Số phận hàng ngàn người Mỹ di cư đến “thiên đường” Liên Xô trong các thập niên 1920, 1930

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi hàng triệu người Nga đã di cư đến Mỹ để tránh chiến tranh, khủng bố, đói khổ, hoặc đơn giản là mưu cầu cơ hội vươn lên, thì cũng có một hiện tượng thiểu số ngược: hàng ngàn người Mỹ đã di cư đến Liên Xô trong giai đoạn các thập niên 1920, 1930. Phần lớn trong số họ theo đuổi giấc mơ xã hội chủ nghĩa công bằng bình đẳng, phần nhỏ hơn là để thoát khỏi cuộc Đại suy thoái.

  1. Khởi đầu như mơ

Trong 8 tháng đầu năm 1931, một cơ quan thương mại Liên Xô ở New York đã đăng tuyển 6.000 vị trí và nhận được hơn 100.000 đơn đăng ký. 10.000 người Mỹ được thuê vào năm 1931, một phần của cuộc "di cư có tổ chức" chính thức.

Vào tháng 2 năm 1931, Walter Duranty, cán bộ tuyên truyền của Liên Xô đưa tin trên tờ The New York Times:

“...[Cuộc nhập cư của Liên Xô] là làn sóng nhập cư lớn nhất trong lịch sử hiện đại... Liên Xô sẽ chứng kiến ​​trong vài năm tới một làn sóng nhập cư có thể so sánh với làn sóng nhập cư vào Hoa Kỳ trong thập kỷ trước Thế chiến… Đây mới chỉ là sự khởi đầu của phong trào này, và những con én đầu tiên của cuộc di cư sắp tới còn rất ít - nhưng nó đã bắt đầu và sẽ phải tính đến tương lai... Khi ngày đó đến, người lao động nước ngoài ở đây hãy viết thư về nhà và nói, ‘Mọi thứ ở đây khá tốt, sao mọi người không đi cùng? Có việc làm cho mọi người và có nhiều thứ để ăn. Nga không phải là một nơi quá tệ để sinh sống, ở đây không có sa thải hoặc phải đợi việc, và mọi người sẽ nhận được những gì xứng đáng’… Khi đó việc nhập cư vào Liên Xô sẽ bắt đầu sánh ngang với cơn lũ đã từng tràn vào Mỹ. Với tốc độ tiến bộ hiện nay, ngày đó không còn xa nữa.”

Vào tháng 3 năm 1932, tờ The New York Times đưa tin rằng số người nhập cư vào Liên Xô là 1000 người một tuần, nhưng ngày càng tăng.

Chẳng bao lâu, một sắc lệnh chính thức được ban hành rằng trong tương lai tất cả người Mỹ phải mang theo vé khứ hồi và sẽ không được giao việc làm nữa, đơn giản vì không có đủ chỗ cho tất cả họ. Moscow và tất cả các thành phố lớn của Nga đã quá đông đúc.

Đội bóng chày của Câu lạc bộ Công nhân Nước ngoài ở Mátxcơva, một nhóm người Mỹ, thường xuyên chơi các trận đấu ở Công viên Gorky.

Vào mùa hè năm 1932, Hội đồng Văn hóa Thể chất Tối cao Liên Xô công bố quyết định giới thiệu bóng chày vào Liên Xô như một "môn thể thao quốc gia".

Những người nhập cư Mỹ đã mở một trường học Anh-Mỹ ở Moscow, với 125 học sinh đăng ký vào tháng 11 năm 1932, 3/4 trong số đó sinh ra ở Hoa Kỳ. Trong ba năm tiếp theo, số học sinh ghi danh tăng cao đến mức trường Anh-Mỹ phải chuyển đến một trường lớn hơn, Trường Số 24 trên Đại lộ Zubovsky.

Những người nhập cư trong buổi tuần hành ở Nga. Nguồn: Tư nhân.
  1. Đằng sau những lời hùng biện hào nhoáng

Trở lại thời kỳ Đại suy thoái, đó là thời mà chủ nghĩa cộng sản là ngôi sao đỏ lấp lánh vẫy gọi những người mơ mộng thuộc giai cấp lao động từ bên kia eo biển.

Cách Mỹ hàng ngàn dặm, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên đang được hình thành. Những người duy vật ở khắp nơi dấy lên khát khao duy tâm hướng về thiên đường không tưởng này của Lenin. Tất cả đều hứa hẹn ở phía trước.

Hàng nghìn người đã hành trình từ Hoa Kỳ đến Liên Xô vào những năm 1920 và đầu những năm 1930, đó là những người cấp tiến chính trị, những người tị nạn đầy phấp phỏng và cả những tâm hồn bị mê hoặc bởi lời hứa về một xã hội công bằng hơn xã hội mà họ đã bỏ lại phía sau.

Một số người còn mang theo cả máy móc hiện đại. Các thành viên công đoàn đóng gói dụng cụ lao động của họ. Những người khác không mang theo gì nhiều ngoài chủ nghĩa lý tưởng. Những người gốc Đông Âu cảm thấy như thể họ đang trở về nhà. Càng hạnh phúc hơn, khi Liên Xô đã tổ chức những buổi lễ chào đón nồng nhiệt những người hành hương này.

Nhưng thời kỳ thiện chí chỉ thoáng qua: Vào cuối những năm 1930, đặc biệt trong cuộc Đại thanh trừng, những người phương Tây này đã trở thành đối tượng phải di dời, họ thường bị hàng xóm và đồng nghiệp Liên Xô xa lánh, bị coi là những kẻ mưu đồ phản loạn, nhiều người đã bị bỏ tù hoặc thậm chí xử tử.

Đến ngày nay, một số người trốn tránh và con cháu của họ vẫn sống sót ở một số vùng thuộc Liên Xô cũ, mỉa mai thay, họ còn thọ hơn cả cái thiên đường không tưởng hằng mơ ước trước kia. Câu chuyện của họ là câu chuyện về bi kịch trong bối cảnh khắc nghiệt của nước Nga, về mộng tưởng cao quý và hiện thực tàn nhẫn, về lựa chọn ngây thơ và hậu quả đau lòng.

Mặc dù một số ít người Mỹ vẫn bám chặt vào lý tưởng tuổi trẻ, nhưng một số lớn hơn lại thừa nhận cuộc sống đầy thất vọng. Sự tàn bạo của chế độ Stalin và nạn tham nhũng trở thành đại dịch được nhiều người coi là sự phản bội.

Paula Garb, nhà nghiên cứu tại UC Irvine và là cựu cư dân Liên Xô, người đã ghi lại trải nghiệm của những người nhập cư trong cuốn sách ‘They Came to Stay’ xuất bản năm 1987, cho biết: “Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý rằng giấc mơ đó chỉ là ảo tưởng, rằng cuộc đời họ đã trôi qua vô ích”.

Nghiên cứu của Paula Garb ước tính, nhiều người Mỹ - có lẽ là một nửa - đã rời Liên Xô vào giữa những năm 1930, hoặc chán nản trước những khó khăn, hoặc sợ hãi trước Stalin. Những người ở lại, đặc biệt nếu họ đã trở thành công dân Liên Xô, ít nhiều bị lãng quên sau năm 1937, khi các chính sách khiến việc rời đi khó khăn gấp bội.

  1. Những cảnh báo sớm đã không được lắng nghe

Emma Goldman (1869 –1940), người Mỹ gốc Nga, là nữ nhà văn kiêm diễn giả nổi tiếng về triết học vô chính phủ, nữ quyền và các vấn đề xã hội, với những buổi thuyết giảng thu hút hàng nghìn người.

Năm 1920, bà cùng người tình Alexander Berkman du hành đến Nga.

Ban đầu Goldman có cái nhìn tích cực về cách mạng Bolshevik. Bà viết trên tạp chí “Mother Earth” của mình rằng bất chấp sự chuyên chính cộng sản, nó vẫn đại diện cho “những nguyên lý cơ bản nhất, vươn xa và bao trùm nhất về tự do con người và phúc lợi kinh tế”. Nhưng khi đến gần châu Âu, bà bắt đầu bộc lộ nỗi sợ về những điều sắp tới. Bà lo lắng về Nội chiến Nga đang diễn ra và khả năng bị bắt bởi những lực lượng chống Bolshevik. Nhà nước Nga, dù là chống tư bản, cũng là một mối đe dọa. “Ta chưa bao giờ trong cả đời mình có thể làm việc trong những khuôn khổ của Nhà nước”, bà viết cho cháu gái, “dù là nhà nước Bolshevik hay là gì đi nữa”.

Những trải nghiệm của Goldman khi sống ở nước Nga Soviet dẫn đến cuốn sách năm 1923 của bà, ‘My Disillusionment in Russia’ - ‘Sự vỡ mộng ở nước Nga của tôi’. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Bà nhanh chóng khám phá ra những lo ngại của mình là có thật. Ít ngày sau khi trở lại Petrograd (Saint Peterburg), bà bị sốc khi nghe một cán bộ đảng gọi tự do ngôn luận là "sự mê tín tư sản". Khi bà và Berkman du hành khắp đất nước, họ nhìn thấy đàn áp, sai lầm trong quản lý, và tham nhũng thay vì bình đẳng và quyền làm chủ của công nhân mà họ từng mơ tới. Những người chất vấn chính phủ bị dán nhãn là phản cách mạng, và những người công nhân lao động dưới những điều kiện khắc nghiệt. Họ gặp Vladimir Lenin, người đảm bảo rằng sự đàn áp của chính phủ với tự do ngôn luận là chính đáng, nói với họ: “Không thể nào có tự do ngôn luận trong một thời kỳ cách mạng.” Berkman sẵn sàng hơn trong việc tha thứ cho những hành động của chính phủ nhân danh “sự cần thiết lịch sử”, nhưng cuối cùng ông cũng tham gia với Goldman trong việc phản đối chính quyền nhà nước Xô Viết.

Tháng 3 năm 1921, bãi công bùng nổ ở Petrograd khi công nhân đổ ra phố đòi tăng khẩu phần và quyền tự trị cho công đoàn. Goldman và Berkman cảm thấy có trách nhiệm ủng hộ những người bãi công, khẳng định: “Giữ im lặng lúc này là không thể, thậm chí là có tội.” Cuộc nổi dậy lan ra thành phố cảng Krondstadt, nơi thủy thủ và binh lính khởi nghĩa để ủng hộ công nhân. Trong cuộc chiến sau đó, gần 1000 người khởi nghĩa bị giết và 2000 người khác bị bắt giam. Trước những sự kiện này, Goldman và Berkman quyết định rằng không có tương lai nào dành cho họ ở mảnh đất này. Bà viết, “chúng tôi ngày càng đi tới kết luận rằng chúng tôi không thể làm được gì ở đây. Và vì chúng tôi không thể nào kéo dài một cuộc đời ngồi không thêm nữa, chúng tôi quyết định ra đi.”

Tháng 12 năm 1921, hai người rời Nga và đi tới Riga, thủ đô Latvia. Sau một chuyến đi ngắn đến Stockholm, họ chuyển tới sống ở Berlin.

  1. Sự vỡ mộng

Benjamin Leib, một thợ dệt đến từ miền bắc New Jersey, là một trong số nhiều người đến định cư ở vùng đất của Lenin. Khi còn trẻ, ông đã di cư đến Hoa Kỳ từ Ba Lan nhưng không cảm thấy hài lòng. Ông bị bỏ tù vì tổ chức đình công tại một nhà máy dệt ở Paterson, đồng thời giới chủ cũng đưa ông vào danh sách đen vì các hoạt động cộng sản của mình.

Thất nghiệp vào năm Đại suy thoái 1933, ông tìm nơi ẩn náu ở Liên Xô. Cuộc phiêu lưu buồn bã của ông và gia đình minh họa cho những khó khăn ập đến với nhiều người di cư.

Con trai của ông, Gary, người đã rời trường tiểu học ở New Jersey để thực hiện chuyến đi xa, vẫn nhớ lại nỗi thất vọng của cha mình đối với Liên Xô - cuộc sống vất vả, cô đơn ở “đất nước công nhân” trái ngược như thế nào với sự sôi nổi của phong trào lao động cấp tiến ở New Jersey.

“Ở Mỹ, ông là một nhà lãnh đạo,” Gary Leib cho biết. “Rất nhiều người muốn bên cạnh chúng tôi. Ở đây, ông đi làm rồi về nhà, đi làm rồi về nhà. Mọi người không quan tâm đến chính trị. Họ sợ hãi. Ai nhỡ nói gì không đúng đắn sẽ bị đưa đi”.

Cuối cùng, những khó khăn của cuộc sống Liên Xô tỏ ra quá sức chịu đựng. Benjamin Leib chết đói trong Thế chiến thứ hai. Vào những năm 1950, khi chính quyền Liên Xô áp dụng một cuộc đàn áp hàng loạt người nước ngoài, con gái ông - em gái của Gary - đã bị bắt và bị giam ở một thị trấn phía bắc trong một năm.

Sự chú ý quá mức của KGB không phải là mối nguy hiểm duy nhất đối với “Amerikanka” (thuật ngữ chỉ những người nước ngoài đến từ Hoa Kỳ). Cuộc sống đối với những người Liên Xô bình thường dưới chế độ độc tài toàn trị cũng vốn đã là nguy hiểm. Gary Leib, người thành thạo tiếng Nga và tốt nghiệp các trường ở Liên Xô, tin rằng việc sinh ra ở Mỹ và là người Do Thái sẽ tạo nên một mối nguy hiểm gấp đôi. Điều đó khiến việc được nhận vào đại học trở nên khó khăn hơn, khiến ông không thể trở thành sĩ quan quân đội, và sau đó khiến ông mất việc dạy tiếng Anh cũng như công việc trong một viện nghiên cứu.

“Những lý tưởng đó thật tốt”, Gary Leib, người tự nuôi sống bản thân bằng cách dịch sách khoa học tiếng Anh sang tiếng Nga, nói. “Nhưng chúng không hoạt động.”

Nhiều nhân chứng phương Tây đầu tiên - những người trở về Hoa Kỳ vào giữa những năm 1930 - đã rất cảm động trước cuộc thí nghiệm lớn mang tên Xô Viết. Stephen Kotkin, nhà sử học và chuyên gia về nước Nga thế kỷ 20 tại Đại học Princeton, cho biết: “Hầu hết bọn họ đều nói một cách rất nhiệt tình về việc đã trải nghiệm điều gì đó bất thường về mặt cảm xúc và trí tuệ”.

Robert Robinson, ảnh chụp từ sách ‘Black on Red’.

Tuy nhiên, những người ở lại lâu dài bắt đầu cảm thấy lạc lõng. Robert Robinson, một thợ chế tạo công cụ đến từ Detroit, hy vọng rằng với tư cách là một người Mỹ da đen, ông sẽ nhận được sự tác động công bằng hơn trong xã hội Liên Xô so với ở quê nhà. Tuy nhiên, dần dần ông kết luận rằng thái độ của quần chúng không phù hợp với các bài phát biểu chính thức.

“Bất kể những người hàng xóm Nga nói gì với tôi, bất kể các quan chức cộng sản có khoe khoang về hệ thống công bằng xã hội và sự bình đẳng con người của họ đến mức nào, tôi chưa bao giờ thực sự được chấp nhận là một người bình đẳng,” ông viết trong tiểu sử của mình, ‘Black on Red’ (‘Người da đen ở đất nước đỏ’).

Tuy nhiên, Robinson, người cuối cùng cũng được phép rời Nga sau 44 năm, cảm thấy mình may mắn hơn một số người Mỹ da đen khác mà anh từng gặp. “Những người may mắn bị đày đến các trại lao động ở Siberia. Những người kém may mắn hơn đã bị bắn.”

Nhưng có lẽ khó có hành trình nào ở Liên Xô lại hỗn loạn hơn hành trình của Rose Kostyuk.

Năm 1932, người phụ nữ trẻ Rose đã rời Philadelphia cùng người chồng đầu tiên, một luật sư thất nghiệp người Mỹ. Trong vòng hai năm, bà đã bỏ người chồng này để lên một chuyến tàu đầy khói thuốc lá và mùi dầu mỡ, đến một trang trại nhà nước ở Trung Á với Vasya - người chồng mới, một người cộng sản Nga.

Những buổi chiều mùa hè nóng đến mức họ phải quấn mình trong những tấm ga ướt và che cửa sổ túp lều bằng chăn. Rose luôn bận rộn chăm sóc hai đứa con. Nhưng nguy hiểm sớm len lỏi vào ốc đảo lãng mạn của bà. Vị thế của người chồng Vasya trong Đảng Cộng sản đã sụt giảm, có thể vì ông đã về phe với một người không được ưa thích, cũng có thể vì lấy vợ Mỹ.

Rose cảm thấy có lỗi vì bất cứ vai trò nào bà đã từng tham gia trong đời. Trong một cử chỉ định mệnh nhưng thiếu sáng suốt, bà đã quyết định trở thành công dân Liên Xô và từ bỏ hộ chiếu Hoa Kỳ của mình.

Vasya cũng bị khai trừ đảng và báo tin rằng sắp bị bắt.

Rose và hai đứa trẻ chạy trốn đến Moscow, nơi bà ở trong một nhà trọ dành cho nông dân, được khử trùng cùng với một số phụ nữ giang hồ trong phòng tắm. Bọn trẻ được dẫn đến một khu riêng.

Điểm dừng chân tiếp theo của bà là văn phòng đáng sợ của cơ quan an ninh NKVD, tiền thân của KGB:

“Tôi đứng xếp hàng cùng với vợ của những người bị bắt và nói: ‘Tôi đây. Các người muốn gì ở tôi và chồng tôi?’ Tôi nhớ người đàn ông đó đã rất khó chịu với tôi. Anh ta nói ‘Chúng tôi sẽ tìm cô khi chúng tôi muốn. Giờ thì đi ra.’”

Vì lý do nào đó, Vasya không bị bắt đi và cảnh sát cũng không truy lùng Rose. Trên thực tế, ông đã được phép trở lại đảng, cùng với nhiều người khác, sau thời gian ngắn khủng bố của Stalin. Tuy nhiên, ông cắt đứt mối liên hệ với Trung Á và đưa gia đình đến định cư ở Tomilino, khu làng mạc gần Moscow nơi Rose sống cho đến cuối đời.

Trải qua những năm tháng đầy những bất công ngu ngốc, khó hiểu, bà đã cố gắng giữ vững giấc mơ về một thế giới tốt đẹp hơn: “Chúng tôi đã phải chịu đựng những điều không thể hiểu được. Đôi khi tôi và chồng lấy chăn che miệng vào ban đêm và nói: ‘Mọi chuyện lẽ ra không diễn ra như vậy’. Nhưng chúng tôi không nói to điều đó.”

Ngoài nỗi kinh hoàng chính trị là nỗi đau kéo dài vì cảm giác không được chào đón, Rose nhớ lại việc khi từ Ural trở về sau Thế chiến II và nhận được một ngôi nhà tan hoang: 42 cuốn sách Harvard Classic mà cha bà gửi từ Mỹ đã bị lấy đi, cùng với những tấm thảm Ukraina tự may, thậm chí cả hệ thống dây điện trên tường.

Sau đó, bà ghé qua nhà hàng xóm bên cạnh và thấy máy xay thịt của mình ở trên bàn.

Điều tồi tệ nhất có lẽ là việc phải cách biệt với gia đình thuở ấu thơ. Liên Xô áp dụng hạn chế đi lại lên tất cả mọi người, nhưng ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến những ai có thân nhân ở nước ngoài.

Việc xin phép đi thăm thân là một việc vô cùng khó khăn. Phải mất ít nhất 6 đến 8 tháng mới có được quyết định.

Yêu cầu thăm người cha hấp hối của Rose bị từ chối.

“Ông mất năm 1946, những lời cuối cùng của ông là về tôi và các con tôi,” Rose Kostyuk viết về cha bà, một dược sĩ, người đã từng cảnh báo bà về việc kỳ vọng quá nhiều. “Tôi không thể viết những lời này ra giấy mà không rơi nước mắt.”

Những năm tháng hậu chiến cứ nối tiếp nhau trôi qua, một khoảng thời gian buồn tẻ đầy căng thẳng và lo lắng, trái ngược với những cuộc phiêu lưu đầy màu sắc trước đó của bà.

Cuối cùng, sau 33 năm ở Liên Xô, với 20 năm xin phép xuất ngoại, sau những bức thư cào xé tâm can gửi cho Stalin và Khrushchev, bà đã được phép tự mình đi đến Hoa Kỳ. Năm 1965, khi xuống khỏi chiếc máy bay phản lực KLM, Rose bước vào một thế giới đã thay đổi chóng mặt so với những năm Suy thoái: Bạn bè và người thân thuộc tầng lớp lao động của bà giờ đây sống trong sự no ấm đầy đủ của tầng lớp trung lưu. Sau đó là nhiều cuộc đoàn tụ vui vẻ với những thú vui nho nhỏ, chẳng hạn như ăn hàu, tôm hùm, và “mỳ spaghetti Ý đích thực” sau nhiều thập kỷ với khoai tây, bắp cải và các món ăn đạm bạc khác của Liên Xô.

  1. Gulag

Thomas Sgovio khi bị bắt ở Nga năm 1938. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Thomas Sgovio là một nghệ sĩ người Mỹ. Ông sinh ra ở Buffalo, New York vào năm 1916.

Sgovio chuyển đến Liên Xô năm 1935, khi 19 tuổi, cùng với cha mình là Joseph - người bị Hoa Kỳ trục xuất vì xách động cộng sản. Khi đến Liên Xô, ông đã từ bỏ hộ chiếu Hoa Kỳ. Ông vỡ mộng sau 3 năm sống ở Moscow, cố gắng đòi lại hộ chiếu của mình tại đại sứ quán Hoa Kỳ và bị NKVD bắt giữ vào ngày 12 tháng 3 năm 1938 khi ông rời đại sứ quán. Sau khi bị bắt, ông bị đưa đến Nhà tù Lubyanka ở Moscow và sau đó được chuyển đến Nhà tù Taganka. Sau một cuộc điều tra chiếu lệ, trong đó chính quyền Liên Xô chủ yếu quan tâm đến việc tại sao ông đến đại sứ quán, ông đã bị một nhóm NKVD gồm ba quan chức kết án lao động cưỡng bức cho tội danh “phần tử nguy hiểm cho xã hội”. Vài năm sau, Sgovio tìm cách xem xét lại trường hợp của mình; công tố viên giải quyết đơn kết luận rằng, “Sgovio không phủ nhận đã nộp đơn tại Đại sứ quán Mỹ. Vì vậy, tôi tin rằng không có lý do gì để xem xét lại trường hợp của Sgovio.”

Sgovio được vận chuyển trên một chuyến tàu tù nhân tới Vladivostok. Sgovio viết, “Chuyến tàu của chúng tôi rời Moscow vào tối ngày 24 tháng 6. Đó là sự khởi đầu của cuộc hành trình về phía đông kéo dài một tháng. Tôi không bao giờ có thể quên khoảnh khắc đó. Bảy mươi người đàn ông... bắt đầu khóc.” Từ Vladivostok ông được chuyển lên tàu hơi nước SS Indigirka đến trại Kolyma .

Trong trại, tội phạm chuyên nghiệp thường bị giam giữ cùng và thống trị các nhóm tù nhân khác, trong đó có tù chính trị. Hình xăm là một trong những đặc điểm nổi bật của tội phạm chuyên nghiệp và với tư cách là một nghệ sĩ, Sgovio đã trở thành một phần của loại hình kinh doanh xăm trổ này. Có thời gian, Sgovio cũng là nhân viên phục vụ riêng cho một lính canh cấp cao trong trại. Vào một thời điểm khác, ông là thành viên của một lữ đoàn khai thác gỗ. Ông đã chứng kiến ​​để sau này viết lại về cái chết của vô số tù nhân Gulag cũng như nạn nhân của chính quyền Xô Viết.

Sgovio đã sống sót sau thử thách của mình. Sau bản án 16 năm trong trại lao động, ông được thả nhưng ban đầu phải ở lại Liên Xô, nơi ông bị kỳ thị là một cựu tù nhân. Cuối cùng, ông được phép trở lại Hoa Kỳ vào năm 1960. Ông kể lại những trải nghiệm của mình và tính chất chết chóc của các trại trong cuốn hồi ký của mình, ‘Dear America! Why I Turned Against Communism’ (‘Nước Mỹ thân yêu! Tại sao tôi quay lưng lại với chủ nghĩa cộng sản’), xuất bản năm 1972.

Tuy nhiên bi kịch trớ trêu nhất có lẽ là câu chuyện của Victor Herman, người đã từ anh hùng thành tội phạm, từ đỉnh cao đến vực sâu trong nháy mắt.

Victor Herman cùng gia đình trong ngày trở về Mỹ. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Herman sinh năm 1915 ở Detroit, nơi cha ông, một người Do Thái nhập cư từ Ukraine, hoạt động tích cực trong việc tổ chức các công đoàn tại Công ty Ford Motor. Sau khi Henry Ford đạt được thỏa thuận với Liên Xô, 300 công nhân và gia đình họ từ Detroit đã chuyển đến Nga để giúp xây dựng một nhà máy Ford mới ở Gorky. Gia đình của Victor Herman nằm trong số đó, cha ông có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Năm 1931, khi Herman 16 tuổi, ông cùng gia đình chuyển đến Nga theo thời hạn làm việc kéo dài 3 năm, đồng thời vẫn giữ quốc tịch Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào năm 1934, cuộc Đại thanh trừng bắt đầu và nhiều người Mỹ xa xứ đã biến mất, bị bắt hoặc bị trục xuất. Trong những năm này, Herman tập trung vào tài năng thể thao phi thường của mình và cuối cùng ông đã được Không quân Liên Xô chú ý và tuyển dụng, lực lượng này đã huấn luyện ông cách nhảy dù. Ông là người có tính cạnh tranh và luôn cố gắng trở thành số một. Vào ngày 6 tháng 9 năm 1934, ông đã được quốc tế chú ý sau khi lập Kỷ lục Thế giới về lần nhảy dù cao nhất, từ độ cao 7300m. Ông được mệnh danh là ‘Lindbergh của Nga’.

Chính quyền Liên Xô yêu cầu Herman ký vào các tài liệu Kỷ lục Thế giới trong đó có ô trống quốc tịch mà Herman điền vào là “Hoa Kỳ”. Sau khi liên tục từ chối đổi thành Liên Xô, ông bị bắt vào năm 1938 vì “các hoạt động phản cách mạng” và phải trải qua một thời gian dài trong một nhà tù địa phương với những hình thức tra tấn dã man: ông phải ngồi trên ghế 18 tiếng mỗi ngày, bất động và không nói, đối mặt với một cánh cửa, ông bị đánh vào thận mỗi đêm trong 52 ngày liền, ông bị tống vào phòng giam cùng với những tội phạm hung bạo cố giết ông, và ông hầu như không nhận được thức ăn, cùng những thứ khác. Hầu hết những người bạn cùng phòng của ông trong thời kỳ này đều chết vì thiếu thốn tương tự. Herman tin rằng tuổi trẻ và sức mạnh đã cứu ông.

Herman sau đó bị kết án 10 năm lao động khổ sai trong một trại giam ở Siberia, nơi anh phải chịu đựng những cực khổ cùng cực bao gồm đánh đập, bỏ đói, tra tấn và nhiệt độ đóng băng khắc nghiệt. Ông sống sót bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như ăn những con chuột sinh sôi trong những xác chết lạnh cứng rải rác trong trại. Ông được thả ra khỏi hệ thống Gulag một thời gian ngắn vào năm 1948, nhưng bị yêu cầu ở lại Siberia như một người lưu vong - một phần trong thỏa thuận tạm tha của ông. Tuy nhiên, ông đã phá bỏ lệnh ân xá khi kết hôn với một phụ nữ Nga địa phương, Galina, người sau đó có một bé gái, Svetlana. Ông bị bắt lao động trở lại, nhưng lần này được phép sống cùng vợ con trong điều kiện ít khắc nghiệt hơn. Cái chết của Stalin năm 1953 đã mang lại điều kiện sống được cải thiện cho các tù nhân Gulag.

Năm 1956, chính quyền Liên Xô tuyên bố họ không có hồ sơ về Victor Herman, như thể ông chưa bao giờ là tù nhân, ngoài ra ông được tự do rời khỏi Siberia nhưng không được rời Nga. Herman đã dành 20 năm tiếp theo cùng gia đình di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau ở Liên Xô để nhận những công việc lặt vặt như huấn luyện viên quyền anh, giáo viên dạy tiếng Anh và nông dân trong một hợp tác xã. Trải qua tất cả những điều đó, ông chưa bao giờ từ bỏ hy vọng trở lại Hoa Kỳ.

Năm 1976, sau gần chục năm nộp đơn lên chính quyền Liên Xô về việc từ chối công nhận quốc tịch Mỹ của ông, ông được phép trở lại Mỹ. Galina, hai cô con gái và mẹ vợ của ông đã sớm đi theo ông.

Mẹ của Herman qua đời ở Nga vào đầu những năm 1930, cha ông mất ở đó vào những năm 1950 và anh trai Leo qua đời ở Nga năm 1974 sau khi tự sát. Năm 1978, Herman đệ đơn kiện Ford 10 triệu USD vì tất cả những mất mát mà ông đã phải chịu đựng, nhưng đến tận khi ông qua đời vụ kiện vẫn chưa được giải quyết. Cuốn hồi ký về những trải nghiệm của ông, ‘Coming Out of the Ice’, xuất bản năm 1979.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Số phận hàng ngàn người Mỹ di cư đến “thiên đường” Liên Xô trong các thập niên 1920, 1930