Tai bay vạ gió (1): Phong kiến là gì? Ông tổ nghề hành khất là ai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghề giết mổ coi Trương Phi là ông tổ, vì Trương Phi từng làm đồ tể. Nghề dệt lấy Lưu Bị làm ông tổ, chúng ta đều biết Lưu Bị dệt chiếu và bán giày, dệt chiếu và đan giày rơm. Nghề hí kịch coi Đường Huyền Tông như ông tổ nghề, bởi vì Đường Huyền Tông rất thông hiểu âm luật. Ông tổ nghề hành khất là ai?

Phong kiến là gì

Chúng ta biết rằng nền văn minh Trung Quốc bắt đầu từ Hoàng đế Hiên Viên. Dân tộc Trung Hoa còn được gọi là con cháu của Viêm Hoàng. Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu và Thuấn được gọi là Ngũ Đế. Sự tích của họ được ghi lại trong "Ngũ Đế bản kỷ" trong "Sử ký".

Chúng ta biết rằng Ngũ Đế đều nhường ngôi, Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn nhường ngôi cho Vũ. Vũ truyền ngôi cho con trai là Khải. Từ đó mở ra triều đại đầu tiên thống trị thiên hạ của Trung Quốc, đó là nhà Hạ. Vì vậy, thế hệ sau cho rằng đạo đức của Vũ kém hơn Nghiêu, Thuấn, nên tuy Vũ còn được gọi là Đế Vũ nhưng người ta cũng gọi ông là Đại Vũ Vương. Đổi Đế hiệu thành Vương hiệu.

Triều đại của nhà Hạ kéo dài bốn trăm năm. Vào cuối triều đại nhà Hạ, một vị vua tên là "Kiệt" xuất hiện. Kiệt là một vị vua vô cùng bạo ngược, sau này nhà Hạ bị Thang Vương lật đổ, lập ra triều Thương.

Khí vận của nhà Thương kéo dài sáu trăm năm. Vào cuối thời nhà Thương, lại xuất hiện một vị vua vô cùng bạo ngược, đó là Trụ. Chúng ta biết một số thành ngữ, chẳng hạn như ‘Trợ Trụ vi ngược’ (giúp Trụ làm việc ác), đều có liên quan đến vua Trụ, trong "Phong Thần diễn nghĩa" đều nói về các cuộc chiến tranh vào cuối thời nhà Thương và sự thành lập của nhà Chu.

Sau khi Vũ vương phạt Trụ thành lập nhà Chu. Nhà Chu là triều đại dài nhất trong lịch sử Trung Quốc, thời gian kéo dài tới tám trăm năm. Tám trăm năm này chia làm hai phần, một phần là hơn hai trăm năm trước, khó mà tính được niên đại cụ thể. Hơn hai trăm năm đầu gọi là Tây Chu, hơn năm trăm năm tiếp theo gọi là Đông Chu.

Thời Đông Chu tồn tại khoảng 550 năm. Từ năm 770 trước Công nguyên đến năm 475 trước Công nguyên, ba trăm năm này được gọi là thời Xuân Thu. Khoảng thời gian từ năm 475 trước Công nguyên đến năm 221 trước Công nguyên được gọi là Thời Chiến Quốc. Đến năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. (Tân Đường Nhân)

Nhà Chu thực chất là một triều đại phong kiến, bởi vì sau khi Vũ Vương phạt Trụ giành thắng lợi, ông phân chia thiên hạ thành nhiều quốc gia, sau đó chia ba nhóm người cho các quốc gia khác nhau. Tương truyền Chu Vũ Vương đã phân phong cho tổng cộng tám trăm chư hầu. Một số trong số họ là những con em hoàng tộc, chẳng hạn như em trai ông là Chu Công Đán, người được phân phong tới nước Lỗ.

Chu Công Đán lại không đến Lỗ quốc, mà phái con trai là Bá Cầm đến Lỗ quốc để cai trị đất nước. Chu Công Đán chủ yếu nắm quyền ở trung ương, phụ trách chế định các nghi lễ và âm nhạc cho nhà Chu, bao gồm cả việc phò tá cho Chu Thành Vương.

Ngoài ra còn có một bộ phận được phong hầu là những vị ​​​​có công lớn trong chiến tranh, tức là dựa vào công lao của mình mà được phong, chẳng hạn như chúng ta biết Khương Tử Nha đã được phong làm vua nước Tề, nay là tỉnh Sơn Đông. Vùng đất Tề Lỗ là thuộc tỉnh Sơn Đông, toàn bộ khu vực rất rộng lớn được phân phong cho Khương Tử Nha.

Ngoài ra còn có một số quan đại thần còn sót lại của triều đại trước, chẳng hạn như Cơ Tử. Có người nói rằng Cơ Tử là anh em họ của Trụ vương, có người nói là chú của Trụ vương, được phân phong tới Triều Tiên, nơi bây giờ là bán đảo Triều Tiên. Cơ Tử là người đầu tiên thành lập quốc gia ở đó.

Vì vậy, nhà Chu đã phân phong 800 chư hầu, gồm ba nhóm người: một nhóm là con em hoàng tộc; một số là những đại thần có công lớn trong việc chuyển đổi triều đại; và một số là quý tộc của triều đại trước.

Như vậy nhà Chu thực chất là một nước phong kiến. Một khi những người này được phong đất, họ phải đào đất ở biên giới và trồng cây tùng làm ranh giới. Hành động này được gọi là "phong". Từ “phong kiến” có nghĩa là lật đất ở biên giới và trồng cây tùng. Còn từ “kiến” có nghĩa là gì? “Kiến” có nghĩa là Thiên tử bổ nhiệm một vị vua làm người cai trị đất nước, hành động này được gọi là “kiến”. Cho nên “phong kiến” thực chất có nghĩa là “phong thổ kiến quốc” (phong cho đất để kiến lập quốc gia).

Chúng ta biết rằng nhà Chu trải qua thời Tây Chu, thời Đông Chu và cuối cùng thống nhất dưới thời nhà Tần. Nhà Tần chưa bao giờ làm sự việc phong đất kiến quốc ​​cả. Nói cách khác, đến thời nhà Tần, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chế độ quận huyện, không phân đất để lập quốc, không có lãnh thổ, chủ quyền, thu thuế, tài chính hay quyền bổ nhiệm nhân sự. Vì vậy, sau thời nhà Tần, Trung Quốc thực sự là một quốc gia quyền lực tập trung ở trung ương.

Khi học lịch sử, ở Trung Quốc Đại lục, người ta thường nói Trung Quốc là nước phong kiến ​​từ thời nhà Tần. Khái niệm này là sai. Nhà Chu là chế độ phong kiến, có 800 chư hầu và thành lập 800 nước chư hầu.

Phải nói rằng khái niệm quốc gia thời nhà Chu khác với nghĩa quốc gia hiện nay. Đó là những bang quốc, nghĩa là, chư hầu mặc dù có quân đội và chủ quyền riêng trong nước, nhưng thực tế họ là đối tượng cống nạp cho Thiên tử nhà Chu. Các chư hầu cũng cần phải nhận lệnh của Thiên tử nhà Chu, cho nên nó không phải là một quốc gia thực sự độc lập, nó chỉ là một khái niệm về bang quốc.

Sau nhà Tần, một số triều đại ở Trung Quốc cũng thử khôi phục một phần chế độ phong kiến. Chẳng hạn, sau khi Lưu Bang lập ra nhà Hán, ông đã phong vương cho nhiều người khác họ, chẳng hạn Hàn Tín được phong là Sở vương. Nhưng sau khi Lưu Bang trở thành hoàng đế, ông đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh tiêu diệt những vị vương đó. Sau này, Lưu Bang cảm thấy các vương khác họ không đáng tin cậy nên đã phong nhiều vị vua có cùng họ, tức là mang họ Lưu, các con em của hoàng tộc, v.v. Nhưng những vị vương cùng họ này cũng lần lượt làm loạn.

Chúng ta biết rằng, sau này dưới thời trị vì của Hán Cảnh Đế, đã xảy ra loạn bảy nước Ngô Sở. Kể từ sau thời nhà Tần, nói chung, nếu một triều đại được thành lập và thực hiện việc phân phong, hoặc có một số thành chư hầu như nhà Đường, khi sức mạnh của nó quá lớn, cuối cùng sẽ dẫn đến cục diện chiến loạn. Vì vậy, kể từ thời nhà Tần về sau, Trung Quốc về cơ bản là một quốc gia trung ương tập quyền.

Tám trăm năm nhà Chu được chia làm hai phần, 250 năm đầu gọi là Tây Chu, 550 năm tiếp theo gọi là Đông Chu. Vì sao gọi là Tây Chu? Bởi vì kinh đô của nó nằm ở đất Cảo. Vị trí hiện nay là huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây, gần Tây An và về phía tây. Sau này, tới thời Bình Vương, dời đô về phía đông đến Lạc Ấp, nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Vì vậy, thủ đô của nó đã được chuyển từ gần Tây An đến Lạc Dương, Hà Nam. Vì kinh đô ở phía Tây nên gọi là Tây Chu, kinh đô ở phía Đông nên gọi là Đông Chu.

Thời Đông Chu tồn tại khoảng 550 năm. Từ năm 770 TCN đến năm 475 TCN, ba trăm năm này được gọi là thời Xuân Thu. Khoảng thời gian từ năm 475 trước Công nguyên đến năm 221 TCN được gọi là Thời Chiến Quốc. Đến năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc.

undefined
Bản đồ Trung Quốc thời Chiến Quốc. (Wikipedia/ SA 3.0)

Thời Xuân Thu và Chiến Quốc là những thời kỳ có nhiều thay đổi lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, chính trị, kinh tế, văn học, triết học, phương pháp quản lý quốc gia, hệ thống pháp luật, v.v. của Trung Quốc đều ra đời và định hình trong thời gian đó. Vì vậy, khoảng thời gian này là một thời kỳ có nhiều tư tưởng học thuật, nhiều văn thần võ tướng nổi danh, cũng là thời đại mà cá tính được thể hiện.

Ghi chú: Các ghi chép lịch sử của Trung Quốc bắt đầu từ thời Ngũ Đế, trong đó đề cập đến Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu và Thuấn. Sau Ngũ Đế có cách nói “Tam Vương”, ba vị vua này là chỉ Đại Vũ người sáng lập ra nhà Hạ, vua Thương người sáng lập nhà Thương và Chu Vũ Vương người sáng lập nhà Chu. Nhà Chu là một nước phong kiến ​​“phong thổ kiến quốc”, thành lập hơn 800 nước chư hầu là người hoàng tộc, các công thần sáng lập nhà Chu, và các quý tộc của triều đại trước đó. Nhà Chu tồn tại được 800 năm, 250 năm đầu gọi là "Tây Chu" với kinh đô ở đất Cảo, 550 năm tiếp theo gọi là "Đông Chu", Đông Chu có thể tạm chia thành thời XuânThu trong 300 năm đầu tiên, và 250 năm tiếp theo của thời Chiến Quốc. Thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc là những thời kỳ có nhiều thay đổi lớn trong lịch sử Trung Quốc. Hình thái quốc gia của Trung Quốc cũng thay đổi từ hệ thống phong kiến ​​nhà Chu sang nhà nước tập quyền trung ương kéo dài hai nghìn năm sau nhà Tần. Câu chuyện sau đây diễn ra vào cuối thời Xuân Thu.

Ngũ Tử Tư - ông tổ nghề hành khất

Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta tên là Ngũ Tử Tư. Ông có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Trung Quốc. Sự ảnh hưởng này có thể được chia thành hai phương diện, một mặt là ảnh hưởng đối với nhân gian. Chúng ta biết trong nhân gian, rất nhiều ngành nghề cần tìm vị tổ sư. Ví dụ như nghề giết mổ lấy Trương Phi làm ông tổ, họ cho rằng Trương Phi làm nghề mổ lợn. Thực chất, trong “Tam Quốc chí” không có ghi chép gì cả, đó chỉ là truyền thuyết dân gian mà thôi.

Nghề dệt lấy Lưu Bị làm ông tổ, chúng ta đều biết Lưu Bị dệt chiếu và bán giày, dệt chiếu và đan giày rơm. Nghề hí kịch coi Đường Huyền Tông như ông tổ nghề, bởi vì Đường Huyền Tông rất thông hiểu âm luật. Ngũ Tử Tư là ông tổ nghề nào? Ông được những người ăn xin ở một số vùng tôn kính làm ông tổ, vì ông từng đi xin ăn.

Có một ghi chép trong "Sử ký". Trên đường chạy trốn từ Sở đến Ngô, ông từng xin ăn. Trong "Sử ký" có kể rằng Ngũ Tử Tư "Vị chí Ngô nhi tật, chỉ trung đạo, khất thực”, nghĩa là Ngũ Tử Tư bị bệnh trên đường trốn thoát trước khi đến nước Ngô, phải dừng lại để xin ăn.

Ngoài ra còn có một số truyền thuyết kể rằng Ngũ Tử Tư cũng thổi sáo để xin ăn ở kinh đô nước Ngô. Vì vậy, những người ăn xin, họ coi Ngũ Tử Tư là ông tổ nghề hành khất.

Những người hành khất coi người này là ông tổ nghề của họ. (Tranh Vương Song Khoan)

Tất nhiên, ảnh hưởng của Ngũ Tử Tư đối với xã hội Trung Quốc không chỉ ở việc xin ăn. Khoảng năm 500 TCN, Ngũ Tử Tư đã giúp nước Ngô xây dựng thủ đô Cô Tô, nay là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Thành phố cổ Tô Châu hiện nay được xây dựng bởi Ngũ Tử Tư và tồn tại được 2500 năm. Ngũ Tử Tư là vị văn võ toàn tài có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Trung Quốc. Ông làm mưa làm gió trên chính trường gần ba mươi năm, có rất nhiều rất nhiều câu chuyện và thành ngữ liên quan đến Ngũ Tử Tư. Chẳng hạn như trong vở kịch “Văn Chiêu Quan", kể về câu chuyện Ngũ Tử Tư vượt qua cửa ải Chiêu Quan, cũng có một số thành ngữ, chẳng hạn như ‘quật mộ tiên thi’ (đào mộ quất xác), ‘nhật mộ đồ viễn’ (Trời chiều mà đường còn xa), ‘đảo hành nghịch lưu’(quay lại đi ngược dòng), ‘ngọa tân thường đảm’ (nằm gai nếm mật), v.v. đều liên quan đến Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư hô mưa gọi gió trong ba mươi năm, các chiến lược, văn học, chính trị và quân sự của ông có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau, nhưng cuộc đời ông lại rất bi thảm. Cả cha và anh trai anh đều chết thảm, còn bản thân ông cũng phải trải qua một giai đoạn trốn chạy vô cùng khó khăn. Cha và anh trai của ông bị giết như thế nào? Chúng ta kể lại đầu đuôi.

Ngũ Tử Tư vốn là người Sở. Sở là một nước rất rộng lớn, lúc bấy giờ chiếm đóng Hồ Bắc và Hồ Nam của Trung Quốc, bao gồm cả vùng Tây Nam và Đông Nam tính từ Hồ Nam. Lưu vực sông Trường Giang, ngoại trừ Giang Tô và Chiết Giang, về cơ bản phía nam thuộc về địa bàn nước Sở, cũng bao gồm một phần phía bắc lưu vực sông Trường Giang, như Hà Nam, An Huy, một phần Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu, v.v. Vì vậy, có người đã xác minh rằng nước Sở lúc bấy giờ là quốc gia có lãnh thổ rộng nhất thế giới, hơn một triệu km2, cũng là một quốc gia rất hùng mạnh.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 2 - Tai bay vạ gió (1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tai bay vạ gió (1): Phong kiến là gì? Ông tổ nghề hành khất là ai