Tân Đại sứ Mỹ đến Bắc Kinh nhậm chức trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 4/3, Tân Đại sứ Hoa Kỳ Nicholas Burns đã đến nhận chức tại Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan, thương mại, nhân quyền và 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết, Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Nicholas Burns đến Bắc Kinh hôm thứ Sáu (4/3) cùng phu nhân Libby và một nhóm các nhà ngoại giao Mỹ khác và gia đình của họ. Đồng thời, ông Burns sẽ phải cách ly trong 3 tuần theo quy định của nước sở tại. Trong thời gian cách ly, Tân Đại sứ sẽ gặp trực tuyến với các nhân viên của phái bộ Mỹ.

Ông Nicholas Burns là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton. Ông Burns cũng là cựu đại sứ Mỹ tại Hy Lạp và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông từng giảng dạy tại Trường Harvard Kennedy, cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Joe Biden.

Ông nhận nhiệm vụ vào thời điểm mà quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết kế hoạch đi nhậm chức của ông Burns bị hoãn do đại dịch. Một nhóm nhân viên của phái bộ Hoa Kỳ và gia đình họ đi cùng ông.

Tổng thống Joe Biden đề cử ông Burns cho vị trí này và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào ngày 16/12/2021 với tỉ lệ 75 phiếu thuận - 18 phiếu chống.

Ông từng cho rằng, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc có thể kiểm soát được, nói rằng người Mỹ nên “tin tưởng vào sức mạnh của chúng tôi” khi đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCS Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Trung Quốc được coi là những đối thủ địa chính trị hàng đầu, đặc biệt là về ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của ĐCS Trung Quốc đang thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ.

Trong khi chính quyền ông Biden tuyên bố mong muốn có một mối quan hệ ổn định hơn và dễ đoán hơn, Washington đã duy trì mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt và tiếp tục xu hướng quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà nhà nước Trung Quốc tuyên bố là của mình. Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có quân đội, chính phủ dân chủ và hiến pháp riêng.

Gần đây nhất, ĐCS Trung Quốc đã bị kích động bởi một cuộc tẩy chay ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng trước để phản đối các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là việc giam giữ và ngược đãi hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tây Bắc Tân Cương.

ĐCS Trung Quốc cũng từ chối lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine, đổ lỗi cho Hoa Kỳ xúi giục xung đột bằng cách khuyến khích NATO mở rộng và từ chối xem xét các mối quan ngại về an ninh của Moscow.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc điện đàm hôm thứ Bảy (5/3) rằng, “Thế giới đang theo dõi xem quốc gia nào sẽ đứng lên bảo vệ các quyền lợi và nguyên tắc cơ bản về tự do, quyền tự quyết cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Vị trí đại sứ Mỹ ở Trung Quốc bị bỏ trống từ tháng 10/2020 sau khi cựu đại sứ Terry Branstad dưới thời cựu tổng thống Donald Trump từ chức.



BÀI CHỌN LỌC

Tân Đại sứ Mỹ đến Bắc Kinh nhậm chức trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia