Thưởng thức nghệ thuật thư pháp Khải thư của Ngu Thế Nam qua tác phẩm ‘Khổng Tử miếu đường bi’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời nhà Đường, phong cách nghệ thuật của các thể thư pháp đều truy cầu pháp độ nghiêm cẩn, cảnh giới bác đại tinh thâm, trong đó thể Khải thư phát triển vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, đã đạt đến độ hoàn mỹ vào thời nhà Đường, tỏa ánh quang rực rỡ. Thời Đường có nhiều nhà thư pháp thể Khải nổi danh, các tác phẩm của họ đã trở thành kinh điển cho hậu thế noi theo.

Do ảnh hưởng của Đường Thái Tông cực kỳ yêu thích nghệ thuật thư pháp Vương Hi Chi, nên thời sơ Đường đã sinh ra bốn đại gia thư pháp: Âu Dương Tuần, Ngu Thế Nam, Trữ Toại Lương và Tiết Tắc, phong cách Khải thư của họ đều dựa trên thế bút, bút pháp cùng khí vận của thư pháp Vương Hi Chi làm cơ sở, đồng thời hòa quyện với phong vận văn bia thời Hán Ngụy, truy cầu vẻ đẹp ‘Xung hòa chi mỹ’ (cái đẹp thanh đạm bình hòa) cùng cảnh giới ‘Tận thiện tận mỹ’, nên mới có câu rằng: ‘Thư chí Sơ Đường nhi cực thịnh’ (Thư pháp tới thời Sơ Đường là đạt đến cực thịnh).

Bức Khải thư mẫu mực “Khổng Tử miếu đường bi”

Bức Khải thư này của Ngu Thế Nam là kiệt tác được ông viết vào năm ông 67 tuổi, trở thành bức Khải thư truyền thế “Thiên thu chí bảo”( báu vật ngàn năm). Tác phẩm ‘Khổng Tử miếu đường bi’ triển hiện diện mạo thời đại mới của thể thư pháp: Chính thư Khải pháp, được xưng tụng là bức ‘Khải pháp cực tắc’ (thư pháp thể Khải cực kỳ chuẩn tắc mẫu mực). Tác phẩm này đã nạp khí vận vào pháp độ, hòa hình chất vào thần thái, triển hiện sự kết hợp hoàn mỹ giữa nội dung với hình thức thư pháp.

Ông Phương Cương - thư pháp gia kiêm kim thạch gia (tức người khắc triện, nghiên cứu cổ văn tự) vào những năm Gia Khánh Càn Long đời nhà Thanh, đã chỉ ra chỗ đặc sắc của tác phẩm: ‘Lấy nét bút tròn đầy làm chủ, để bảo tồn bút ý của người viết thời Ngụy Tấn, chỉnh thể tự nhiên nhàn tản thoát tục, chữ viết đan xen to nhỏ có trật tự, biến hóa khôn lường, linh động ung dung. Được xem là mẫu mực của thể Khải thư’

Bức “Khổng Tử miếu đường bi” là kiệt tác báu vật ngàn năm thời nhà Đường của nhân tài xuất thế Ngu Thế Nam. Bản in rập có hai nguồn từ thời Đường và thời Tống; Ông Phương Cương - kim thạch gia thời nhà Thanh, ghi chú bên cạnh. (Miền công cộng)

Tại sao cần lập “Khổng Tử miếu đường bi”?

Nội dung bức “Khổng Tử miếu đường bi khảo” viết gì? Xem phần chú thích về nguyên do lập bia có ghi, Đường Thái Tông tôn sùng Khổng Tử là bậc tiên Thánh, đồng thời đây là giai đoạn lịch sử đại hưng Nho học.

Theo ghi chép trong “Tân Đường Thư”, trước thời Đường Thái Tông, nghi lễ quốc học tế bái Chu Công thì kết hợp cả với việc tế lễ thầy Khổng Tử. Năm Trinh Quán thứ hai, hạ thần dâng tấu chuyển lễ tế quốc học thành tế tự Khổng Phu Tử, Đường Thái Tông đồng thuận, tôn xưng Khổng Tử là bậc Tiên Thánh, từ đó đại hưng Nho học, đồng thời lấy tư tưởng đạo đức Nho gia làm khuôn mẫu trị thế.

Phương thức cụ thể của Đường Thái Tông đại hưng Nho học như thế nào? Theo ghi chép trong “Cựu đường thư”, Đường Thái Tông ‘Đại trưng thiên hạ Nho sĩ, dĩ vi học quan’ (Tuyển dụng Nho sĩ khắp thiên hạ để làm quan dạy học), học sinh quốc học mà có thể đọc thông một bộ kinh trở lên là được bổ nhiệm chức Tiểu lại, làm cho Nho học phát triển cực thịnh, trước đây chưa từng có - “Nho học chi thịnh, cổ tích vị chi hữu dã”.

Khi ấy nhân tài tinh thông kinh điển Nho gia tề tựu, có tới trên 8 nghìn người lên lớp giảng dạy.

Thử nghĩ xem, xưa nay toàn thế giới có bao nhiêu ‘Đại học’ lớn như vậy? Khi ấy, đại học nhà Đường đã trở thành nơi hội tụ nhân tài đại học quốc tế, rất nhiều quốc gia nghe tiếng lành đồn xa mà đến, như Cao Ly, Bách Tề, Tân La, Cao Xương, Thổ Phồn, các Tù trưởng bộ tộc đều cho con em tới học đại học ở Đại Đường.

Do vậy, Đường Thái Tông lệnh cho Ngu Thế Nam soạn văn, dùng Khải thư viết lên bia văn “Khổng Tử miếu đường bi”. Ngu Thế Nam lấy bản viết mực dâng lên Đường Thái Tông. Tháng 10 năm Trinh Quán thứ 2, bia đá khắc xong, đặt tại miếu Khổng Tử mới ở Trường An. Văn bia cao 280 cm, rộng 110 cm; khắc 35 hàng Khải thư, mỗi hàng 64 chữ.

Người hâm mộ học chữ quá đông, sao rập không ngày nào vắng, bia nhanh chóng bị hỏng.

Ngày bia văn hoàn thành, tin lành trùm thiên hạ, người đến sao in rập chen vai sát cánh, hàng ngày đều có rất nhiều người tụ tập dưới bia để sao in, kết quả là không lâu sau bia bị hỏng.

Trong “Canh Tý tiêu hạ ký”, Tôn Thừa Trạch thời nhà Thanh có ghi: ‘Khi ấy ngựa xe tụ tập dưới bia, sao in rập không ngày nào vắng, nên không lâu sau bia hỏng’

Có thể thấy thế nhân trân quý ái mộ bức ‘Khổng Tử miếu đường bi’ tới mức nào.

Ngàn vàng khó mua một bản

Bản ‘Khổng Tử miếu đường bi’ ngày nay là bản in rập sau thời nhà Đường. Vào thời nhà Tống, bản in rập thời Đường đã trở lên cực hiếm, một bản có giá tới ngàn lạng vàng.

Theo ghi chép trong “Canh Tý tiêu hạ ký”, thư pháp gia Hoàng Đình Kiên thời Tống là một trong rất ít người đã từng được xem bản in rập thời Đường, ông nói: ‘Khổng miếu Ngu thư Trinh Quán khắc, thiên lượng hoàng kim na cấu đắc?’ (Bức thư pháp của Ngô Thế Nam khắc vào năm Trinh Quán ở miếu Khổng Tử, nghìn lạng vàng mua được hay chăng?)

Đường Thái Tông học thư pháp từ Ngu Thế Nam

Thầy dạy thư pháp của Ngu Thế Nam là sư thầy Trí Vĩnh người cùng quận. Trí Vĩnh là truyền nhân của Vương Hi Chi. Ngu Thế Nam cần cù học tập nghiên cứu thâm sâu, ‘Diệu đắc kỳ thể’ (Thật có cơ duyên vi diệu, lĩnh hội được toàn thể yếu lĩnh của thư pháp), nổi danh ngay thời ấy.

Chân dung Ngu Thế Nam trong “Nhị thập tứ công thần đồ” của Lăng Yên Các. (Miền công cộng).

Trong tác phẩm “Tục thư đoạn”, Chu Trường Văn thời Tống khen Ngu Thế Nam là hậu sinh khả úy: ‘Ngu Thế Nam học từ thầy Trí Vĩnh, lĩnh hội đến tận cùng thư pháp, còn có chỗ vượt hơn, thư pháp thể Lệ, thể Hành đều là kiệt tác tuyệt diệu.’

Đường Thái Tông cực kỳ yêu thích thư pháp Vương Hi Chi, nên theo Ngu Thế Nam học thư pháp. Ttrong cuốn ‘Thư sử hội yếu’ có một câu chuyện có thể cung cấp cho hậu thế một góc nhìn về công phu thư pháp của Ngu Thế Nam.

Thái Tông học chữ Ngu Thế Nam, nhưng viết chữ “戈” (qua - ngọn giáo) phần chân mãi không giống. Có lần Đường Thái Tông viết chữ “戬” (tiển), nhưng đột nhiên chỉ viết nửa trái chữ, lệnh cho Ngô Thế Nam viết nốt chữ “戈” bên phải, sau đó mang cho Ngụy Trưng xem.

Ngụy Trưng vừa nhìn đã nói ngay: ‘Nay nhìn thư pháp của Thánh thượng, chỉ có chữ qua “戈” trong chữ tiển 戬 là giống mà thôi.’

Thái Tông nghe xong thở dài, khen Ngụy Trưng tinh tường, từ đó càng thêm nỗ lực rèn luyện thư pháp không dám trễ nải.

Từ câu chuyện về nguồn gốc bức thư pháp để đời “Khổng Tử miếu đường bi”, chúng ta càng thêm kính phục công phu thư pháp cùng thành tựu quý báu của nhà thư pháp lừng danh Ngu Thế Nam.

Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thưởng thức nghệ thuật thư pháp Khải thư của Ngu Thế Nam qua tác phẩm ‘Khổng Tử miếu đường bi’