Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (10): Lần đầu biết địa ngục - cảm nắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau tiếng chửi rủa ngoài hành lang là một sự cố xảy ra trong phòng giam của chúng tôi.

Anh Hàn cười tít cả mắt, tươi roi rói chạy đến, đưa sữa bột và bánh quy ra ngoài cửa phòng giam.

Anh Lan chỉ tay vào chúng tôi và mắng:

- Tao lên camera xem xem, hễ đứa nào kiếm chuyện là tao xử liền!

Đại lao đầu hống hách không chút nể nang giữ thể diện cho anh Hàn, chẳng trách là ông trùm xã hội đen khét tiếng!

Anh Hàn bực bội quay lại chỗ Mao đài (khu vệ sinh) và nói:

- Này chú em người Mỹ, vì chú mày mà anh phải chịu đòn đây này!

Tôi nói:

- Anh Hàn, anh em vẫn còn ở với nhau lâu dài mà!

- Hừ, chú mày tưởng anh bận tâm tới hắn ta sao? Anh cũng sắp đi rồi, ai có thể làm được gì anh chứ? Cứ vui vẻ đi.

Tiểu Long véo tôi một cái và thì thầm:

- Quản giáo sắp đến đấy, lát nữa quản giáo có thể nhắc đến anh.

- Làm sao cậu biết?

- Bình thường anh Lan vẫn hay đi trước làm tay chân cho quản giáo mà.

Đột nhiên, một phạm nhân ngồi ở hàng thứ ba nôn ọe, loạng choạng bò đến bên vách ngăn và nôn vào bồn tiểu. Một luồng hôi hôi chua chua nồng nặc bốc lên, ngay lập tức một phạm nhân khác đến dọn dẹp Mao đài.

Anh Hàn hỏi:

- Này Hậu Điểu Nhi, làm sao thế?

Tiểu Long nhảy qua vách ngăn đến vỗ lưng cho bạn tù đang mắc bệnh ấy.

- Hôm qua tôi thấy thần sắc cậu ấy không ổn, có lẽ đã bị cảm nắng rồi.

Tôi không còn đoái hoài đến cơn sốt nhẹ của mình nữa, mà chỉ sốt sắng nhờ anh Hàn đến xem bệnh cho Hậu Điểu Nhi.

Hậu Điểu Nhi mặt tái xanh, da dẻ nhợt nhạt, người đổ mồ hôi, tim đập nhanh. Tôi sờ lên trán cậu ấy và nói:

- Anh Hàn, cậu ấy bị cảm rồi, cần phải gặp bác sĩ.

Anh Hàn nhếch mép cười:

- Số người chúng ta đây còn ít sao? Trời nóng như thế, trong phòng lại chật ních thế này, có ai mà không bị cảm nắng chứ? Nếu tất cả đều đi khám thì phòng y tế lại chẳng nổ tung ra à? Ở đây á, nếu chưa sốt cao thì phải cố mà chịu, bị nặng rồi thì mới nói.

- Vậy cho cậu ấy uống chút nước muối đi, để cậu ấy nằm thẳng dưới đất rồi lau người bằng nước mát để hạ nhiệt.

- Lấy đâu ra muối chứ?

Anh Hàn phàn nàn, còn Tiểu Long thì cầm khăn ướt lau cho Hậu Điểu Nhi.

***

- Phương Minh, ra đây!

Tôi ngoảnh mặt ra, thấy anh Lan đang gọi từ ngoài cửa. Tiểu Long véo tôi một cái, tôi mới kêu to lên một tiếng “dạ”, rồi kéo lê đôi giày vải ra khỏi cửa.

Anh Lan áp giải tôi đi dọc theo hành lang, Lao đầu trong các phòng giam nhìn thấy đều cúi đầu khom lưng chào anh Lan. Một Lao đầu hướng đến anh Lan xin chỉ thị:

- Anh Lan, cậu bạn bị cảm này ở chỗ chúng tôi…

- Đã chết chưa?

Câu nói này làm tôi giật nảy mình. Tôi quay đầu coi thử, thấy anh Lan đang trợn con mắt tam giác lên, còn vị Lao đầu kia thì ấp úng đáp:

- À… vẫn chưa… vẫn còn chưa chết.

- Hừ! Khi nào bác sĩ đến thì nói chuyện tiếp!

Hai chúng tôi tiến vào đường thông đạo ở trung tâm và nhập vào dòng người đi về phía căn phòng lớn ở phía sau. Bên trong có rất nhiều phạm nhân ngồi xổm chờ để chụp ảnh. Anh Lan ấn tôi vào hàng. Tôi bắt chước các phạm nhân khác, tìm tấm bìa lớn màu trắng có tên mình rồi đặt ở trước ngực, ngồi quay lưng về phía cây thước và chụp một tấm “ảnh tội phạm” đúng tiêu chuẩn. Sau đó tôi lại vào nhóm khác để in dấu vân tay.

“Bốp!” Một nhân viên mặc thường phục vung tay bạt tai phạm nhân ở phía trước, lớn tiếng mắng:

- Thằng điên này, mày cố tình hử? Đã bảo mày không được ấn mạnh tay mà mày cứ không chịu. Lau tay đi!

Phạm nhân nhìn xuống hai tay dính đầy mực đen, rụt rè hỏi:

- Đại ca, lau vào đâu ạ?

- Lau lên áo ấy!

Vị nhân viên mặc thường phục dữ dằn giơ ra chiếc đồng hồ mới, vẻ mặt cau lại. Người phạm nhân kia chần chừ một lát, mất một hồi lâu lau hai tay đen sì vào quần. Nhân viên mặc thường phục lại lần nữa in dấu vân tay cho cậu ta và mắng:

- Xéo!

Thật đáng thương, rõ ràng ngay gần đó có thùng giấy lộn mà lại không cho sử dụng. Đến lượt mình, tôi tiếp thu bài học giáo huấn của người đi trước, để mình thả lỏng như con búp bê vải, mặc cho cậu ta muốn ấn thế nào thì ấn, chỉ một loáng đã in xong mười dấu vân tay và hai lòng bàn tay.

Anh Lan lại áp giải tôi đến một căn phòng nhỏ để rửa tay, rồi hai chúng tôi bước vào phòng quản giáo.

Phía sau chiếc bàn làm việc cũ kỹ là một cảnh sát tuổi trung niên, tóc húi cua, mặt vuông, hai mắt cười híp lại, miệng ngậm điếu thuốc lá. Chiếc quạt để bàn quay vù vù trong khi ông ta vừa phì phèo hút vừa lắc đầu như thể đang nghĩ: “Người này chả ra sao”.

Anh Lan châm điếu thuốc rồi giới thiệu:

- Đây là quản giáo Đinh.

- Xin chào, quản giáo Đinh.

- Ngồi đi, hút thuốc không?

Vị quản giáo nói rồi bật ra một điếu thuốc. Tôi vội cảm ơn và khước từ, ngồi xuống chiếc ghế đôn gỗ hình cái trống eo lưng ở phía đối diện.

Theo quy định, quản giáo phải đến gặp từng phạm nhân để trò chuyện và ghi chép hồ sơ. Nhưng ông Đinh lại rất cao giá, thường để phòng giam ghi chép thay mình, như thế ông khỏi cần phải gặp phạm nhân nữa. Ngay cả những phạm nhân được ông gọi đến cũng đều phải ngồi xổm trả lời. Hôm nay ông tiếp đãi tôi trọng hậu thế này, tôi thấy mình được sủng ái mà có phần lo sợ.

- Nghe nói cậu là người Mỹ?

- À… vâng.

- Cậu cứ yên tâm chờ đợi, trại giam đang trong quá trình xem xét. Cho dù vụ án này như thế nào thì chỉ cần không để lại gánh nặng là được. Tôi thấy cậu sẽ sớm ra ngoài, có gì bất như ý thì hãy tìm Đại lao đầu, còn nếu vẫn không giải quyết được thì đến tìm tôi.

- Tôi muốn gặp ngài đại sứ Mỹ.

- Điều này… Tôi cần phải xin chỉ chị của giám đốc đã. Cậu mời luật sư chưa?

- Tôi vừa mới viết bưu thiếp, nhờ người nhà thay tôi mời luật sư.

- Bưu thiếp đâu, lấy ra tôi coi xem nào?

Anh Lan nhanh nhảu bước ra khỏi phòng như thể muốn lập công. Chỉ chưa đầy hai phút, cánh cửa khẽ khàng mở ra, động tác rất nhẹ nhàng giống như của phụ nữ vậy. À, không phải phụ nữ, mà là anh Lan. Xem ra trại giam thật sự có thể “cải tạo người”! Trước mặt ngài quản giáo, ông trùm xã hội đen lạnh lùng sắt đá khi trước nay bỗng biến thành thục nữ!

Quản giáo nhận lấy tấm bưu thiếp rồi cười, như thể vừa nhìn thấy thứ gì đó “béo bở” trên đó.

- Được, hôm nay tôi sẽ gửi tấm bưu thiếp này giúp cậu.

- Cảm ơn ngài quản giáo.

Quản giáo lại hỏi với vẻ hòa nhã:

- Còn chuyện gì nữa không?

- Tôi hơi sốt, liệu tôi có thể gặp bác sĩ không?

- Đợi bác sĩ lát nữa… Mà thôi, Lão Lan, cứ đưa cậu ấy đến thẳng phòng y tế đi!

Anh Lan xin chỉ thị:

- Vậy những người bị cảm ở các phòng còn lại thì có cần đưa đi không?

Quản giáo cau mày:

- Thế đã chết chưa?

- Chưa… chưa chết ạ.

- Chưa thì cứ chờ đấy, bác sĩ đến rồi nói chuyện sau!

Ngài quản giáo nói với tâm trạng có vẻ bực bội. Thì ra cách xử sự của anh Lan đều là học theo quản giáo. Vị quản giáo này cũng quá ư tàn khốc: Đối với người nước ngoài thì quan tâm chăm sóc, còn đối với người trong nước thì để lộ nguyên hình, sao mà giống Đảng Cộng sản đến thế!

Anh Lan áp giải tôi theo đường thông đạo ở trung tâm đi ra phía ngoài, rẽ vào phòng y tế.

Trên mặt đất có vài phạm nhân đang ngồi chờ, nam bên trái, nữ bên phải, đứng bên cạnh có phạm nhân đi theo, vừa để hộ tống cũng vừa để giám sát. Phạm nhân khám bệnh ngồi trên ghế đẩu, hai nữ bác sĩ chẩn đoán cho bệnh nhân với vẻ hờ hững, thờ ơ, như thể trong bụng đầy oán khí. Có lẽ là vì họ làm việc trong trại giam, nơi chỉ dành cho họ chế độ đãi ngộ ở mức thấp nhất.

Một bác sĩ nói với người hộ tống bệnh nhân:

- Cô ấy cảm nắng rồi. Đừng để cô ấy ngồi trên ván mà hãy cho nằm dưới đất, cho uống nước muối, thuốc Nhân Đan, và lau người bằng nước lạnh.

- Ôi chị ơi, đã lau mãi rồi mà vẫn còn nóng thế này.

- Thế thì cho ra nằm ở sân hóng gió, kê cao đầu lên, nếu thấy bị hôn mê thì báo ngay cho tôi biết.

- Chị à, sân hóng gió lúc này cũng nóng lắm…

- Vậy thì té nước lên tường sân hóng gió, để cô ấy nằm ở chỗ râm mát. Nhưng không được vẩy nước vào người cô ấy, bị cảm nắng thì chỉ có thể lau khăn ướt chứ không được té nước vào người, nhớ kỹ chưa?

Bác sĩ ném ra một hộp thuốc rồi xua nữ phạm nhân ra ngoài. Cách trị liệu này rốt cuộc sẽ biến người ta thành gì đây?

Anh Lan kéo tôi len qua hàng rồi đứng chắn ngay phía trước.

- Bác sĩ Vương, cậu ấy bị sốt rồi.

- Lại cảm nắng à?

Tôi phải trả lời thế nào đây nhỉ? Đang giữa hè mà bị lạnh? Hay là bị đau bụng trong lúc dự thẩm rồi phải mặc chiếc quần ướt sũng, ngồi trong phòng điều hòa vù vù gió thổi? Chuyện riêng tư thế này thực không tiện nói, tôi bèn thuận miệng đáp ngắn gọn:

- Có lẽ là do thủy thổ không hợp.

- Giọng anh không giống người Bắc Kinh, phải vậy không?

- Cậu ấy là người Mỹ (Anh Lan nói chen vào).

- Ồ? Làm sao mà người Mỹ cũng bị bắt vào đây?

Bác sĩ Vương kinh ngạc đến mức như thể biến thành người khác, thái độ cũng lập tức trở nên hòa nhã hơn.

- 37 độ 5, không còn sốt nữa.

Bác sĩ Vương lắc cái máy đo nhiệt rồi nói tiếp:

- Nhưng vẫn cần tiêm cho anh một liều. Tôi biết người Mỹ các anh nhạy cảm lắm, môi trường thay đổi cái là họ đều không chịu được.

- Cảm ơn bác sĩ, ở đây điều trị quyết liệt quá, lại còn tiêm cho tôi nữa, chứ ngoài kia chỉ có truyền dịch thôi.

Bác sĩ Vương đáp:

- Truyền dịch thì đắt quá, trong này thực sự không truyền được.

- Bệnh viện ở các thành phố lớn rất hiếm khi tiêm thuốc, động một tí là họ truyền dịch, truyền đến hại cả người.

Tôi chuyện trò trong lúc bị tiêm, chỉ hy vọng cô ấy sẽ nhẹ tay một chút. Nào ngờ đâu cô ấy không tiêm mà gần như “phun” thuốc vào, khiến tôi tưởng như mình đang ở trong tay bác sĩ thú y vậy! Bác sĩ Vương nói tiếp:

- Trung Quốc hiện nay ở đâu cũng như thế, làm thế nào kiếm được tiền liền làm thế ấy, bệnh nhân bị truyền dịch đến mức thương tổn rồi lại phải trả tiền cho bệnh viện.

- Câu này của chị thật kinh điển! – Anh Lan chớp thời cơ nói những lời có cánh.

- Ở Mỹ không thế sao? – Bác sĩ Vương nói rồi rút mũi kim ra.

- Ở Mỹ người ta hạn chế tối đa việc truyền dịch, tiêm thuốc, thông thường thì chỉ cho uống thuốc.

- Tôi cũng sẽ kê cho anh một ít thuốc, chăm lo thật tốt cho vị khách nước ngoài như anh.

Xem ra, thân phận công dân Mỹ đã trở thành lá bùa hộ mệnh cho tôi, hết người này đến người khác đều biệt đãi tôi vô cùng trọng hậu.

***

Khám bệnh xong quay về, tôi vẫn thấy Hậu Điểu Nhi đang nằm cạnh bồn nước. Mới ban nãy thấy cậu ấy sốt cao, giờ sờ lại đã hôn mê rồi. Ôi trời ơi! Tình trạng của cậu ấy quá nghiêm trọng! Làm không tốt, rất có thể sẽ là cả mạng người!

Anh Hàn vội vàng nói:

- Lát nữa bác sĩ đến kiểm tra, cậu hãy nói nghiêm trọng một chút nhé! Nếu không thì bác sĩ sẽ không quan tâm đâu.

Tôi ấn mạnh vào huyệt Nhân Trung của Hậu Điểu Nhi, cảm giác không quá tệ. Một nam bác sĩ trẻ tuổi xuất hiện ở ngưỡng cửa, anh Hàn vội chạy ra báo cáo. Bác sĩ hỏi:

- Ấn vào Nhân Trung thấy có tỉnh lại không?

- Ấn cả nửa ngày rồi nhưng vẫn cứ hôn mê!

- Vậy à? Mau mau khiêng đến phòng y tế!

Anh Hàn lập tức ấn nút liên lạc nội bộ, còn các tù nhân trong phòng giam thì bận rộn người xỏ quần, người mặc áo cho Hậu Điểu Nhi. Mọi người tranh thủ đứng dậy, tận dụng tất cả cơ hội để mông được hoạt động, làm giảm bớt áp lực khi ngồi lên ván quá lâu. Lão Lục cõng Hậu Điểu Nhi, còn anh Hàn đi bên cạnh hộ tống cả hai ra khỏi cửa nhà lao.

Sau nửa ngày anh Hàn và Lão Lục mới quay lại. Đến lúc này chúng tôi mới được biết Hậu Điểu Nhi đã đeo cùm chân và được đưa đến bệnh viện rồi.

Hậu Điểu Nhi vào trại giam Hải Điếm từ mùa xuân năm ngoái, bị giam giữ ở đây cả nửa năm mới chuyển ra ngoài, đến mùa xuân năm nay lại quay lại. Thu đi xuân về, do đó người ta mới đặt cho cậu ấy cái tên “Hậu Điểu Nhi”, nghĩa là chim di cư. Lần này ra đi, không biết đến khi nào mới bay trở lại đây?

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (10): Lần đầu biết địa ngục - cảm nắng