Sinh viên đại học lớn tuổi nhất nước Úc nâng cao nhận thức về sự phân biệt tuổi tác và chứng mất trí nhớ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở tuổi 93, một cụ bà đã trở thành sinh viên đại học lớn tuổi nhất của Úc, vì vậy mọi người đều nể phục bà. Cụ bà không muốn nghỉ hưu và luôn bận rộn hỗ trợ cho người già đến mức phải học bán thời gian.

Cụ bà Val Fell sinh ra ở Sydney, Úc, vào ngày 14/2/1929. Là bà cố của ba người cháu, hiện bà sống ở Wollongong, New South Wales và đang học Cử nhân về chăm sóc chứng mất trí nhớ tại Đại học Tasmania.

Epoch Times Photo
(Được phép của bà Val Fell)

Bà nói với The Epoch Times rằng: “Tôi thực sự không đến học trực tiếp ở trường đại học… Tôi học trực tuyến, nhưng chúng tôi có gặp nhau và họ chấp nhận tôi với tư cách cá nhân, cho dù thực tế là tôi lớn tuổi đến mức có thể trở thành bà cố của họ”.

Chồng của bà Val, là ông Ian, được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ vào năm 2006 ở tuổi 77. Bà Val chăm sóc ông Ian tại nhà cho đến năm 2010 khi ông được chuyển đến khu chăm sóc nội trú và qua đời vào năm 2013.

Epoch Times Photo
Bà Val và Ông Ian trong ngày cưới của họ. (Được phép của bà Val Fell)

Bà Val đã rất thất vọng vì thiếu sự hỗ trợ từ bạn bè của mình, họ cũng biết rất ít về chứng mất trí nhớ. Do đó, bà đã tham gia tổ chức Alzheimer's Australia NSW và vào năm 2012, bà lập ra một nhóm để tổ chức các diễn đàn về chứng mất trí nhớ hàng năm, đến nay nhóm của bà đã tổ chức được 10 sự kiện, theo tờ Sydney Herald đưa tin.

Bà thích “cập nhật những gì đang diễn ra trong lĩnh vực này”. Bà đã tham gia một số khóa học trực tuyến về nghiên cứu và chăm sóc chứng mất trí nhớ trước khi đăng ký học bán thời gian bằng cử nhân về chăm sóc chứng mất trí nhớ.

Bà là đại sứ của Nhóm người cao tuổi quốc gia và Hội đồng người cao tuổi Úc. Ngoài ra, bà cũng ở trong Hội đồng chăm sóc người cao tuổi, một cơ quan chính phủ gồm 14 thành viên được bổ nhiệm vào năm 2022 để giúp cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.

Cụ bà nói với The Epoch Times rằng: “Có lẽ một trong những lý do tôi làm điều này là vì những gì đã xảy ra; sự cô lập xã hội và những điều mà tôi đã trải qua trong thời gian chồng tôi mắc chứng mất trí nhớ. Trong 10 năm qua, tôi đã tổ chức một hội nghị lớn với khoảng 400 người, chúng tôi nâng cao nhận thức về chứng mất trí nhớ và… sự phân biệt tuổi tác”.

Epoch Times Photo
Bà Val với cháu gái. (Được phép của bà Val Fell)

Bằng những nỗ lực của mình, cụ bà Val cho biết bà đã cố gắng giảm bớt sự kỳ thị với việc già đi và chứng mất trí nhớ.

Cụ bà chia sẻ thêm: “Ngày nay, nhiều người dường như nghĩ rằng khi đến một độ tuổi nhất định, bạn không còn vai trò gì trong cuộc sống. Đó thực sự là một điều hoàn toàn khác… Tôi nghĩ rằng khi bạn già đi, bạn nên tập trung vào những gì bạn có thể làm và quên đi những gì bạn không thể làm”.

Cụ bà Val tin rằng khi một người đạt đến một độ tuổi nhất định, điều đó không có nghĩa là cuộc sống đã dừng lại.

Bà cũng đã trực tiếp trải nghiệm sự phân biệt tuổi tác. Bà nhớ lại một trải nghiệm với một người phục vụ trong bữa tối chia tay với bạn bè.

Sau khi chúng tôi hàn huyên cùng nhau; với rượu vang đỏ, rượu vang trắng, các loại nước có ga và không có ga…. Sau đó, người phục vụ đến gặp tôi, nhìn tôi trong một hoặc hai phút và nói, 'Bà có muốn uống một tách trà không?' Tôi nói, 'Không, cảm ơn. Tôi muốn một ly rượu vang đỏ’. Gần đây, một người khác đã hỏi tôi liệu tôi có còn đọc được không. Mọi người cứ hỏi tôi liệu tôi có thu xếp để vào viện dưỡng lão không”.

Cụ bà muốn nhắc nhở những người trẻ hơn rằng “Một lúc nào đó trong tương lai, bạn cũng sẽ già đi”.

Cụ Val cho biết: “Bạn không biết điều đó sẽ như thế nào, vì vậy đừng quay lưng lại với những người lớn tuổi và hãy nói chuyện với họ như những người bình thường, bởi vì họ là như vậy. Người lớn tuổi chỉ là những người bình thường sống hơn bạn vài năm mà thôi”.

Vì mục tiêu đó, cụ Val là người đi đầu trong giáo dục liên thế hệ ở cấp tiểu học, trung học và đại học, và kể từ khi giới thiệu người già cho trẻ em ở độ tuổi đi học, cụ Val đã học được rằng trẻ em không phân biệt đối xử.

Cụ bà cho biết thêm: “Một buổi sáng mỗi tuần, tôi lên lớp học trên Zoom. Tôi được kết nối với một lớp học và đồng thời tôi cũng được kết nối với phòng hoạt động trong viện dưỡng lão. Chúng tôi có một bài học cùng nhau, chúng tôi nói về một chủ đề cụ thể trong chương trình giảng dạy, và bọn trẻ đưa ra ý kiến ​​của mình, người già trong viện dưỡng lão đưa ra ý kiến ​​của họ, và thật tuyệt vời khi thấy sự đồng cảm được phát triển”.

Cụ Val lớn lên với tư cách là con thứ tám trong số 11 người con, bảy gái và bốn trai, và là người đầu tiên trong gia đình theo học đại học. Bà theo học Đại học Sydney năm 1946 để lấy bằng toán học.

Bà kết hôn với ông Ian vào năm 1955 và sau một vài năm dạy toán và làm nhân viên thống kê cho nhiều công ty khác nhau, bà đã nuôi dạy bốn đứa con và quay trở lại với con đường giáo dục.

Cụ Val, sống một mình, cho biết thay đổi lớn nhất mà bà nhận thấy trong đời là cách công nghệ phát triển.

Bà nhìn thấy chiếc máy tính đầu tiên của mình vào năm 1954 ở London, nó khá chiếm diện tích và nằm trong một căn phòng của tòa nhà. Tuy nhiên, bây giờ máy tính có thể nằm gọn trong một chiếc túi xách.

Bất chấp tuổi tác đã cao, cụ Val đã thích nghi khá tốt với những thay đổi của công nghệ. Bà nói rằng mình tham gia các lớp học trực tuyến và những thách thức duy nhất mà bà gặp phải là sự cố thường xuyên với máy tính xách tay hoặc khi chuẩn bị một bài thuyết trình PowerPoint. Ngoài những vấn đề này ra thì bà “sử dụng tốt”.

Vào năm 2020, cụ Val đã nhận được Giải thưởng công dân cao tuổi của Hội đồng Thành phố Wollongong cho 50 năm làm việc tình nguyện trong lĩnh vực giáo dục cộng đồng, và vào năm 2022, bà đã nhận được Huân chương Úc cho các dịch vụ trong lĩnh vực về chứng mất trí nhớ. Hiện đang khá bận rộn và tạm dừng việc học lại, cụ bà nói với tờ The Sydney Morning Herald rằng: “Tôi đang học bán thời gian vì tôi bận, nhưng tôi cần phải nhanh lên. Tôi không muốn vẫn là sinh viên lớn tuổi nhất ở tuổi 100!”.

Ông Gordon Fell, con trai của cụ Val, nói với tờ The Feed rằng: “Tôi không nghĩ mẹ tôi sẽ chậm lại. Bà luôn như thế này, đó là tốc độ duy nhất của bà”.

Epoch Times Photo
Cụ bà Val với ông Gordon và gia đình ông. (Được phép của bà Val Fell)

Người chưa già tin rằng việc học vừa nuôi dưỡng tính độc lập vừa nuôi dưỡng cộng đồng. “Nó tốt cho cơ thể, tốt cho tinh thần và tốt cho các hoạt động thể chất. Tôi luôn nói với mọi người rằng họ nên liên tục học hỏi”, bà nói với The Epoch Times.

Cả năm đứa cháu của cụ Val đều có bằng cấp, bà rất tự hào về điều này. Thời gian bên gia đình thân yêu là một trong số rất nhiều điều giúp cụ Val khỏe mạnh và hạnh phúc.

Cụ bà khuyên những người khác rằng: “Hãy tiếp tục làm mọi việc trong cộng đồng của bạn hoặc trong nhà của bạn… không có gì sai khi uống một ly rượu trong bữa tối vào buổi tối, nhưng đừng uống quá nhiều. Đừng ăn quá nhiều, hãy theo dõi chế độ ăn uống của bạn. Năng động và khỏe mạnh; một cơ thể khỏe mạnh thì một tâm hồn khỏe mạnh và ngược lại”.

Epoch Times Photo
(Được cho phép của bà Val Fell)

Cụ Val hy vọng về một tương lai không có phân biệt tuổi tác hay chứng mất trí nhớ. Bà nói: “Điều đó sẽ không xảy ra trong cuộc đời tôi, nhưng nó có thể xảy ra trong cuộc đời của bạn… vì vậy chúng ta cần chăm sóc những người mắc chứng mất trí nhớ và đồng hành cùng họ trong suốt hành trình của họ”.

Theo The Epoch Times

Thiên Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sinh viên đại học lớn tuổi nhất nước Úc nâng cao nhận thức về sự phân biệt tuổi tác và chứng mất trí nhớ