Đảng Cộng hòa: Sự cố khí cầu là hồi chuông cảnh tỉnh nước Mỹ về chiến dịch do thám của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho biết, sự cố khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc tiến vào không phận Mỹ gần đây chính là cơ hội để nâng cao nhận thức của người Mỹ về mức độ phổ biến của các nỗ lực do thám của Trung Quốc.

“Sự cố khinh khí cầu này có thể coi là trong cái rủi có cái may. Tôi hy vọng là cái may đó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội Mỹ và toàn bộ chính phủ của chúng ta rằng Hoa Kỳ đang phải hứng chịu một cơ thủy triều gián điệp Trung Quốc”, Dân biểu Mike Waltz nói với đài NTD.

Theo ông Waltz, phần lớn các hoạt động do thám của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đều liên quan đến những hành động mà những người Mỹ bình thường khó lòng nhận ra, chẳng hạn như gián đoạn không gian mạng, mua lại công nghệ và nghiên cứu quan trọng. Trong khi những ví dụ trên thường diễn ra "đằng sau hậu trường" thì một sự cố như khinh khí cầu tầm cao bay qua "các căn cứ quân sự nhạy cảm nhất của Hoa Kỳ" lại là "một hành động trực diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)", ông Waltz cho biết.

Ông Waltz từng phục vụ trong Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân Hoa Kỳ và hiện đang phục vụ trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

Dân biểu Mike Flood cũng đồng quan điểm với ông Waltz và nói rằng, sự cố khinh khí cầu đã nâng cao nhận thức của người Mỹ về khả năng họ dễ bị Trung Quốc do thám.

"Tôi cho rằng, chỉ một thứ đơn giản như khinh khí cầu đã có thể thu hút sự chú ý của người dân Mỹ. Tôi nghĩ rằng mối đe dọa mà ĐCSTQ gây ra cho người Mỹ đã trở nên rất rõ ràng vào cuối tuần qua", ông Flood nói.

Đường bay của khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiểu bang của ông.

Hôm 2/2, khinh khí cầu nói trên đã đi qua Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska khi nó đang bay về phía đông qua Hoa Kỳ. Căn cứ Không quân Offutt là trụ sở của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM). Bộ này chịu trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm cả các cuộc tấn công hạt nhân.

"Tôi đại diện cho khu vực bầu cử đầu tiên của tiểu bang Nebraska, nơi đặt trụ sở của STRATCOM, nơi chúng tôi thực sự chỉ huy bộ ba hạt nhân của quốc gia. Kẻ thù của chúng ta ở Trung Quốc đã thả một khinh khí cầu do thám chúng ta. Và có vẻ như họ đã thành công trong việc thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt về các địa điểm quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ".

ĐCSTQ 'thao túng tâm lý' người Mỹ

Giống như ông Waltz, ông Flood đã trích dẫn những ví dụ "có vẻ vô hại" về các hoạt động do thám và gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Theo ông Flood, ĐCSTQ đã tiến hành "thao túng tâm lý" công chúng Mỹ nhằm khiến người Mỹ trở nên vô cảm, hoặc là khiến họ chấp nhận những câu chuyện do ĐCSTQ cầm quyền cổ xúy. Ông trích dẫn ứng dụng TikTok là một kênh nằm trong chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng nhìn thì "có vẻ vô hại" đối với người Mỹ.

"Họ dự định vun đắp mối quan hệ với thanh thiếu niên, thanh niên và thiếu niên Mỹ trong ít nhất 10 năm. Giả sử có điều gì đó xảy ra ở Đài Loan thì điều đầu tiên họ sẽ làm là cố gắng lay chuyển quan điểm của người Mỹ sau khi họ đã làm gì đó hoặc thực hiện một hành động táo bạo. Mọi thứ họ làm đều nhằm mục đích 'thao túng tâm lý' người Mỹ [để họ dễ bề kiểm soát] không phải ngày mai, không phải tuần tới, mà là trong tương lai".

Ông Flood bày tỏ quan ngại về hồ sơ nhân quyền của chính quyền Trung Quốc và những nỗ lực của họ nhằm mua lại đất nông nghiệp gần với các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, cùng các vấn đề khác.

"Có nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết. Tôi tin rằng những vấn đề đó còn quan trọng hơn cả sự cố khinh khí cầu. Tạ ơn Chúa, may mắn là khinh khí cầu đã thu hút sự chú ý của người dân Mỹ”.

Thay đổi lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc

Ngày 4/2, quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu sau khi nó đi qua nước này và bay ra Đại Tây Dương. Cùng ngày, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Joe Biden rằng, liệu ông có luôn giữ quan điểm rằng Hoa Kỳ sẽ bắn hạ những khí cầu do thám của Trung Quốc hay ông đưa ra quyết định đó sau khi khí cầu thu hút được sự chú ý rộng rãi của công chúng.

"Đó luôn là công việc của tôi. Ngay khi nó vượt biên giới từ Canada vào Mỹ, tôi đã nói với Bộ Quốc phòng rằng tôi muốn bắn hạ nó ngay khi thích hợp", ông Biden nói.

Theo chính quyền ông Biden, sự cố khinh khí cầu cũng đã thúc đẩy Mỹ và Canada hợp tác chặt chẽ hơn để cải thiện khả năng radar phát hiện các vật thể khác xâm nhập không phận Bắc Mỹ.

ông Waltz nói với đài NTD rằng lẽ ra Hoa Kỳ nên sẵn sàng bắn hạ khinh khí cầu khi nó bay qua Thái Bình Dương, chứ không phải chờ đến khi nó bay qua nước Mỹ.

Cũng chính vì sự cố khinh khí cầu này nên Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết vụ việc là "một sự vi phạm rõ ràng chủ quyền của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được điều này xảy ra".

Nếu Ngoại trưởng Blinken quyết định gặp người đồng cấp Trung Quốc, thì ông cũng phải sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc về những hành vi vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ, ông Waltz nói.

"Đó phải là một thông điệp về sức mạnh, cũng như một thông điệp về răn đe và thông điệp về hậu quả”, ông tuyên bố.

Còn nếu ông Blinken không đối đầu với Trung Quốc và thay vào đó tập trung vào các lĩnh vực mà chính quyền ông Biden vẫn hy vọng hợp tác với Trung Quốc, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, thì an ninh quốc gia của Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt và "người Trung Quốc sẽ sử dụng điều đó như đòn bẩy để có được những nhượng bộ trong các lĩnh vực khác mà họ quan tâm", theo ông Waltz.

Các nhà lập pháp tại Hạ viện đã thành lập một hội đồng mới để giải quyết các xung đột ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, được gọi là Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ. Ủy ban này được thành lập với sự ủng hộ của tất cả các đảng viên Đảng Cộng hòa và đa số đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa: Sự cố khí cầu là hồi chuông cảnh tỉnh nước Mỹ về chiến dịch do thám của Trung Quốc