Người cổ đại cứu hỏa như thế nào? Đội PCCC chuyên nghiệp được thành lập từ lúc nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tới nay, nền văn minh 5.000 năm của Trung Hoa vẫn được cho là lâu đời nhất, đồ sộ nhất, và có lịch sử ghi chép đầy đủ nhất thế giới. Theo sử sách, chức quan phụ trách hỏa hoạn xuất hiện sớm nhất là vào thời nhà Chu (khoảng từ năm 1046 TCN – 256 TCN). Vậy cách cứu hỏa của người xưa có giống người nay không?

Bất cứ ai yêu thích những bộ phim cổ trang Trung Quốc chắc hẳn đã từng nghe câu nói kinh điển “Thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa” (hoặc "Trời hanh vật khô, đề phòng củi lửa") của nhân vật “người điểm canh”. Ngoài việc báo giờ, người điểm canh cũng có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy để tránh những vụ hỏa hoạn quy mô lớn.

Nhắc đến người điểm canh, chức vụ này xuất hiện sớm nhất có thể là từ thời nhà Chu. Trong "Chu Lễ" có ghi chép rằng, nhà Chu đã thiết lập chức quan “Tư Huyên” để quản lý an toàn phòng cháy. “Tư Huyên” có nhiệm vụ tuần tra các con đường trong thành phố và gõ chuông lớn để nhắc nhở mọi người chú ý hỏa hoạn. Đây là nguồn gốc của chức vụ tuần đêm điểm canh, nhắc nhở củi lửa.

Thời nhà Hán, cơ quan chuyên trách an ninh của thành thị cũng phụ trách việc phòng hỏa, do các võ quan “Chấp kim ngô” (tên chức quan) đảm nhiệm. Tức là ngoài việc chịu trách nhiệm bảo vệ chung, xử lý trộm cắp và các sự kiện bất thường khác, “Chấp kim ngô” còn phải đề phòng hỏa hoạn.

Nếu có hỏa hoạn, người xưa xử lý như thế nào?

Trước khi nói về cứu hỏa, chúng ta hãy nói về "tẩu thủy". Đây là cách gọi “hỏa hoạn” của người xưa, tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” của tác giả Tào Tuyết Cần cũng dùng từ này. Trong văn nói cổ, cách nói "tẩu thủy" phổ biến hơn cả, cũng là để tránh nói điều kiêng kị.

Có thể kể ra ba nguyên nhân tại sao người xưa gọi hỏa hoạn là "tẩu thủy":

  • Một là, người cổ đại rất kính sợ lửa, vì nhiều công trình kiến ​​trúc ở Trung Quốc cổ đại đều được làm bằng gỗ, một khi hỏa hoạn xảy ra, nếu không có người cứu kịp thời thì đương nhiên sẽ bị tổn thất nặng nề;
  • Hai là, để nhắc nhở người dân khi nghe thấy hai chữ “tẩu thủy” thì phải nhanh chóng đi lấy nước dập lửa;
  • Ba là, theo học thuyết ngũ hành thì Thủy khắc Hỏa.

Trong các quẻ bốc khắc trên mai rùa được chấm son chu sa số 583 và 584 ghi trong cuốn “Giáp cốt văn hợp tập”, kể từ khi có chữ viết, ghi chép sớm nhất về hỏa hoạn như sau: Trong thời kỳ Vũ Đinh nhà Thương (khoảng từ năm 1250 TCN – 1192 TCN), các nô lệ đã đốt cháy ba kho lương của chủ nô.

Nhiều công trình kiến ​​trúc ở Trung Quốc cổ đại đều được làm bằng gỗ nên người xưa rất kính sợ lửa.
Nhiều công trình kiến ​​trúc ở Trung Quốc cổ đại đều được làm bằng gỗ nên người xưa rất kính sợ lửa. (Pixabay)

Vậy thời cổ đại có đội cứu hỏa chuyên nghiệp không? Tất nhiên là có, cả người dân thường và những người có chức vụ cao đều không mong muốn xảy ra thương vong hoặc thiệt hại về tài sản.

Vào thời nhà Đường, triều đình đã thành lập một tổ chuyên trách cứu hỏa, gọi là "Võ hậu phố". Tuy nhiên, thời đó chỉ các thành phố lớn như Trường An và Lạc Dương mới có "Võ hậu phố". "Võ hậu phố" thường được bố trí trong các chợ và phường nghề.

Ngoài việc bố trí nhân viên, khi đó "Võ hậu phố" còn sử dụng một số công cụ chữa cháy hiệu quả. Từ thời nhà Đường, túi da, ống tưới và các vật dụng khác đã được sử dụng để dập lửa. Túi da là một công cụ chứa nước làm từ da động vật, còn ống tưới thì cao cấp hơn.

Trong tác phẩm "Thông Điển - Thủ Cự Pháp" có ghi lại cách ứng phó nếu bị kẻ thù phóng hỏa:

"Nếu kẻ thù đốt tường thành, dùng cây trúc dày dài mười thước (khoảng 3 mét), đục cho thông ống, dùng tấm da sống và mỏng khâu lại thành túi, trữ 3-4 thạch nước (1 thạch bằng khoảng 50 lít), đặt ống trúc vào túi, buộc chặt thành ống tưới, cho ba đến năm tráng sĩ giữ đầu ống, gấp rút chữa cháy. Mỗi cửa thành thường trữ hai công cụ [như vậy]. Nếu không có trúc, ghép gỗ thành ống mà dùng, 20 ống tưới nhỏ đồng thời hỗ trợ. Bên trong cửa thành trữ nước vào chum vại để tiếp nước”.

Long Corridor-三英战吕布.jpg
Tranh vẽ một trận chiến thời xưa, trưng bày ở hành lang Di Hòa Viên, Trung Quốc. (Shizhao / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Trên thực tế, các triều đại đều rất coi trọng việc phòng chống hỏa hoạn. Tương truyền, luật phòng cháy chữa cháy của nhà Tống là tiếp nối từ thời nhà Đường, lệnh cấm lửa rất nghiêm ngặt, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra hỏa hoạn và thiệt hại nặng nề. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh những kẻ gây ra vụ cháy và các quan chức thất trách, triều đình cũng không ngừng suy nghĩ về việc làm thế nào để nhanh chóng dập lửa, tránh thảm họa mở rộng.

Cơ quan chữa cháy chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc

Dưới thời Hoàng đế Tống Nhân Tông Triệu Trinh (trị vì từ tháng 3/1022 – tháng 4/1063) nhà Bắc Tống, vua đã ban hành sắc lệnh tuyển chọn những quân sĩ tháo vát từ quân đội và thành lập “Quân tuần phố” – cơ quan chữa cháy chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc – ở đô thành Biện Lương, nay là thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam. Trong lịch sử, Khai Phong còn nhiều tên khác như là Đại Lương, Biện Châu, Đông Kinh, Biện Kinh...

Đội cứu hỏa này được đưa vào biên chế quân đội và được trang bị những phương tiện chữa cháy tiên tiến nhất thời bấy giờ. Bởi vì nhà Tống thực hiện chế độ quân nhân chuyên nghiệp, không phải là bắt buộc nghĩa vụ quân sự, cho nên đi lính là một loại nghề nghiệp, người dân tình nguyện nhập ngũ và được nhận lương khi nhập ngũ. Vì vậy, những người lính cứu hỏa chuyên nghiệp này cũng phải trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt mỗi ngày.

Vậy tại sao đội cứu hỏa chuyên nghiệp lại được thành lập vào thời Bắc Tống? Trên thực tế, điều này liên quan rất nhiều đến sự phát triển nhanh chóng của triều đại nhà Tống. Từ khi Tống Thái Tổ thống trị thiên hạ, kinh tế khởi sắc nhanh chóng, đời sống nhân dân có thể nói là vô cùng ấm no.

Là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước, kinh thành Biện Lương cũng có mật độ dân cư đông đúc với những ngôi nhà nối nhau san sát. Trong quá trình đô thị hóa, nhà ở và cửa hàng của người dân mọc lên dày đặc, những công trình kiến ​​trúc bằng gỗ đương nhiên cũng phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất – hỏa hoạn.

Vào thời nhà Đường, triều đình đã thành lập một tổ chuyên trách cứu hỏa, gọi là "Võ hậu phố". (Ảnh từ Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)
Khu chợ sầm uất thời cổ ở Trung Quốc. (Ảnh từ Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)

Trong tác phẩm “Mộng Lương Lục - Quyển 10 - Phòng ngung tuần cảnh”, nhà văn Ngô Tự Mục thời Nam Tống đã mô tả cảnh nhà cửa đông đúc ở Hàng Châu thịnh vượng như sau:

"Thành quách Lâm An rộng lớn, dân cư đông đúc, nhà cửa cao lớn, nhà nối nhà hiên nối hiên, không chừa một tấc, ngõ xóm tắc nghẽn, phố xá nhỏ hẹp, không thể chịu nổi, nguy cơ hỏa hoạn gần kề”.

Do đó, khi hỏa hoạn trở thành mối ưu lo, mọi người đương nhiên tha thiết có một đơn vị phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp.

Tác phẩm trên còn tiết lộ rằng, mật độ phân bổ lực lượng “Quân tuần phố” ở Hàng Châu thời Nam Tống cũng rất cao: "Quan phủ, phường, ngõ, cứ khoảng 200 bước lại thiết lập một Quân tuần phố, mỗi đơn vị có ba từ 3 đến 5 binh lính”.

Triều đình thậm chí còn thiết lập cơ quan hành chính phòng hỏa hoạn và đồn trú binh lính. Thời điểm đó, lực lượng này có tới 2.300 người. Có thể thấy, lúc này triều đình ngày một hoàn thiện hơn trong việc thiết lập cơ quan phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp.

Trong cuốn "Đông Kinh Mộng Hoa Lục - Quyển 3 - Phòng hỏa" có viết:

"Mỗi ngõ cách nhau ba trăm bước, có một chốt của Quân tuần phố, trong chốt có 5 người lính, tuần tra ban đêm và giải quyết việc chung. Còn có tháp ‘vọng hỏa’ xây bằng gạch, trên tháp có người quan sát. Bên dưới là phòng làm việc, đồn trú hơn 100 quân; còn có công cụ chữa cháy như xô lớn nhỏ, vòi phun nước, ma đáp (giống cây phất trần nhưng có cán cầm dài và phần sợi là sợi đay, sợi gai), rìu, cưa, thang, đinh ba, cái móc, v.v. Mỗi khi có hỏa hoạn, vị quan quân đứng đầu sẽ chỉ huy quân mã bộ, quân tam nha, và các lãnh quân của phủ Khai Phong đi múc nước dập lửa, không làm phiền đến bách tính”.

Điều này có nghĩa là: Nhiệm vụ chính của “Quân tuần phố” là tuần tra vào ban đêm, chống trộm cướp, tránh “tẩu thủy”, đốc thúc người dân tắt nến đúng giờ.

Vào thời đó, "lệnh cấm lửa ở đô thành rất nghiêm ngặt", cho dù là quan chức hay dân thường cũng phải tắt nến đúng giờ, không được vi phạm. Nếu muốn cúng tế cho người đã khuất vào ban đêm, bắt buộc phải báo cáo trước cho “Quân tuần phố” để tránh phạm pháp.

Ngoài những quy định nghiêm ngặt, “Quân tuần phố” còn xây “vọng hỏa lầu” (tháp quan sát hỏa hoạn) để tiện quan sát và kịp thời phát hiện cháy. Nếu có cháy, lập tức báo động để thông báo cho trưởng đồn. Lực lượng phòng cháy chữa cháy có thể ngay lập tức đến hiện trường để dập lửa, không cần kinh động đến người dân.

Vậy sau khi thành lập “Quân tuần phố”, việc dập lửa có thực sự nhanh hơn không?

Tương truyền, dưới thời trị vì của Hoàng đế Tống Nhân Tông, gia đình một vị quan tên là Địch Thanh – Phó sứ của Khu mật viện – đã tổ chức lễ tế rượu đêm để cúng quỷ thần. Khi binh lính trên vọng hỏa lầu thấy “ánh lửa đột nhiên phát ra” trong nhà họ Địch, họ lập tức đánh chuông báo động. Nào ngờ, khi lính cứu hỏa chạy tới Địch phủ mới phát hiện ra đó là một sự hiểu lầm. Có thể thấy, tốc độ phản ứng của hệ thống phòng cháy chữa cháy ở Khai Phong thời đó nhanh cỡ nào.

Miyakeku-hinomiyagura01nt3200.jpg
Ảnh minh họa về "vọng hỏa lầu". (663highland / Wikimedia Commons / CC BY 2.5)

Về các đội chữa cháy, họ sẽ phối hợp với nhau và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng trong quá trình cứu hỏa. Triều đình cũng thiết lập chế độ khen thưởng và trừng phạt rõ ràng để động viên binh lính. Những ai thất trách sẽ bị trừng phạt theo luật quân đội.

Thời đó, vọng hỏa lầu được xây dựng ở nhiều nơi và các binh lính luân phiên canh gác. Nếu phát hiện đám cháy vào ban ngày, các binh sĩ sẽ dùng cờ để chỉ hướng cháy, nếu xảy ra vào ban đêm thì dùng đèn lồng thay cho cờ. Nếu hỏa hoạn xảy ra trong hoàng cung, binh lính sẽ cùng lúc vẫy ba lá cờ; còn ở bên ngoài hoàng cung thì vẫy hai lá cờ; nếu điểm cháy ở bên ngoài thành, chỉ cần vẫy một lá cờ.

“Quân tuần phố” đã đóng vai trò tích cực trong việc phòng cháy chữa cháy và cứu chữa người bị nạn, đồng thời là tấm gương cho hậu thế noi theo và học hỏi. Thời nhà Minh, kinh đô không có cơ quan phòng cháy chuyên trách, chủ yếu do cấm vệ quân phụ trách. Đến thời nhà Thanh, đội cứu hỏa hoàng gia đã được thiết lập lại.

Tác giả: Thanh Thiển - Chỉnh Lý

Nam Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Người cổ đại cứu hỏa như thế nào? Đội PCCC chuyên nghiệp được thành lập từ lúc nào?