Duyên kỳ ngộ của hai nàng dâu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thiện hành kết thiện duyên, cô dâu nhà giàu hào phóng thiện lương giúp đỡ cô dâu nhà nghèo mà bản thân không hề quen biết. Người làm việc thiện không lưu danh tính, cũng không cầu hồi báo, nhưng trái ngọt thì vẫn cứ đơm cành. 

Cô dâu phú quý và cô dâu nghèo khổ: Giúp người không cầu báo

Vào một buổi chiều cuối thu, tiết trời se lạnh, gió hiu hiu thổi, mây giăng che kín cả mặt trời. Từ cửa tây thành Hoàng Nham vang lên tiếng nhạc tưng bừng, trống kèn náo nhiệt, đoàn đưa dâu khênh chiếc kiệu hoa lộng lẫy tiến thẳng về hướng đông, hễ đi đến đâu đều mang tới bầu không khí rộn ràng đến đó. Khi đi ngang qua vùng núi Bắc Dương thì đột nhiên trời đổ mưa, đoàn người vội khiêng kiệu vào mái đình trên núi để trú mưa.

Đúng lúc ấy, từ phía đối diện một chiếc kiệu đơn sơ cũng tiến vào trong đình. Mái đình nhỏ bé vốn là nơi nghỉ chân cho khách bộ hành, nay lại có đến hai chiếc kiệu hoa chen chúc. Đoàn đưa dâu của hai nhà không còn cách nào khác, đành phải trú tạm dưới tán cây hoặc nhà dân gần đó.

Lúc này trong đình chỉ còn lại hai chiếc kiệu hoa, hai cô dâu ngồi trong kiệu mặt đối mặt nhau. Cô dâu trong chiếu kiệu hoa lộng lẫy ở phía tây thấy cô dâu trong chiếc kiệu phía đông đang ngồi khóc thút thít. Cô gái ấy đội chiếc mũ phượng cũ, bộ lễ phục trên người cũng không còn mới, đoàn đưa dâu thì lèo tèo thưa thớt, ăn mặc sơ sài, đội trống nhạc chỉ có duy nhất một chiếc kèn và một cây đàn hồ cầm. Rất có thể cô gái ấy là thôn nữ trên núi, hiềm vì lễ cưới đìu hiu nên cảm thấy thương lòng, mặt không ngừng rơi hạt châu sa. Cô dâu nhà giàu muốn an ủi vài lời, liền cất tiếng: “Em à, hôm nay là ngày lành tháng tốt của hai chị em ta, cớ sao em cứ khóc hoài như thế?”.

Cô dâu trong chiếc kiệu phía đông ngừng khóc, ngẩng lên thấy vị tân nương trước mặt đầu đội mũ phượng trâm vàng, trên thân mặc toàn gấm lụa, trang sức trên người ánh lên sắc vàng lấp lánh. Cô liền nuốt nước mắt đáp lại: “Chị nào đâu biết nỗi khổ của tôi? Cha tôi chỉ vì hôn lễ này mà ngập đầu trong nợ, nhà chồng tôi cũng nghèo rớt mồng tơi, không biết sau này tôi sẽ phải xoay xở sao đây”.

Cô dâu trong chiếc kiệu phía tây động lòng thương xót, lòng thầm mong có thể giúp đỡ đôi phần để cô gái ấy bớt muộn phiền. Nhưng bản thân mới đi được nửa đường, nên giúp thế nào đây, chỉ có thể khóc cùng cô ấy.

Khi lấy khăn lau nước mắt, cô vô tình đụng vào hai chiếc túi bạc hồi môn. Trong lòng cô mừng rỡ, liền nói với cô dâu ở phía đối diện: “Em à, khi chị lên kiệu hoa, cha mẹ mỗi người đưa cho chị một chiếc túi bạc, chị tặng em một chiếc nhé”. Nói rồi, cô liền ném một chiếc túi bạc sang bên kia, vừa đúng rơi vào lòng vị tân nương đối diện. Cô dâu phía đối diện ngẩn người thất thần: Cha mẹ chị ấy tặng quà hồi môn, hai chiếc túi bạc nên thành đôi thành cặp, sao mình có thể tùy tiện nhận đây. Bèo nước gặp nhau biết khi nào gặp lại, mình không đành lòng nhận lễ vật của chị ấy được.

Đúng lúc định nói lời cảm ơn và ném chiếc túi bạc trả lại thì mưa đã tạnh, gió cũng ngừng, đoàn đưa dâu của hai nhà lũ lượt kéo vào trong đình, khênh kiệu hoa lên rồi vội vội vàng vàng lên đường mỗi nhà một ngả. Từ đó, hai vị tân nương cũng bắt đầu cuộc sống mới của riêng mình.

Hai cô dâu hai cảnh ngộ, đã có duyên tương ngộ tất cũng sẽ có duyên tương phùng. Vậy vận mệnh đợi chờ họ sẽ là gì đây?

Cảnh ngộ của cô dâu phú quý: Họa vô đơn chí

Trước tiên nói về cô dâu trong chiếc kiệu hoa lộng lẫy ở phía tây. Cô gái ấy tên là Vương Lan Trân, là con gái duy nhất của gia đình họ Vương ở phía bắc thành Hoàng Nham, nay kết hôn với một vị tú tài văn võ song toàn tên là Trịnh Mộ Địch, ở thôn Trịnh, trấn Tây Hương Sơn.

Vợ chồng bất hòa làm theo lời khuyên của ni cô này thì dễ dàng hòa thuận
(Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Cha mẹ Trịnh Mộ Địch đã qua đời, để lại cho anh cả cơ ngơi bề thế. Trịnh Mộ Địch vốn là người hào phóng, rộng lượng, trượng nghĩa, nên thôn dân và xóm làng đều rất tôn kính anh.

Trịnh Mộ Địch cùng với Vương Lan Trân phu thê ân ái, tình cảm hòa hợp, sống những ngày ấm êm hạnh phúc. Nhưng gió mây bất trắc, họa phúc sớm chiều như người ta vẫn nói: Trời có lúc mưa lúc nắng, người có lúc nhục lúc vinh. Chỉ hai tháng sau khi kết hôn, Lan Trân nhận được hung tin từ nhà ngoại: Hải tặc Nhật Bản từ vùng duyên hải Đài Châu đã tràn vào thành Hoàng Nham, mặc sức cướp đoạt tiền của dân chúng, cả gia đình nhà ngoại Lan Trân cũng bị giết hại, tài sản bị cướp sạch không còn lại gì.

Ban đầu, Hải tặc Nhật là tàn quân bại trận trong cuộc nội chiến ở Nhật, về sau đám tàn quân này câu kết với một số gian thương, dùng thuyền chặn cướp trên các vùng biển và ven biển. Dần dà phát triển lớn mạnh, chúng càng thêm điên cuồng, bắt đầu kéo quân tiến đánh các châu, huyện trong đất liền.

Lan Trân nhận tin dữ thì ngã lăn ra đất, nước mắt thấm ướt đầy vạt áo, chồng cô là Mộ Địch cũng nắm chặt tay căm phẫn. Nhưng Hải tặc Nhật không dừng lại ở đó, tiếp tục tràn sâu vào các châu, huyện và thôn bản vùng núi. Dân làng Trịnh hay tin đều xôn xao bàn cách đánh giặc. Các vị hương thân có vai vế trong làng và những nhà phú hộ, vì muốn bảo vệ tài sản, nên cũng kéo nhau đến nhà Trịnh Mộ Địch bàn kế sách. Trịnh Mộ Địch hiệu triệu các hương thân, kêu gọi ai có tiền thì ứng tiền, ai có sức thì góp sức, cùng hợp lực đánh giặc bảo vệ quê hương. Chỉ một thời gian ngắn, trong cảm xúc dâng trào đầy phấn khích, trai tráng trong làng hăm hở tòng quân, rất nhanh chóng tập hợp đội dân quân hơn 300 người.

Trịnh Mộ Địch được bầu làm chỉ huy, còn Vương Lan Trân ở hậu phương lo quân nhu và vật tư. Sau khi bàn bạc, các hương thân nhất trí rằng, gia đình Mộ Địch sẽ ứng trước mọi chi phí, đợi sau khi đánh giặc xong, sẽ tùy theo số mẫu ruộng mà phân chia mỗi nhà trả một phần.

Trịnh Mộ Địch căn cứ theo địa hình trong vùng, bố trí quân phục kích ở hẻm Ngưu Đầu cách thôn 5 dặm về phía đông. Chẳng bao lâu sau, Hải tặc Nhật phi ngựa kéo đến hẻm Ngưu Đầu, bất ngờ bị đội quân của Trịnh Mộ Địch bao vây tứ phía, dồn băng cướp đến gần ao Ngưu Đầu. Những kẻ cường đạo quen thói giết người cướp của, nay bị dồn vào chân tường thì điên cuồng chống đỡ, còn các dũng sĩ thôn Trịnh trong thế chủ động cũng đầy mưu trí, chuẩn bị sẵn đá tảng hai bên bờ hẻm đánh cướp. Trải qua cuộc chiến gian khổ, cuối cùng nghĩa quân đã chôn vùi hơn 400 tên cướp dưới hẻm Ngưu Đầu. Để kỷ niệm chiến thắng ấy, các hương thân đổi tên ao Ngưu Đầu thành Mai Oa Đường (ao chôn Hải tặc Nhật).

Giặc cướp đã bị dẹp yên, cuộc sống thanh bình trở lại, dân làng ai nấy đều vui như trẩy hội. Nhưng các hương thân phú hộ lại thay lòng đổi dạ, họ cho rằng không còn nạn giặc dã, gia sản cũng được bảo tồn, nay mọi việc vẹn toàn rồi, nên không cần giữ lời hứa trước đây. Vì để thoái thác trách nhiệm, họ khăng khăng rằng ai vay thì người ấy trả, can chi đến chúng tôi? Các chủ nợ cũng lần lượt đến đòi nhà họ Trịnh, khiến Trịnh gia chưa đến nửa năm đã khuynh gia bại sản.

Mộ Địch phải đến trường dạy học, còn Lan Trân thì thêu thùa may vá cho người ta để trả nợ. Nào ngờ họa vô đơn chí, các hương thân phú hộ lại liên minh vu cáo Trịnh Mộ Địch mượn việc đánh giặc để mưu lợi, lấy tiền quyên góp làm của riêng, không những vậy còn tụ tập dân quân mưu đồ phản loạn. Quan phủ hồ đồ nghe lời xúi giục, đã hạ lệnh truy bắt Trịnh Mộ Địch, khiến anh không còn cách nào khác đành phải trốn chạy trong đêm, còn Lan Trân trong lúc bối rối cũng buộc phải ôm con tha hương nơi đất khách quê người.

Cuộc tái ngộ bất ngờ của hai cô dâu: Ân và nghĩa

Lan Trân bế con chạy về phía nam, làm thuê tại một quán rượu ở Sa Phụ. Chủ quán rượu tên là Hứa Oánh Sinh, vợ là Cốc Kim Hoa.

Cốc Kim Hoa chính là cô dâu ngồi khóc trong chiếc kiệu phía đông năm ấy. Sau khi được gả vào nhà họ Hứa, Kim Hoa mở chiếc túi thấy bên trong có 50 lạng bạc. Vì nhất thời không tìm được chủ nhân chiếc túi, hai vợ chồng quyết định dùng món tiền này trả nợ, phần còn thừa thì để dành làm vốn sinh nhai. Họ bắt đầu buôn bán các loại ngũ cốc lương thảo, sau đó lại mở phường nấu rượu, cuộc sống càng ngày càng dư dả. Vì để tỏ lòng cảm kích vị tân nương tặng bạc, họ đã xây một căn phòng đặt tên là Cảm Ân Đường, trong đó đặt chiếc túi bạc. Những người giúp việc chỉ biết căn phòng ấy là nơi quan trọng của chủ nhà, chứ không ai biết bí mật bên trong đó.

Lan Trân đến nhà họ Hứa làm việc rất siêng năng, vì cô thật thà lại có tri thức nên rất nhanh đã trở thành trợ thủ đắc lực của Hứa gia.

Dạy con sáng Đạo: Bài 20 - Kén rể chọn dâu
Lan Trân đến nhà họ Hứa làm việc rất siêng năng, vì cô thật thà lại có tri thức nên rất nhanh đã trở thành trợ thủ đắc lực của Hứa gia. (Ảnh tổng hợp)

Cứ như thế đã 3 năm trôi qua…

Vào một ngày cuối năm, Lan Trân xin phép gia chủ cho về quê một chuyến để hỏi thăm tin tức của chồng, Kim Hoa bèn chuẩn bị một chiếc kiệu nhỏ đưa tiễn cô. Lan Trân trở về hỏi thăm khắp làng trên xóm dưới, nhưng không ai biết Trịnh Mộ Địch ở đâu. Cô rất thất vọng, đành lên kiệu trở về Sa Phụ. Hàng xóm láng giềng thương nhớ cô cũng rớt nước mắt tiễn đưa, hơn nữa còn tặng cho cô rất nhiều quà Tết.

Lan Trân trở lại Hứa gia thì trời đã tối, cô vào nhà chào hỏi gia chủ rồi trở lại căn phòng nhỏ sát cạnh bếp. Cô thấy trong các gói quà tết có một chiếc túi đậu phộng do anh hàng xóm Vương Trúc Tượng tặng cho. Cô đổ hết đậu phộng ra và lộn lại chiếc túi để lau cho sạch, đột nhiên thấy trên túi thêu một đôi uyên ương màu đỏ. Lan Trân sững sờ một lúc, thì ra đó chính là chiếc túi hồi môn mà cha mẹ tặng cho cô. Có thể khi gia đình phá sản, trong lúc hỗn loạn chiếc túi ấy đã thất lạc sang anh Vương hàng xóm. Nhìn chiếc túi bạc, những ký ức xưa bất chợt ùa về. Cô thương cha mẹ gặp nạn, thương chồng phải lưu lạc tha hương, thương cho tổ ấm bé nhỏ phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé, vợ chồng chia lìa đôi ngả. Lan Trân trong lòng ngổn ngang trăm mối, vì quá đau khổ mà khóc òa lên.

Kim Hoa thấy trời đã muộn rồi mà Lan Trân vẫn không ra ăn cơm, liền đến bức vách bên phòng bếp gọi. Vừa bước vào cửa liền thấy Lan Trân đang ôm chiếc túi hồng và khóc, nhìn kỹ thì thấy là chiếc túi bạc của mình, liền hỏi: “Sao chị lại cầm chiếc túi bạc nhà tôi?”.

Lan Trân cảm thấy kỳ lạ, liền nói: “Đây rõ ràng là túi của tôi, sao lại là của chị được”.

Kim Hoa trong tâm như có linh tính mách bảo, liền chạy vào Cảm Ân Đường xem xét. Thật kỳ lạ, chiếc túi vẫn ở đó, vậy còn chiếc túi kia là sao? Cô liền cầm chiếc túi ấy đến đặt cạnh túi của Lan Trân, cả hai chiếc trông giống hệt như nhau.

Kim Hoa liền hỏi: “Chiếc túi này của chị từ đâu mà có?”.

Lan Trân kể lại: “Năm ấy khi tôi xuất giá, cha mẹ đã tặng tôi hai chiếc túi bạc làm của hồi môn. Khi ngồi kiệu qua dãy núi Bắc Dương, tôi thấy cô dâu trong chiếc kiệu ở phía đối diện đang khóc rất bi ai, liền đưa một chiếc cho cô ấy. Nay chỉ còn lại chiếc túi này”.

“A!”, Kim Hoa kêu to lên một tiếng, “thì ra chính là chị”. Cô vội vàng cúi đầu xuống bái lạy rồi ôm lấy Lan Trân khóc nức nở, hai người cùng dốc bầu tâm sự về cuộc sống của mình sau khi kết hôn. Trải qua nhiều biến cố nay mới gặp lại nhau, vợ chồng Kim Hoa quyết định đem gia sản chia cho Lan Trân. Lan Trân kiên quyết từ chối, cô nói: “Đây là nhờ anh chị cần kiệm, lao động vất vả mới làm nên, còn chiếc túi bạc ấy nếu năm xưa tôi mang về nhà chồng thì cũng đã tiêu sạch rồi”.

Vợ chồng Kim Hoa lại càng thêm khâm phục Lan Trân, liền giữ cô ở lại nhà, còn hứa gả con gái nhỏ cho con trai của Lan Trân, hai nhà kết thành thông gia.

Lại qua vài ngày, một buổi trưa nọ, ngoài cổng Hứa gia có tiếng xe ngựa huyên náo. Thì ra Trịnh Mộ Địch sau khi chạy trốn đã tham gia vào Thích Gia Quân (quân đội của Thích Kế Quang). Nguyên là, Thích Kế Quang từng làm tham tướng ở khu vực trọng tâm hoạt động của Hải tặc Nhật Bản. Để đánh đuổi giặc, ông đã thành lập một đạo quân gồm nông dân, thợ mỏ với quân số lên tới hơn bốn nghìn người. Đội quân trải qua sự huấn luyện nghiêm ngặt của Thích Kế Quang trở nên rất thiện chiến, luôn luôn đánh thắng giặc, được nhân dân yêu mến gọi là “Thích Gia Quân”.

Vì có công đánh giặc, Trịnh Mộ Địch được tấn thăng làm Tùy quân Tham tán. Trịnh Mộ Địch áo gấm về quê đón vợ con, nghe dân làng kể mới biết Lan Trân đã chuyển đến Sa Phụ, bèn đưa người đến tận nơi rước về. Phu thê cuối cùng cũng được đoàn tụ, hai người buồn vui lẫn lộn. Vợ chồng Kim Hoa đưa vợ chồng Mộ Địch về nhà. Lúc đi ngang qua vùng núi Bắc Dương, nhớ lại câu chuyện tặng túi bạc lúc trú mưa năm xưa, Lan Trân cảm khái dạt dào, liền viết ba chữ lớn “Phân Giá Lĩnh” tại đây làm kỷ niệm.

Từ đó, câu chuyện Phân Giá Lĩnh được dân gian truyền miệng qua thế hệ này đến thế hệ khác. Thiện hành kết thiện duyên, cô dâu nhà giàu hào phóng thiện lương, giúp đỡ người mà bản thân không hề quen biết, không lưu danh tính, cũng không cầu hồi báo. Những tấm gương như vậy có rất nhiều trong xã hội cổ đại, chỉ tiếc là ngày nay đã trở thành điều hiếm hoi mất rồi...

Minh Hạnh
Theo “Tử Lăng kể chuyện”



BÀI CHỌN LỌC

Duyên kỳ ngộ của hai nàng dâu