TikTok chính thức thừa nhận nhân viên ở Trung Quốc có quyền truy cập dữ liệu người dùng ở Âu - Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 2/11, TikTok đã chính thức lên tiếng thừa nhận rằng nhân viên của họ ở Trung Quốc có khả năng truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng ở các quốc gia châu Âu cũng như Vương quốc Anh và Mỹ. Điều này đã dấy lên lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu của ứng dụng này.

Hôm 2/11, TikTok đã lên tiếng thừa nhận về việc này sau nhiều năm bị quốc tế lên án, đặc biệt là từ các quốc gia Châu Âu, Vương quốc Anh và Mỹ. Phương Tây lo ngại rằng mọi thông tin cá nhân của người dùng có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc.

Ứng dụng này đang bị chính quyền phương Tây giám sát gắt gao. ByteDance, công ty mẹ của nền tảng này, trước đó liên tục phủ nhận rằng họ bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

TikTok nỗ lực giải thích về một lỗ hổng bảo mật

Vào ngày 2/11, doanh nghiệp truyền thông xã hội này đã phát hành một thông cáo báo chí tuyên bố rằng, "chính sách bảo mật" của họ là "dựa trên nhu cầu được chứng minh là cần thiết để phục vụ công việc".

TikTok cho biết, chính sách này áp dụng cho “khu vực kinh tế Châu Âu, Vương quốc Anh và Thụy Sĩ”.

Bà Elain Fox, người đứng đầu về quyền riêng tư của TikTok ở châu Âu cho biết, các nhân viên của công ty có thể truy cập thông tin người dùng trên ứng dụng với mục tiêu giúp nền tảng mang lại trải nghiệm “nhất quán, thú vị và an toàn” cho người dùng.

Thượng nghị sĩ bang Cộng hòa: Thỏa thuận bảo mật TikTok được báo cáo của quản trị viên của Biden là một 'Thỏa thuận tồi'
Mọi người đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, ở Bắc Kinh vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Bà Elain Fox cho hay: “Dựa trên nhu cầu được chứng minh là cần thiết để phục vụ công việc của họ, tuân theo một loạt quy trình kiểm soát và phê duyệt bảo mật chặt chẽ, cũng như các phương pháp được công nhận theo GDPR, chúng tôi cho phép một số nhân viên nhất định trong TikTok ở Brazil, Canada, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ, truy cập từ xa vào dữ liệu người dùng TikTok châu Âu”.

Bà nói: “Các nỗ lực của chúng tôi tập trung vào việc giảm số lượng nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng châu Âu, giảm luồng dữ liệu vượt ra ngoài khu vực và lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu tại địa phương".

Bà đính chính rằng, ứng dụng không thu thập dữ liệu định vị chính xác từ người dùng ở Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU).

EU sẽ ban hành một luật mới, được cho là có ảnh hưởng đến cách các công ty sử dụng thông tin cá nhân của người dùng và dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào ngày 25/5/2023.

Ông Brendan Carr, ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), phát biểu tại hội nghị CPAC ở National Harbour, Maryland, hôm 29/2/2020. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Các nhà chức trách Mỹ cảnh báo về một cuộc tấn công khác trên TikTok

Những lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu của nền tảng TikTok đã khiến thành viên cấp cao của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (Federal Communications Commission - FCC), ông Brendan Carr, kêu gọi cấm TikTok ở Mỹ với lý do là dữ liệu người dùng có thể rơi vào tay của các quan chức lãnh đạo ĐCSTQ.

Ông Brendan Carr, một ủy viên tại FCC, nói với tờ Axios rằng: “Tôi không cho là có một con đường nào khác ngoài lệnh cấm".

Ông Carr cho biết, ông đã yêu cầu Apple và Google xóa ứng dụng TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ do lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của TikTok đã phản hồi những lo ngại của ông Carr với tờ Anxios rằng: “Ủy viên Carr không có vai trò gì trong các cuộc thảo luận bí mật với chính phủ Mỹ liên quan đến TikTok. Ông ấy dường như chỉ đang bày tỏ quan điểm độc lập với vai trò là Ủy viên FCC”.

Vào tháng 6 năm nay, TikTok cho biết họ đã chuyển dữ liệu của người dùng Mỹ sang các máy chủ do tập đoàn công nghệ khổng lồ Oracle của Mỹ điều hành ở Austin, bang Texas.

Tháng trước, TikTok đã phủ nhận một bài báo của tờ Forbes rằng, một nhóm nhân viên Trung Quốc tại ByteDance đang sử dụng ứng dụng để theo dõi vị trí của công dân Mỹ mà không có sự đồng ý của họ.

Bài báo của Forbes cho biết, ByteDance đã cố gắng thu thập dữ liệu vị trí của một công dân Mỹ ít nhất hai lần. Đài CNBC hôm 21/10 đưa tin, TikTok đã phủ nhận các cáo buộc từ Forbes.

Trong một loạt tweet, nhóm truyền thông của TikTok cho biết, báo cáo này của tờ Forbes thiếu "cả tính chặt chẽ và tính chính trực báo chí".

Trong một bài đăng khác trên Twitter, Tiktok nói rằng, "Forbes đã chọn không đưa phần tuyên bố của chúng tôi mà bác bỏ tính khả thi của cáo buộc cốt lõi của họ: TikTok không thu thập thông tin vị trí GPS chính xác từ người dùng Mỹ, có nghĩa là TikTok không thể giám sát người dùng Mỹ theo cách mà bài báo đưa tin".

Nhóm truyền thông của TikTok nói thêm rằng, ứng dụng của họ chưa bao giờ được sử dụng để "nhắm mục tiêu" vào bất kỳ thành viên nào của chính phủ Mỹ, nhà hoạt động, nhân vật của công chúng hay nhà báo.

Các lập trình viên TikTok có trụ sở tại Trung Quốc cũng bị cáo buộc truy cập thông tin cá nhân của người dùng ở Washington, bao gồm số điện thoại và ngày sinh, tờ BuzzFeed đưa tin vào tháng 6.

Một bài báo khác của tờ Buzzfeed vào tháng 7 đưa tin rằng, TikTok cũng yêu cầu các nhân viên của họ thúc đẩy việc lấy điểm ủng hộ Bắc Kinh đối với người dùng Mỹ trên ứng dụng này.

ByteDance phủ nhận cả hai cáo buộc của tờ Buzzfeed.

Vào năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các quan chức Mỹ cấm cửa ứng dụng TikTok vì lo ngại rằng, dữ liệu người dùng ở Mỹ sẽ bị chia sẻ cho ĐCSTQ. Động thái này đã buộc ByteDance phải bán TikTok cho một công ty Mỹ.

Tuy nhiên, lệnh hành pháp kể trên đã bị một thẩm phán liên bang Mỹ tạm dừng trước khi lệnh này bị Tổng thống Joe Biden thu hồi vào năm 2021.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) phát biểu tại Heritage Foundation ở Mỹ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Tổng thống Biden đối mặt với áp lực của lưỡng đảng xung quanh vấn đề bảo mật của TikTok

Theo nguồn tin của tờ The New York Times hồi tháng 9, các lãnh đạo ByteDance và chính quyền ông Biden đang thảo luận để đưa ra giải pháp xung quanh các vấn đề bảo mật của TikTok.

“Tôi từng nói với mọi người nhiều năm trước rằng, TikTok là một công cụ của ĐCSTQ, nhưng ông Biden lại mời 'những người có ảnh hưởng' của TikTok đến Nhà Trắng", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio (bang Florida), cho biết.

Sau khi vấp phải lời chỉ trích dữ dội, ông Biden đã ra lệnh cho Bộ Thương mại đánh giá lại mối đe dọa an ninh quốc gia do các ứng dụng như TikTok gây ra từ các quốc gia đối đầu với Mỹ như Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi ứng dụng TikTok tại các chiến dịch chính trị để tiếp cận cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã khiến cuộc tranh cãi trở nên gay gắt, tờ The Washington Post đưa tin.

Hiện nay, lưỡng đảng ngày càng phản đối việc sử dụng ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc này.

“Đây không phải là điều mà quý vị thường nghe từ tôi, nhưng ông Donald Trump đã đúng khi nói về TikTok từ nhiều năm trước", Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner, người đứng đầu ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ phát biểu trong chuyến thăm Australia, tờ The Sydney Moring Herald đưa tin vào ngày 25/10.

“Nếu quốc gia bạn sử dụng điện thoại Huawei, nếu con cái bạn sử dụng ứng dụng TikTok, nếu người dân của đất nước bạn sử dụng WeChat làm nền tảng truyền thông xã hội, thì tôi nghĩ rằng, sức ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ trở thành một thách thức còn lớn hơn nhiều và là mối đe dọa tức thời hơn nhiều so với bất kỳ kiểu xung đột vũ trang nào trên thực tế", ông nói.

Ông nói: “Việc Trung Quốc sở hữu sự thống trị về công nghệ này ở một số quốc gia khiến chúng tôi không khỏi khiếp sợ. Bởi vì chúng tôi đang thấy một chế độ độc tài mà họ đã tạo ra ở Trung Quốc".

Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện cho rằng, “dữ liệu mà TikTok thu thập về người dùng Mỹ, chẳng hạn như lịch sử duyệt web và tìm kiếm, sinh trắc học, dữ liệu vị trí và các siêu dữ liệu khác, một khi rơi vào tay của ĐCSTQ sẽ gây ra một mối nguy lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ", theo đài Fox News.

Nhân viên cũ: Chủ sở hữu TikTok ByteDance bị buộc tội quảng cáo nhắn tin ủng hộ Trung Quốc
Lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Trump về việc cấm TikTok ở Mỹ đã bị chính quyền ông Biden thu hồi. (Ảnh: Antonbe/Pixabay)

Các nhà chức trách châu Âu và Anh bắt đầu điều tra TikTok

Trong khi đó, Quốc hội Anh đã đóng cửa tài khoản TikTok của mình vào tháng 8, sau khi các thành viên của Quốc hội nước này nêu quan ngại về nguy cơ dữ liệu cá nhân của họ bị chuyển cho ĐCSTQ.

Các Nghị sĩ Anh yêu cầu phải đóng ứng dụng cho đến khi TikTok đưa ra "đảm bảo đáng tin cậy" rằng, ĐCSTQ sẽ không có quyền truy cập vào dữ liệu của họ.

TikTok cũng đang phải đối mặt với khoản tiền phạt tương đương 30 triệu USD ở Vương quốc Anh vì không bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em khi sử dụng ứng dụng này, đài BBC đưa tin.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu, cơ quan giám sát quyền riêng tư của Ireland, cũng đang điều tra TikTok về vấn đề quyền riêng tư của trẻ em. Đồng thời, chính phủ Ireland cũng đang cân nhắc xem việc TikTok gửi dữ liệu thu thập được từ các quốc gia EU trở về Trung Quốc có phù hợp với các quy định của EU hay không, theo nguồn tin từ đài BBC.

TikTok là ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất trên khắp thế giới và đã được tải xuống gần 4 tỷ lần.

Công ty mẹ của TikTok, ByteDance đã kiếm được hơn 6,2 tỷ USD doanh thu kể từ khi ra mắt ứng dụng vào năm 2017, tờ BBC dẫn số liệu của công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

TikTok chính thức thừa nhận nhân viên ở Trung Quốc có quyền truy cập dữ liệu người dùng ở Âu - Mỹ