Tại sao không nên cất giữ đồ trang sức bằng kim loại cùng nhau?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu có đồ trang sức bằng kim loại, bạn nên cẩn thận khi cất giữ, đừng để tất cả chúng cùng nhau, tránh việc chúng bị trầy xước hoặc oxy hóa, từ đó làm giảm mất giá trị.

Theo tờ báo Huffington Post, ông Marcus Young, phó giáo sư kỹ thuật vật liệu tại Đại học Bắc Texas (Mỹ), cho biết việc cất giữ hai món trang sức kim loại cùng nhau có thể tạo ra pin Galvanic (hay còn gọi là tế bào điện hoá thu được năng lượng điện từ các phản ứng oxy hóa tự nhiên), điều này sẽ cho phép các ion kim loại di chuyển giữa các món đồ trang sức, dẫn đến tăng nguy cơ ăn mòn.

Tiến sĩ Young giải thích rằng pin Galvanic sẽ thúc đẩy phản ứng oxy hóa tự nhiên, khiến trang sức bị xước, đổi màu và mất đi độ sáng bóng.

Đồng là kim loại dễ bị ảnh hưởng nhất bởi phản ứng này, tiếp theo là bạc. Do đó, việc cất giữ trang sức bạc cùng với các loại kim loại khác sẽ đẩy nhanh quá trình oxy hóa. Tốc độ oxy hóa của trang sức kim loại còn phụ thuộc vào tỷ lệ hợp kim.

Chuyên gia thẩm định trang sức bà Judith Anderson chia sẻ với tờ Huffington Post rằng bạch kim sẽ không bị mất đi độ sáng bóng khi nó không chứa kim loại nào khác ( tức chỉ các kim loại khác ngoài vàng, bạc, bạch kim và paladi). Tuy nhiên, các loại vàng khác nhau lại có chứa các thành phần kim loại khác nhau.

Các loại vàng khác nhau có thành phần hợp kim khác nhau. (Pixabay)

Bà Anderson cho biết vàng 14K chỉ có 58.5% là vàng nguyên chất, phần còn lại thường là bạc và đồng với các tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào màu sắc của nó. Bạch kim thì thường chứa niken hoặc iridi.

Các loại vàng khác như vàng hồng thường không chứa niken mà có đồng và bạc với tỷ lệ đồng cao hơn, còn vàng xanh thì có nhiều bạc hơn đồng.

Bà Anderson còn cho biết, ngành công nghiệp trang sức không có một tỷ lệ tiêu chuẩn để tạo ra đồ trang sức bằng vàng, các thợ thủ công khác nhau có công thức chế tạo hợp kim của riêng họ. Điều khiến màu sắc của những đồ trang sức này khác nhau chính là tỷ lệ đồng và bạc khác nhau. Bạc sterling cũng không phải là bạc nguyên chất, nó có chứa hợp kim và cũng sẽ mất đi độ sáng bóng.

Bà Anderson cho biết sẽ có sự trầy xước xảy ra giữa các loại kim loại khi để chung vì chúng khác nhau về độ cứng. Ví dụ, vàng trắng sẽ không bị oxy hóa nhưng sẽ bị trầy xước vì nó mềm hơn vàng một chút. Vì vậy, nếu bạn đặt vàng trắng với đồ trang sức bằng vàng, vàng trắng có thể bị trầy xước.

Trang sức kim loại (shutterstock)

Trang sức kim loại nên được bảo quản như thế nào?

Bà Amanda Gizzi của hiệp hội Jewellers of America cho biết, cho dù đồ trang sức là vàng, bạc hay bạch kim, bạn nên bảo quản chúng ở nơi khô ráo, sạch sẽ và tách riêng biệt, thì chúng mới không bị hư hỏng.

Bà Gizzi nói rằng không nên xếp chồng đồ trang sức bằng kim loại lên nhau trong hộp trang sức, vì chúng rất dễ bị vướng vào nhau. Bà khuyên mọi người nên làm thêm các ngăn trong hộp trang sức, hoặc đóng gói riêng vào các túi nhựa nhỏ, đây là cách cất giữ đồ trang sức phổ biến của các thợ kim hoàn.

Bà Anderson cho biết, đối với những đôi bông tai, bạn có thể để chúng vào hai túi nhựa nhỏ và đặt trong một túi nhựa lớn hơn. Nếu chăm sóc đồ trang sức của mình theo cách này, bạn sẽ không phải thường xuyên gửi chúng ra ngoài để sửa chữa và đánh bóng.

Ông Young cho biết thêm rằng, các hộp đựng trang sức được lót bằng vải có thể ngăn hơi ẩm làm hỏng trang sức, bởi vì hơi ẩm có thể dẫn đến sự hình thành hydroxide, từ đó khiến trang sức bị xỉn màu.

Theo Jasmine- Epoch Times tiếng Việt
Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao không nên cất giữ đồ trang sức bằng kim loại cùng nhau?