Quân đội Mỹ chưa sẵn sàng đối mặt với ‘những hiểm hoạ quân sự kiểu mới'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong vòng tám ngày, không phận Mỹ và Canada đã liên tiếp bị bốn vật thể lạ xâm phạm, khiến Mỹ phải sử dụng năm quả tên lửa để bắn hạ chúng. Ông Nic Chaillan, cựu Giám đốc phần mềm của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cho rằng hệ thống phòng không của Hoa Kỳ đang tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng.

Một trong bốn vật thể lạ nói trên đã được xác nhận là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, ngoài ra còn có một vật thể kim loại màu đen hình bát giác, và một vật thể khác có kích cỡ tương đương với một chiếc Volkswagen Beetle.

Đây quả là một sự kiện “hiếm gặp” đối với Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), vì trong suốt 65 năm kể từ khi được thành lập, đây là lần đầu tiên NORAD được lệnh bắn hạ các vật thể bay trong không phận Bắc Mỹ.

Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ, hay NORAD, là một cơ quan phòng không lưỡng quốc được Mỹ và Canada thiết lập để bảo vệ không phận Bắc Mỹ.

Việc Mỹ liên tiếp đụng độ các “hiện tượng khó giải thích trên không trung", cùng với sự khó khăn của các phi công trong công tác truy lùng những vật thể lạ, đã để lộ một số lỗ hổng về mặt quân sự của Mỹ, theo nhận định của các chuyên gia về quốc phòng và an ninh.

Các lỗ hổng bao gồm:

- Một, thất bại trong việc phát hiện và phòng chống vật thể lạ xâm nhập không phận Hoa Kỳ.

- Hai, thất bại trong việc phát hiện, truy lùng và xử lý một vật thể lạ trôi nổi quanh bãi chứa tên lửa hạt nhân Montana.

Theo ông Paul Crespo, cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, đồng thời là chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ, các yếu tố như kích cỡ, sức nóng, và tốc độ của vật thể lạ là lý do chính dẫn đến việc chúng trở nên “tàng hình” trên màn hình thu sóng radar của quân đội Hoa Kỳ.

“Việc không phận Hoa Kỳ và Canada liên tục bị xâm phạm là minh chứng cho thấy sự hạn chế của quân đội Hoa Kỳ trong công tác phát hiện các “hiểm họa không trung phi truyền thống”, ông Crespo viết trong email gửi đến The Epoch Times.

“Có vẻ như vật thể lạ phải được làm bằng kim loại, toả ra nhiệt lượng lớn, và di chuyển với tốc độ hàng trăm tới hàng nghìn kilomet một giờ, thì hệ thống giám sát và phòng thủ trên không của chúng ta mới có phản ứng".

Trước đó, phía Lầu Năm Góc cũng đã lên tiếng xác nhận, rằng hệ thống radar chính là “sự cố" gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và truy lùng các vật thể lạ, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Vị thế của Hoa Kỳ trong ‘Kỷ nguyên chiến lược mới’

Theo ông Sam Kessler, một nhà phân tích địa chính trị và an ninh quốc gia của công ty quản lý rủi ro North Star Support Group, vấn đề radar của Hoa Kỳ đã tồn đọng nhiều năm nay.

Quân đội Hoa Kỳ sử dụng radar chủ yếu để dò tìm máy bay chiến đấu, do đó, những vật thể “không có dấu hiệu thù địch rõ ràng” thường bị hệ thống radar và công nghệ tình báo của quân đội bỏ qua. Vụ việc cho thấy quân đội Hoa Kỳ tương đối thiếu kinh nghiệm khi đối đầu với những mối hiểm họa kiểu mới.

“Radar quân sự được thiết lập để nhận diện và định vị các ‘mục tiêu thù địch’. Vấn đề nằm ở chỗ, các ‘mục tiêu thù địch’ này phải thoả mãn những điều kiện khá đặc biệt, đó là mục tiêu phải di chuyển rất nhanh, và tỏa nhiệt lượng lớn”, ông Kessler giải thích. “Những vật thể vừa qua di chuyển chậm, không toả nhiệt, có tiết diện radar nhỏ, nên chúng đã dễ dàng lẩn trốn khỏi sóng dò tìm của radar quân sự”.

Theo ông Kessler, trong thời đại chiến lược mới ngày nay, những thiết bị như khinh khí cầu, máy bay không người lái, hay những phương tiện trên không khác, đã không còn chỉ được ứng dụng trong lĩnh vực tình báo quân sự, mà đã được phát triển để phục vụ cho nhiều nhu cầu trong đời sống hằng ngày. Do vậy, việc nhận diện những thiết bị do thám quân sự đang ngày càng trở nên thiếu chính xác.

“Tôi tin rằng việc nghiên cứu những thiết bị lạ sẽ cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin đáng giá về tình hình chính trị hiện tại, giúp chúng ta có thể đưa ra những chiến lược cũng như phương án hợp lý”, ông Kessler chia sẻ.

Cần lưu ý rằng, hiện tại chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ kết luận cụ thể nào về nguồn gốc hay mục đích của các vật thể lạ. Theo giới chức Mỹ, những vật thể lạ không tiềm ẩn hiểm họa về mặt quân sự, nhưng vì chúng gây ra nguy hiểm cho hàng không dân dụng, nên cần phải được xử lý.

Tuy nhiên, nhận định trên của chính phủ Mỹ dường như lại không đồng nhất với mô tả về các vật thể lạ đã được công khai, cũng như quan sát của các phi công đã trực tiếp chạm trán với chúng.

Chẳng hạn như, Nhà Trắng thì nói rằng vật thể bị bắn hạ ở tiểu bang Alaska đã thâm nhập vào không phận Hoa Kỳ trước khi bị phát hiện. Còn các phi công đã tiếp cận vật thể thì lại khẳng định rằng nó làm nhiễu sóng bộ cảm biến trên máy bay của họ.

Tương tự như thế, vật thể bí ẩn xuất hiện ở gần bãi chứa tên lửa hạt nhân ở Montana đột nhiên biến mất khi các phi công đang tá hoả tìm cách xử lý nó. Vài ngày sau, nó lại đột nhiên xuất hiện và bị bắn hạ ở khu vực hồ Huron.

Theo Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, những vật thể trông giống khinh khí cầu, và dường như chúng đang vận chuyển “một thứ gì đó chưa thể xác định”.

Trong một đoạn ghi âm buồng lái của các phi công tham gia đánh chặn vật thể bay trên hồ Huron, một phi công cho hay bên dưới vật thể có gắn dây treo, nhưng không có tải trọng.

“Tôi không biết vật đó làm bằng chất liệu gì, tôi chỉ thấy ở dưới đáy của nó có mấy cái như sợi dây rủ xuống, nhưng ngoài dây ra thì tôi cũng không thấy gì khác nữa”, người phi công nói.

Trong buổi họp báo hôm 14/2, Tướng Miley thừa nhận rằng tiêm kích Hoa Kỳ đã bắn trượt vật thể lạ trên hồ Huron trong lần đầu tiên, khiến cho quả tên lửa trị giá gần 400.000 USD rơi xuống nước.

“Phát đầu tiên bắn trượt mục tiêu, phát thứ hai bắn trúng”, trích lời ông Miley.

“Quả tên lửa rơi xuống hồ và không gây nguy hiểm tới các khu vực xung quanh”.

Tuy nhiên, ông Miley không khẳng định việc bắn trượt và việc bộ cảm biến của các chiến đấu cơ bị nhiễu có liên quan đến nhau.

‘Thất bại đến từ sự chủ quan’

Ông Nic Chaillan, cựu Giám đốc phần mềm của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, cho rằng, những khó khăn trong việc truy lùng và xử lý những vật thể vừa qua cho thấy thiếu sót nghiêm trọng trong hệ thống phòng không của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cần phải có chiến lược tốt hơn để bảo vệ không phận của mình.

“Sự việc vừa qua cho thấy chúng tôi cần phải nỗ lực hơn trong việc bảo vệ không phận của quốc gia”, trích lời ông Chaillan trong email gửi đến The Epoch Times.

Ông Chaillan nói thêm rằng, tuy sở hữu công nghệ tàng hình vô cùng tiên tiến, song quân đội Hoa Kỳ lại không có nhiều kinh nghiệm đối phó với những “mối hiểm họa không trung kiểu mới”. Vì vậy, ông tin rằng việc thu thập những vật thể tương tự và nghiên cứu chúng, từ đó đưa ra đối sách hợp lý, là vô cùng cần thiết.

“Phát triển công nghệ tàng hình là điều tốt, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống phòng thủ của quốc gia”, ông Chaillan viết. “Chúng ta cần phải tìm cách tối ưu hơn để xử lý những vật thể bay ở độ cao lớn, đặc biệt là khi chúng đang bay trong những khu vực đông dân. Tôi nghĩ chúng ta nên tránh phá hủy chúng, có thể thu hồi chúng trong tình trạng còn nguyên vẹn là tốt nhất. Ngoài ra, tôi cũng đang khá lo lắng, vì công tác trục vớt xác các vật thể đã kéo dài quá lâu rồi”.

Về phía ông Crespo, ông cho rằng nếu Nhà Trắng đã ý thức được sự tồn tại của chương trình khinh khí cầu do thám Trung Quốc từ mấy tháng trước, mà đến thời điểm này vẫn rơi vào thế bị động, thì chỉ có thể là do họ đã quá chủ quan và khinh địch.

“Chỉ vài cái ‘khinh khí cầu di chuyển chậm ở độ cao lớn' mà đã đẩy Nhà Trắng vào thế ‘sự đã rồi’ như thế này. Vậy thì chúng ta sẽ phải xử lý thế nào nếu đối phương sở hữu những thứ công nghệ còn kỳ quái hơn nữa?”, ông Crespo bày tỏ niềm quan ngại sâu sắc.

“Sự chủ quan và khinh địch của chúng ta đã dẫn đến thảm kịch ngày 11/9. Nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự rút được kinh nghiệm”.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Mỹ chưa sẵn sàng đối mặt với ‘những hiểm hoạ quân sự kiểu mới'