Tết đoàn viên Trung Thu, kể lại câu chuyện gia đình Bạch Thiếu Hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Thu là dịp trăng tròn, nhưng trăng tròn mà lòng người không tròn. Ở đây trăng trong gió mát, nhưng còn Thiếu Hoa, lúc này anh có ổn hay không? Trong bóng tối nơi ấy, khi bình minh vẫn chưa ló rạng, anh hãy bảo trọng!

Lời nói đầu

Cuốn sách “Bảo tháp trong tâm” năm 2006 là ghi chép chân thực về cuộc bức hại đối với gia đình anh Bạch Thiếu Hoa, một học viên Pháp Luân Công. Phiên bản tiếng Anh ra mắt vào năm 2009 cũng gây được tiếng vang lớn trong xã hội phương Tây.

Trang bìa bản tiếng Anh của cuốn sách "Bảo tháp trong tâm" (Ảnh: Epoch Times)

Bi kịch gia đình anh Bạch là bản thu nhỏ của hàng triệu học viên Pháp Luân Công, câu chuyện trong sách cũng là những gì xảy ra với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi cuốn sách được xuất bản, nhưng cuộc bức hại tà ác của ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn. Đến nay vận mệnh gia đình anh Bạch vẫn luôn là câu chuyện khiến lòng người chấn động. Bạch Thiếu Hoa là chàng trai thiện lương, kiên nhẫn, trí tuệ sáng suốt. Trong những bức thư gửi cho tôi, anh rất hiếm khi kể về khổ nạn của cá nhân mình, chỉ thi thoảng mới thổ lộ một đôi lời, nhưng ẩn sau đó đều là điều khiến người ta rơi lệ.

Trung Thu là dịp trăng tròn, nhưng trăng tròn mà lòng người không tròn. Ở đây trăng trong gió mát, nhưng còn Thiếu Hoa, lúc này anh có ổn hay không? Trong bóng tối nơi ấy, khi bình minh vẫn chưa ló rạng, anh nhất định phải bảo trọng!

Dưới đây là vài mẩu chuyện được trích từ những lá thư Bạch Thiếu Hoa gửi cho tôi. Những câu chuyện này đến nay vẫn làm tôi xúc động. Nay tôi đăng lại một đôi lời và vài bài thơ họa từng khiến tôi rơi nước mắt, chia sẻ với những bạn đọc quan tâm tới anh. Hoa Doanh - một người bạn của Thiếu Hoa (Tết Trung Thu năm 2013 tại New York)

Bạch Thiếu Hoa (Ảnh: Epoch Times)

Câu chuyện của Bạch Thiếu Hoa

Con gái tôi sinh ra đúng vào ngày Pháp Luân Đại Pháp năm 2000 khi tôi (Bạch Thiếu Hoa) đang ở trong trại giam. Lúc ấy tôi đã bị bắt giữ phi pháp quá hạn gần nửa năm, lý do là vì vị chủ nhiệm đương thời Phòng 610 là Lý Lam Thanh đã ra chỉ thị “nghiêm túc xử lý Bạch Thiếu Hoa”, ngang nhiên bẻ cong pháp luật, giam giữ 10 tháng mới thả người. Tôi không thể ở bên vợ khi con gái sinh ra, đây cũng là điều tiếc nuối trong cuộc đời tôi. Sau khi được thả, tôi đã lặn lội tới Tân Cương để đoàn tụ cùng vợ và con gái. Nhưng chỉ được ba tháng, khi thấy con đã lẫy được, tôi lại đặt chân lên chuyến tàu trở về Bắc Kinh. Vợ tôi cảm thấy áp lực quá lớn khi quay về Bắc Kinh nên quyết định mang theo con đến Nam Kinh và làm kinh doanh.

Con gái Bạch Chân Vũ đang luyện công (Ảnh: Epoch Times)

Một năm sau tôi mới được gặp lại mẹ và vợ con, lần gặp mặt này khá nhiều trắc trở. Lúc ấy tôi và vài vị đồng tu cùng chuẩn bị ra nước ngoài, trên đường đi chúng tôi dừng chân ở Nam Kinh. Nhưng vì sự an toàn của mọi người nên tôi không thể tự ý đi thăm gia đình mình. Khi màn đêm buông xuống, tôi bước ra khỏi phòng và lên ban công, vọng nhìn về hàng vạn ánh sáng lập lòe ở thành Kim Lăng, biết bao nhung nhớ cứ trào dâng trong lòng.

Bạch Thiếu Hoa và vợ - Quý Lỗi (Ảnh: Epoch Times)

Sau khi biết chúng tôi không thể xuất ngoại, tôi bèn đến thăm ba mẹ con khi trên đường trở về Bắc Kinh. Tôi lấy ra bộ quần áo nhỏ mua tặng con gái, đó là bộ y phục mới mà tôi đã lựa chọn trong đống quần áo bán trên vỉa hè với giá 10 tệ. Con gái tôi đã biết đi rồi, con bé chập chững bước đến, và tất nhiên không nhận ra cha, vẫn còn sợ sệt trốn tránh tôi. Hôm ấy con bé không gọi tôi là cha, khiến tôi thấy có chút chua xót trong lòng. Lần đầu tiên con bé gọi cha là khi tôi đang ở trại lao động cưỡng bức, vợ tôi đưa con gái tới thăm tôi. Lúc ấy nó không biết vì sao cha lại ở đó, vì sao lại bị nhốt trong lồng mà không thể về nhà?

Con gái tôi Chân Vũ (Ảnh: Epoch Times)

Trong lúc ấy, phong ba bão táp ập đến gia đình tôi. Tôi không biết rằng anh trai tôi là Bạch Hiểu Quân đã không còn sống sót ra khỏi trại lao động Cát Lâm được nữa rồi. Trước kia anh bị giam một năm ở trại lao động, nhưng vì anh không chịu khuất phục nên họ đã đưa anh vào lớp tẩy não để tiếp tục chuyển hóa. Nhưng vẫn không thể khiến anh chịu khuất phục, họ lại giam anh ở trai lao động thêm ba năm nữa. Anh trai Hiểu Quân của tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ, vì có thành tích xuất sắc nên anh được Đại học Sư phạm Đông Bắc giữ lại làm giảng viên triết học. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trường Xuân đặc biệt khai đao với những người tri thức cao như Bạch Hiểu Quân.

Mẹ tôi kể về đoạn trải nghiệm khi tiễn biệt Hiểu Quân: Vào một buổi tối tháng 7/2003, khi mẹ đang trở về định bụng sẽ sống một mình ở quê nhà Giang Tô thì đội trưởng thôn đuổi theo và báo tin cho bà rằng, con trai bà đang cấp cứu trong viện. Cả hai con trai của bà đều ở trong trại lao động, vậy đó là đứa cả hay đứa thứ hai? Mẹ gặng hỏi mãi, chờ đợi mãi, trong lòng như lửa đốt, cuối cùng mới biết đó là đứa con trai lớn Bạch Hiểu Quân ở Trường Xuân.

Bạch Hiểu Quân bị bức hại đến chết tại trại lao động Triều Dương Câu ở thành phố Trường Xuân vào tháng 7/2003. Bức ảnh được chụp vào tháng 5 năm 1996. (Ảnh: Epoch Times)

Tháng 4/2002, họ tống anh trai tôi vào trại lao động Triều Dương Câu ở thành phố Trường Xuân để bức hại. Anh bị đánh đập đến trọng thương, sau đó được đưa đến Bệnh viện Công An để cấp cứu. Đầu năm 2003, anh xuất hiện triệu chứng bệnh lao phổi, đến tháng 7 khi ngay cả nước anh cũng không uống được nữa thì họ mới khiêng anh đến bệnh viện. Kết quả chụp X-quang cho thấy, toàn bộ lá phổi bên trái đều đã hoại tử rồi. Trại lao động thông báo người nhà đến thăm.

Mẹ tôi vội vội vàng vàng đến bệnh viện, nhưng khi đến nơi thì Hiểu Quân đã không còn trên đời nữa. Bác sĩ lặng lẽ nói với mẹ: “Cái chết này không bình thường”.

Mẹ tôi đến nhà tang lễ, bà nói: “Chỉ thấy con trai tôi nằm đó bất động, nét mặt gầy gò như vậy… Quân Nhi, mẹ đến gặp con đây rồi! Trong ba năm con bị khổ ngục đọa đày, mẹ không thể đến thăm con, mẹ xin lỗi… Ba năm trước khi con rời nhà để trở lại trường học, mọi thứ vẫn còn rất ổn mà, có ngờ đâu ba năm sau khi mẹ con ta gặp nhau lại là trong nhà tang lễ thế này!”

Ba ngày sau, mẹ tôi ôm tro cốt của Quân Nhi đến Bắc Kinh, dẫn theo con dâu vào trại lao động Đoàn Hà thăm tôi. “Ta nhất định phải đi xem xem, quyết không thể để họ cướp mất đứa con thứ hai của ta!”

Tháng 10/2004 tôi ra khỏi trại lao động, cuối cùng cũng có thể sống hạnh phúc bên gia đình. Tuy nhiên tôi rất nhanh lại trở nên bận rộn, bận rộn suốt cả mùa hè. Tôi đã hứa sẽ đưa con đi bơi, vậy mà mãi không thực hiện được. Vì thế, mỗi lần nhìn người ta đi bơi về tôi lại tự nhủ: Cho dù thế nào cũng phải sắp xếp thời gian đi một chuyến. Đưa con đi bơi, đó là điều tôi thiết tha mong mỏi, nhưng lại không thể thực hiện được.

Chân Vũ và mẹ (Ảnh: Epoch Times)

Trước ngày Quốc khánh năm 2005, tôi lại bị bắt. Lần này là cả hai vợ chồng tôi đồng thời bị bắt. Hai tháng sau, mẹ tôi đến trại lao động thăm con. Nhìn thấy mẹ, tôi sững sờ. Mẹ tôi đột nhiên lại gầy sọp đến mức như vậy, hốc mắt và huyệt Thái Dương lõm vào trong như cái hố vậy. Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau mà mẹ phải chịu đựng.

Sau này mẹ tôi kể rằng, mắt mẹ bắt đầu xuất hiện vấn đề là khi tôi bị bắt lúc đang từ Tân Cương trở về nguyên quán Hắc Long Giang. Từ khi Hiểu Quân ra đi, một bên mắt của mẹ đã hoàn toàn mất đi ánh sáng. Mẹ tôi biết mình bị tăng nhãn áp, cần phải làm phẫu thuật mới giữ được thị lực. Nhưng lúc ấy con dâu đang mang thai, đã thời gian dài không làm việc được, trong khi mọi thứ vẫn cần tiêu pha. Mẹ nghĩ, cho dù thế nào thì vẫn còn một con mắt, vậy bèn đưa tiền cho con dâu giữ, còn mình thôi không phẫu thuật nữa, trở về quê nhà ở Giang Tô, cô đơn một mình sống ở đó.

Năm 2005 tôi lại bị bắt đi cải tạo lao động, rất nhanh bị đưa đến trại lao động Cao Dương. Tôi nhất quyết tuyệt thực, sau ba tháng thì thân thể vô cùng yếu ớt, may nhờ có đồng tu cứu giúp tôi mới thoát ra khỏi trại lao động. Lúc ấy bắp chân bị co lại, tôi đã không thể đứng dậy được rồi. Tuy nhiên vào một đêm tháng 3/2006, khi tôi vẫn đang nằm trên giường thì cảnh sát bất ngờ ập đến. Họ phá cửa sổ đột nhập vào nhà và bắt tôi cùng với Lý Húc Bằng - người bạn đồng tu đang chăm sóc cho tôi. Nghe nói vì để có chiến lợi phẩm này, họ đã phải bao vây căn nhà suốt ba ngày ba đêm.

Bà nội và Chân Vũ (Ảnh: Epoch Times)

Con gái tôi vừa mới được đón về từ nhà ông ngoại được mấy ngày đã phải đối mặt với cảnh sinh ly tử biệt. Cảnh sát sai nhân viên bảo an khiêng tôi lên xe, con gái tôi đuổi theo mãi đến cửa xe cảnh sát, vọng nhìn tôi và gọi một tiếng cha. Ánh mắt ấy suốt một thời gian dài tôi không thể nào quên. Con bé ngỡ ngàng và bất lực, không cách nào lý giải thế giới này. Sau này mẹ tôi kể lại: đêm hôm ấy con bé nằm mơ mà miệng cứ gọi “bố, bố”.

Lưỡng hội Bắc Kinh vì muốn đạt được chỉ tiêu duy trì ổn định mà tùy tiện đẩy con người ta vào khổ nạn! Chỉ vì đến thăm tôi mà Lý Húc Bằng bị bắt vào trại lao động, đây là lần thứ bảy anh bị bắt, lại còn bị cưỡng bức lao động phi pháp thêm hai năm. Còn một người không thể đi lại và gần như mất năng lực hành vi như tôi, họ cho là không thể giữ ở Bắc Kinh nên đã đưa tôi đến nguyên quán của vợ ở Tân Cương. Bởi vì lúc ấy, từ Phòng Công an tỉnh Hắc Long Giang cho đến Cục Lâm nghiệp nơi tôi ở, họ đều đã xóa hộ khẩu của tôi. Cho nên dù tôi sống hay chết thì tỉnh Hắc Long Giang đều mượn cớ này từ chối nhận tôi về.

Con gái Chân Vũ (Ảnh: Epoch Times)

Một mình từ Tân Cương cấp tốc trở về, tôi đã có đoạn thời gian ở bên con. Vì muốn tránh bị công an dòm ngó, chúng tôi phải lang bạt kỳ hồ, đổi chỗ ở nhiều đến mức tôi không còn nhớ được là bao nhiêu. Có lúc vì không muốn liên lụy tới đồng tu, chúng tôi đã phải ăn gió nằm sương, tá túc ngoài đường. Cơ thể tôi suy nhược, chân bị đả thương, chỉ hơi khuỵu xuống một chút đã không chống đỡ được liền ngã nhào xuống. Mẹ tôi hơn 70 tuổi rồi, vậy mà cả ngày vẫn phải bôn ba theo hai bố con tôi, lại còn phải bận lòng về sự an nguy của tôi. Mang theo con nhỏ như thế này, thực sự tâm lực đều suy kiệt…

Một người bạn đồng tu chủ động nói với tôi rằng, anh ấy có thể giúp tôi nuôi dưỡng đứa bé. Giao con gái cho đệ tử Đại Pháp là yên tâm nhất, nhưng tôi vẫn không buông xả được con mình. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn nên gửi con cho đồng tu. Khi chia tay, con bé không muốn đi nên giả vờ ngã xuống mãi không chịu đứng dậy, lòng tôi cũng xót xa. Cuối cùng con bé biết rằng không thể nào làm khác được. Tôi đưa con lên xe hơi của bạn, lúc phải đóng cửa xe con bé òa khóc lên. Năm ấy, con gái tôi 6 tuổi. Cha con vừa mới ở bên nhau, chưa được bao lâu đã phải chia xa rồi! Trong tâm tôi không thể nói rõ đó là cảm giác gì, tôi chỉ muốn ôm con vào lòng và quên đi… Lần ly biệt này là 8 năm ròng… Con gái đã từ tiểu học lên trung học rồi.

Chân Vũ ở Tân Cương (Ảnh: Epoch Times)

Trong trại lao động, vợ tôi đã bị tà đảng mê hoặc lừa dối mà buông bỏ tu luyện. Sau đó dưới sự thôi thúc của người nhà, cô ấy đã ly hôn và đem con rời đi. Tôi và mẹ lại tiếp tục lưu lạc khắp nơi. Trước Thế Vận Hội Olympic năm 2008, vì cái gọi là “duy trì ổn định” mà tôi lại bị bắt giam lần nữa, bị đưa đến trại lao động Bạch Miếu Trịnh Châu. Mẹ tôi hiểu sâu sắc trại lao động của ĐCSTQ thực ra là gì, và con trai của bà có thể phải đối mặt với điều gì? Trong hơn một năm ấy, lần nào hội kiến mẹ cũng đến, cho dù có khuyên thế nào, cho dù có nói rằng không cần thiết phải đến nhưng bà vẫn nhất quyết đi thăm. Mẹ đã hơn 70 tuổi, mỗi chuyến phải đổi xe mấy lần, nhưng mẹ vẫn đi…

Một lần sau buổi gặp mặt, các bạn tù lại chạy đến hàn huyên với tôi. Họ hỏi: Người nhà có mang gì ngon tới không?

Tâm tôi nặng trĩu, tôi nói với họ: “Mẹ tôi chỉ mang đến lời này: Giữ vững mạng sống, nhất định phải giữ lấy mạng!”

Có một khoảng lặng, đó là điều họ không cách nào tưởng tượng được. Người ta sao có thể hiểu được: Trong cuộc bức hại này đệ tử Đại Pháp phải gặp những gì? Phải trải qua những gì?

Đến sinh nhật vợ, tôi vẽ một tấm thiệp mừng. Tranh vẽ năm 2009 trong Trại lao động cưỡng bức Bạch Miếu (Ảnh: Epoch Times)

Trong trại lao động tôi đã trải qua các hình thức bức hại như bị đánh đập, sốc điện, bị trói và treo lên, bị bức thực dã man. Khi hoàn cảnh tương đối lơi lỏng, tôi lại vẽ tranh, viết một vài câu thơ. Nhớ đến lúc sinh nhật của vợ, tôi vẽ một tấm thiệp, trên đó đề vài câu khích lệ cô ấy:

Mượn hoa ta tặng cho nàng
Hương hoa lắng đọng nắng vàng xưa kia
Gió sương lá biếc chia lìa
Hương thơm bất diệt chẳng hề đổi thay
Tâm thanh như ngọc có hay
Đất trời tươi mới nở đầy hoa xuân

Đến sinh nhật vợ, tôi vẽ một tấm thiệp mừng. Tranh vẽ năm 2009 trong Trại lao động cưỡng bức Bạch Miếu (Ảnh: Epoch Times)

Tôi rất thích nhìn ảnh con gái, vẻ mặt ngây thơ đáng yêu đó khiến tôi trong phút chốc quên đi áp lực bị bức hại. Tôi thường vẽ chân dung con gái, trong lòng có cảm giác như được tịnh hóa. Vẽ xong bức tranh, tôi cũng đề lên đó vài câu thơ ngắn:

Trời ban dòng suối mát lành
Giữa đời ô trọc trong xanh quản gì
Chính tín đường thẳng bước đi
Thành thiện nhẫn nại kiên trì viên dung.

Con gái tôi Chân Vũ. Tranh vẽ vào tháng 9/2008 tại trại lao động Bạch Miếu (Ảnh: Epoch Times)

Khi tôi bị giam trong nhà lao, cảnh sát thường dụ dỗ thế này: “Cậu sớm chuyển hóa chừng nào thì sẽ sớm về nhà chừng nấy, chúng tôi cũng là vì muốn người nhà của cậu sớm được đoàn viên”.

Tôi nói: Các anh nói xem, gia đình tôi vốn rất êm ấm, chỉ vì tôi bị nhốt ở đây nên mới không thể đoàn tụ. Mẹ tôi không có con trai chăm sóc, vợ tôi không có chồng ở bên, con tôi không có cha, chính các anh mới là người tạo ra bi kịch vợ con ly tán, gia đình nát tan. Tôi vô tội, các anh cần phải thả tôi ra mới đúng!

Năm 2009 tôi ra khỏi trại lao động, mẹ tôi và tôi đã phải nương tựa vào nhau. Trong gió thảm mưa sầu của cuộc bức hại vẫn chưa kết thúc này, “nhà” của hai mẹ con tôi chỉ như con thuyền nhỏ trên biển lớn mênh mông. Mỗi lần ra ngoài, nếu tôi không kịp thời báo tin an toàn cho mẹ thì bà sẽ phải chịu đựng nỗi giày vò tinh thần với đủ loại lo lắng. Nếu không nhờ tu luyện, không có nền tảng thăng hoa tâm tính, thì có lẽ mẹ đã không thể vượt qua được.

Thế nhưng cuộc đời đầy những điều bất trắc. Trong một lần chuyển chỗ ở, mẹ tôi bị tiêu chảy không ngừng, sau đó con mắt còn lại cũng mất đi ánh sáng. Đối với bà đây là một đòn đánh về cả thể xác lẫn tinh thần. Là mẹ của một gia đình học viên Pháp Luân Công, bà đã phải chịu đựng quá nhiều, trải qua đủ mọi bi thương nơi trần thế. Đột nhiên một ngày, mẹ ra đi không một lời trăng trối, cứ như thế vội vã rời khỏi nhân thế.

Khoảnh khắc đó tôi đã không thể chịu đựng được, tôi ôm mẹ trong lòng, tôi cứ tưởng rằng vẫn có thể gọi mẹ dậy. Mẹ ơi, mẹ đã nói là sẽ đợi đến khi cuộc bức hại kết thúc, đến ngày Pháp chính nhân gian cơ mà! Hay là mẹ cảm thấy quá mệt mỏi, quá nặng nề, mẹ liền bỏ lại những bi thương thống khổ của thế gian và rời đi? Mẹ ơi, cuộc đời mẹ quá khổ rồi… Một nỗi bi thương cự đại cứ thế lấp đầy lồng ngực tôi.

Tranh vẽ Bồ Tát, vẽ ở trại lao động Bạch Miếu vào cuối tháng 10 năm 2008 (Ảnh: Epoch Times)

Đưa tiễn mẹ, vẫy tay từ biệt người thân thích cuối cùng của nhà họ Bạch, giờ đây tôi chỉ còn lại một thân một mình. Tôi lại ngẩng đầu, quên đi những cay đắng, để nỗi buồn và niềm vui theo gió bay đi. Và tôi lại tiếp tục tiến về phía trước…

Theo Hoa Doanh - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tết đoàn viên Trung Thu, kể lại câu chuyện gia đình Bạch Thiếu Hoa