Tai bay vạ gió (2): 2 người thầy của Thái tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chức quan của Ngũ Xa (cha của Ngũ Tử Tư) là Thái phó (thầy dạy cho Thái tử), là bậc thầy xuất chúng; chức quan của Phí Vô Kỵ là Thiếu Phó, là người thầy thứ hai. Hai vị thầy này có tính cách rất khác nhau. Ngũ Xa là một người rất ngay thẳng chính trực. Còn Phí Vô Kỵ là một kẻ siểm nịnh, là một tiểu nhân.

Tổ tiên nước Sở là Chuyên Húc, một trong Ngũ Đế, thời Đế Khốc được ban xưng hiệu là Chúc Dung, một trong những hậu duệ của ông là Hùng Dịch, vì đã có công lao phò tá Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương, nên được Chu Thành Vương phong cho đất Sở, ban tước cho con cháu. Vào cuối thời Tây Chu, quốc quân nước Sở là Hùng Cừ rất được lòng dân vùng dọc sông Trường Giang và Hán Thủy, nên tự xưng vương. Ông cũng là chư hầu đầu tiên dám coi thường Thiên tử nhà Chu, và tự xưng vương.

Trong thời Xuân Thu, có năm nước liên tiếp xưng bá, được gọi là Xuân Thu Ngũ Bá. Vị bá chủ cuối cùng là Sở Trang Vương. Năm 529 TCN, cháu trai của Sở Trang Vương là Khí Tật đã dùng thủ đoạn lừa dối để kế vị, xưng là Sở Bình Vương, lập con trai làm Thái tử, đồng thời chọn hai thầy dạy cho Thái tử là Ngũ Xa và Phí Vô Kỵ.

Chức quan của Ngũ Xa (cha của Ngũ Tử Tư) là Thái phó (thầy dạy cho Thái tử), là bậc thầy xuất chúng; chức quan của Phí Vô Kỵ là Thiếu Phó, là người thầy thứ hai. Hai vị thầy này có tính cách rất khác nhau. Ngũ Xa là một người rất ngay thẳng chính trực. Còn Phí Vô Kỵ là một kẻ siểm nịnh, là một tiểu nhân.

Tất nhiên, mối quan hệ giữa hai thầy giáo không tốt, Ngũ Xa rất ghét Phí Vô Kỵ. Không chỉ Ngũ Xa không thích, mà Thái tử Kiến cũng không thích Phí Vô Kỵ. Phí Vô Kỵ rất xấu xa, hắn nghĩ Thái tử không thích mình, một ngày nào đó sẽ kế vị, phận mình ra sao? Phải nghĩ cách phế truất hoặc giết Thái tử. Hắn ta nghĩ ra một kế. Một ngày nọ vào năm thứ hai Sở Bình Vương, hắn nói với Sở Bình Vương: Thái tử không còn trẻ nữa, sao không nạp phi tần?

Lúc đó thái tử bao nhiêu tuổi? Chỉ mới mười lăm tuổi. Có cảm giác như Phí Vô Kỵ rất quan tâm tới Thái tử , nói muốn lấy vợ cho Thái tử. Sở Bình Vương hỏi: Ngươi thấy công chúa nước nào thích hợp gả cho Sở nước chúng ta?

Vào thời Xuân Thu, các cuộc hôn nhân thường diễn ra giữa các nước chư hầu. Chúng ta thường gọi hôn nhân là “Đẹp duyên Tần, Tấn” phải không? Vì Tần và Tấn là hai nước rất lớn vào thời Xuân Thu, họ thường gả con em cho nhau.

Phí Vô Kỵ nói: Xem ra nước Tần cũng khá. Nước Tần là một nước rất rộng lớn, kinh đô lúc bấy giờ là ở đất Ung chứ không phải ở Hàm Dương. Hàm Dương được chuyển đến sau cuộc cải cách của Thương Ưởng. Kinh đô trước đây của Tần là Ung, gần thành phố Bảo Kê ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay.

Phí Vô Kỵ nói: Tần là nước lớn, Tấn cũng là nước lớn, nhưng quan hệ giữa Tấn và Sở chưa bao giờ tốt đẹp, thường xuyên đánh nhau. Nếu nước Sở có thể liên kết với nước Tần thì sẽ không có gì phải lo lắng về nước Tấn. Sở Bình Vương đồng ý. Ông cử Phí Vô Kỵ làm sứ giả đến Tần để cầu hôn. Vào thời điểm đó, vua Tần là Tần Ai Công, đã gả em gái là Mạnh Doanh cho Thái tử Kiến.

Phí Vô Kỵ đã nảy ra một mưu đồ xấu ngay khi nhìn thấy Mạnh Doanh. Tại sao? Bởi vì Mạnh Doanh rất xinh đẹp. Phí Vô Kỵ đưa Mạnh Doanh về tới nước Sở. Khi đến ngoại ô kinh thành, hắn ta nói với Mạnh Doanh: ‘Xin hãy đợi ở đây một lát. Theo quy định của nước Sở chúng tôi, trước tiên phải đến bái kiến hoàng gia sau đó mới có thể kết hôn.’

Phí Vô Kỵ đêm ấy đi gặp Sở Bình Vương. Điều đầu tiên Sở Bình Vương hỏi Phí Vô Kỵ là: ‘Tần cô nương dung mạo thế nào?’

Nói chung, khi nạp phi cho thái tử, trước tiên sẽ hỏi sứ thần về tình hình đi sứ, quốc quân nước ấy có vui không, có điều gì cần tâu không, v.v. đều là chuyện công việc. Câu đầu tiên Sở Bình Vương là hỏi về dung mạo của cô gái nước Tần, cho thấy ông ta là một kẻ háo sắc. Phí Vô Kỵ thuận gió hùa theo. Hắn nói: ‘Ôi chao, hạ thần đã trông thấy rất nhiều nữ nhân trong đời nhưng chưa bao giờ thấy một ai đẹp như vậy, ngay cả những mỹ nhân truyền thuyết như Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự, hạ thần thấy không bằng một phần vạn của Mạnh Doanh.’

Sở Vương nghe xong, đỏ mặt nói: ‘Quả nhân là vua của một nước lớn, không thể cưới một mỹ nữ tuyệt sắc như vậy, quả thực là một điều vô cùng tiếc nuối trong đời.’

Phí Vô Kỵ nói: ‘Vậy bệ hạ cứ lấy thôi’.

Sở Vương Bình nói: ‘Ta ngại trái luân thường đạo lý’.

Phí Vô Kỵ nói: ‘Họ còn chưa kết hôn, nhưng đã đến kinh thành đây, bệ hạ cứ lấy thôi’.

Sở Bình Vương nói: ‘Thế còn Thái tử phải làm thế nào?’

Phí Vô Kỵ nói: ‘Trong của hồi môn đi theo có một cô gái nước Tề xinh đẹp, cư xử rất lễ nghi, chỉ cần gả cô gái nước Tề cho Thái tử, còn bệ hạ thì lấy Mạnh Doanh’.

Hai kẻ bại hoại này vừa bàn bạc đã làm ra một chuyện tày trời như vậy.

Chú thích: Theo “Thập nhị chư hầu niên biểu” trong “Sử ký”, năm 527 TCN, Phí Vô Kỵ làm sứ giả đến nước Tần lập thê thiếp cho Thái tử. Tần Ai Công gả em gái mình là Mạnh Doanh cho Thái tử nước Sở. Mạnh Doanh là một mỹ nhân tuyệt sắc, còn Sở Bình Vương là một kẻ dâm đãng háo sắc. Phí Vô Kỵ đang tìm cơ hội để gây chia rẽ giữa vua Sở và Thái tử nên đã xúi giục vua Sở lấy phi tần của Thái tử và mang một cô gái nước Tề đi theo của hồi môn cho Thái tử để làm hôn lễ. Mưu kế đổi người bại hoại nhân luân này đã đào hố cho sự sụp đổ của nước Sở.

Mạnh Doanh là một mỹ nhân tuyệt sắc, còn Sở Bình Vương là một kẻ dâm đãng háo sắc. (Tranh minh họa: zhengjian)

Sau khi Mạnh Doanh kết hôn với Sở Bình Vương, năm sau mang thai và sinh được một con trai. Sở Vương Bình yêu quý như báu vật nên đặt tên là Trân, sau này trở thành Sở Chiêu vương. Đến năm 523 TCN, đã bốn năm kể từ khi Sở Bình Vương lấy Mạnh Doanh, mối quan hệ giữa vua Sở và Thái tử tương đối xa cách. Phí Vô Kỵ nghĩ: Mình sẽ nhân cơ hội này mà làm họ xa cách thêm.

Một ngày nọ, hắn nói với Sở Bình Vương: ‘Hạ thần nghĩ đất Thành Phụ là nơi rất quan trọng. Tại sao không để Thái tử tới đó trấn thủ?’

Sở Bình Vương hỏi: ‘Nhất định phải cử thái tử đi sao?’

Phí Vô Kỵ chạy đến nghé tai Sở Bình Vương nói: ‘Bệ hạ cưới vợ của Thái tử, Thái tử ngày ngày qua lại nơi đây, sớm muộn sự tình cũng sẽ bị bại lộ. Hãy nhanh chóng tận dụng cơ hội để đưa Thái tử đi càng xa càng tốt’.

Vương Sở Bình nghe thuận tai. Vì vậy, ông đã phái Thái tử Kiến và thầy Ngũ Xa đến Thành Phụ. Đồng thời phái một vị tướng quân tên là Phấn Dương làm Tư mã nơi đó. Tư mã là chức quan chỉ huy quân đội, Tư mã Thành Phụ là chức quan nắm giữ binh quyền cao nhất của Thành Phụ.

Trước khi Tư mã Phấn Dương lên đường, Vương Sở Bình đã nói với ông rằng: “thị Kiến như thị dư”, nghĩa là ngươi phải đối xử với thái tử Kiến một cách trung thành như đối xử với ta. Như vậy Thái tử Kiến cùng thầy Ngũ Xa và Tư mã Phấn Dương tới trấn thủ Thành Phụ.

Năm thứ hai, Phí Vô Kỵ một ngày nọ tới bên Sở Bình Vương và nói: Tâu bệ hạ, hạ thần nghe nói Thái tử đang tuyển quân mua ngựa, gom cỏ trữ lương, kết giao với chư hầu, xem ra muốn tạo phản đó.

Sở Vương Bình nói: Không thể nào, con trai ta vốn nhu thuận, sao có thể phản nghịch được?

Phí Vô Kỵ nói: Bệ hạ không biết đó thôi, Thái tử đã biết việc bệ hạ cưới thê thiếp của Thái tử. Thái tử rất tức giận, hậu quả nghiêm trọng đó.

Vương Sở Bình lúc này không tin cũng phải tin. Phí Vô Kỵ nói: Hiện tại chưa thể bắt Thái tử, bởi rút dây động rừng. Bởi vì thầy Ngũ Xa của Thái tử là một người rất bản lĩnh, bệ hạ nên nhanh chóng gọi Ngũ Xa về và hỏi ông ấy chuyện gì đang xảy ra.

Sở Bình Vương triệu Ngũ Xa về kinh, Sở Bình Vương nói: Thái tử mưu phản, ngươi biết không?

Ngũ Xa vừa nghe được lời này liền biết Phí Vô Kỵ đứng sau lưng thao túng. Ngũ Xa nói: “Vương nạp tử phụ dĩ quá hĩ.” Nghĩa là ngài đã quá sai khi cưới vợ của con trai mình, “Đại vương nại hà dĩ tiểu thần sơ cốt nhục?” Làm sao đại vương có thể nghe lời một tiểu nhân mà nghi ngờ cốt nhục chí thân?

Sở Bình Vương vừa xấu hổ vừa tức giận. Phí Vô Kỵ cũng ở bên cạnh nghe được, Phí Vô Kỵ nói: Bệ hạ thấy đó, ông ta hiện tại rất bất mãn với đại vương, nếu tình trạng này tiếp tục thì hỏng rồi, hãy mau giam hắn lại.

Thế là Sở Bình Vương tống Ngũ Xa vào ngục. Sau đó cùng Phí Vô Kỵ bàn bạc: Con trai của ta thì nên làm như thế nào?

Phí Vô Kỵ nói: Bệ hạ không cần gọi Thái tử về, mà chỉ cần viết mật thư, lệnh cho Tư mã Phấn Dương yêu cầu ông ta giết Thái tử ngay tại đó.

Sở Bình Vương đã viết một mật thư và trao cho Tư mã Phấn Dương, thư có mười một chữ: "sát Thái tử, thụ thượng thưởng; túng Thái tử, đương tử” (giết Thái tử, được ban thưởng lớn; theo Thái tử, sẽ chết.) Sau khi Tư mã Phấn Dương nhìn thấy mật lệnh, ông lập tức thông báo cho Thái tử phải chạy trốn ngay. Sau đó Phấn Dương sai người đóng xe tù, ngồi vào xe tù trở về kinh gặp Sở Bình Vương.

Khi vua Sở nhìn thấy Phấn Dương, liền hỏi: Thái tử đâu?

Phấn Dương nói: Đã chạy trốn rồi.

Sở Bình Vương nói: Ta viết mật lệnh, chỉ có ngươi nhìn thấy, là ai tiết lộ tin tức?

Phấn Dương nói: Chính là hạ thần.

Bình Vương nói: Có lời giải thích nào không?

Phấn Dương nói: Trước khi hạ thần lên đường, bệ hạ đã từng nói với hạ thần là phải ‘phục vụ Thái tử như phục vụ quả nhân’, có nghĩa là hạ thần phải trung thành với Thái tử cũng như đối với bệ hạ.

Ông nói: Khi hạ thần nhìn thấy mật lệnh, nó khác với những gì ngài nói ban đầu, hơn nữa, không có chứng cứ gì về việc phản loạn của thái tử. Nếu bệ hạ giết Thái tử như vậy, người trong nước sẽ bàn luận về bệ hạ, bởi Thái tử chính là con ruột của ngài. Vì vậy hạ thần quyết định để Thái tử trốn đi. Sau khi Thả thái tử ra, hạ thần lại nghĩ, vi phạm mật lệnh của đại vương là tội tử hình, nếu cùng nhau bỏ trốn thì lại là tội chết thứ hai. Chi bằng đến đây để gặp bệ hạ tùy ý xử trí.

Sở Bình Vương rất xúc động sau khi nghe những lời đó và nói với Phấn Dương: ‘Quy’ (về).

Tức là ngươi quay về đi, tiếp tục làm Tư mã Thành Phụ. Mặc dù ngươi không tuân theo mệnh lệnh của ta, nhưng lòng trung thành ấy thật đáng ngợi khen.

Lúc này, Thái tử đã bỏ chạy. Thái tử vượt sông chạy sang đất Tống. Kinh đô của nhà Tống nằm ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam ngày nay. Từ chỗ Thành Phụ chỉ cách một con sông là sang nước Tống.

Ngũ Xa bị giam trong ngục. Sở Bình Vương nghĩ: Còn Ngũ Xa thì sao? Có cần giết không?

Phí Vô Kỵ nói với Sở Bình Vương: Hiện tại không thể giết hắn, bởi Ngũ Xa có hai người con trai rất lợi hại.

Con trai cả của ông tên là Ngũ Thượng, con trai thứ hai tên là Ngũ Viên. Ngũ Viên chính là Ngũ Tử Tư.

Phí Vô Kỵ nói: Hai người con trai này thực lực rất lớn. Muốn giết Ngũ Xa sẽ gặp rất nhiều phiền toái, tốt nhất là giết cả ba cha con để nhổ cỏ tận gốc. Sở Bình Vương hỏi có kế gì. Phí Vô Kỵ nói: Bệ hạ lệnh cho Ngũ Xa viết thư triệu hai con trai của hắn về kinh, nói với Ngũ Xa rằng, nếu như bằng lòng viết thư này, sẽ tha án tử hình, nếu không sẽ giết hắn.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 2 - Tai bay vạ gió (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tai bay vạ gió (2): 2 người thầy của Thái tử