cũng có thể nhìn thấy hình tượng Thần, Thiên nhân đứng đầy khắp bầu không. Có Thiên Thần còn trò chuyện vào chào hỏi con người. Mọi người đều nhìn thấy đủ các loại kỳ tích hiếm có.

Rất nhiều năm sau đó, mỗi dịp đến ngày kỷ niệm Tôn giả, trên bầu trời đều xuất hiện cầu vồng dài và những trận mưa hoa rơi xuống, nghe thấy tiếng nhạc Trời và hương thơm kỳ lạ lan tỏa, và những kỳ tích khác. Đồng thời trên mặt đất cũng mọc lên rất nhiều loại hoa kỳ lạ khác nhau. Quanh năm mùa màng bội thu, con người không có tai họa, bệnh tật, cũng không có chiến tranh, các loại kỳ tích kể ra không hết.

(Hết. Xem lại Phần 1)

Tường Hòa
Theo Vườn văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-3): Người cuối cùng được hóa độ là người đầu độc giết Ngài