Khẩu trang che mặt có che được nhân tâm tồi tàn của kẻ cơ hội?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cơn nguy biến của cộng đồng, một số người có thể vui mừng trước cơ hội kiếm chác. Họ tăng cao giá bán các mặt hàng như: khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay… những sản phẩm giúp phòng tránh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Câu chuyện đáng buồn về đạo đức kinh doanh từ tâm của dịch bệnh

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020 đã khiến toàn thế giới chấn động. Nó có nguy cơ trở thành một đại dịch mới khiến nhân loại rùng mình nhớ lại những dịch bệnh khủng khiếp trong quá khứ, tưởng chừng như bóng ma khổng lồ của những “Cái chết đen” - dịch hạch Châu Âu vào thế kỷ 14, hay đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã từng gây cái chết cho hàng chục triệu người... đang quay trở lại nhe nanh múa vuốt. Mới đây, tổ chức y tế thế giới WHO đã nâng nguy cơ toàn cầu lên mức cao. “Hoang mang”, “lo lắng”, “sợ hãi”, “phẫn nộ”... có lẽ là tâm lý phổ biến nhất của chính phủ và nhân dân nhiều nước trong lúc này.

Tuy vậy, không phải chỉ có toàn là sợ hãi, dường như cũng có một số người khấp khởi mừng thầm. Có lạ hay không?

Ngày 29/1, tờ Kwongwah của Hong Kong đưa tin hoa hậu Hong Kong - Trần Đình Hân và bạn trai Dương Chấn Nguyên đã nhân cơ hội này đầu cơ và bán khẩu trang y tế để phòng dịch với giá cao. Cô này sau đó phải cúi đầu xin lỗi trên sóng truyền hình nhưng công chúng vẫn tẩy chay “cặp đôi cơ hội”. Cũng trong ngày 29/1, theo hãng tin Reuters, cơ quan quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh thông báo trên trang web của họ về việc đã gửi văn bản xử phạt hành chính với số tiền 3 triệu nhân dân tệ (10 tỷ VND) tới cửa hàng dược Beijing Jimin Kangtai Pharmacy vì tăng quá cao giá bán khẩu trang phòng dịch N95.

Trong cơn nguy biến của cộng đồng, một số người có thể vui mừng trước cơ hội kiếm chác. Họ tăng cao giá bán các mặt hàng như: khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay… những sản phẩm giúp phòng tránh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Họ tăng cao giá bán các mặt hàng như: khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay… những sản phẩm giúp phòng tránh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. 
Họ tăng cao giá bán các mặt hàng như: khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay… những sản phẩm giúp phòng tránh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, khi đứng trước tai họa lớn lao, phản ứng của từng người mới cho thấy bản chất thật của họ.

Người Trung Quốc có thành ngữ: “Hạnh tai lạc họa”, chỉ thái độ vui mừng, hạnh phúc trên đau khổ của người khác. Điều ấy rõ ràng chẳng tốt đẹp gì. Tuy nhiên, sự trục lợi nhân lúc khó khăn, nguy hiểm của chính đồng bào mình lại càng đáng lên án hơn nữa. Hình như những người Trung Quốc kia đã quên mất truyền thống hào hiệp trượng nghĩa của tổ tiên họ, cũng như phớt lờ luật nhân quả báo ứng vốn rất được coi trọng trong văn hóa truyền thống Á Đông.

Nhắc tới đây, chúng ta nhớ tới câu chuyện của Hồ Tuyết Nham, thương gia giàu nhất Hàng Châu thế kỷ 19.

Gương người xưa đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị

Một ngày nọ, có vị thương gia kia đến gặp Hồ Tuyết Nham xin bán lại gia nghiệp của mình với giá rẻ để vớt vát phần nào thương vụ đổ bể của ông ta. Nếu gật đầu ưng thuận, Hồ Tuyết Nham sẽ có ngay một tài sản lớn. Nhưng ông không làm vậy mà hẹn vị thương gia kia mấy ngày sau quay lại để thương lượng. Trong thời gian đó, ông cho người đi xác minh sự việc và nhận được phản hồi rằng câu chuyện ông nghe được là hoàn toàn chính xác.

Khi vị thương gia kia quay lại, thay vì ép giá trục lợi thì Hồ Tuyết Nham đã mua lại sản nghiệp của ông ta với giá cao hơn nhiều so với thực tế. Người ta thắc mắc thì Hồ Tuyết Nham kể rằng:

Khi tôi vẫn là một cậu bé, có một ngày đang vội đi trên đường thì gặp mưa, có một người đi cùng đường bị mưa xối ướt sũng. Ngày hôm đó cũng may là tôi mang theo dù, tôi liền cho người đó đi cùng. Sau này, khi trời mưa, tôi thường cho một số người không có dù đi nhờ. Cứ như vậy một thời gian dài, trong những người đi trên đường ngày càng có nhiều người biết tôi. Vậy nên sau này những lúc tôi quên không mang theo dù cũng không lo, bởi vì sẽ có rất nhiều người mà tôi từng giúp sẽ cho tôi đi cùng”.

“Bạn nguyện ý cho người khác đi nhờ, người khác mới nguyện ý cho bạn đi nhờ. Sản nghiệp của thương nhân đó, có thể là mấy đời mới tích góp được, nếu tôi mua theo cái giá mà người đó đưa ra, thì chắc chắn sẽ kiếm được món hời lớn, nhưng có thể người ta cả đời sẽ không ngóc lên được. Đây không phải là một đầu tư đơn thuần, mà là một cách giúp đỡ người khác, kết giao bạn bè, cũng không hổ thẹn lương tâm. Ai cũng có lúc gặp phải ngày mưa không mang dù, có thể giúp họ thì hãy chìa dù ra che cho họ”.

Sau này, vị thương gia kia thoát khỏi khó khăn và gây dựng lại được sản nghiệp đã quay lại gặp Hồ Tuyết Nham mời hợp tác làm ăn và đã giúp ông giành được nhiều thành công; cả những người khác nghe tiếng hào hiệp của ông cũng chủ động tìm đến xin hợp tác. Từ đó, uy tín của Hồ Tuyết Nham ngày càng vang xa, sản nghiệp cũng ngày càng lớn.

Nhưng nếu có những người sẵn lòng “cho mượn dù khi trời mưa” thì cũng có người khác “nhân trời mưa to mà bán dù với giá cắt cổ” và họ đã phải gặp quả báo.

Đó là chuyện về Chu Thánh Chương đời nhà Thanh được chép trong cuốn Toạ Hoa Báo Quả Quá Chí Lục do Thanh nhân Uông Đạo Đỉnh biên soạn. Ông ta thu gom rất nhiều lúa vì dự đoán năm đó sẽ mất mùa, giá lúa tăng cao. Đợi đến lúc nhân dân đói ăn và kiệt quệ tới mức phải ăn hết cả thóc giống, Chu Thánh Chương mới đem thóc ra đổi lấy ruộng. Nhờ cách làm này ông ta trở nên cực kỳ giàu có. Nhưng mãi đến năm 68 tuổi Chu Thánh Chương mới có một mụn con trai. Người con phá gia chi tử này đã làm tiêu tán hết sản nghiệp khổng lồ của Chu Thánh Chương, lại bị quan gia bắt vạ và nhiều người quỵt nợ, cuối cùng chết trong nghèo đói không chốn dung thân.

Quay trở lại câu chuyện đã đề cập ở đầu bài viết. Thực ra, những người trong cuộc bán khẩu trang và đồ y tế phòng dịch với giá cắt cổ kia đã ngay lập tức gặp quả báo nhãn tiền mà chẳng phải đợi lâu như Chu Thánh Chương.

Những người trong cuộc bán khẩu trang và đồ y tế phòng dịch với giá cắt cổ kia đã ngay lập tức gặp quả báo nhãn tiền.
Những người trong cuộc bán khẩu trang và đồ y tế phòng dịch với giá cắt cổ kia đã ngay lập tức gặp quả báo nhãn tiền. (Ảnh: Shutterstock)

Trông người lại ngẫm đến ta...

Trên các báo chính thống trong nước mấy ngày nay có nhiều tin bài về hiện tượng khẩu trang y tế loạn giá, cháy hàng. Có những chợ thuốc đầu mối, những nhà thuốc tư nhân đã tăng giá khẩu trang y tế lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí nhiều hơn nữa so với mức giá trước Tết. Một nhà thuốc ở Hội An bị báo chí đưa tin bán một gói khẩu trang 3 chiếc với giá 150 nghìn đồng, sau đó nhà thuốc này đã thanh minh rằng không phải vậy.

Nhưng dù thế nào, người dân Việt trong lúc này dường như đang thấu hiểu câu thành ngữ “Hạnh tai lạc họa” qua việc tự ý tăng vô tội vạ giá khẩu trang của một số cá nhân và cơ sở cung cấp thiết bị vật phẩm y tế trong nước. Cũng như những người Trung Quốc đã được đề cập ở đầu bài viết, có những người Việt đang tranh thủ cơ hội để trục lợi trên mối an nguy của đồng bào mình.

Họ nghĩ gì khi các quốc gia từng bị chính phủ Trung Quốc coi là “Thế lực thù địch” như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… đang giang tay cứu trợ người dân Trung Quốc trong dịch bệnh bằng nhiều biện pháp?

Ví như chính phủ Nhật hỗ trợ 100% chi phí điều trị cho bất cứ người nào nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán trên lãnh thổ Nhật Bản không phân biệt quốc tịch của họ; lại gia hạn visa cho những người Hồ Bắc hết hạn visa du lịch tại Nhật nhưng không thể trở về quê hương; đồng thời chính phủ Nhật cũng cử các chuyên gia y tế nước này đến Vũ Hán để hỗ trợ. Thành phố Oita của Nhật Bản cũng tặng 30.000 khẩu trang cho Vũ Hán.

Còn chính phủ Mỹ đã nhiều lần ngỏ ý gửi các chuyên gia y tế thuộc Trung tâm phòng ngừa dịch Mỹ (CDC) đến Trung Quốc để xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán - đáng tiếc, phía Trung Quốc từ chối thiện chí này.

Thành phố Oita của Nhật Bản cũng tặng 30.000 khẩu trang cho Vũ Hán. 
Thành phố Oita của Nhật Bản cũng tặng 30.000 khẩu trang cho Vũ Hán. (Ảnh: Gettyimages)

Đừng mờ mắt vì lợi ích ngắn hạn - Hãy “cho mượn dù khi trời mưa”

Có ai còn nhớ những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ được bao thế hệ người Việt xưa truyền tụng:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hay:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”

Hay:

“Thương người như thể thương thân”...

Không hiểu rằng một chút lợi nhuận tăng thêm ấy có giúp những "con buôn cơ hội" này bù đắp được tội gián tiếp gây tai họa cho đồng bào mình chăng? có khiến họ thấy mình đang vô tình đồng lõa với con virus chết người mang tên Corona? có khiến cho lòng họ thanh thản và ung dung hưởng thụ những đồng tiền bất chính? Có đẩy họ trở thành những Chu Thánh Chương, những Trần Đình Hân - Dương Chấn Nguyên, nói một cách hình ảnh là “những kẻ bán dù với giá cắt cổ khi trời mưa lớn”… mà sớm muộn cũng phải chịu nhận luật nhân quả báo ứng.

Nếu lý luận rằng: “Thuận mua vừa bán. Tôi có bắt ai phải mua đâu” thì hãy nên xem lại. Vì ở đây, ngoài khía cạnh thương mại, còn có khía cạnh đạo đức, khía cạnh tình người. Một kẻ thất nhân tâm có thể tạm thời đắc lợi trong cuộc trao đổi nhưng mãi mãi chịu nhận sự khinh miệt của đồng loại và sự phán xét của Trời cao.

Dân gian ta có câu: “Có đức mặc sức mà hưởng”. Thiết nghĩ, hành xử và kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức mới đem lại những thương vụ thành công nhất về cả phúc phận và kim tiền.

Vậy chi bằng hãy học theo Hồ Tuyết Nham - cho mượn dù khi trời mưa, bởi vì làm một người tốt, tự nó đã là một phần thưởng lớn của những người cao thượng và chân chính với lương tâm thanh thản. Nói cho cùng, chúng ta sao có thể trục lợi riêng mình khi những người khác đau đớn để rồi đến lượt mình lại phải nhận quả báo đau đớn hơn cho chính những hành vi trục lợi ấy?

Nguyên Vũ



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Khẩu trang che mặt có che được nhân tâm tồi tàn của kẻ cơ hội?