Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ: ĐCSTQ tiếp tục lợi dụng tôn giáo ‘để đạt được mục đích chính trị’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã phát hành một tờ thông tin về 'Tự do Tôn giáo ở Trung Quốc' vào tháng 12/2022, trong đó khẳng định rằng, chính quyền Trung Quốc đã và đang lợi dụng tôn giáo để 'đạt được mục đích chính trị'.

Với tiêu đề “Tôn giáo do nhà nước kiểm soát và vi phạm tự do tôn giáo ở Trung Quốc”, tờ thông tin phân tích về “các hiệp hội tôn giáo yêu nước” do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, cũng như vai trò của họ đối với “những vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng” ở Trung Quốc.

Dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), năm tôn giáo được chính thức công nhận ở Trung Quốc, bao gồm: Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, Tin lành và Hồi giáo. Bảy tổ chức do nhà nước kiểm soát chính thức chủ trì các cộng đồng tôn giáo này, đảm bảo rằng họ “yêu nước” và “trung thành về mặt chính trị với ĐCSTQ”.

Các tín đồ tôn giáo phải yêu nước và trung thành với ĐCSTQ

Bảy tổ chức tôn giáo, mỗi tổ chức có mạng lưới chi nhánh trên toàn quốc, bao gồm:

  1. Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc (Buddhist Association of China)
  2. Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc (Chinese Taoist Association)
  3. Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (Chinese Catholic Patriotic Association)
  4. Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo Trung Quốc (Bishops’ Conference of the Catholic Church in China)
  5. Phong trào Yêu nước Tam tự của các Giáo hội Tin lành (Protestant Three-Self Patriotic Movement)
  6. Hội đồng Cơ đốc giáo Trung Quốc (China Christian Council)
  7. Hiệp hội Hồi giáo Trung Quốc (Islamic Association of China)

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Ương ĐCSTQ (United Front Work Department) và Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo Trung Quốc (State Administration for Religious Affairs - SARA) giám sát bảy tổ chức tôn giáo này. Nội quy của ĐCSTQ quy định rằng, họ là các “tổ chức tôn giáo yêu nước”, với mục đích rõ ràng là “đoàn kết và hướng dẫn” các thành viên trong cộng đồng tôn giáo tương ứng của họ “ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ và hệ thống xã hội chủ nghĩa”, theo tờ thông tin của USCIRF.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Các cá nhân được cho là đại diện của năm tôn giáo được chính thức công nhận tại Trung Quốc - Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin lành - đứng trên sân khấu và cùng nhau hát các bài hát “văn hóa đỏ” và mặc trang phục tôn giáo của họ. (Ảnh chụp màn hình tại Weibo.com)

Tờ thông tin của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ giải thích, thuật ngữ “Yêu nước" là một uyển ngữ (euphemism) biểu hiện cho lòng trung thành chính trị với ĐCSTQ.

Tờ thông tin cho biết, ĐCSTQ đã lợi dụng các nhóm tôn giáo “như một phương tiện để đạt được mục đích chính trị”, chứ không phải nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo. Theo đó, việc ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ mới là ưu tiên hàng đầu - như đã được xác định bằng một bộ quy tắc và quy định được gọi là “Các biện pháp quản lý các nhóm tôn giáo”. Các quy tắc này quy định rằng, “độ tin cậy chính trị” là yếu tố cần thiết đối với các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức tôn giáo. Do đó, các tổ chức này phải “ủng hộ và thúc đẩy sự lãnh đạo của ĐCSTQ cũng như các quan điểm chính trị của ĐCSTQ".

Các chính sách tôn giáo ở Trung Quốc được phát triển từ các cấp cao nhất của ĐCSTQ và được thực thi thông qua các cấp của các nhóm tôn giáo, cho đến tận cấp địa phương, với sự hậu thuẫn của các cơ quan thực thi pháp luật.

Hán hóa tôn giáo

Một chủ đề chính của tờ thông tin là thuật ngữ “Hán hóa tôn giáo” (sinicization of religion). Theo cách sử dụng của ĐCSTQ, “Hán hóa” đề cập đến quá trình sắp xếp các tín ngưỡng và đức tin tôn giáo sao cho phù hợp với hệ tư tưởng của ĐCSTQ.

Các tài liệu do các tổ chức tôn giáo Trung Quốc phát hành trong những năm gần đây nêu chi tiết các kế hoạch 5 năm nhằm Hán hóa Công giáo, Hán hóa Cơ đốc giáo, và Hán hóa Hồi giáo.

Theo tờ thông tin, chủ đề chung của các kế hoạch này là nỗ lực “Hán hóa cách giải thích các giáo lý tôn giáo, bài giảng, nghi lễ và phong cách kiến trúc của những nơi thờ cúng để phù hợp với yêu cầu về chính sách và ý thức hệ của ĐCSTQ”.

Các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát đã nhúng tay vào việc thay đổi, kiểm duyệt và kiểm soát nội dung của các văn bản tôn giáo như Kinh thánh và Kinh Qur'an, cũng như các học thuyết, bài giảng và thánh ca, để đảm bảo chúng phù hợp với cách giải thích tôn giáo của ĐCSTQ về chính sách, mục tiêu chính trị.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cây cột của một nhà thờ Công giáo bị phá hủy ở Bộc Dương, tỉnh Hà Nam miền trung Trung Quốc vào ngày 13/8/2018. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Các nhóm tôn giáo này cũng tiếp tay cho ĐCSTQ trong việc phá hủy, dỡ bỏ hoặc sửa sang lại những nơi thờ cúng, thay đổi phong cách kiến ​​trúc và các biểu tượng tôn giáo “quá xa lạ hoặc không đủ Hán hóa”.

Theo một báo cáo vào tháng 3/2019 của Radio France Internationale, Chủ tịch Phong trào Yêu nước Tam tự của các Giáo hội Tin lành, ông Từ Hiểu Hồng (Xu Xiaohong) đã cảnh báo Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của ĐCSTQ rằng, các phần tử phương Tây chống ĐCSTQ đang lợi dụng Cơ đốc giáo để lật đổ chính quyền của ĐCSTQ. Do đó, ông tuyên bố, "cần phải xóa sổ không thương tiếc những dấu vết của tôn giáo ngoại lai khỏi Cơ đốc giáo Trung Quốc", với việc Hán hóa là "quyết định tất yếu" của nhà thờ Trung Quốc.

Cuộc đàn áp ở Tân Cương và Tây Tạng

Dưới chính sách của ĐCSTQ, những tín đồ tôn giáo không chịu khuất phục trước sự kiểm soát ý thức hệ của Đảng này sẽ bị bức hại nghiêm trọng. Người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng đã bị đối xử đặc biệt tàn khốc.

Các chương trình Hán hóa cũng bao gồm việc giam giữ tùy tiện và bất hợp pháp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Các chiến dịch này của ĐCSTQ bao gồm việc ép buộc các Phật tử Tây Tạng từ bỏ niềm tin vào Đức Đạt Lai Lạt Ma, đồng thời can thiệp vào việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ ở Tây Tạng.

ĐCSTQ cũng can thiệp vào việc lựa chọn Đức Phật hóa thân tái sinh tiếp theo của người Tây Tạng, vốn là trọng tâm trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc bảo vệ lối ra khi các nhà sư Tây Tạng rời sân vận động vào cuối lễ hội do chính quyền địa phương hậu thuẫn ở Yushu, thuộc tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, vào ngày 25/7/2016. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)

Tờ thông tin cũng đề cập đến vụ bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do nhà nước hậu thuẫn. Ban Thiền Lạt Ma được coi là nhà lãnh đạo tinh thần quan trọng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng, chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Sau cái chết của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 vào năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận cậu bé 6 tuổi Gedhun Choekyi Nyima là tái sinh của Ban Thiền Lạt Ma. Ba ngày sau, cậu bé này cùng với gia đình mình đã bị bắt cóc, và kể từ đó người ta không còn thấy tung tích của họ nữa.

Sau đó, ĐCSTQ đã đưa ra lựa chọn của riêng mình đối với Ban Thiền Lạt Ma, một nhân vật do nhà nước kiểm soát, người tích cực ủng hộ ĐCSTQ và chính sách Hán hóa của ĐCSTQ ở Tây Tạng.

Tờ thông tin “Tự do tôn giáo ở Trung Quốc” kết luận rằng, các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát đồng lõa với các hành vi vi phạm tự do tôn giáo của ĐCSTQ. Đồng thời, vì họ không được thực hành tôn giáo chân chính, do đó họ cũng trở thành nạn nhân của chính sách tôn giáo của ĐCSTQ. Theo đó, “bất kỳ sự bất trung và bất đồng công khai nào với ĐCSTQ và chính phủ Trung Quốc đều sẽ dẫn đến những hình phạt nghiêm khắc".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ: ĐCSTQ tiếp tục lợi dụng tôn giáo ‘để đạt được mục đích chính trị’