Tôn Ngộ Không chỉ là khỉ đá, vì sao đắc được thần thông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phật gia giảng rằng: Động vật không được phép tu luyện, muốn tu luyện thì cần phải có thân người. Thạch hầu Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá, vì sao có thể tu luyện, đắc được thần thông? Bởi vì Thạch hầu chính là an bài của Phật Tổ để chuẩn bị cho đại sự mấy trăm năm sau này…

Chúng ta biết, “Tây Du Ký” là câu chuyện kể về hành trình tu luyện của thầy trò Đường Tăng. Phật Tổ vì để truyền lại chân kinh, thiện hóa nhân tâm, nên mới an bài Đường Tăng đi lấy kinh, qua đó nói với thế nhân rằng tu luyện thành Phật mới có thể đắc được trường sinh. Người tu luyện cần phải có tín tâm kiên định, tinh tấn tu hành, thì cho dù có thiên nan vạn hiểm cũng sẽ được Thần Phật bảo hộ, cuối cùng viên mãn công thành.

Con đường sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng chính là con đường tu luyện của Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng, và Bạch Long Mã. Làm người thì cần phải tu luyện, đắc được Phật vị mới có thể trường sinh bất lão, thọ lâu ngang trời.

Như Lai Phật Tổ diệu an bài

Trong “Tây Du Ký” hồi thứ 8, Như Lai nói: “Ta xem trong bốn đại bộ châu, chúng sinh thiện ác có khác nhau: Người Đông Thắng Thần Châu tôn trời kính đất, tâm khí thanh sảng. Người Bắc Câu Lư Châu lại thích sát sinh, ăn nói hồ đồ, tình sơ tính vụng, chẳng được việc gì. Người Tây Ngưu Hạ Châu thì không tham không giết, dưỡng khí nuôi thần, tuy chưa được vào bậc thượng chân, nhưng mọi người đều được hưởng thọ. Duy chỉ có người Nam Thiệm Bộ Châu là tham dâm gây họa, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, ác độc thị phi. Nay ta có ba tạng chân kinh có thể khuyên họ làm việc thiện”.

Tứ đại bộ châu mà Phật Tổ nhắc đến là khác với nhận thức về thế giới của chúng ta. Có bậc Thánh nhân giảng, đại ý rằng: Trái đất của chúng ta cũng như các thiên thể trong và ngoài Tam Giới nằm ở phía nam của núi Tu Di, gọi là Nam Thiệm Bộ Châu. Tu Di Sơn là một tòa núi cự đại tồn tại trong không gian cao tầng. Thời cổ đại có vị cao nhân từng triển hiện điều này cho thế nhân, nhưng vì người ngày nay không nhìn thấy nên không tin hoặc không muốn tin, cho đó là tưởng tượng của người xưa. Nhưng có một cổ vật trong cung Ung Hòa ở Bắc Kinh lại có thể giúp chúng ta lý giải các phương vị trong “Tây Du Ký”, đó là tạo hình của núi Tu Di và tứ đại bộ châu.

Tạo hình núi Tu Di bằng đồng trong cung Ung Hòa, Bắc Kinh (Ảnh: GiantXu, CC BY-SA 3.0)
Tạo hình núi Tu Di bằng đồng trong cung Ung Hòa, Bắc Kinh (Ảnh: GiantXu, CC BY-SA 3.0)

Tứ đại bộ châu mà Đức Phật giảng là bốn phương vị tồn tại xung quanh Tu Di Sơn: Phía đông là Đông Thắng Thần Châu, phía bắc là Bắc Câu Lư Châu, phía tây là Tây Ngưu Hạ Châu, phía nam là Nam Thiệm Bộ Châu. Trái đất của chúng ta thuộc Nam Thiệm Bộ Châu ở phía nam núi Tu Di. Bốn đại bộ châu này đều nằm trên mặt nước, bên dưới tứ đại bộ châu là nước, xung quanh là đại dương mênh mông, bên trên là không gian cao tầng. Vượt qua không gian ấy sẽ đến các tầng trời, bước qua cánh cổng Nam Thiên Môn sẽ tiến vào Ngọc Đế Thiên Cung. Lại lên cao nữa sẽ đến tầng của các vị Phật Như Lai.

Đức Phật giảng: “Nay ta có ba tạng chân kinh có thể khuyên người làm việc thiện. Ba tạng chân kinh của ta, một là Pháp tạng bàn về trời, hai là Luận tạng bàn về đất, ba là Kinh tạng độ cho ma quỷ. Đó là kinh tu luyện chân tâm, cửa vào cõi thiện, mà ta muốn truyền sang phương Đông”.

Quan Tâm Bồ Tát lĩnh ý chỉ của Phật, đến Đông thổ tìm người lấy kinh. Phật Như Lai căn dặn Quan Âm Bồ Tát: “Chuyến đi này phải đi trên mặt đường, không được đi tít trên tầng mây. Mắt cần phải để ý sông núi, ghi nhớ kỹ càng đường sá xa xôi thế nào mà ân cần dặn dò lại cho người lấy kinh. Song e rằng vị thiện tín ấy khó đi, ta đưa cho Bồ Tát năm thứ bảo bối này”.

Sau đó Phật Tổ lệnh cho hai tôn giả A Nan và Ca Diếp lấy ra một chiếc áo cà sa gấm và một cây Cửu hoàn tích trượng và nói: “Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy kiên tâm đến được đây, mặc áo cà sa của ta thì thoát khỏi luân hồi, cầm gậy tích trượng của ta thì không bị hãm hại”.

Như Lai lại lấy ra ba chiếc vòng đưa cho Bồ Tát và nói: “Bảo bối này gọi là ‘Khẩn cô nhi’, tuy ba cái giống nhau nhưng công dụng lại khác nhau. Ta lại có ba bài ‘Kim khẩn cấm’ nữa. Nếu trên đường gặp phải yêu ma có phép thần thông biến hóa, đệ tử hãy khuyên hắn học Đạo, đi theo người lấy kinh làm đồ đệ. Nếu hắn không chịu sai khiến, thì chụp cái vòng ấy lên đầu hắn, cái vòng sẽ mọc rễ cắm chặt vào thịt, mỗi khi niệm câu thần chú là hắn sẽ đau đầu nhức mắt, đầu óc cứ như bị vỡ tung ra, bắt hắn phải chịu làm môn đệ của ta ngay”.

Phật tổ Như Lai thuyết Pháp (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)
Phật tổ Như Lai thuyết Pháp (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)

Phật gia phổ độ chúng sinh không hề ép buộc ai tu luyện, vậy người có thể đeo chiếc vòng cô nhi của Như Lai và được dẫn bước trên con đường tu luyện thì nhất định là người có sứ mệnh, rất có thể cũng là người đến từ tầng thứ cao. Vậy ai mới có tư cách đeo chiếc vòng ấy của Đức Như Lai?

Phật Tổ an bài, Thạch hầu xuất thế

Nói về nguồn gốc của Thạch hầu, “Tây Du Ký” hồi thứ nhất viết:

“Lúc đó ngoài biển mới thấy có một nước. Nước này gọi là nước Ngạo Lai ở sát gần biển lớn. Giữa biển có một ngọn núi đẹp, gọi là núi Hoa Quả. Chính núi này là mạch tổ của mười châu, cội nguồn của ba đảo, đứng sừng sững từ lúc đất trời mới chia trong đục, hình thành từ thuở thế giới vẫn hồng hoang. Đó thật là một ngọn núi quý!

Trên đỉnh ngọn núi này có một tảng đá tiên cao đến ba trượng sáu thước năm tấc, xung quanh hai trượng bốn thước. Chiều cao ba trượng sáu thước năm tấc cùng hợp với vòng trời 365 độ. Xung quanh hai trượng bốn thước, hợp với chính lịch 24 khí. Trên có chín khiếu tám lỗ hợp với cửu cung bát quái. Bốn bề không có cây cối rủ bóng. Hai bên phải trái, chỉ rặt cỏ chi cỏ lan quấn quýt lấy nhau. Có lẽ từ khi tảng đá mới sinh ra, đã bám thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng đã lâu, nên mới linh thông thế. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên.

Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay. Con khỉ đá biết vái lạy bốn phương, mắt rọi hào quang chiếu sáng tận Thiên phủ. Nếu nay cho ăn mồi bằng nước cháo, hào quang sẽ tắt ngay”.

Thạch hầu vừa sinh ra hai mắt đã tỏa ánh kim quang, chiếu sáng tận Thiên phủ, có thể thấy đó là sinh mệnh đến từ cao tầng.

Thạch hầu sống ở trong núi, đi đi lại lại, nhảy nhót nô đùa, tìm ăn cỏ cây, uống nước suối trong, hái hoa rừng, tìm quả núi, làm bạn với lang trùng, kết đàn với hổ báo, thân mật với hươu nai, chan hòa với khỉ vượn, đêm ngủ vách núi non, ngày chơi trong hang động. Một ngày, Thạch hầu nhảy vào trong thác nước tìm thấy một hang đá lớn, trên đá khắc một hàng chữ lớn viết theo lối Khải thư: “Hoa Quả Sơn phúc địa, Thủy Liêm Động động thiên”. Bầy khỉ có được Thủy Liêm Động làm nơi cư trú, bèn tôn vinh Thạch hầu lên làm Mỹ Hầu Vương.

Mỹ Hầu Vương mỗi ngày dẫn bầy khỉ du ngoạn, vui chơi quên ngày tháng, bất giác đã 300 năm trôi qua. 300 năm ấy là thời gian Thần Phật cấp cho Thạch hầu, để Thạch hầu cảm nhận được thế nào là thân thể kiện khang, thế nào là hạnh phúc, thế nào là tự do hưởng lạc, cũng khiến Thạch hầu hiểu được nỗi thống khổ của sinh lão bệnh tử, từ đó mới nảy sinh mong muốn được trường thọ, tìm cầu pháp môn bất lão trường sinh.

Hầu Vương xuống núi, đẩy sào đi trên chiếc bè gỗ, thuận gió phiêu hành. (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)
Hầu Vương xuống núi, đẩy sào đi trên chiếc bè gỗ, thuận gió phiêu hành. (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)

Hầu Vương bắt đầu xuống núi, lặn lội vân du nơi góc biển chân trời, một lòng tìm Phật cầu Đạo. Trên chiếc bè lênh đênh giữa biển cả, Hầu Vương đẩy sào ra sức chèo chống, thuận gió phiêu hành, chẳng mấy chốc đã đến bờ tây bắc, chính là địa giới của Nam Thiệm Bộ Châu. Chuyến đi này thật là:

Đạo hưng trời đẻ khỉ tiên,
Rời non thuận gió lênh đênh cưỡi bè.
Học tiên đạo, vượt biển xa,
Bền lòng vững chí ắt là thành công.

Hầu Vương nhảy lên bờ, thấy bên bờ biển có người đánh cá, bẫy chim, đào sò, phơi muối… ai ai cũng hối hả bận rộn.

Hầu Vương vào trong thị trấn, dạo khắp hương thôn, đi khắp châu huyện, học nhân lễ, học tiếng người, nhất tâm tìm cầu Phật Đạo, hy vọng sớm học được phương thuật trẻ mãi không già. Hầu Vương vân du khắp Nam Thiệm Bộ Châu suốt 8, 9 năm, âu cũng là Thần Phật an bài để Hầu Vương có thể liễu giải cuộc sống con người. Nhưng Đạo đâu chẳng thấy, chỉ thấy thế gian toàn những kẻ đua chen danh lợi, mê đắm tình thù, nào có ai tỉnh giấc mộng hồng trần, nào có ai biết sống vì thân mệnh?

Một ngày đến Tây Dương đại hải, Hầu Vương nghĩ bụng ngoài biển nhất định có Thần Tiên, bèn tự mình đóng bè, băng qua Tây Hải, phiêu dạt khắp mênh mông sóng nước, cuối cùng cũng tới địa phận của Tây Ngưu Hạ Châu. Như Lai Phật giảng: Người Tây Ngưu Hạ Châu không tham lam không sát sinh, dưỡng khí tiềm linh, người người đều thọ. Tứ đại bộ châu tuy rằng nằm trên cùng một bình diện, nhưng lại ở không gian khác so với địa cầu, do đó người phàm không nhìn thấy được. Hầu Vương có thể đến được Tây Ngưu Hạ Châu, ấy là nhờ Phật Đà âm thầm chỉ đường dẫn lối, vạn sự an bài.

Hầu Vương dạo khắp Tây Ngưu Hạ Châu tìm cầu tiên Đạo, đến một ngày thấy trước mắt có tòa núi cao tú lệ, trúc tùng xanh mướt, hoa thơm cỏ lạ, nào khác chi chốn Tiên cảnh Bồng Lai. Từ trong rừng sâu bỗng vang lên tiếng hát rằng:

Mặc vinh nhục, kệ thị phi,
Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu
Gặp nhau: Phật đạo phép màu
Bình tâm tĩnh tọa giảng câu “Hoàng đình”

Hầu Vương nghe thấy, trong tâm vô cùng phấn chấn nghĩ: “Hóa ra Thần Tiên ẩn ở đây!”, rồi vội vàng nhảy ra, nhìn thấy một tiều phu đang giơ rìu chặt củi.

Vị tiều phu đó nói với Hầu Vương rằng, núi này gọi là Linh Đài Phương Thốn, trong núi có động Tà Nguyệt Tam Tinh, đó là nơi ở của một vị Thần Tiên tên là Tu Bồ Đề tổ sư.

“Phương thốn” là ẩn dụ cho tâm tính, “Tà Nguyệt Tam Tinh” là hình tượng của chữ Tâm (心), “Bồ Đề” là chỉ Pháp tu luyện của Phật gia. Điều ấy nói rõ rằng sư phụ Tu Bồ Đề là một vị Pháp sư trong Phật gia.

Hầu Vương tìm đến động Tà Nguyệt Tam Tinh khấu đầu bái sư, miệng nói: “Sư phụ, sư phụ! Đệ tử con lòng thành chầu lễ”. Sau đó, Bồ Đề tổ sư ban cho Hầu Vương pháp danh Tôn Ngộ Không. Người ta vẫn gọi khỉ là Hồ Tôn (猢猻), chữ Tôn (猻) bỏ đi bộ Khuyển (犭) thì được chữ Tôn (孫) trong tên gọi của Ngộ Không. “Ngộ Không” là hai chữ ‘ngộ’ và ‘không’ mà Phật gia vẫn giảng, ý nói rằng cần phải ngộ đến cảnh giới của ‘không’ – không có nhân tâm, không có chấp trước, không có bất cứ dục vọng nào. Có thể thấy Ngộ Không mới bắt đầu tu luyện đã được sư phụ cấp cho Pháp danh ở cảnh giới rất cao.

Ấy chính là:

Hỗn mang mới mở vốn không họ,
Phá hết mịt mờ: Phải “Ngộ Không”

Ngộ Không công năng từ đâu có? Bồ Đề tổ sư đích thân truyền

Hầu vương được đặt tên họ, lấy làm khoái chí nhảy nhót, đến trước tổ sư Bồ Đề lạy tạ. Từ đó Ngộ Không ở trong động Tà Nguyệt Tam Tinh học các việc như quét dọn, cư xử, ứng đối, lại theo các sư huynh học nói năng, lễ phép, giảng kinh luận đạo, tập thắp hương hành lễ. Những lúc nhàn rỗi thì quét sân cuốc vườn, vun hoa tỉa lá, gánh nước kiếm củi… việc gì cũng làm đủ. Thấm thoắt đã được sáu, bảy năm.

Một ngày, tổ sư đăng đàn giảng Đạo, Ngộ Không đứng bên cạnh nghe sư phụ thuyết giảng, vui sướng quá đến nỗi xoa tai vuốt má, khoa tay múa chân, mặt mày hớn hở. Vì sao Tôn Ngộ Không lại cao hứng như vậy? Nếu như là người bình thường tu luyện, vậy thì chỉ có thể lý giải được cái lý của con người. Nhưng Tôn Ngộ Không là sinh mệnh từ cao tầng, do thiên địa hóa dục mà thành, do đó có thể ngộ đến Pháp lý thâm sâu hơn.

Lúc ấy tổ sư trông thấy bèn gọi lên bảo: “Ngộ Không, con sao lại điên cuồng nhảy nhót, không nghe ta giảng?”.

Ngộ Không thưa: “Con thành tâm nghe giảng, đến những chỗ sư phụ giảng nhiệm mầu quá, lòng vui mừng khôn xiết, không nhịn được, nên mới như vậy, mong sư phụ tha tội”.

Tổ sư biết Ngộ Không có căn cơ, bèn hỏi: “Ta sẽ dạy con môn chữ ‘Thuật’, môn chữ ‘Đạo’, môn chữ ‘Lưu’, môn chữ ‘Tĩnh’, môn chữ ‘Động’... Con muốn học môn nào?”.

Ngộ Không nghe nói thảy đều không thể trường sinh, lắc đầu lia lịa nói: “Đệ tử không học, không học!”.

Tổ sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, cầm gậy chỉ vào Ngộ Không: “Loài khỉ già kia, Đạo này không học, Đạo kia không học, còn đòi học cái gì?”.

Dứt lời, sư phụ đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái rồi quay lưng đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài. Cả lớp thấy vậy, ai cũng sợ hãi, đều buông lời trách móc. Riêng Ngộ Không là hiểu ý của sư phụ, nên chỉ lặng thinh không nói. Tổ sư đánh ba cái, nghĩa là bảo phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, ý nói hãy đi lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền Đạo cho.

Canh ba đêm ấy, Ngộ Không theo ý sư phụ đến mé ngoài cửa sau, chỉ thấy cửa nửa khép nửa mở, lòng mừng thầm bèn nghiêng mình đi vào. Ngộ Không chẳng dám kinh động, chỉ quỳ xuống ở trước giường. Một lát, tổ sư thức dậy duỗi thẳng hai chân, ngâm nga:

Đạo huyền diệu thực khó thay!
Chớ nên quan niệm tu đây là nhàn.
Chẳng gặp người giỏi trao truyền.
Cũng đành uổng phí miệng phiền lưỡi khô

Ngộ Không cất tiếng theo: “Thưa sư phụ, đệ tử quỳ đợi ở đây đã lâu”.

Tổ sư trong lòng mừng thầm, biết Ngộ Không vốn do trời đất sinh thành, có thể lĩnh ngộ Đạo, bèn truyền cho phép Đại Đạo trường sinh.

Ngộ Không lạy tạ ân sâu của sư phụ (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)
Ngộ Không lạy tạ ân sâu của sư phụ (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)

Lúc ấy, tổ sư nói rõ căn nguyên, Ngộ Không tâm linh phúc đến, nhớ hết khẩu quyết, lạy tạ ân sâu của sư phụ rồi trở ra lối cửa sau. Phương đông trời mờ sáng, đường tây rực ánh vàng, Ngộ Không bèn theo đường cũ trở về. Từ đó Ngộ Không ngấm ngầm giữ gìn, cứ khoảng thời gian từ sau giờ Ngọ đến trước giờ Tý, tự mình điều hòa hơi thở.

Trải qua ba năm nữa, một hôm tổ sư gọi Ngộ Không lại và nói: “Con đã thông pháp tinh, đã hiểu căn nguyên, đã nhập thân thể, còn phải đề phòng ‘ba tai hại’ nữa”.

Vì sao lại như vậy? Tổ sư nói:

“Đây là một thứ đạo phi thường, cướp cả công tạo hóa, trời đất, lấn cả mây huyền vi của nhật nguyệt, sau khi luyện thành, quỷ thần không dung. Dù có thọ cũng chỉ đến năm trăm năm, sau đó trời sẽ sai sét đánh, cho nên cần phải thấy tinh sáng lòng dự phòng né tránh. Nếu tránh được, thì thọ ngang trời đất. Nếu không tránh được thì đến đây là tuyệt mệnh.

Lại sau năm trăm năm nữa, trời giáng hỏa tai thiêu cháy. Thứ lửa đó không phải là lửa trời, cũng không phải là lửa thường, mà là thứ “âm hỏa” từ huyệt Dũng Tuyền trong người đốt thấu lên cung Nê, ngũ tạng cháy thành tro, tứ chi vụn nát, tu hành, khổ hạnh nghìn năm biến thành hư ảo cả.

Lại sau năm trăm năm nữa, trời giáng phong tai thổi bạt. Thứ gió ấy không phải là gió bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc, cũng không phải là thứ gió thu ấm áp, cũng không phải là thứ gió tùng trúc liễu hoa, mà là thứ “bị phong” từ “tin môn” thổi vào lục phủ, qua đan điền xuyên vào chín lỗ xương thịt tiêu hết, thân thể rời ra. Cho nên đều phải tránh né cả”.

“Ba tai hại” mà tổ sư nhắc đến, kỳ thực là ý nói rằng động vật rất khó tu thành. Động vật không có thân người, không trải qua quá trình ma luyện tâm tính, vậy nên Thiên lý không cho phép tu thành. Tôn Ngộ Không là vì để bảo hộ Đường Tăng lấy kinh mà sinh ra, cần phải hoàn thành sứ mệnh của mình, do đó cần phải đề phòng “ba tai hại”, đợi đến ngày duyên khởi sẽ thực hiện sứ mệnh Trời giao. Dứt lời, tổ sư ghé tai Ngộ Không, truyền cho diệu pháp. Còn Hầu Vương, khi một khiếu đã thông thì trăm khiếu cũng thông, học tập khẩu quyết, tự mình tu luyện.

Nhưng sau khi đã luyện thành công năng, thông thạo đủ cả phép cân đẩu vân và bảy mươi hai phép Địa sát, sư phụ lại yêu cầu Ngộ Không phải rời khỏi sư môn, căn dặn rằng sau này gặp điều không hay, hoặc giả có gây vạ hành hung cũng không được nói là đồ đệ của sư phụ Bồ Đề. Tổ sư biết rõ con đường của Ngộ Không sau này chính là như thế: Đại náo thiên cung, đè dưới Ngũ Hành Sơn, phò tá Tam Tạng lấy chân kinh, cuối cùng đắc chính quả, thành tựu Phật vị.

Hết thảy an bài là để Đường Tăng lấy chân kinh

Trong hồi thứ 58, Như Lai nói: “Thứ nhất là loài khỉ có linh thông, giỏi biến hóa, biết thiên thời địa lợi, đổi vật dời sao. Thứ hai là loài khỉ ngựa đỏ đít, hiểu âm dương, tinh nhân sự, giỏi xuất nhập, thoát chết sống lâu. Thứ ba là loài khỉ vượn tay dài cầm nắm cả mặt trời mặt trăng, thu nhỏ cả nghìn núi, phân biệt được dữ lành, đùa cợt cả trời đất. Thứ tư là loài di hầu sáu tai nghe hiểu âm thanh, xét thông lý lẽ, biết việc sau trước, muôn việc sáng thông”.

Thạch hầu Tôn Ngộ Không chính là loài khỉ thuộc hàng thứ nhất ấy: giỏi biến hóa, có linh thông, lại có năng lực cao siêu thần kỳ. Vậy Thạch hầu linh thông kia từ đâu mà đến? Vì sao Phật Tổ an bài Thạch hầu tới thế gian?

Cũng trong hồi thứ 58, Như Lai nói với Tôn Ngộ Không: “Nhà ngươi hãy đi ngay về bảo hộ Đường Tăng tới đây lấy kinh”. “Gắng sức hộ vệ Đường Tăng đi đường, khi nào thành công được lên cõi cực lạc, thì nhà ngươi cũng được ngồi tòa sen”. Câu nói ấy đã chỉ rõ rằng: Thạch hầu là vì để bảo hộ Đường Tăng mà sinh ra.

Minh Hạnh
Theo Lâm Tĩnh Tâm - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Tôn Ngộ Không chỉ là khỉ đá, vì sao đắc được thần thông?