‘Trong nhà có hai âm thanh này không phải là dấu hiệu tốt’ - hai âm thanh đó là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà là bến bờ của tâm hồn chúng ta và là nơi gắn kết tình cảm. Nhà là nơi ta thực sự thuộc về, nơi mang lại cho chúng ta sự an ủi ấm áp và tìm kiếm sự hỗ trợ khi ta vấp ngã trên đường đời, đồng thời là nơi chữa lành những vết thương lòng ẩn giấu bên trong.

Nhà là nơi những người bạn tâm giao, những người thân yêu quan tâm ta và chia sẻ với ta những điều hạnh phúc bình dị trong cuộc sống.

Tuy nhiên, có hai âm thanh không nên vang vọng trong nhà của bạn, đó là tiếng tranh cãi và tiếng phàn nàn.

1. Tiếng tranh cãi

Những cuộc cãi vã trong ngôi nhà của bạn không làm chúng ta vui vẻ và hạnh phúc hơn mà ngược lại, chúng luôn mang đến sự bất an lo sợ, giống như một hòn đá ném vào mặt hồ tĩnh lặng, gây gợn sóng. Tất cả chúng ta đều sẽ sinh ra tâm lý lo lắng rối bời khi xảy ra những cuộc cãi vã và âm thanh dồn dập lời qua tiếng lại vang lên trong nhà của mình. Những âm thanh như thế chỉ toàn mang lại sự căng thẳng cho bầu không khí trong gia đình, thứ vốn dĩ nên phải ấm áp và bình yên.

Âm thanh này không chỉ đơn thuần là những tiếng tranh cãi lẫn nhau mà nó còn ẩn chứa nhiều vấn đề tiềm ẩn khác giữ các thành viên trong gia đình. Nó có thể mang đến áp lực vô hình trong công việc, căng thẳng trong học tập hoặc những tâm lý khó chịu gây ra những tranh chấp trong các mối quan hệ khác. Những mâu thuẫn này như thuốc độc thấm dần vào lòng của mỗi người, dần dần ăn mòn sự hạnh phúc hòa thuận trong gia đình, dẫn đến sự xa lánh gián cách, thờ ơ giữa những người thân, bạn tâm giao, đồng thời phá hủy sự gắn kết ổn định nên có của một gia đình.

Gia đình rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường thường xuyên có nhiều tiếng tranh cãi sẽ có tác động xấu đến tâm hồn của chúng. Trẻ nhỏ có thể cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an và tuyệt vọng, ảnh hưởng đến sự tự tin và khả năng quản lý cảm xúc của chúng. Ngoài ra, trẻ em rất dễ bắt chước hành vi của người lớn và việc chứng kiến ​​những cuộc tranh cãi thường xuyên có thể làm chúng học theo những hành vi bốc đồng và hung hăng, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp xã hội trong tương lai của chúng.

Gia đình là một hệ sinh thái tinh tế và phức tạp, nó cần được cả gia đình trân trọng và vun đắp. Khi tiếng nói đối đầu nổi lên, chúng ta nên dùng trí tuệ và lòng can đảm để giải quyết nó, thay vì coi đó là một mối đe dọa.

2. Tiếng phàn nàn

Phàn nàn cũng là tiếng nói không thích hợp để lan truyền trong gia đình.

Những lời phàn nàn thường xuất phát từ việc kỹ năng giao tiếp kém, thiếu hiểu biết hoặc thiếu tin tưởng lẫn nhau. Khi các thành viên trong gia đình không hiểu được nhu cầu và cảm xúc của nhau, những nút thắt có thể hình thành và cuối cùng dẫn đến sự bất mãn của tất cả mọi người. Để xóa bỏ những bất bình trong gia đình, chúng ta cần hình thành một nền tảng lễ nghi giúp giao tiếp tốt. Các thành viên trong gia đình nên chia sẻ với nhau một cách chân thành, nhẫn nại lắng nghe tiếng nói nỗi lòng của nhau, không nên xử lý một cách hời hợt và thờ ơ với những vấn đề nhỏ để tránh chúng biến thành vấn đề lớn.

Vai trò và trách nhiệm trong gia đình cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc dẫn đến sự phàn nàn. Mỗi thành viên trong gia đình nên chia sẻ trách nhiệm việc nhà, chăm sóc con cái, chăm sóc người già để hình thành sự phân công hợp lý trong gia đình. Khi trách nhiệm được phân bổ đồng đều, mọi người đều cảm thấy được tôn trọng và có giá trị, giảm nguy cơ phàn nàn bất mãn. Đồng thời, cha mẹ trong gia đình nên gương mẫu, làm gương trước con trẻ bằng cách khuyến khích con cái tích cực tham gia vào công việc của gia đình, cùng nhau gìn giữ sự hòa thuận trong ngôi nhà ấm cúng của chúng ta.

Trong gia đình, việc giao tiếp tình cảm cũng không kém phần quan trọng. Hãy thường xuyên thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình để họ cảm nhận được sự ấm áp của nhau. Hãy bao dung trước những khuyết điểm của các thành viên trong gia đình, đồng thời tôn trọng tính cách và sự lựa chọn của mỗi người. Sự bao dung và thấu hiểu lẫn nhau có thể làm giảm đáng kể việc xảy ra những lời phàn nàn và làm tổn thương tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Người xưa nói: “Phú bất nghĩa đa phiền, gia hoà bần giã túc” (Giàu có mà bất nghĩa thì nhiều phiền nhiễu rắc rối, nhưng gia đình hòa thuận thì dù nghèo đói sao cũng thấy đủ). Quả đúng là như vậy. Chúng ta hãy bớt trách móc phàn nàn người thân trong gia đình, hãy gánh thêm trách nhiệm, bớt nóng nảy bất nhẫn và sống hòa thuận quan tâm nhau hơn. Trong gia đình, chúng ta nên trân trọng lẫn nhau và dùng trí tuệ, tình yêu thương và sự thông cảm để tạo nên một gia đình hòa thuận và tràn ngập ấm áp. Chỉ bằng cách này, mái ấm gia đình mới có thể trở thành bến đỗ của tâm hồn, là đích đến thực sự nơi ta thuộc về.

Theo Lý Hoa - Aboluowang - Nguồn: Đại học Lịch sử

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Trong nhà có hai âm thanh này không phải là dấu hiệu tốt’ - hai âm thanh đó là gì?