Trung Quốc và câu chuyện xưa nay Nhân - Quả chẳng chừa một ai [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Stone muốn nói tới trận động đất tại Tứ Xuyên ngày 12-5-2008 khiến gần 70 ngàn người thiệt mạng, 18 ngàn người mất tích và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất... chính là quả báo, là nghiệp chướng mà người Trung Quốc phải gánh chịu vì những tội lỗi họ đã gây ra.

Sharon Stone và phát biểu tại liên hoan phim Cannes năm 2008

Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện cũ mà không cũ. Tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 61 tháng 5/2008, nữ minh tinh nổi tiếng Hollywood là Sharon Stone đã trả lời phỏng vấn rằng: "Tôi không vui với những gì người Trung Quốc đã đối xử với người Tây Tạng. Sau trận động đất và những việc đã xảy ra, há chẳng phải là nghiệp chướng sao? Gieo gió thì gặt bão thôi".

Sharon Stone by Gage Skidmore 5.jpg

Sharon Stone (Nguồn: wikipedia/ CC BY-SA 3.0)

Stone muốn nói tới trận động đất tại Tứ Xuyên ngày 12-5-2008 khiến gần 70 ngàn người thiệt mạng, 18 ngàn người mất tích và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất... chính là quả báo, là nghiệp chướng mà người Trung Quốc phải gánh chịu vì những tội lỗi họ đã gây ra.

Phát biểu thẳng thắn của Sharon Stone lại tiếp tục gây nên một “trận động đất” nữa tại quốc gia đông dân nhất thế giới, lần này là “động đất” trong dư luận Trung Quốc và Sharon Stone dù ở cách nửa vòng Trái đất, vẫn cảm thấy dư chấn ghê gớm của nó.

Sự việc cho thấy, người Trung Quốc ngày nay đã cảm thấy mơ hồ khó lý giải và khó chấp nhận Nhân - Quả, một quy luật quá đỗi quen thuộc trong văn hóa Á Đông và với tổ tiên của họ hơn nghìn năm nay. Vậy Nhân - Quả là gì?

Nhân - Quả: một Pháp lý của vũ trụ

Phật giáo, một bộ phận của Tam giáo “Nho, Thích, Lão” cấu thành nên Văn hóa Thần truyền Trung Hoa, đã du nhập vào đất này từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. “Nhân - Quả” là một Pháp lý, một quy luật vũ trụ với khái niệm có xuất xứ từ Phật giáo.

Trong Nhân - Quả, “Nhân” là nguyên nhân từ quá khứ, “Quả” là kết quả hoặc hậu quả diễn ra ở hiện tại hay tương lai, bắt nguồn từ cái “Nhân”. Và Trong cái “Quả” ấy, xét xem con người phản ứng (suy nghĩ, hành động) với thái độ nào, nó sẽ tiếp tục là “Nhân” cho cái “Quả” của tương lai. Mãi mãi là cuộc vay trả khi con người còn “lặn ngụp” trong Luân hồi.

Đức Phật dạy: "Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thay được; con làm điều chẳng lành, cha không chịu thay được. Làm lành tự được phúc, làm dữ tự mang họa". (Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương). Lại có câu: "Ðiều lành dữ cuối cùng đều có trả, khác nhau chỉ đến chóng hay chầy, nhanh hay chậm mà thôi".

Kinh Nhân - Quả ba đời viết:
Muốn biết Nhân đời trước
Xem sự hưởng đời nay
Muốn biết Quả đời sau
Xem việc làm kiếp này

Còn Kinh Pháp Cú thì viết:
Khi mà nghiệp ác chưa thành
Người làm điều ác tưởng mình vui thôi!
Đến khi nghiệp ác tới rồi
Người ta mới thấy cuộc đời khổ đau.

Và:
Khi mà nghiệp thiện chưa thành
Người làm điều thiện tưởng mình khổ thôi!
Đến khi nghiệp thiện tới rồi
Người ta mới thấy cuộc đời an vui.

Đức Phật dạy: "Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thay được; con làm điều chẳng lành, cha không chịu thay được. Làm lành tự được phúc, làm dữ tự mang họa". (Ảnh: minghui)

Nhân - Quả còn gọi là Nghiệp báo. Một hành động trong quá khứ được gọi là “gieo Nhân”, thì tương lai sẽ “gặt Quả”. Cũng vậy, trong quá khứ “tạo Nghiệp”, thì tương lai sẽ chịu “Nghiệp báo”. Khác biệt là Nhân - Quả gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Còn “Nghiệp báo” thì thường mang nghĩa tiêu cực; nó còn thiếu vế “Tích đức” nữa mới phản ánh hoàn toàn Nhân - Quả.

Nhân - Quả hay Nghiệp báo gồm có hai loại: “biệt nghiệp” và “cộng nghiệp”.

Biệt nghiệp là Nghiệp báo của cá nhân. Cộng nghiệp là Nghiệp báo của cộng đồng.

Nhân - Quả có phải chỉ trong quan niệm của Phật giáo? Không, đó là một luật của vũ trụ, thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau.

Nhân - Quả trong Văn hóa truyền thống

Cái lý Nhân - Quả của Phật giáo đi vào dân gian, hình thành những quan niệm trong văn hóa truyền thống như: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, hoặc “ác giả ác báo”.

Ở nước Việt, các cụ ta từ xưa đã khiến lý Nhân - Quả của Phật giáo gần gũi hơn với người Việt qua những thành ngữ như:

“Gieo gió gặt bão”;
“Ở hiền gặp lành”;
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Hoặc trong ca dao:
“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Hoặc trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du:
"Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều".

Nhân - Quả trong Văn hóa phương Tây

Trong Thiên Chúa Giáo và Kinh Thánh Cơ Đốc sau giai đoạn 300 năm bức hại, vì không còn có khái niệm Luân hồi, vả lại văn hóa Đông - Tây có cách truyền thụ khác nhau, nên người ta không nói tới luật Nhân - Quả, nhưng có nói tới quan hệ Gieo - Gặt.

Chẳng hạn, qua lời giảng của Đức Chúa Jesus thì:

“Ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Galati 6:7).
“Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô 9:6).
“Vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Galati 6:7)
“Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt7,17-18).

Nhân - Quả trong khoa học

Trong vật lý học, có Định luật 3 Newton: "Trong mọi trường hợp, khi vật A tác dụng lên vật B một lực, thì vật B cũng tác dụng lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều". Đó chính là một ví dụ về luật “Nhân - Quả”.

Issac Newton. (Wikipedia)
Issac Newton. (Wikipedia)

Nhân - Quả là cách vũ trụ vận hành và không thể trốn tránh được, giống như đã có vay, ắt phải có trả. Vấn đề là quá trình từ Nhân đi đến Quả ra sao? Lúc nào gieo Nhân và khi nào gặt Quả? Hình thức trả Quả ra sao và Nhân - Quả có thay đổi được không?... đó mới là điều cần lưu tâm mà ít ai để ý.

Bao giờ gặt Quả?

Có thứ Quả báo đến tức thì, ngay trong hiện kiếp, gọi là “Quả báo nhãn tiền”. Nhưng cũng có những Quả báo đến vào thời điểm nhiều kiếp sau đó, trong hành trình dài đằng đẵng của sinh mệnh. Nó đến lúc nào, còn tùy thuộc vào duyên.

Ví như một người lữ hành vượt qua vùng Bắc địa băng tuyết quanh năm. Trên đường đi, anh đánh rơi túi hạt giống. Hạt giống rơi xuống băng tuyết không thể nảy thành cây, nhưng được bảo quản tốt. Mãi đến một ngày, khí hậu thay đổi, mặt trời chiếu sáng, băng chảy tuyết tan, hạt giống tiếp xúc với nền đất, sẵn có nước và ánh mặt trời ấm áp, nó nảy thành cây. Như vậy là Nhân đã thành Quả. Nhưng có khi cả trăm năm đã trôi qua và người lữ hành đã chết, mang theo quan niệm “Nhân - Quả không tồn tại”. Nó tồn tại, nhưng cần có duyên đến sau một quá trình có thể vượt khỏi một đời người. Ở đây, duyên để hạt giống nảy thành cây là khí hậu thay đổi, ánh nắng, nguồn nước và đất đai.

Vì vậy, trong ở trong một hoàn cảnh có cái duyên phù hợp, một cái Nhân có thể ngay lập tức trổ thành Quả, gọi là “Quả báo nhãn tiền”. Còn nếu chuyển đổi hoàn cảnh, do thiếu cái “duyên”, nên cái Nhân ấy có thể chưa thành Quả, mà có khi phải đợi một kiếp sống khác. Nhưng chẳng qua là món nợ chưa được kết toán, nhất định trước sau cũng phải trả.

Và có lẽ thay vào đó, một cái Nhân khác trong vô vàn cái Nhân mà con người đã gieo từ nhiều kiếp sống... sẽ tùy duyên mà trổ Quả.

Chẳng hạn, một tham quan trốn được ra ngoại quốc, thoát tội. Nhưng anh ta có thể sẽ gặp một tai họa khác như bệnh tật, phá sản, mất mát người thân v.v. cũng là một hình thức Quả báo với cái duyên trong hoàn cảnh mới, gọi là “của Thiên trả Địa”.

Hoặc hoàn cảnh sinh sống không thay đổi, nhưng cái duyên bị ngăn cản, thì cái Quả sẽ đến với một hình thức khác, nhờ một cái duyên khác. Có người gây lỗi lầm, lẽ ra sa vòng lao lý hoặc mất mạng, nhưng thay vào đó lại sạt nghiệp trắng tay, nói như người Việt xưa là: “của đi thay người”.

Nghiệp báo từ cha mẹ, tổ tiên

Chuyện “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” hoặc “cha mẹ hiền lành để đức cho con” xưa nay nhiều không đếm được, và nó cũng là một hình thức Nhân - Quả, có lúc khiến con người khó lý giải, hình như mâu thuẫn với lời Phật dạy? Thực ra không mâu thuẫn, mà đều có đạo lý thâm sâu.

Phạm Trọng Yêm
Phạm Trọng Yêm. (Ảnh: Wikipedia)

Nhiều tham quan, gian thương, điêu dân... ngày nay của Trung Quốc làm ác, tích tài phú cho con cháu một cách bất chính. Thì con cháu họ cũng phải nhận Quả báo, như một kẻ thụ hưởng thứ “của phi nghĩa có bền được đâu”. Ngược lại, danh thần Phạm Trọng Yêm đời Bắc Tống, nhường đất quý có phong thủy tốt vốn có thể giúp gia tộc hưng vượng để xây trường học cho dân, lại bỏ tiền mua ngàn mẫu ruộng tốt để lấy hoa lợi nuôi dân. Trong khi đó, Phạm Trọng Yêm giáo dục con cái sống thanh bạch giản dị. Cái “Nhân” tốt ấy khiến con cháu đời nối đời nhận được “Quả” ngọt, gia tộc thịnh vượng 800 năm không suy.

Nhân - Quả liệu có dễ nhìn ra và có thể thay đổi?

Dân gian kể rằng Bao Chửng đời Tống, vị quan thanh liêm, công bằng nổi tiếng... đã từng là nhân chứng của một câu chuyện Nhân - Quả. Ở làng nọ, có một cậu bé tàn tật, què quặt ăn xin nhưng tốt bụng, cậu sẵn lòng vác đá để xây cầu bắc qua một con suối rộng, giúp mọi người đi lại an toàn thuận tiện. Lúc đầu người ta cười cậu điên, nhưng chứng kiến sự cần mẫn và nghị lực phi thường của cậu, mọi người cảm động và đến giúp. Tuy nhiên, cầu xây chưa xong thì cậu bé bị mảnh đá bắn văng đến làm mù cả hai mắt. Người ta thương xót cậu và oán trách Trời bất công, cậu bé thì không hề phàn nàn. Nhưng vào ngày hoàn thành chiếc cầu, cậu bé bị sét đánh chết.

Khi Bao Chửng đi kinh lý qua đó, nghe được điều này, ông không nén nổi bất bình mà viết: “宁行恶勿行善” (ninh hành ác vật hành thiện: thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện).

Bao Chửng rất băn khoăn, nhưng không tấu trình lên Hoàng thượng câu chuyện này.

Trong khi đó ở kinh đô, nhà vua mới có thêm một hoàng nam, nhưng rất hay khóc. Một lần, Bao Chửng đến thăm cậu bé, nhà vua hỏi ngài có cách nào để cậu ngừng khóc. Bao Chửng thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là “宁行恶勿行善”! Quá bất ngờ và xấu hổ, Bao Chửng lấy tay để xoá. Kỳ lạ thay, ông vừa vuốt qua thì dòng chữ biến mất. Hoàng tử nín khóc tức thì.

Nhà Vua rất đỗi ngạc nhiên, hỏi tại sao lại như thế. Bao Chửng sợ hãi quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, và xin Vua xá tội vì đã không báo cáo về chuyện này trong bản tấu trình. Vua bèn ra lệnh Bao Chửng phải điều tra cho rõ vụ việc.

Chân dung Bao Chửng (Ảnh: Wikipedia)
Chân dung Bao Chửng (Ảnh: Wikipedia)

Đêm ấy Bao Chửng ngả đầu lên chiếc gối “âm dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên Thần đã an bài phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời: đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù loà, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người làm việc tốt, nên Thần đã rút lại thời gian trả nghiệp và khiến cậu bé ăn xin bị mù. Sau khi mù, cậu bé đã không những không oán thán mà vẫn luôn vì người làm điều thiện. Vì thế, Thần đã an bài lại một lần nữa để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời. Diêm Vương nói với Bao Chửng: “Một đời trả hết nghiệp thay cho ba đời, lại còn có phúc phận chuyển sinh làm hoàng tử.”

Xem ra, Nhân - Quả đôi lúc rất khó nhìn ra, nhưng chẳng phải là điều dễ dàng phủ nhận được chỉ từ hiện tượng bề mặt. Nó vẫn được thực hiện đúng luật vũ trụ, nhưng theo sắp xếp của Thần, và nó có thể cải biến, nhờ thái độ của đương sự. Giống như cậu bé ngoan ngoãn trả hết nợ đời, trong khi chịu Nghiệp báo không gây nợ thêm, nên được đầu thai làm hoàng tử.

Vì vậy, khó có thể liệt kê hết các trường hợp Nhân - Quả, nhưng không thể không kể đến Quả báo nặng nề nhất: lăng nhục Thần Phật, bức hại Chính tín.

Nhân - Quả báo ứng tội lăng nhục Thần Phật, bức hại Chính tín

Sách “Thái thượng cảm ứng thiên” có viết: “Họa phúc không cửa, do người tự vời. Thiện ác báo ứng, như bóng theo hình”. Xưa vua Võ Ất nhà Thương bắn Trời mà bị sét đánh chết; Bắc Chu Vũ Đế diệt Phật mà đột tử, con cháu bị giết sạch... là Nhân - Quả báo ứng cho tội ác diệt Phật và tấm gương soi kim cổ cho hậu thế.

Vậy mà ngày nay ở Trung Quốc, vẫn có rất nhiều người dẫm vào vết xe đổ này.

Trang Minh Huệ Net có ghi chép lại việc rất nhiều người Trung Quốc vì tin nghe lời dối trá của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà bức hại các học viên Pháp Luân Công và đều bị báo ứng thê thảm.

Ngày 20 tháng 5 năm 2008, học viên Pháp Luân Công là Ngô Đông Hoa đến thôn Bình Châu thăm bạn, nhân tiện nói về chân tướng Pháp Luân Công cho người dân trong thôn. Tạ Vân Thành vờ mời Ngô Đông Hoa đến nhà, rồi ngầm báo cho đồn công an thị trấn Tam Đô. Ngô Đông Hoa thiện ý khuyên anh ta: “Anh không nên làm thế này, Pháp Luân Đại Pháp là Phật Pháp, người bức hại Phật Pháp thì đối với bản thân và người nhà đều không tốt. Thiện ác hữu báo là lẽ Trời”. Tạ Vân Thành lại điên cuồng thét: “Tao không tin Đại Pháp, tao không tin lẽ Trời”, khiến Ngô Đông Hoa bị bắt cóc, bị bức hại một năm ở trại cải tạo Bạch Mã Lũng, Chu Châu.

Nửa cuối năm 2008, Tạ Vân Thành đột nhiên bị tắc mạch máu não, tiêu hết sạch tiền của trong nhà mà vẫn bị di chứng liệt nửa người. Nhưng chính quyền không vì công lao bức hại Pháp Luân Công mà chăm sóc anh ta, đương sự đành chống gậy nhặt rác kiếm sống, nếu có người cùng quê đến nhận thì anh ta xấu hổ chối bỏ. Anh ta chết sau khi bị bệnh tật dày vò nhiều năm và không được mai táng, thi thể bị khiêng lên núi.

Những trường hợp bức hại Pháp Luân Công và nhận báo ứng giống như Tạ Vân Thành nhiều vô số. Những quan to từng bức hại Pháp Luân Công cũng đã “ngã ngựa”, bị hài tội dưới một hình thức khác. Nhưng nhiều người Trung Quốc, từ quan to đến dân thường, dường như vẫn chưa tỉnh cơn mộng ảo; vẫn nghe xúi giục của ĐCSTQ để tiếp tục bức hại tín ngưỡng chân chính; vẫn oán Trời - trách Đất - mắng người khi nạn lớn ụp xuống, có mấy ai nhìn ra chuyện Nhân - Quả báo ứng đằng sau đó đây? Và ai sẽ lấy đó làm bài học cho mình?

Lời người xưa vẫn còn vang vang: “Bồ Tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả”.

Nhân - Quả báo ứng đang triển hiện tại Trung Quốc... và không chỉ vậy

Sau một thế kỷ hành ác của ĐCSTQ, giờ đây Nhân - Quả đang báo ứng lên đất nước và người dân Trung Quốc qua vô vàn thiên tai nhân họa, vì “cộng nghiệp” ở đây rất lớn. Có những người có “biệt nghiệp” cực lớn.

Nhưng nhiều người Trung Quốc vẫn hoàn toàn không tỉnh ngộ, và vẫn giãy nảy lên phản ứng với những nhận xét giống như của nữ minh tinh Sharon Stone rằng: trận động đất tại Tứ Xuyên năm 2008 là nghiệp chướng của người Trung Quốc, là gieo gió thì gặt bão.

Có người vẫn lý luận rằng: lẽ ra ĐCSTQ hành ác, chính quyền Trung Quốc hành ác thì ĐCSTQ, chính quyền Trung Quốc bị Quả báo, chứ sao lại báo ứng lên người dân vô tội?

Họ quên Đức Phật dạy: "Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thay được; con làm điều chẳng lành, cha không chịu thay được. Làm lành tự được phúc, làm dữ tự mang họa". Đến cha con mà còn không gánh nợ được cho nhau. Nhân - Quả báo ứng không phân chia giai cấp, không so kè địa vị, không phân biệt đảng phái hay dân tộc… mà là chuyện của mỗi cá nhân, ai làm người ấy chịu, dù họ là kẻ thảo dân hay bậc đại thần.

Vả lại, chính quyền nào mà chẳng từ dân mà ra, từ dân hợp lại mà thành? Đâu phải là từ nơi khác đến.

Lý do chính là sau một thế kỷ ĐCSTQ phá hủy truyền thống văn hóa, đạo đức, nhồi nhét thuyết Vô Thần, những người dân như Tạ Vân Thành kể trên cũng không thiếu. Liệu có thể nói rằng họ vô tội hay không? Lại có những người dân không hành động như Tạ Vân Thành, nhưng trong thâm tâm, họ đồng tình với việc làm sai trái của ĐCSTQ.

Chẳng những thế, họ còn nói ra lời:
"Nếu tôi là lãnh đạo, tôi cũng sẽ đàn áp Thiên An Môn".
"Nếu tôi là lãnh đạo, tôi cũng đàn áp Pháp Luân Công".
“Chính quyền ĐCSTQ bảo sai thì là sai, bảo đúng thì là đúng”.
v.v.
Liệu có thể nói là họ vô tội hay không?

Và từ góc độ Nhân - Quả, mở rộng vấn đề ra, thì đâu chỉ có Trung Quốc mà chính nước Mỹ của Sharon Stone cũng đang phải gánh chịu Quả báo qua những thiên tai, bất ổn chính trị xã hội, tai họa chiến cuộc. Toàn nhân loại cũng đang phải trả Nghiệp quả, dù ít dù nhiều. Nhưng ở Trung Quốc là nặng nề nhất, người ta có thể lấy đó làm tấm gương lớn âm u nhất để tự đối chiếu và sửa mình.

Nhân - Quả dĩ nhiên không phải là chuyện của riêng ai.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và câu chuyện xưa nay Nhân - Quả chẳng chừa một ai [Radio]