Tại sao nhà thuật số này lại được Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt trọng dụng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bởi có kỳ tài về thuật số nên ông được Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt triệu kiến. Về thiên văn, tinh tượng, lịch pháp, ông có sở trường vượt hơn người. Ông không sợ đe dọa tính mất mạng, kiên trì lễ chế quốc gia, thể hiện ra cuộc đời một vị âm dương gia trung với quốc gia, lập nhiều công lao cho xã tắc. 

Điền Trung Lương (1242-1317), tự Chính Khanh, là người vô cùng hiếu học, thông hiểu các thuyết của Nho gia, tạp gia. Tổ tiên ông là người ở Triệu Thành, Bình Dương (huyện Hồng Đồng, tỉnh Sơn Tây ngày nay). Sau khi triều Kim bị diệt vong, tổ tiên ông di cư đến Trung Sơn.

Thái bảo Lưu Bỉnh Trung quen với Điền Trung Lương, thấy ông mặc y phục vải thô nhưng toát ra ánh sáng hào hoa nội hàm bên trong, bèn tiến cử ông với Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Thế Tổ sai sứ thần vời ông vào kinh thành. Quan sát tướng mạo và tư thế đi đứng của Điền Trung Lương, Thế Tổ sau đó nói với cận thần rằng: “Người này tuy được vời vào cung với thân phận là nhà thuật số âm dương, nhưng tương lai ắt sẽ được quốc gia trọng dụng”.

Thế Tổ có lòng muốn thử năng lực của Điền Trung Lương, nên tiện tay chỉ người thứ 2 trong hàng ngũ đại thần ngồi phía tây, và hỏi ông rằng: “Trong tay người đó cầm vật gì?”

Điền Trung Lương trả lời: “Bẩm Thánh thượng, là quả trứng gà”.

Quả nhiên là đúng. Thế Tổ vui mừng nói: “Trẫm có việc lo nghĩ trong tâm, khanh thử chiêm bói xem”.

Trung Lương đáp: “Bẩm Thánh thượng, dựa theo suy đoán bằng pháp thuật của thần thì đó là chuyện một vị cao tăng bị bệnh”.

Thế Tổ nói: “Đúng rồi, Quốc sư bị bệnh rồi”.

Thế là Điền Trung Lương đã vượt qua cuộc thi sát hạch của Thế Tổ. Thế Tổ sai Tả thị nghi Phụng ngự đưa Điền Trung Lương đến Tư thiên đài trước, để Lưu Bỉnh Trung sử dụng các sách chiêm tinh, lịch pháp và độn giáp để kiểm tra Điền Trung Lương.

Sau khi kiểm tra xong, Lương Bỉnh Trung dâng tấu rằng: “Những nội dung mà thần kiểm tra, ông ấy đều biết. Trong rất nhiều nhân tài của Tư thiên đài, rất ít người có thể đuổi kịp ông ấy”.

Thế là Thế Tổ hạ chiếu thư, bổ nhiệm Điền Trung Lương nhậm chức ở Tư thiên đài.

Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. (Phạm vi công cộng)

Thể Tổ hỏi ông: “Trẫm dụng binh Giang Nam, gặp trở ngại ở Tương, Phàn, tấn công nhiều năm mà không hạ được, làm thế nào?”.

Trung Lương trả lời: “Bẩm Thánh thượng, đến năm Dậu là được”.

Năm Chí Nguyên thứ 11 (năm 1275), A Lý Hải Nha dâng tấu xin dẫn 10 vạn quân sĩ vượt Trường Giang. Khi triều định bàn luận, có người phản đối việc này. Thế Tổ ngầm hỏi Điền Trung Lương: “Khanh thử bói xem, xem việc này có thể thành công không?”

Trung Lương trả lời: “Bẩm Thánh thượng, thành công được”.

Thế Tổ đến Liễu Lâm săn bắn, ở trong trướng, có một nhóm cận thần đi theo. Trông thấy Trung Lương, Thế Tổ hỏi: “Hiện nay cần bổ nhiệm một viên đại tướng đánh Giang Nam, trẫm trong tâm đã quyết định rồi, rốt cuộc là ai?”

Trung Lương nhìn xung quanh, ánh mắt dừng lại trên thân một người trong đó, và trả lời rằng: “Người mà Thánh thượng trong tâm đã chọn, là một trượng phu to lớn, có thể phó thác đại sự”.

Thế Tổ cười và nói: “Đúng rồi, vị này chính là Bá Nhan. Ông ấy là sứ thần của Tây Vương Húc Liệt Ngột. Trẫm yêu tài hoa của ông ấy bèn giữ lại sử dụng. Khanh quả là hiểu tâm tư của trẫm”.

Thế Tổ hạ chiếu ban thưởng cho Trung Lương 500 quan tiền và một bộ y phục.

Đêm ngày 15 tháng 7, có khí trắng che kín sao Tam Đài. Thế Tổ hỏi sự việc đối ứng với thiên tượng cát hung, Trung Lương. Trung Lương trả lời rằng: Trong Tam Công sẽ có một người chết”.

Không bao lâu sau, Thái bảo Lưu Bỉnh Trung qua đời.

Tháng 8, Thế Tổ đi săn nơi xa, giữa đường dừng ngự giá, triệu kiến Trung Lương hỏi: “Trẫm bị rơi mất đồ, khanh biết là vật gì không? Có thể tìm lại được không?”

Trung Lương trả lời: “Là chuỗi hạt của Thánh thượng. Ngày mai, ở nơi ngoài 20 dặm sẽ có người nhặt được và đến dâng lên”.

Sau đó, quả nhiên đúng như lời ông nói. Thế Tổ rất vui mừng, ban thưởng cho ông áo bào da chồn.

Tháng 10, Thế Tổ hạ chỉ hỏi Trung Lương: “Quan binh Nam chinh có thể vượt Trường Giang tác chiến được không? Mệt sức quân, hao tiền của, trẫm rất lo nghĩ”.

Trung Lương tấu rằng: “Xin Thánh thượng yên tâm, tháng Giêng sang năm sẽ truyền tin chiến thắng đến”.

Tháng Giêng năm Chí Nguyên thứ 12 (năm 1276), quân Nguyên chiếm được Ngạc Châu. Người đảm nhiệm chức thừa tướng lúc này là Bá Nhan, ông sai người đến kinh thành, dâng lên những báu vật của triều Tống mà quân Nguyên chiếm được, trong đó có một lò hương bằng ngọc. Thế Tổ không dùng, và ban thưởng lò hương ngọc cho Trung Lương, ngoài ra còn ban thưởng cho ông 10 súc lụa gấm tơ vàng.

Tháng 2, Thế Tổ bị bệnh, buồn bã không vui, bèn triệu kiến Trung Lương hỏi: “Có người nói, trẫm năm nay không thuận lợi. Pháp thuật của khanh thì thấy thế nào?”

Trung Lương trả lời: “Ngự thể Thánh thượng sẽ tự nhiên khỏe mạnh trở lại”.

Tháng 3, Thế Tổ khỏi bệnh, ban thưởng cho Trung Lương 500 lạng bạc, 30 súc lụa.

Tháng 5, Thế Tổ đi xe đến Thượng Đô nghỉ mát, sai người đến truyền đạt với Trung Lương rằng: “Quân phản loạn đã ẩn náu trong núi rừng, đã lâu không rời đi. Khanh và Hòa Lễ Hoắc Tôn dẫn quân đi tuần tra một phen”.

Họ vào đến trong núi, cảnh núi đồi vẫn bình thường như xưa. Không lâu sau, một đoàn quân phản loạn đông đảo kéo đến, bao vây họ 3 tầng, 3 ngày không rút lui. Trung Lương dẫn quân sĩ ban đêm rút đi, đến Thượng Đô, quân phản loạn hoàn toàn không hay biết. Hòa Lễ Hoắc Tôn cho rằng ông là Thần Tiên, đem việc này báo cáo lên Thế Tổ. Thế Tổ thưởng cho Trung Lương 10 lạng vàng.

Tháng 8, Hải Đô làm loạn ở khu vực Âm Sơn. Thế Tổ sai Hoàng tử Bắc Bình Vương Na Mộc Hãn, Thừa tướng An Đồng đi thảo phạt. Trung Lương tấu rằng: “Bẩm Thánh thượng, lần này bất lợi, sẽ có người tạo phản”. Thế Tổ không vui.

Tháng 12, Chư Vương Tích Lí Cát quả nhiên làm phản, bắt giữ Hoàng tử, Thừa tướng đến doanh trại của Hải Đô.

Thế Tổ triệu kiến Trung Lương và nói: “Trẫm nghe lời sàm ngôn mà trách tội khanh, giờ đây đúng là đã xảy ra như khanh đã nói. Khanh hãy cầu nguyện Thần, dùng bao nhiêu vàng trẫm cũng không tiếc”.

Trung Lương nói: “Thánh thượng không cần phải cầu nguyện Thần, năm Quý Mùi, Hoàng tử sẽ trở về”. Sau này quả nhiên ứng nghiệm.

Tháng 8 năm Chí Nguyên thứ 14 (năm 1278), Thế Tổ đóng quân ở phía bắc Long Hưng, Trung Lương tấu rằng: “Bẩm Thánh thượng, Tích Lý Cát phản loạn là vì Thừa tướng An Đồng không chú ý để họ được ăn uống đầy đủ. Ngày nay, những nhân viên cảnh vệ trong cung đình, mỗi ngày chỉ được ăn một trái dưa, sao có thể khỏi đói? Nên họ sẽ có oán hận”.

Thế Tổ biết sự việc thì vô cùng tức giận, cho đánh roi hai người quản lý ăn uống, điều chỉnh lại suất ăn cho những nhân viên cảnh vệ.

Tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 15 (năm 1279), nước sông Hoàng Hà khu vực Biện Lương trong suốt 300 dặm. Thế Tổ nói: “Năm Hiến Tông (Mông Kha, con trai trưởng của Duệ Tông Đà Lôi) chào đời, Hoàng Hà đã từng trong. Năm trẫm sinh ra Hoàng Hà cũng trong. Năm nay, Hoàng Hà lại trong, là nguyên nhân gì?”

Trung Lương trả lời rằng: “Bẩm Thánh thượng, Hoàng Hà lần này trong sẽ ứng nghiệm với trong cung Hoàng Thái tử”.

Thế Tổ đem chuyện này nói với Phù bảo lang Đổng Văn Trung rằng: “Đây không phải lời nói vô căn cứ, là có dấu hiệu”. Sau này, năm 1285, quả nhiên Thái tử qua đời.

Năm Chí Nguyên thứ 18 (năm 1282), Thế Tổ bổ nhiệm Điền Trung Lương làm Thái thường thừa. Thiếu phủ xây phủ đệ cho Chư vương Xương Đồng ở phía nam Thái miếu. Trung Lương đến đẩy đổ cột nhà. Thiếu phủ tấu lên Hoàng thượng. Thế Tổ hỏi Trung Lương. Trung Lương trả lời rằng: “Bẩm Thánh thượng, trước Thái miếu sao có thể là nơi xây dựng phủ đệ Chư vương được?”.

Thái Tổ nói: “Khanh nói rất đúng”.

Trung Lương lại tấu rằng: “Trước Thái miếu không có đường xe ngựa, là không phù hợp với lễ pháp”.

Thế Tổ lập tức ra sắc lệnh cho Trung thư tỉnh mở đường.

Theo quy định của hội điển quốc gia, ngày mồng một tháng 10, ở Thái miếu có hoạt động cúng tế. Có người đề nghị không dùng bò làm đồ cúng tế. Trung Lương tấu rằng: “Lương Vũ Đế dùng bột mì làm đồ cúng tế, sao đó ra sao?”

Thái Tổ nghe xong bèn tiếp nhận ý kiến của Trung Lương, đồng thời thăng cho ông làm Thái thường Thiếu khanh.

Năm Chí Nguyên thứ 20 (năm 1284), Nguyên Thế Tổ chuẩn bị tấn công Nhật Bản, triệu Trung Lương chọn ngày giờ xuất quân. Trung Lương tấu rằng: “Bẩm Thánh thượng, một nước nhỏ giữa biển nơi xa xôi lạc hậu, đâu đáng sử dụng đại quân của Hoàng thượng”.

Thế Tổ không nghe, sau này xuất quân bất lợi, các chiến thuyền bị gặp bão lớn trên biển, bị thất bại.

Thế Tổ không nghe lời Trung Lương, quả nhiên sau này các chiến thuyền quân Nguyên đánh Nhật Bản gặp bão, và bị thất bại. (Hình: Chiến thuyền Mông Cổ - Tranh Nhật Bản - phạm vi công cộng)

Năm Chí Nguyên thứ 24 (năm 1288), Trung Lương tấu xin xây dựng Thái Xã tế Đất ở bên phải triều đình, và xây dựng Giao Đàn tế Trời ở phía nam kinh thành. Không lâu sau, ông kiêm chức Dẫn tiến sứ. Năm Chí Nguyên thứ 29 (năm 1293), ông được thăng làm Thái thường khanh.

Năm Đại Đức thứ nhất (năm 1297), ông được thăng làm Chiêu văn quán Đại học sĩ, Trung phụng Đại phu, kiêm Thái thường Thái khanh. Năm Đại Đức thứ 11 (năm 1307), Nguyên Thành Tông băng hà, A Hốt Đài và một số người khác có mưu đồ riêng, chuẩn bị dùng danh nghĩa sắc lệnh của Hoàng hậu, thờ tế Thành Tông ở Thái miếu.

Trung Lương tranh luận rằng: “Hoàng đế kế thừa đại thống ra sắc lệnh thờ tế tiên đế ở Thái miếu, đó là hợp với quy định lễ nghi. Sắc lệnh của Hoàng hậu không hợp lễ chế”.

Nhóm người A Hốt Đài tức giận nói: “Chế độ là từ trên trời giáng xuống sao? Ngươi không sợ chết, dám ngăn cản đại sự”.

Trung Lương trước sau vẫn không thuận theo. Sau này, Nhân tông lấy thân phận là Thái đệ, phụng mệnh Hoàng Thái hậu, từ Hoài Châu đến kinh thành, bí mật bàn mưu với Trung Lương giết chết nhóm người A Hốt Đài. Sau khi Vũ Tông lên ngôi, Trung Lương được thăng làm Vinh lộc Đại phu, Đại tư đồ, được ban ấn bạc. Sau khi Nhân Tông lên ngôi, lại thăng ông làm Quang lộc Đại phu, cai quản Thái thường Lễ nghi viện.

Đường Trung Lương qua đời ở tuổi 75, được phong tặng Thôi trung Thủ chính Tá vận Công thần, Thái sư, Khai phủ Nghi đồng Tam tư, Thượng trụ quốc, lại được truy phong làm Triệu Quốc Công, thụy hiệu Trung Hiến.

Cả cuộc đời của Điền Trung Lương có nhiều thành tựu và gìn giữ. Về chuyên ngành thiên văn, tinh tượng, lịch pháp, ông dùng sinh mệnh mình để gìn giữ đại thống quốc gia, ổn định nền tảng quốc gia. Thụy hiệu của ông đã chứng thực cống hiến của vị âm dương gia này trung với nước, có nhiều công lao với xã tắc, được các quốc quân khẳng định.

(Nguồn tài liệu: Nguyên Sử)

Tường Hòa
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao nhà thuật số này lại được Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt trọng dụng