Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Taliban khi Afghanistan 'trải thảm đỏ' đón BRI

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại vòng đối thoại giữa Ngoại trưởng các nước lần thứ 5 ở thủ đô Islamabad (Pakistan) vào ngày 6/5, Trung Quốc, Pakistan và Taliban đã nhất trí mở rộng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc tới Afghanistan.

"Ba bên tái khẳng định quyết tâm khai thác triệt để tiềm năng của Afghanistan với tư cách là một trung tâm kết nối trong khu vực. Tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác ba bên theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và cùng mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) tới Afghanistan", theo một tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Pakistan công bố hai ngày sau đó.

Tuyên bố chung được công bố trong bối cảnh tình hình Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều chuyên gia nói với The Epoch Times rằng tuyên bố ba bên về BRI ở Afghanistan cho thấy các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc ở Afghanistan, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực về khả năng kết nối và tài nguyên khoáng sản.

Nhận định về tuyên bố chung, ông Adnan Aamir, một nhà báo ở Islamabad chuyên viết về các lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng: “Tuyên bố trên chỉ ra rằng Afghanistan do Taliban kiểm soát là khu vực ưu tiên cho mục tiêu mở rộng kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh chú trọng đến việc khai thác tài nguyên khoáng sản từ Afghanistan và sử dụng các tuyến đường thương mại của nước này tới Iran và Thổ Nhĩ Kỳ như một giải pháp thay thế cho khu vực Trung Á”.

Theo ông Aamir, Taliban không thể thực hiện các cam kết tài chính và tình hình rất phức tạp vì các dự án BRI liên quan đến các khoản vay và cả Trung Quốc và Pakistan đều chưa chính thức công nhận Taliban.

Ông mô tả việc Afghanistan tham gia BRI là "một mong muốn hơn là một thực tế trước mắt”.

Tuyên bố chung đề cập đến Taliban với tư cách là “Chính phủ lâm thời Afghanistan” và tuyên bố rằng cuộc họp ba bên muốn khuyến khích “kết nối cứng” trong cơ sở hạ tầng và “kết nối mềm” trong các quy tắc và tiêu chuẩn. Đồng thời họ quyết định điều tra các biện pháp tạo thuận lợi cho sự di chuyển của người dân và các hoạt động thương mại giữa ba nước.

Theo ông K. Siddhartha, một nhà tư tưởng chiến lược và nhà khoa học Trái Đất, những nỗ lực của Trung Quốc ở Afghanistan được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc đối với khoáng sản và nguyên liệu thô.

Ông Siddhartha, từng là cựu cố vấn cho nhiều quốc gia, lập luận rằng: “Địa chất của Afghanistan đã giúp nước này trở thành một kho dự trữ khoáng sản. Tuy nhiên, việc người dân Afghanistan có sử dụng nguồn khoáng sản này hay không lại là một vấn đề khác”.

Đầu tháng 4/2023, một công ty Trung Quốc đã bơm cho Taliban 10 tỷ USD với đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược trọng yếu kết nối trục giao thông Bắc - Nam của Afghanistan để đổi lấy quyền tiếp cận kho dự trữ Lithium của nước này.

Theo ông Siddhartha, Trung Quốc sẽ cần thêm nhiều Lithium hơn để tiếp thị xe điện và giảm chi phí sản xuất để duy trì lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

“Trung Quốc sẽ sớm khao khát kiểm soát thị trường ô tô toàn cầu”, ông nói.

Bộ Mỏ và Dầu khí của Taliban cho biết trong thông cáo báo chí rằng Trung Quốc đã đề xuất phát triển ba dự án cơ sở hạ tầng để đổi lấy Lithium: Đường hầm Salang nối phía bắc Afghanistan với Kabul, đường cao tốc Nuristan nối Kunar với Laghman và một dự án đập thủy điện.

Năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố xây dựng một khu công nghiệp ở thành phố New Kabul. Ngoài ra, phương tiện truyền thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times) đã nhiều lần nói rằng sau khi Taliban tiếp quản, người dân Afghanistan sẽ có thể "quyết định vận mệnh của chính họ".

Theo ông Siddhartha, mô hình BRI kết nối Afghanistan với các địa điểm khai thác chính của nước này giống như cách mà nước Anh thời thuộc địa đã liên kết các thành phố lớn của Ấn Độ vì lợi ích của đế chế Anh.

Ông nói thêm: “[Mô hình BRI] giúp Afghanistan lột trần nền kinh tế của mình mà không có bất kỳ tác động đồng thời nào đối với vùng nội địa… đồng thời đảm bảo an ninh nguồn cung cấp thông qua việc triển khai có chọn lọc các nhân viên vũ trang của họ”.

Ông Siddhartha lập luận rằng các mục tiêu kinh tế tập trung vào các dự án như BRI không dẫn đến sự phát triển toàn diện. “Tất nhiên, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh trong khu vực”, ông cho hay.

Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari (trái) bắt tay với người đồng cấp Afghanistan Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp ở Islamabad, Pakistan, hôm 7/5/2023. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Pakistan/AFP/Getty Images)

Chính quyền tiền nhiệm Afghanistan

Theo các chuyên gia, tin đồn về việc mở rộng BRI ở Afghanistan không phải là điều mới mẻ bởi lẽ tin tức này đã hiện diện trong suốt nhiệm kỳ của chính quyền tiền nhiệm Afghanistan. Tuy nhiên, rốt cuộc đó vẫn chỉ là tin đồn chứ không mang lại kết quả thực chất nào.

"Ý tưởng về việc Afghanistan tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường hay Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan không phải là điều mới mẻ, vì trước đây ý tưởng này từng được đề xuất dưới chính phủ tiền nhiệm cũng như các quốc gia khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á", ông Aamir cho hay.

Trao đổi với The Epoch Times, bà Homira Rezai, chủ tịch Ủy ban Hazara tại Vương quốc Anh (HCUK), cho hay, chính quyền Afghanistan tiền nhiệm đã phải đối mặt với một số rào cản để Afghanistan tham gia BRI.

Bất chấp nhiều cuộc gặp giữa các đại diện Trung Quốc và Afghanistan, bà Rezai tin rằng khó có thể triển khai BRI sớm hơn vì hai bên thiếu mối quan hệ đối tác chân chính.

Dưới chính quyền tiền nhiệm, Afghanistan đã thực hiện Hành lang Đường sắt Năm Quốc gia và Kế hoạch Đường sắt Afghanistan với sự trợ giúp của quốc tế mà không cần hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc.

"Thời thế đã thay đổi. Trung Quốc [giờ đây] được coi là nguồn cung tài chính trọng yếu của Taliban. Với các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã thay đổi thái độ đối với Afghanistan nhằm và theo đuổi lợi ích lớn hơn ở quốc gia này", bà Rezai nói thêm.

Ông Grant Newsham, cựu Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng khía cạnh “hài hước” nhất trong tuyên bố đưa Taliban vào BRI là Pakistan, cùng với Trung Quốc, được tín nhiệm trong dự án này.

“Pakistan ư? Họ đã vỡ nợ trong nhiều thập niên. Nếu họ nói điều gì đó chẳng hạn như BRI là một cơ hội tuyệt vời, thì người ta nên hiểu ngược lại”, ông nói.

Về phần mình, bà Rezai nói rằng tuyên bố chung ba bên là vì lợi ích tốt nhất của Pakistan.

“Với sự hợp tác của Pakistan, Trung Quốc đang nỗ lực thực sự để tăng cường sự hiện diện và vị thế của mình ở Afghanistan. Chắc chắn, việc Afghanistan tham gia BRI sẽ củng cố đáng kể các tuyến đường quá cảnh của Pakistan”. Theo bà Rezai, cả Pakistan và Trung Quốc đều hưởng lợi về mặt kinh tế.

Bà nhận định rằng cộng đồng quốc tế nên theo dõi chặt chẽ hơn các diễn biến ở Afghanistan.

“Chúng tôi biết Trung Quốc chỉ có một chương trình nghị sự kinh tế và họ chiếm thế thượng phong trong thỏa thuận này. Pakistan dường như là trung tâm chiến lược trong mối quan hệ đối tác này. Đây có thể là một nỗ lực nhằm tiếp tục trao quyền cho [Taliban], điều này chỉ có thể mang lại kết cục tồi tệ cho người dân Afghanistan", bà nói.

Quyền phó Thủ tướng lâm thời của Afghanistan Abdul Ghani Baradar (trái) và Đại sứ Trung Quốc tại Kabul, Vương Ngu (Wang Yu), công bố hợp đồng khai thác dầu với một công ty Trung Quốc tại Kabul, Afghanistan, hôm 5/1/2023. (Ảnh: Ahmad Sahel Arman/AFP/Getty Images )

Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại ở Afghanistan

Theo các chuyên gia, kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Washington đã để lại một khoảng trống mà Trung Quốc đang gấp rút lấp đầy. Nỗ lực này của Bắc Kinh không chỉ vì lợi ích ở Afghanistan mà còn vì lợi ích ở khu vực Trung Á và Nam Á rộng lớn hơn. Điều này sẽ mang lại những tác động địa chính trị sâu rộng.

“Đây là một bước phát triển quan trọng. Sự can dự và quyết đoán của Trung Quốc ở Tây Á, Nam Á và Châu Âu sẽ gia tăng. Khoảng trống do Hoa Kỳ để lại giờ đây sẽ được Trung Quốc lấp đầy”, ông Shekhar Sinha, thành viên hội đồng quản trị tại Quỹ Ấn Độ, nói với The Epoch Times.

Ông tiếp tục: “Mặc dù Trung Quốc không hợp pháp hóa chính phủ Taliban, nhưng nước này sẽ giao dịch với các chính phủ mang lại lợi ích cho mình”.

Ông Newsham cho biết Bắc Kinh nhận thấy lợi thế khi có chính phủ Taliban đứng về phía mình về mặt chính trị.

“Nếu Afghanistan đứng về phía Trung Quốc thì họ sẽ không đứng về phía Mỹ. Afghanistan hiện là một trong những quân cờ của Trung Quốc trên bàn cờ - và theo nghĩa này thì đó là nơi mà người Mỹ không còn hiện diện, cũng như không có bất kỳ ảnh hưởng nào nữa", ông nói.

Theo ông Newsham, khi có thêm Taliban trở thành đồng minh, ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á sẽ ngày càng mạnh mẽ, cục diện này có lợi cho Nga. Tuy nhiên ông lập luận rằng, vẫn còn phải xem liệu người Trung Quốc có thể làm tốt hơn những người nước ngoài khác ở Afghanistan hay không.

"Sẽ rất thú vị khi theo dõi cách Trung Quốc tận dụng cơ hội này như thế nào, đặc biệt là khi người lao động Trung Quốc đổ xô đến Afghanistan", ông Newsham nói.

Kịch bản này sẽ ảnh hưởng đến cả Ấn Độ vì đây là quốc gia lớn duy nhất trong khu vực từ chối tham gia sáng kiến BRI do Trung Quốc dẫn đầu.

Về mặt chiến lược, Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các sự kiện bên trong Pakistan và Afghanistan, cả hai đều có vị trí địa lý gần với Ấn Độ.

“Về mặt địa lý, [quân bài] Afghanistan là một bước đi gián tiếp nhằm gây sức ép với Ấn Độ và tước đi một loại ‘chiều sâu chiến lược’ của nước này, buộc người Pakistan phải để mắt đến cả Ấn Độ và Afghanistan cùng lúc. Giờ đây, về lý thuyết, người Pakistan có thể dốc toàn bộ sự chú ý của họ - quân sự và khủng bố - về phía Ấn Độ", ông Newsham kết luận.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Taliban khi Afghanistan 'trải thảm đỏ' đón BRI