Triệu Vân một mình xông pha cứu chủ, nghĩa trọng như núi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào năm Sơ Bình thứ nhất (năm 190), Đổng Trác chuyên quyền làm loạn triều chính, người người đều căm ghét. Chư hầu Quan Đông xây dựng liên quân thảo phạt Đổng Trác, cùng nhau nổi dậy.

Kết quả là, thế lực các nơi lần lượt xuất hiện, anh hùng hào kiệt cũng lần lượt xuất sơn. Người giỏi mưu kế thì bày mưu tính kế, người tinh thông võ nghệ thì tung hoành nơi sa trường, những người ôm hoài bão lớn thì chiêu hiền đãi sĩ, mở rộng lãnh thổ.

Ở phương Bắc vào thời điểm đó, quân phiệt Công Tôn Toản và Viên Thiệu đang tranh giành thiên hạ. Trong "Tam quốc chí" có viết, ở quận Thường Sơn huyện Chân Định của Ký Châu, có một người tên là Triệu Vân tuổi trẻ tài cao, được nhân sĩ trong quận đề cử nên trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân địa phương.

Bốn phương cát cứ, vào thời khắc dân chúng lầm than, Triệu Vân không đến đầu quân dưới trướng Ký Châu mục Viên Thiệu, vốn xuất thân từ “tứ thế tam công” (Gia tộc nhà Viên Thiệu bốn đời có năm người giữ ngôi Tam công: Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo), mà mang quân lên phía bắc đến U Châu, gia nhập vào đại doanh của "Bạch mã tướng quân" Công Tôn Toản.

Công Tôn Toản thấy Triệu Vân mình cao tám thước, dáng vẻ oai hùng, có khí chất ngọc thụ lâm phong, anh tuấn phi phàm, trong lòng hết lời khen ngợi. Công Tôn Toản vốn lo rằng, lòng dân ở Ký Châu sẽ hướng về Viên Thiệu, khó có thể thuận lợi thống nhất phương bắc. Đúng thời khắc quan trọng, người anh hùng như thế này lại chủ động quy thuận, chẳng phải chứng minh lòng dân Ký Châu hướng về đâu hay sao?

Công Tôn Toản quyết định giữ ông bên mình để trọng dụng, nhưng vẫn không nhịn được mà nói đùa rằng: "Nghe nói người ở Ký Châu đều đến với họ Viên, chỉ một mình ngươi đổi ý, tỉnh ngộ mà bỏ lối mê đấy ư?”

Triệu Vân đáp: “Thiên hạ đang loạn lạc, không biết minh chủ ở đâu. Người Thường Sơn chúng tôi sau khi bàn bạc, quyết định đến nơi có thể thi hành nhân chính, chẳng phải vì xa rời Viên Thiệu mà thân gần với tướng quân”.

Phò tá minh chủ, thực hiện chính sách nhân từ, cứu giúp dân chúng, bình định thiên hạ, chính là lời thề mộc mạc nhưng vĩ đại của vị thủ lĩnh nghĩa quân này. Triệu Vân đã dùng cuộc đời mấy chục năm của mình, không ngừng thực hiện lời thề đó, cuối cùng trở thành khai quốc công thần của nhà Thục Hán, biểu tượng của lòng trung nghĩa, xả thân cứu chủ.

Lần đầu gặp Lưu Bị, quân thần tương hợp

趙雲像。(公有領域)
Tranh Triệu Vân (Miền công cộng)

Triệu Vân, tự là Tử Long, một cái tên tiêu sái phóng khoáng, dung mạo anh tuấn càng làm tăng thêm khí chất phong nhã thanh tú. Triệu Vân chính là một con người như vậy, ông vừa là một tướng sĩ hùng dũng cương nghị, vừa có nét nho nhã tinh tế của một văn nhân. Cùng lúc đó, còn có một vị hiền giả cũng đến nương nhờ Công Tôn tướng quân. Ông và Công Tôn Toản là bạn đồng môn, tình như huynh đệ. Bởi vì Công Tôn Toản vô cùng coi trọng người bạn cũ này, không những đề cử ông ta giữ chức Biệt bộ Tư mã, còn giao cho ông thân tín đắc lực là Triệu Vân, giúp cho ông bên ngoài thì chinh chiến nơi sa trường, bên trong thì giải quyết công việc của quân đội.

Vị hiền giả này, chính là vị minh chủ khai quốc của nhà Thục Hán Lưu Bị. Đây chính là hoàn cảnh gặp nhau giữa vua tôi nhà Thục Hán, Lưu Bị và Triệu Vân. Khi đó Lưu Bị tự khởi binh trấn áp giặc Khăn Vàng, liên tiếp giết giặc lập công, nhưng ông chỉ có thể đi các nơi, làm một vài chức quan nhỏ như Huyện thừa, Huyện lệnh, Huyện úy. Lúc ông đến nương nhờ Công Tôn Toản, cũng là lúc ông cùng đường do bọn đạo tặc công phá huyện thành. Triệu Vân có lẽ không tưởng tượng được, Lưu Bị dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng tương lai sẽ làm nên những thành tựu to lớn như vậy. Tự đáy lòng ông cảm nhận được, trên người Lưu Bị có một sức hút mãnh liệt khiến người khác quy phục.

Hay bởi vì Lưu Bị có tướng mạo kỳ lạ, tay dài quá gối, mắt nhìn thấy tai, hay bởi vì Lưu Bị thuần hậu ít nói, không màng danh lợi, mừng giận không lộ ra mặt, hay có lẽ vì thái độ xử thế của ông thích làm việc thiện, tấm lòng nhân hậu?

Triệu Vân vừa giúp đỡ, vừa lặng lẽ quan sát cách đối nhân xử thế của Lưu Bị, phát hiện rằng mặc dù ông thực lực yếu nhược, nhưng những trung thần nghĩa sĩ đều trung thành đi theo ông, như Quan Vũ, Trương Phi. Mặc dù kiệm lời ít nói, nhưng những người mà ông chân thành kết giao đều là những hào kiệt đương thời. Mặc dù ông là hậu duệ Hoàng thất nhà Hán, nhưng không hề ra vẻ quý tộc, dù là một người dân bình thường không có chức tước, không có công danh, cũng có thể ngồi cùng chiếu, ăn cùng mâm với ông.

Triệu Vân thấy từng bước tiến của Lưu Bị, tích lũy chiến công, làm đến Bình Nguyên tướng quân, dần dần có được chỗ đứng trong thời loạn thế, quần hùng phân tranh, lại thấy rằng Lưu Bị bên ngoài thì ngăn địch, bên trong phân phát lương thực cứu tế bách tính, thi hành chính sách nhân từ, yêu dân như con.

Một điều truyền kỳ hơn là, trong quận có một người luôn luôn coi thường Lưu Bị, không phục cách quản lý của ông, rồi lại thuê thích khách đến ám sát ông. Lưu Bị không biết sự việc, lúc gặp thích khách, vẫn giữ lễ nghi chu đáo, quan tâm đầy đủ. Thích khách vô cùng cảm động, lập tức buông đao, nói rõ sự việc rồi rời đi. Trong quận Bình Nguyên nhỏ bé này, Triệu Vân dường như đã gặp được vị quân chủ nhân nghĩa thánh minh mà ông vẫn luôn tìm kiếm để phò trợ sao?

Lưu Bị đương nhiên cũng rất xem trọng Triệu Vân. Một người mang lý tưởng giúp đời, lại là một tướng lĩnh mang trên mình võ công tuyệt đỉnh, có vị quân chủ nào không muốn thu vào dưới trướng, cùng mình kề vai chiến đấu?

Tình nghĩa quân thần, được tích lũy ngay cả trong giao tiếp hằng ngày. Tuy nhiên lúc này, anh trai của Triệu Vân đột nhiên qua đời, Triệu Vân phải trở về lo tang sự, liền đến từ giã Công Tôn Toản để về quê. Lưu Bị không nói nhiều lời, nhưng rất hiểu tâm ý của Triệu Vân. Công Tôn Toản không giữ được nhân tài như vậy, Triệu Vân nhất định sẽ một đi không trở lại. Lưu Bị vừa có được một đại tướng quân, lại phải tiễn đi xa, trong lòng tự nhiên cũng không muốn buông.

Khi Triệu Vân xuất phát, Lưu Bị đích thân ra tiễn, nắm chặt tay Triệu Vân, không nỡ rời xa. Triệu Vân đang chịu nỗi đau mất người thân, trịnh trọng hứa với Lưu Bị rằng: "Sẽ không quên ân đức này".

《三國志像》之「趙子龍盤河大戰」。(公有領域)
"Tranh Tam Quốc Chí" "Triệu Tử Long trong đại chiến Bàn Hà" (Miền công cộng)

Gặp lại ở Nghiệp thành, cứu chủ ở thành Đương Dương

Thời gian trôi qua, đến năm thứ 5 Kiến An (năm 200), Lưu Bị bị đánh bại ở Từ Châu. Sau nửa đời người, vợ con ly tán, huynh đệ Quan Vũ bị bắt, bên người cũng không còn binh tướng nào có thể dùng, Lưu Bị chỉ có thể một lần nữa chạy lên phương Bắc tìm nơi trú thân. Năm đó, Lưu Bị nương nhờ bá chủ phương Bắc là Viên Thiệu.

Trong lúc băn khoăn bất lực, trong hoàn cảnh một thân một mình, một ánh bình minh soi sáng con đường phía trước của ông. Ở Nghiệp thành, Lưu Bị và Triệu Vân không hẹn mà gặp. Mấy năm nay, không biết Triệu Vân đi đâu, đã trải qua những chuyện gì. Nhớ ngày nào than thở không biết ngày gặp lại, giờ đây Triệu Vân với dáng vẻ hào sảng được gặp lại minh quân. Lưu Bị nhìn thấy Triệu Vân dáng vẻ phong trần mệt mỏi nhưng ánh mắt vô cùng cương nghị, như thể nghe được Triệu Vân nói rằng, ông sẽ dùng cả đời để thực hiện lời hứa mấy năm trước.

Lưu Bị coi Triệu Vân là thuộc hạ thân cận nhất của mình, so với tình huynh đệ với Quan Vũ, Trương Phi cũng không có gì khác biệt. Triệu Vân cũng không phụ lòng mong đợi của ông, bí mật chiêu mộ mấy trăm binh sĩ, tổ chức một đội quân tinh nhuệ chỉ nghe lệnh của Lưu Bị. Không lâu sau, Lưu Bị chuyển sang dựa vào Lưu Biểu ở Kinh Châu, Triệu Vân và nhóm binh sĩ này cũng cùng đi với ông.

Từ năm Kiến An thứ 6 (năm 201) đến năm Kiến An năm thứ 15 (năm 210), là giai đoạn Lưu Bị từng bước làm chủ Kinh Châu, và đại nghiệp cũng dần hoàn thành. Lúc này, đa số thời gian Triệu Vân đều theo Lưu Bị chinh chiến. Năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo dẫn quân về phía nam đến Kinh Châu. Con trai thứ hai của Lưu Biểu là Lưu Tông vừa nhận chức Châu mục Kinh Châu đã khoanh tay đầu hàng. Lưu Bị khi đó đang trấn giữ ở Phàn thành không thể chống lại quân Tào, trong lúc vội vàng đành bỏ thành, rút lui về phía nam đến Giang Lăng.

Lúc ông đi ngang qua thành Tương Dương, mười vạn bách tính trong thành vì yêu mến Lưu Bị, tự nguyện theo Lưu Bị đến Giang Lăng. Hành động đưa dân qua sông là biểu hiện của lòng nhân từ, chính nghĩa của Lưu Bị và thu phục được lòng dân, nhưng nó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ hành quân.

“Ngày nay anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân và Tháo này vậy", Tào Tháo bên kia làm sao có thể tha cho Lưu Bị. Tào Tháo cử năm ngàn kỵ binh tinh nhuệ, đi suốt một ngày một đêm, đuổi kịp ở Đương Dương Trường Bản. Đây có lẽ là thời khắc nguy cấp nhất trong cuộc đời của Lưu Bị. Ông thậm chí còn không màng đến việc thu xếp cho vợ con, chỉ đưa Trương Phi, Gia Cát Lượng, Triệu Vân và mấy chục người chạy thoát. Trên đường trốn đi, đột nhiên không thấy bóng dáng Triệu Vân đâu. Lại có binh sĩ bẩm báo rằng: “Triệu Vân đã đào thoát sang Tào Tháo ở phía bắc”.

Lưu Bị nghe xong, liền quăng cây kích đang cầm trong tay mà quát: "Tử Long tuyệt đối sẽ không bỏ ta mà chạy".

Họ là những người đồng cam cộng khổ, ý chí của Triệu Vân, sao có thể dựa vào biểu hiện bề ngoài có thể suy đoán bừa? Triệu Vân vẫn luôn ở bên Lưu Bị suốt thời gian qua, bỗng nhiên thúc ngựa chạy về hướng ngược lại, chỉ vì ông nghĩ nhiều hơn người khác: “Ấu chủ A Đẩu và Cam phu nhân vẫn còn trong trận địa của địch, có ai để ý đến sự an nguy của họ không?”

Vì để tranh thủ càng nhiều thời gian cứu người, Triệu Vân thậm chí không kịp bẩm báo cho Lưu Bị, liền lao vào trận địa của địch để tìm kiếm tung tích tiểu chủ nhân.

Chờ đợi trong lo lắng, một chốc cũng dài như vài năm, Lưu Bị cũng không hoài nghi sự trung nghĩa của Triệu Vân, chỉ lo lắng cho an nguy của ông. Đột nhiên, nghe thấy một tiếng ngựa dồn dập làm lòng của Huyền Đức an định lại. Lưu Bị từ xa trông thấy, một vị tướng quân cao lớn thúc ngựa chạy đến, trong tay ôm một đứa nhỏ, đồng thời hộ tống một nữ nhân.

《三國志像》之「長坂坡趙雲救主」。( 公有領域)
"Tranh Tam Quốc Chí" - Dốc Trường Bản Triệu Vân cứu chủ (Miền công cộng)

Vị tướng quân đó, không phải là Triệu Vân thì có thể là ai? Đứa trẻ ông ôm trong lòng, chính là A Đẩu; còn người nữ kia, chính là Cam phu nhân. Không biết ông đã trải qua bao nhiêu đợt chém giết cửu tử nhất sinh, mới có thể cứu được hai mẹ con họ khỏi đội quân Hổ Báo Kỵ.

Đức Nhân
Theo Epochtimes

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Triệu Vân một mình xông pha cứu chủ, nghĩa trọng như núi