Trải nghiệm luân hồi chuyển thế của viên quan ngũ phẩm triều Thanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viên quan ngũ phẩm triều Thanh, làm chức Lang trung,  là người Vũ Lâm, tên gọi cũ của Hàng Châu, ông có thể nhớ được các sự việc của kiếp trước.

Người Tú tài nghèo

Ông kể với mọi người rằng, đời trước của ông là một Tú tài ở Tô quận, đến năm 60 tuổi vẫn không có con, gia cảnh nghèo khó, sống bằng nghề dạy học, thu nhập cũng chỉ đủ 2 vợ chồng sống qua ngày mà thôi.

Vì nhà nghèo đã mấy đời, nên 3 đời từ cụ ông cụ bà tằng tổ trở xuống là không được an táng, nên Tú tài vô cùng lo buồn. Thế là Tú tài phát nguyện, mỗi đêm ông thắp một nén hương, quỳ xuống ngửa mặt lên cầu Trời rằng: “Con xin giảm tuổi thọ của mình đổi lấy được 100 lượng bạc, để an táng cho ông bà tổ tiên 3 đời. Như thế, con chết cũng yên tâm nhắm mắt”.

Tú tài thành kính cầu nguyện như thế liền trong 5, 6 năm, những vẫn chưa được toại nguyện thì đã qua đời rồi.

Sau khi chết, hồn phách của Tú tài đến Âm phủ, Diêm Vương nói: “Ông quả là một người con hiếu thảo, nguyện giảm thọ để mai táng cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nhưng có điều ông không biết, đó là cha mẹ ông khi còn sống đã làm rất nhiều việc ác, do đó ông mới bị tuyệt hậu, không người nối dõi. Mấy năm nay, ông vô cùng thành tâm cầu nguyện, nhưng cả đời chỉ là sống an phận, không có công đức lớn nào, nên không đủ để vãn hồi tạo hóa. Tuy nhiên, lòng hiếu thảo của ông quả là đáng kính”.

Nói rồi, Diêm Vương ban cho Tú tài ngồi xuống một cái ghế.

Người ăn xin đại hiếu

Lúc này tả hữu nói với Diêm Vương rằng: “Người con đại hiếu đã đến rồi”.

Diêm Vương vội vàng sai người mở cửa chính. Diêm Vương đứng dậy đính thân nghênh đón.

Chỉ thấy một người ăn xin tóc dài hơn một thước, dung mạo tiều tụy, quần áo rách rưới tả tơi, những giọt nước từ trên thân ông ta rơi xuống, xiêu xiêu vẹo vẹo bước vào. Trông thấy Diêm Vương, người ăn xin vội vàng quỳ xuống bái lạy.

Diêm Vương bước tới dìu người ăn xin đứng dậy, sắp xếp cho ông ta ngồi trước mặt Tú tài. Diêm Vương không ngớt lời khen ngợi người ăn xin, nhưng người ăn xin lại sợ hãi bất an. Tú tài nghi hoặc trong tâm, không biết là chuyện gì.

Diêm Vương biết được những nghi hoặc trong tâm Tú tài, ông quay đầu lại nói với Tú tài rằng:

Về người này, trong tâm ông có mối nghi hoặc à. Anh ta là người Trấn Giang, sinh ra trong gia đình bần cùng, từ nhỏ đã mất cha, mẫu thân dẫn anh ta đi xin ăn để sống.

Đến khi 7, 8 tuổi, anh quỳ xin ăn để phụng dưỡng mẫu thân. 7, 8 năm sau, mẫu thân của anh ta bị bệnh nặng, không thể đi lại được, anh ta cõng mẹ xin ăn ở chợ phiên. Nhìn thấy hai mẹ con họ, ai nấy đều thương xót, và nghĩ cách giúp đỡ. Anh ta luôn để mẹ ăn no, còn thừa thì anh mới ăn.

Cứ như thế hơn 10 năm, mẹ anh qua đời. Anh đi xin được chiếc chiếu an táng mẫu thân, sau đó anh trầm mình xuống sông mà chết. Cả đời anh ta chỉ thực hành đạo hiếu, không còn có mất kỳ mong muốn nào khác.

Bách thiện hiếu vi tiên, người ở tầng lớp đáy xã hội như thế này mà thực hành được thiện hạnh như thế, đã khiến chư Thần cảm động.

Thánh tăng

Diêm Vương đang nói chuyện thì bỗng thấy trên điện đường có ánh sáng đỏ chiếu sáng, sắc màu tốt lành rực rỡ. Quan lại và binh lính trên và dưới điện đường đều phủ phục xuống dưới đất. Viên phán quan áo đỏ báo cáo với Diêm Vương rằng: “Thánh tăng đã đến!”.

Diêm Vương cũng bước xuống dưới điện đường quỳ xuống. Chỉ thấy một đám mây ngũ sắc từ trên trời hạ xuống, ở giữa là một hòa thượng đang đứng. Hòa thượng dùng tay đỡ Diêm Vương đứng lên, cười và nói: “Lão tăng tu hành 7 đời, vẫn phải đi qua chỗ này của ngài, không biết khi nào mới viên mãn đến thế giới Phật quốc đây”.

Diêm Vương nghiêm trang cung kính nói: “Thánh tăng có căn cơ thâm hậu, ngày chứng đắc quả vị có lẽ không xa nữa”.

Hòa thượng nói: “Lão tăng đang lo lắng có thể sẽ bị sa ngã ở chốn nhân gian”.

Diêm Vương liền mời Hòa thượng ngồi ở vị trí chính điện, bản thân Diêm Vương đứng ở bên hầu chuyện. Hòa thượng bảo Diêm Vương ngồi xuống, khi đó Diêm Vương mới khom lưng ngồi xuống ở bên cạnh.

Lúc này Tú tài và người ăn xin ở dưới điện bước đi lánh mặt. Hòa thượng nhìn khắp một lượt, chỉ tay vào 2 người và nói: “Hai vị hiếu tử này, xin mời đến gặp mặt”.

Hai người bước đến hành lễ. Hòa thượng hợp thập đáp lễ, sau đó bảo hai người ngồi xuống.

Hòa thượng hợp thập đáp lễ, sau đó bảo hai người ngồi xuống. (Tranh Epoch Times)

Có người dâng trà. Hòa thượng cầm chén trà và nói với hai người rằng: “Trà này uống vào là sẽ quên hết, nhưng không uống thì vi phạm luật Trời. Lão tăng sẽ dùng Pháp lực để hóa giải”.

Nói rồi, Hòa thượng bảo hai người cầm chén trà đến chỗ ông, sau đó Hòa thượng nhẩm niệm chú ngữ, nước trà tự nhiên cạn hết.

Ba người cầm chén trà và nói với Diêm Vương là đã uống xong rồi. Diêm Vương cung kính vâng dạ, bày tỏ đồng ý.

Lúc này một viên phán quan râu dài cầm quyển sổ đến nói với Diêm Vương rằng: “Giờ lành để Thánh tăng hạ thế đã đến, xin mời Thánh tăng lập tức leo thang”.

Sau đó, mấy viên lính nâng một cái thang rất dài, dựng ở trước điện. Diêm Vương mời Hòa thượng leo thang. Hòa thượng nói: “Hai vị hiếu tử này có duyên với tôi, có thể cùng leo thang”.

Diêm Vương lập tức sai sửa sổ âm tào, để cho 2 người này cũng theo Thánh tăng.

Thế là Hòa thượng leo trước, người ăn xin ở giữa và cuối cùng là Tú tài, cùng nhau leo thang.

Tú tài leo được vài trăm bậc thang thì sức lực không đủ nữa và ngã xuống.

Nhân duyên kiếp sau

Sau tiếng khóc oe oe của một đứa trẻ chào đời, Tú tài đã biến thành đứa trẻ sơ sinh rồi.

Tú tài mở mắt nhìn, thấy cha mẹ đang ngắm nhìn mình với vẻ mặt hạnh phúc mãn nguyện. Ở trên đỉnh đầu Tú tài bỗng có một cảm giác sợ hãi không nói nên lời, chỉ có thể cười và khóc.

Lên 3 tuổi, cái thóp trên đầu cậu liền lại, cậu liền có thể nói được, còn nhớ được những chuyện đời trước, rõ một một như hiện ra trước mắt.

Tú tài biết quỷ Thần vốn rất kính trọng hiếu tử, nên nhất cử nhất động, cậu đều dốc sức quan tâm hiếu kính cha mẹ, cha mẹ cũng yêu quý cậu như báu vật. Do vẫn nhớ những học vấn đời trước nên Tú tài đã biết làm thơ từ lúc 5, 6 tuổi, mọi người đều ca ngợi cậu là Thần đồng. Đến 8 tuổi cậu vào trường học, năm 13 tuổi cậu đỗ cử nhân trong kỳ thi Hương, năm 17 tuổi đỗ tiến sĩ, được ban chức Chủ sự bộ Lễ.

Sau đó, cha mẹ Tú tài nối nhau qua đời, anh về quê thủ hiếu 3 năm. Năm 20 tuổi, anh cưới vợ và quay lại chức vụ.

Một năm sau, vào ngày mồng một Tết Nguyên đán, sau buổi đại triều, một vị Thái giám đến trước mặt Chủ sự bộ Lễ - người mà Tú tài chuyển sinh, và nói: “Thân vương có lệnh, mời Chủ sự tối nay vào vương phủ có chuyện muốn nói”.

Nói rồi, Thái giám trao cho Chủ sự lệnh bài ra vào vương phủ. Chủ sự lo nghĩ, thấy mình không quen biết vị thân vương nào, do đó trong lòng thấp thỏm bất an, nhưng cũng không dám từ chối.

Tối hôm đó, Chủ sự đến vương phủ, đưa lệnh bài cho lính gác cổng, và được dẫn vào gặp Thân vương. Chủ sự thấy tướng mạo của Thân vương giống hệt như Hòa thượng mà anh đã gặp ở âm phủ trước khi chuyển sinh. Thân vương cười đón tiếp anh và nói: “Cố nhân vẫn nhớ chuyện xưa chứ?”

Chủ sự lại bái rồi nói: “Hạ quan không dám quên đại đức của đại vương”.

Thân vương bảo anh ngồi uống, sau đó nói:

Hôm nay ở trên đại điện, từ xa ta nhìn thấy anh, dung mạo anh vẫn như xưa, do đó ta sai người mời anh đến để trò chuyện. Ngày nay, anh đã vinh hoa trên quan lộ, nhưng thế sự nhiễu nhương, không gì hạnh phúc bằng tu hành.

Từ khi chuyển sinh đến nay, ta không ăn đồ tanh, đồ gia vị, nhớ lại những bài kinh mà ta đã ghi nhớ ở đời trước, lặng lẽ thầm tụng niệm và làm việc, hành xử theo những lời dạy trong kinh văn, chỉ sợ cha mẹ đời này của ta biết được sẽ không hiểu.

Thế nhưng, ta vẫn thời thời khắc khắc lo lắng mình sẽ bị sa ngã ở chốn nhân gian, do đó không dám nảy sinh bất kỳ vọng niệm nào. Giờ đây, ta sẽ rất nhanh chóng rời thế gian này. Sao anh không từ quan nhập Đạo?

Chủ sự nói: “Đây cũng là tâm nguyện của hạ quan, nhưng hạ quan nhà nghèo, con cái còn nhỏ, khó tránh được trói buộc của thế tục”.

Thân vương nói: “Việc này không khó, anh còn nhớ người ăn xin hiếu thuận đó không? Ta sẽ bảo anh ta đến giúp anh, nhưng nhất định không được nói cho người ngoài biết. Anh có thể lặng lẽ chờ thời vận”.

Sau đó, Chủ sự muốn cáo từ ra về, Thân vương nói, sau này anh nhất định không được đến nữa, đồng thời căn dặn anh tu tâm là quan trọng nhất. Chủ sự khấu tạ Thân vương, sau đó rời vương phủ.

người nước Lưu Cầu (Ryukyu, thuộc Nhật Bản ngày nay) đến cống nạp xin sắc phong. (Miền công cộng)

Một thời gian sau, người nước Lưu Cầu (Ryukyu, thuộc Nhật Bản ngày nay) đến cống nạp xin sắc phong. Hoàng thượng hạ chỉ sai sứ đoàn đi sứ Lưu Cầu để sắc phong, lệnh Chủ sự bộ Lễ làm Chánh sứ, ban cho quan phục nhất phẩm.

Thế là Chủ sự bộ Lễ và Phó sứ cùng sứ đoàn vượt biển, thuận lợi đến nước Lưu Cầu. Quốc vương Lưu Cầu đích thân ra ngoài thành nghênh đón. Chủ sự thấy Quốc vương xõa tóc, mặt gầy, tướng mạo giống như người ăn xin năm xưa.

Quốc vương hành lễ, thụ phong xong thì kéo tay Chủ sự và dùng tiếng Hán nói: “Cố nhân nhận ra kẻ ăn mày bần tiện chăng?”

Nói rồi, Quốc vương cười lớn. Chủ sự trả lời rằng: “Đại vương hiếu cảm động Trời, đời này làm vua một nước, kẻ nhỏ bé như hạ thần này thì không đáng nói tới”.

Quốc vương cười và nói:

Sứ thần Thượng quốc sao lại khiêm nhường quá vậy, ta có việc riêng muốn nhờ ngài. Khi ngài trở về, xin hãy đem về 10 lượng vàng, sau đó đến Trấn Giang tìm giúp ta mộ của mẫu thân đời trước của ta ở dưới gốc cây bạch dương bên bờ sông. Ngài hãy dùng gần nửa số vàng đó để mua quan quách thu lượm hài cốt của mẫu thân ta, sau đó an táng ở nơi cao.

Phiền ngài xây giúp một ngôi chùa trước mộ, đồng thời mua trăm mẫu ruộng, tìm tăng nhân đến trụ trì, lễ Tết cúng tế tảo mộ. Như thế là hoàn thành được tâm nguyện của ta.

Số vàng còn lại, xin tặng ngài để bày tỏ cái tình quen biết. Ngoài ra ta còn có lễ tạ như thường lệ tặng cho Chánh và Phó sứ của Thượng quốc. Xin ngài chớ từ chối.

Do trước đây đã được Thân vương căn dặn nên Chủ sự tiếp nhận hết, không từ chối.

Sau khi về nước, do Chủ sự đã hoàn thành việc sắc phong nên được Hoàng thượng thăng làm Lang trung. Ông bèn đến bái kiến Thân vương thì được biết Thân vương đã qua đời tháng trước rồi. Ông cảm nhận được sự phù phiếm của thế sự, bèn từ quan.

Sau đó, ông đến Trấn Giang, hoàn thành tâm nguyện của Quốc vương Lưu Cầu. Ông nhớ đến việc tổ tiên 3 đời trong kiếp trước của ông không được an táng, bèn đến Tô quận tìm lại nhà đời trước của mình.

Người vợ kiếp trước của ông đã qua đời từ lâu rồi, trong ngôi nhà xấu xí vẫn còn 8 chiếc quan tài nằm đó. Ông hậu táng tất cả tươm tất.

Sau khi trở về nhà, ông đem số vàng còn lại giao cho vợ, dặn cô nuôi dưỡng con, còn ông tìm đến một ngôi chùa thanh tịnh quy y cửa Phật, bái cao tăng trong chùa làm thầy, thờ Phật đến hết đời.

Người thế gian đa phần chỉ biết đến việc trước mắt, do đó cả cuộc đời bôn ba vất vả, chìm nổi trong cõi hồng trần. Một người khi đã biết nhân quả đời trước, thì cảm thấy ngọt bùi đắng cay nếm cả cũng chẳng có vị gì, nên chẳng lưu luyến gì cõi hồng trần.

(Nguồn tư liệu: "Tục khách song nhàn thoại" của Ngô Xí Xương đời Thanh)

Theo Tiandiren
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trải nghiệm luân hồi chuyển thế của viên quan ngũ phẩm triều Thanh