Quách Gia, mưu thần tâm phúc của Tào Tháo: Cơ mưu xuất chúng

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Quách Gia không phải nhà tiên tri, nhưng ông dự đoán thời cuộc chính xác vô cùng. Ông tính toán chuẩn xác, phân tích tính cách của Viên Thiệu, Tôn Sách, cho đến những sự việc phát sinh, đều có những kiến giải độc đáo. Tào Tháo đối với Quách Gia, là huệ nhãn thức nhân, dùng người không nghi hoặc. Quách gia đối với Tào Tháo, cũng là huệ nhãn thức chủ, cả hai tâm đầu ý hợp, tạo nên mối tương giao trượng nghĩa quân thần thời loạn thế.

Đánh giá Viên Thiệu: Nghiệp bá khó thành

Quách Gia (năm 170 - năm 207), khi hơn 20 tuổi, được Quách Đồ tiến cử cho Viên Thiệu

Sau khi Viên Thiệu thảo phạt Đổng Trác, dùng kế đoạt Ký Châu, liên tiếp đánh bại Công Tôn Toản, Khổng Dung, Trương Hi, chiếm được Ký Châu, Thanh Châu, Tinh châu, U Châu, có mười vạn quân, hùng bá Hà Bắc. Viên Thiệu lúc này danh tiếng cao ngất. Nhiều người cho rằng Viên Thiệu nhất định sẽ thống nhất thiên hạ, thành tựu bá nghiệp. Viên Thiệu nghiễm nhiên trở thành bá chủ trong mắt của nhiều người.

Tuy nhiên, sau khi gặp Viên Thiệu, Quách Gia nói với hai mưu thần của Viên Thiệu rằng: “Kẻ có trí tuệ, cần có khả năng nhận định người chủ mà mình phục vụ, như vậy mới có thể đưa ra sách lược thành công, từ đó mà kiến lập công danh”.

Ông nhận định Viên Thiệu rằng: “Đa đoan quả yếu, háo mưu vô quyết” (Tạm dịch: Suy xét rườm rà mà không có điểm trọng yếu, thích dùng mưu kế nhưng lại thiếu quyết đoán), trên bề mặt nghĩ ngợi nhiều cách, cũng muốn bắt chước Chu Công đối đãi hiền tài, nhưng không nắm được yếu lĩnh. Thoạt nhìn thì thấy lắm mưu nhiều kế, nhưng khi vào lúc then chốt thì lại không đưa ra quyết sách. Muốn cùng ông ta bình định thiên hạ, thành tựu bá nghiệp, thực là quá khó”.

Quách Gia phục vụ không lâu, liền ly khai Viên Thiệu.


Tranh vẽ Quách Gia thời nhà Thanh: Tam Quốc Diễn Nghĩa. (Miền công cộng).

Luận bàn “ Mười bại mười thắng”

Năm đầu Kiến An (năm 196), vị mưu thần Hí Chí Tài mà Tào Tháo hết sức trọng dụng đã sớm qua đời. Tào Tháo bèn viết thư cho mưu thần Tuân Úc, nhờ ông tiến cử một mưu sĩ. Từ khi Hí Chí Tài qua đời, Tào Tháo chưa tìm được ai có thể cùng ông hoạch định sách lược. Ông biết ở Nhữ Châu, Dĩnh Châu có rất nhiều kỳ nhân dị sĩ, do vậy mà bảo Tuân Úc tìm người thay thế Hí Chí Tài. Thế là Tuân Úc tiến cử Quách Gia cho Tào Tháo.

Tào Tháo gặp Quách Gia, hai người cùng đàm luận thiên hạ đại sự. Tào Tháo cao hứng nói: “Có thể giúp ta thành tựu đại nghiệp, nhất định là ông ấy”.

Quách Gia sau khi ra ngoài cửa cũng vui mừng mà rằng: “Thật đúng là chúa công của ta”.

Sau đó, Quách Gia nhậm chức Tư Không Quân Tế Tửu (một chức vụ cao phụ trách nghi lễ), trở thành mưu sĩ tâm phúc của Tào Tháo.

Năm Kiến An thứ 2 (năm 197), Tào Tháo nghênh đón Hiến Đế tới Hứa Đô, lấy danh nghĩa Hiến Đế cho Viên Thiệu làm Thái Úy, phong Nghiệp Hầu. Viên Thiệu thấy bị nhục khi ở dưới Tào Tháo, nên tức giận mắng Tào Tháo. Thế là Tào Tháo liền nhường tước vị Đại tướng cho Viên Thiệu đảm nhiệm. Viên Thiệu nắm Ký Châu, Thanh Châu, Tinh Châu, cai quản một vùng rộng lớn, đồng thời binh mạnh ngựa khỏe, chỉ cần hô một tiếng thì huy động cả chục vạn người.

Vào một năm, Tào Tháo muốn thảo phạt Viên Thiệu, nhưng lo thực lực chưa đủ, bèn hỏi Quách Gia kế sách.

Quách Gia lấy Lưu Bang và Hạng Vũ làm ví dụ, đại ý nói, Lưu Bang thực lực không địch được Hạng Vũ, nhưng chỉ dựa vào trí mưu mà thủ thắng. Hạng Vũ tuy mạnh, nhưng cuối cùng bị Lưu Bang ép vào đường cùng. Tiếp theo, Quách Gia đưa ra lập luận “Thập bại thập thắng”, chỉ ra mười chỗ bại của Viên Thiệu, mười điểm thắng của Tào Tháo. Quách Gia từ 01 phương diện “Đạo, Nghĩa, Trị, Độ, Mưu, Đức, Nhân, Minh, Văn, Võ”, phân tích ưu khuyết của hai người. So ra thì Tào Tháo toàn thắng.

Ví dụ, Viên Thiệu đối nội thường nghi kỵ, dùng người lại hoài nghi, do vậy trọng dụng nhiều con em thân thích. Tào Tháo đối ngoại khoan hòa, bình dị giản đơn, đối nội anh minh hào sảng, đồng thời dùng người không nghi hoặc, vô luận thân sơ xa gần, có tài là dùng. Trong mắt Quách Gia, khí độ của Viên Thiệu không thể bì Tào Tháo.

Tào Tháo đãi nhân thành thực, thực tâm thực lòng, không bị hư danh dẫn động, ban thưởng rộng rãi người có công lao, đối với kẻ sĩ có tài thì hết sức trọng dụng. Đây gọi là Tào Tháo “Đức thắng” Viên Thiệu.

Viên Thiệu tuy có mưu lược, nhưng lại thiếu năng lực quyết đoán và ứng biến, đại thần của ông ta vì tranh quyền đoạt lợi, đặt điều sinh sự, nội bộ lục đục liên miên, Viên Thiệu rất dễ bị sàm ngôn mê hoặc. Còn Tào Tháo thưởng phạt phân minh, ứng biến linh mẫn, hành động vô cùng mau lẹ, bất kể là mưu lược, năng lực ứng biến, hay là điều binh khiển tướng, ông đều xuất sắc.

Mười điều mà Quách Gia nêu đều là tinh túy của binh pháp cổ đại, đồng thời, mỗi điều đều rõ ràng lợi hại, như binh pháp Tôn Tử vậy. Nghe xong luận điểm vi diệu của Quách Gia, tín tâm của Tào Tháo càng thêm vững chắc.

Bày mưu diệt Lã Bố

Năm Kiến An thứ 3 (năm 198), Viên Thiệu thân chinh dẫn đại quân đánh Công Tôn Toản. Quách Gia kiến nghị Tào Tháo nhân cơ hội này trừ khử Lã Bố. Nếu như bây giờ không trừ Lã bố, sau này khi đối phó với Viên Thiệu, Lã Bố sẽ viện trợ Viên Thiệu mà công kích quân Tào, sẽ là họa hại lớn.

Tào Tháo nhanh chóng xuất quân, trải qua 3 chiến dịch, đánh bại Lã Bố. Lã Bố lùi dần, cố thủ thành trì, do vậy quân Tào rất vất vả, mệt mỏi. Tào Tháo thấy tình cảnh như vậy, định tính kéo quân về. Quách Gia kiên trì khuyên khuyên Tào Tháo thừa thắng truy kích, tiệt trừ Lã Bố: “Khi xưa Hạng Vũ đại chiến hơn 70 lần, chưa lần nào thất bại, tuy nhiên một khi thất thế, dẫn đến nước mất thân vong. Bây giờ, Lã Bố mỗi trận đều bại, khí suy lực tận, trong ngoài thất thủ. Uy lực của Lã Bố thua xa Hạng Vũ, trận vừa rồi đã bại thê thảm, nay ta thừa thắng truy kích, tất bắt được Lã Bố”.

Tào Tháo nghe theo, thừa thắng truy kích, bắt giết Lã Bố. Sau này Tào Tháo tấn công Viên Thiệu, bớt đi được một kình địch.

“Một ngày thả địch, trăm năm lo âu”

Trước khi Lã Bố bị giết, ông ta đã xuất quân đánh bại Lưu Bị. Lưu Bị chạy sang đầu quân cho Tào Tháo. Tào Tháo lấy lễ tương đãi, cho Lưu Bị làm Dự Châu Mục. Nhưng thuộc hạ Tào Tháo nhận định, Lưu Bị là kẻ có chí hướng anh hùng, nếu không sớm trừ, sau sẽ thành mối lo lớn. Tào Tháo hỏi ý kiến Quách Gia. Quách Gia cho là, Tào Tháo khởi binh trừ bạo an dân, thành tín chiêu mộ anh hào trong thiên hạ. Nay Lưu Bị là bậc anh hùng có danh phận, gặp đường cùng mới đến đây, nếu giết Lưu Bị, những hào kiệt chí sĩ trong thiên hạ cũng nhìn đó mà lùi bước. Sau này còn anh hùng nào dám cùng ông bình thiên hạ đây?

Tuy Quách Gia không chủ trương triệt Lưu Bị, nhưng ông biết rõ Lưu Bị là bậc hùng tài, được lòng người, lại có hai mãnh tướng là Quan vũ và Trương Phi, không thể ở dưới trướng Tào Tháo được. Cho nên ông nhắc Tào Tháo, “Nhất nhật túng địch, sổ thế chi hoạn” (Tạm dịch: một ngày thả địch, trăm năm lo âu), nhất định không thả Lưu Bị, cho ông ta một chức quan nhàn nhã là được. Khi đó, Tào Tháo phụng mệnh Thiên Tử hiệu triệu thiên hạ, vừa lúc chiêu nạp được anh hùng như Lưu Bị, làm thiên hạ thấy rõ sự tín nhiệm, cho nên lần này Tào Tháo không tiếp thu kiến nghị của Quách Gia.

Năm Kiến An thứ 4 (năm 199), Tào Tháo phái Lưu Bị xuất quân đánh Viên Thuật. Quách Gia cùng Trình Dục hai người tức tốc phi ngựa đến gặp Tào Tháo, khuyên tào Tháo không nên cho Lưu Bị đi, “Nhất nhật phóng tẩu Lưu Bị, nhật hậu biến cố hoành sinh”, (Tạm dịch: thả Lưu Bị một ngày, biến cố theo cả đời). Tuy nhiên, Lưu Bị đã xuất binh đi rồi, sau đó quả nhiên khởi binh phản Tào. Lúc này, Tào Tháo mới ân hận không nghe lời Quách Gia.

Một năm sau, năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Lưu Bị tấn công Từ Châu giết quan Thứ sử Xa Trụ, chiếm cứ Từ Châu. Tào Tháo biết Lưu Bị là một trang hào kiệt, không trừ khử đi thì sẽ thành mối lo lớn sau này, nên quyết định Đông chinh Lưu Bị, cũng để tránh sau này quyết chiến với Viên Thiệu thì không lo bị tập hậu. Chư tướng Tào doanh đều nói: “Kẻ tranh thiên hạ với chúa công là Viên Thiệu. Nay ta Đông chinh, nhỡ Viên Thiệu chớp thời cơ đánh lén phía sau thì sao?”

Tào Tháo hỏi sách lược Quách Gia. Quách Gia trả lời khẳng định: “Viên Thiệu tính chậm chễ lại đa nghi, đến cũng chẳng nhanh được. Lưu Bị vừa mới khởi nghĩa, chúng dân chưa thuận theo hết, đánh nhanh tất bại thôi. Cơ hội sinh tử tồn vong này, chớ có bỏ qua”.

Tào Tháo xuất binh đánh Lưu Bị, Viên Thiệu quả nhiên cũng không xuất quân đánh lén.

Dự đoán Tôn Sách chết

Năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Tào Tháo quyết chiến với Viên Thiệu ở Quan Độ, trận này quyết định ai là bá chủ phương Bắc. Nhưng lúc này truyền tới mật báo, rằng tiểu bá vương Tôn Sách chuẩn bị xuất binh vượt sông, tập kích quân Tào. Tướng sĩ Tào doanh đều lấy làm lo lắng.

Lúc này, Quách Gia nói thuyết một lúc, cải biến cục diện, lấy lại sĩ khí. Ông nói: “Tôn Sách vừa mới lấy Giang Đông, tru sát nhiều anh hùng hào kiệt, đắc tội với rất nhiều người, nhưng ông ta là người có thể làm quân sĩ quyết tử. Tuy vậy, Tôn Sách là kẻ liều lĩnh, không biết phòng bị, thường ra ngoài một mình, không mang theo sĩ tốt. Ông ta dù có trăm vạn binh tướng oai hùng, cũng có khác chi kẻ độc thân hành tẩu giữa Trung Nguyên. Nếu có thích khách mai phục, thì chống sao nổi. Theo tôi thấy, ông ta nhất định sẽ chết dưới tay của kẻ thất phu”.

Sau này quả nhiên Tôn Sách bị người ta ám sát mà chết.

Dự đoán hai con của Viên Thiệu

Năm Kiến An thứ 7 (năm 202), Viên Thiệu thua Tào Tháo ở Quan Độ, không lâu sau bị bệnh mà chết, để lại hai con trai là Viên Đàm và Viên Thượng. Bị Tào quân truy kích liên tục, gia tộc họ Viên liên tục bại trận.

Các tướng lĩnh của Tào Tháo muốn thừa thắng truy kích, triệt để đánh bại quân đội nhà họ Viên. Tuy nhiên, Quách Gia cho rằng, Viên Đàm và Viên Thượng nhất định vì tranh ngôi vị mà trở thành cừu địch. Ông nói: “Viên Thiệu rất yêu quý hai con của mình, chưa biết lập ai làm người kế vị. Bên cạnh họ lại có các mưu thần như Quách Đồ, Phùng Kỷ, nếu chúng ta cứ nhất định truy kích, anh em nhà họ nhất định sẽ liên thủ nhất trí mà đối kháng với ta. Khi thế sự bình hòa trở lại, nhất định sẽ phát sinh biến cố nội bộ. Chi bằng nay đánh xuống Lưu Biểu phía Nam, đợi thời cơ. Một khi anh em họ phát sinh biến loạn, ta cất quân là bình định được họ”.

Xem những lần can gián của Quách Gia, có thể thấy Tào Tháo cũng rất giỏi tiếp thu kiến nghị, dùng người không nghi hoặc. Sau đó Tào Tháo xuất binh Nam chinh, đánh Lưu Biểu. Quân Tào vừa tới Tây Bình thì được tin Viên Đàm, Viên Thượng vì tranh đoạt Ký Châu, huynh đệ tương tàn. Viên Đàm đánh không lại Viên Thượng, đành cầu hàng Tào Tháo, đồng thời xin cứu viện. Tào Tháo dẫn quân viện trợ Viên Đàm, dễ dàng bình định Ký Châu. Sau khi bình định Hà Bắc, Tào Tháo cùng các vùng Thanh Châu, Ký Châu, U Châu trao đổi lễ nghi danh sĩ, đây cũng là mưu lược của Quách Gia. Sau đó, Tào Tháo phong Quách Gia làm Vị Dương Đình Hầu.

Phân tích thế cục, khuyên Tào đánh Ô Hoàn

Năm Kiến An 12 (năm 207), Viên Thượng và Viên Hi chạy tới đất của người Ô Hoàn. Tào Tháo chuẩn bị chinh thảo Ô hoàn, nhưng thuộc hạ rất lo Lưu Bị thừa cơ tập kích. Quách Gia nói: “Chúa công uy chấn thiên hạ, người Hồ cho là cách ta quá xa, sẽ không phòng bị, nếu ta tập kích, nhất định thắng”.

Ông nhận định Lưu Biểu và Lưu Bị trên bề mặt nói là huynh đệ, Lưu Biểu biết rõ lực lượng của mình không thể khống chế được Lưu Bị, cho nên nhất định ông ta sẽ đề phòng Lưu Bị. Cho dù đưa hết quân Tào viễn chinh, cũng không cần phải lo lắng về Lưu Biểu.

tranh vẽ Lưu Biểu của một họa sĩ đời nhà Thanh
Tranh vẽ Lưu Biểu của một họa sĩ đời nhà Thanh. (Ảnh: Wikipedia)

Quả nhiên, sau khi Tào Tháo xuất binh viễn chinh, Lưu Bị khuyên Lưu Biểu nhân cơ hội này mà tập kích Hứa Đô (Hứa Xương) Dĩnh Xuyên quận, Lưu Biểu trong lòng nghi hoặc, không tiếp thu kiến nghị. Mãi tới khi Tào Tháo quay lại Trung Nguyên, Lưu Biểu mới hối hận đã không nghe lời Lưu Bị, bỏ lỡ cơ hội.

Tào Tháo xuất binh viễn chinh, tiến công Ô Hoàn. Do xe chở nặng nề, hành quân chậm chạp, Quách gia nói: “Phép dùng binh quý ở thần tốc”. Hành quân quá chậm, đại quân ầm ầm như vậy, sớm muộn sẽ bị Ô Hoàn phát hiện. Do vậy, ông kiến nghị Tào Tháo vứt bớt vật nặng không thiết yếu, lấy kỵ binh nhẹ tiến thẳng tấn công Ô Hoàn. Quân Ô Hoàn không có phòng bị, cuống cuồng ứng chiến, quả nhiên đại bại. Viên Thượng, Viên Hi chạy về Liêu Đông.

Tuy nhiên, trên đường chinh thảo lần này, Quách Gia anh hào yểu mệnh đã qua đời. Quách Gia theo Tào Tháo 11 năm, “tính toán như Phạm Lãi, quyết sách tựa Trần Bình”, phò tá Tào Tháo thành tựu bá nghiệp, lập nhiều đại công. Tiếc rằng, tuổi trẻ anh hùng nhưng mệnh đoản, Trung Nguyên cũng mất một nhân tài, Tào Tháo dùng ba câu thán: “Ai tai, thống tai, tích tai” (Tạm dịch: Ôi buồn thay! đau thay! tiếc thay!), để tỏ lòng thương tiếc Quách Gia. Tào Tháo sau khi bại trận Xích Bích, than rằng: “Nếu còn Quách Gia, nhất định ta không bị tới bước này!”.

Quách Gia có trí tuệ nhìn ra minh chủ, cùng Tào Tháo bàn soạn sách lược mưu đại sự, ông liệu việc chuẩn xác, tận tâm phò tá Tào Tháo. Tào Tháo có trí tuệ dùng người, hai vị trong thời loạn thế gió mưa vần vũ mà làm lên một câu chuyện quân thần trượng nghĩa.

Thái Bình
Theo Hồng Hi - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Quách Gia, mưu thần tâm phúc của Tào Tháo: Cơ mưu xuất chúng