Tự do sẽ không từ trên trời rơi xuống, 100.000 người dân Belarus tiếp tục xuống đường đòi tự do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo BBC, vào ngày 23/8, những người ủng hộ phe đối lập của Belarus đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Minsk. Hai tuần trước, Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko đã tái đắc cử trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, dù rất đông lực lượng cảnh sát xuất hiện, nhưng vẫn có hàng nghìn người vây kín quảng trường trung tâm.

Những người biểu tình cho rằng ông Lukashenko đã gian lận kết quả bầu cử và họ muốn ông từ chức.

Ông Lukashenko thề sẽ trấn áp tình trạng bạo loạn, và đổ tội cho những người bất đồng chính kiến ​​là "những nhà cách mạng được nước ngoài hậu thuẫn".

Gần đây, cuộc biểu tình của người dân Belarus đã bị chính quyền đàn áp, có ít nhất 4 người đã bị thiệt mạng. Những người biểu tình cho biết họ đã bị tra tấn trong tù.

Theo kết quả chính thức, ông Lukashenko, người đã trị vì Belarus 26 năm, đã giành được hơn 80% số phiếu trong cuộc bầu cử vào ngày 9/8, trong khi thủ lĩnh phe đối lập Tikhanovskaya giành được 10% số phiếu bầu.

Do không có sự tham gia của quan sát viên độc lập, phe đối lập cáo buộc cuộc bầu cử lần này đã bị thao túng trên quy mô lớn.

Bà Tikhanovskaya buộc phải chạy sang nước láng giềng Lithuania sau cuộc bầu cử một ngày. Trong các hoạt động biểu tình, bà đã thề sẽ "kiên định đến cùng".

Điều gì đang xảy ra ở Minsk?

Hàng nghìn người (từ người già đến những người mang theo con nhỏ) đã đổ về Quảng trường Độc lập vào ngày 23/8.

Nhiều người cầm cờ đỏ và trắng của phe đối lập, hô vang các khẩu hiệu "tự do" và chống chính phủ.

Truyền thông ủng hộ phe đối lập cho biết có hơn 100.000 người đã tham gia biểu tình.

Sau khi tập trung tại quảng trường, một số người biểu tình đã đi về hướng đài tưởng niệm chiến tranh "Thành phố anh hùng" và dinh tổng thống, cảnh sát an ninh đã phong tỏa tuyến đường này.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Belarus ra thông báo, cho biết quân đội sẽ tiếp quản công việc bảo vệ đài tưởng niệm chiến tranh.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn cũng nổ ra vào Chủ nhật tuần trước. Các cuộc đình công tại các nhà máy lớn trên cả nước cũng đã gia tăng áp lực lên Tổng thống Lukashenko.

Người dân không còn sợ hãi

Đây là một cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra dưới trướng của lực lượng an ninh của Lukashenko.

Tổng thống Belarus đã chỉ thị Bộ Nội vụ chấm dứt "tình trạng hỗn loạn" và hứa sẽ "giải quyết vấn đề". Nhưng cuối cùng, không có nỗ lực nào được thực hiện để ngăn những người biểu tình tụ tập.

Trên con phố dẫn đến Quảng trường Độc lập, có hàng dài cảnh sát chống bạo động và xe quân sự. Họ nhìn đám đông biểu tình đi về phía quảng trường, mọi người phớt lờ cảnh báo từ loa cảnh sát rằng đây là một cuộc tụ tập bất hợp pháp.

Các cuộc diễu hành này diễn ra tự phát và được tổ chức lỏng lẻo, không có sân khấu hay hệ thống loa phóng thanh tại quảng trường. Điều này có nghĩa là các thủ lĩnh phe đối lập thiểu số tự do ở Belarus không thể diễn thuyết.

Khi những người biểu tình tuần hành, họ hô vang "Belarus muôn năm", "Lukashenko hãy biến đi", và tiến về phía đài tưởng niệm chiến tranh.

Ông Lukashenko đã nói gì?

Vị tổng thống 65 tuổi này khẳng định rằng ông đã thắng cuộc bầu cử một cách công bằng và quyết định tổ chức một cuộc thăm dò khác. Hôm 22/8, ông cáo buộc NATO "cố gắng lật đổ chính quyền" và thiết lập một tổng thống mới ở Minsk.

Lukashenko nói rằng ông đang chuyển quân đến biên giới phía tây của đất nước để chống lại việc NATO tập kết ở Ba Lan và Lithuania, đồng thời tuyên bố sẽ "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước".

NATO đáp lại rằng họ "sẽ không gây ra mối đe dọa cho Belarus hoặc bất kỳ quốc gia nào khác" và "không có tập kết quân đội trong khu vực".

Tổng thống Lithuania Gitanas Naseda nói với AFP hôm 22/8: “Chính quyền Belarus đã bằng mọi giá cố gắng dùng các ngôn luận giả dối vô căn cứ về sự uy hiếp từ bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của Belarus”.

Tình hình cơ bản của Belarus

Belarus nằm ở đâu? Phía đông của Belarus là Nga và phía nam là Ukraine. Các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và NATO nằm ở phía bắc và phía tây của Latvia, Lithuania và Ba Lan.

Giống như Ukraine, Belarus - một quốc gia với dân số 9,5 triệu người, cũng bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các nước phương Tây và Nga. Tổng thống Lukashenko được gọi là "nhà độc tài cuối cùng của châu Âu". Ông đã nắm quyền 26 năm, chính phủ nắm trong tay hầu hết nền kinh tế, sử dụng chế độ kiểm duyệt và cảnh sát để trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Minh Thanh

Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Tự do sẽ không từ trên trời rơi xuống, 100.000 người dân Belarus tiếp tục xuống đường đòi tự do